Chuyên mục
Tết tây - Tết ta - Tết đầu tiên ở nước Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Tết tây - Tết ta - Tết đầu tiên ở nước Nga

Thứ sáu 25/01/2019 13:17 GMT + 7
Mấy mươi năm trước đây, trong những tháng ngày được Nhà nước Việt Nam gửi đi học tập ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ), việc gặp gỡ những người đồng hương nơi xa xứ (земляки, có xuất xứ gốc từ tiếng Nga земля - đất nước) là một niềm phấn khởi với các cô cậu sinh viên mới, nhất là vào những ngày đầu còn bỡ ngỡ ngơ ngác, “chân ướt chân ráo” ra nước ngoài mà đã nhận được sự giúp đỡ tận tình. 

Mấy mươi năm trước đây, trong những tháng ngày được Nhà nước Việt Nam gửi đi học tập ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ), việc gặp gỡ những người đồng hương nơi xa xứ (земляки, có xuất xứ gốc từ tiếng Nga земля - đất nước) là một niềm phấn khởi với các cô cậu sinh viên mới, nhất là vào những ngày đầu còn bỡ ngỡ ngơ ngác, “chân ướt chân ráo” ra nước ngoài mà đã nhận được sự giúp đỡ tận tình. Thời đó, các phương tiện truyền thông hiện đại như điện thoại di động hay Internet chưa bùng nổ như bây giờ. Việc biết được thông tin quê nhà hay người thân chủ yếu dựa vào những lá thư viết tay hiếm hoi của gia đình gửi qua đường bưu điện lâu hàng tháng trời, hoặc những câu chuyện kể ngắn ngủi của người mới ở bên nước sang. Vào những dịp cuối năm, không phải ai cũng có điều kiện và cơ hội trở về quê hương đón xuân. Những người ở lại sẽ được “ăn” hai cái Tết rất gần nhau trên miền đất mới lạ: Tết Dương lịch của người phương Tây và Tết Âm lịch của người phương Đông. Và có lẽ những cái ban đầu bao giờ cũng là những điều đáng nhớ nhất: với riêng tôi, hai cái Tết (Tây & Ta) trong năm thứ nhất của đời sinh viên trên đất Nga đã để lại hoài niệm trong ký ức đậm sâu, với hình ảnh nồng ấm và tấm lòng gắn bó của những người con nước Việt nơi xa.

Ngày 11/8/1987, chúng tôi lên chuyến bay của hãng hàng không Xô-viết Aeroflot bay từ Hà Nội sang Mạc Tư Khoa. Đoàn gồm chủ yếu những sinh viên tương lai của các trường đại học nằm ở hai thành phố lớn nhất Liên bang Xô-viết là thủ đô Moskva và “cố đô phương Bắc” Leningrad. Đây gần như là chuyến bay cuối cùng của đợt đưa lưu học sinh Việt Nam sang Liên Xô học trong năm nay. Những bạn học ở các thành phố xa xôi hơn thuộc các nước cộng hòa trong Liên bang như Kazan, Novosibirsk (Nga), Minsk (Belorussia), Kharkov, Odessa, Kiev (Ukraina), Vilnius (Litva)…thì đã lần lượt bay từ đầu tháng. Đối với nhiều bạn lưu học sinh, cũng như tôi, đây là lần đầu tiên được bước chân lên máy bay và đi xa như vậy. Hồi đó chưa có đường bay thẳng giữa thủ đô hai nước Việt Nam và Liên Xô. Với lộ trình zig-zag quá cảnh qua 3 nơi: Calcutta (Ấn Độ), Karachi (Pakistan), Tashkent (Uzbekistan), sau gần 17 tiếng gà gật cả trên trời và dưới đất kể từ khi cất cánh khỏi sân bay Nội Bài, chúng tôi đã đặt chân xuống sân bay Sheremetyevo-2 vào một sáng thu lành lạnh ẩm ướt của đất trời Mạc Tư Khoa.


Ký túc xá của trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V.Lomonosov (Московский государственный университет имени М.В.Ломоносова - МГУ) luôn là nơi dừng chân đáng nhớ của nhiều thế hệ lưu học sinh sang Liên Xô thời đó. Lần đầu tiên chúng tôi được thưởng thức đồ ăn Nga, chui vào vườn vặt táo, đi thang cuốn (эскалатор) lên xuống tàu điện ngầm (метро). Mọi thứ đều rất lạ lẫm, háo hức. Sau 3 ngày ở đây, các bạn lưu học sinh sẽ theo học ở những trường tại Moskva đã lần lượt được đại diện các trường đón về trước. Tối hôm đó, những người còn lại lễ mễ xách va-li ra ga Ленинградский вокзал để lên tàu hỏa ngược phương bắc về Leningrad. Dằn trong túi mỗi bạn là số tiền tiêu vặt là 3 ruble (1 ruble = 100 kopeek) được các chú đại diện sứ quán Việt Nam phát cho trước lúc lên đường. Lần đầu tiên được cầm đồng tiền nước ngoài, đa phần chúng tôi cảm thấy rất thích thú. Để so sánh, phải nói rõ thêm là vé vào cửa tàu điện ngầm khi đó chỉ có 5 kopeek; và bạn có thể rong chơi cả ngày suốt hệ thống tàu điện ngầm Moskva tuyệt đẹp nổi tiếng thế giới, với hàng trăm ga tàu như cung điện ngầm dưới lòng đất.


Chuyến tàu đêm chạy mải miết tới nhà ga mang tên Moskva (Московский вокзал) ở Leningrad tầm 6h sáng. Tôi và hai bạn đồng khóa: Quang Trung (Trung “sinh”, người Hà Nội), Duy Kỳ (Kỳ “con”, quê Nghệ An) được trường Đường sắt Leningrad (nơi chúng tôi sẽ theo học) cử một sinh viên năm trên tên là Ni-cô-lai (Николай, mắt xanh, tóc hung, có ria mép - đúng chuẩn người Nga), cùng một xe ô tô 7 chỗ có lái xe ra đón. Chiếc xe chạy một mạch về phía nam ra ngoại ô, ngày càng xa trung tâm thành phố. Những hàng bạch dương thẳng tắp, khung cảnh đồng quê Nga tươi đẹp lần lượt hiện ra hai bên đường trong tầm mắt, nhưng trong lòng chúng tôi lại có một chút lo lắng: chẳng nhẽ nơi mình sẽ ở trong 5 năm học không phải là thành phố lớn, phải đi học xa như thế này sao ?! Về sau mới biết, đây là ký túc xá mới nhất của trường Đường sắt, nằm ở thành phố ngoại ô Pushkin (Пушкин) cách trung tâm Leningrad 23 cây số, mới được xây dựng mấy năm và ưu tiên dành cho những nghiên cứu sinh và sinh viên nước ngoài của trường (gồm đủ cả 5 châu: Á, Âu, Phi, Mỹ, Đại Dương). Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in địa chỉ nơi đây: Ленингра́дская о́бласть, город Пушкин -8, улица Коминтерна, дом 73, общежитие No 8 ЛИИЖТ-a (tỉnh Lê-nin-grát, thành phố Pu-sơ-kin, phố Quốc tế Cộng sản, nhà 73, ký túc xá số 8 trường Đường sắt), những dòng chữ tiếng Nga đã được viết biết bao lần trên những lá thư đi - thư đến của mình, của người thân và bạn bè trong thời sinh viên. Trải qua bao năm tháng “vật đổi sao dời”, cùng với sự biến thiên của lịch sử, giờ đây Pushkin đã trở thành một quận của thành phố Saint Petersburg, tên phố đã thay đổi (nay là улица Оранжерейная), nhưng những tòa nhà màu trắng đỏ nơi chúng tôi ở năm xưa vẫn sừng sững đứng vững cùng thời gian, giữa những hàng cây cao vút và thảm cỏ xanh thắm tựa như một công viên.


Buổi sáng hôm sau, trong lúc hai cậu bạn trong phòng còn ngủ, tôi dậy sớm đi ra ngoài khu bếp cùng nằm ở tầng 2 ngó nghiêng cảnh vật. Đang đứng vẩn vơ ngoài hành lang thì thấy bà phụ trách ký túc xá (người Nga gọi là комендант) người to béo, tóc bạch kim với dáng vẻ vội vã chạy tới gọi tôi “Мальчик, мальчик ! - Cậu bé, cậu bé !” (hồi đó các bà người Nga ở đây thường gọi tụi sinh viên như vậy). Đi cùng bà là một người châu Á trung niên dáng vẻ gầy và nhỏ. Tôi chưa kịp chào thì người đó đã cất tiếng hỏi: “Có phải các cháu mới từ Việt Nam sang không ?”. Hơi ngỡ ngàng, nhưng tôi vẫn vội đáp: “Vâng, chúng cháu đến đây hôm qua !”. Chú tự giới thiệu họ tên là Hồ Chất, người Hà Nội, cán bộ Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải, sang trường Đường sắt Leningrad bảo vệ luận án tiến sĩ, ở tòa nhà số 1 (Корпус No1) dành cho nghiên cứu sinh, thực tập sinh của ký túc xá này (chúng tôi ở toà nhà số 2 dành cho sinh viên); và biết năm nay trường có thêm sinh viên mới đến từ Việt Nam nên chủ động đi tìm gặp. Thấy hai người chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ, bà комендант rút lui sau khi nhận được lời cảm ơn chân thành: “Спасибо Вам !”. Chú lại hỏi thêm: “Thế còn các bạn khác đâu ?”. Tôi đưa chú Chất vào phòng ở và đánh thức Trung, Kỳ dậy để làm quen với chú. Thật sự chúng tôi vui mừng khôn xiết và rất cảm động vì sự nhiệt tình của chú Chất vào những ngày đầu tiên “lạ nước lạ cái” xa nhà ở thành phố Pushkin. Trong những ngày sau đó, chú đưa bọn tôi đi ra phố, giới thiệu phong cảnh công viên và cung điện Yekaterina nổi tiếng, những địa danh ghi dấu tích của nhà thơ Nga vĩ đại Aleksandr Sergeyevich Pushkin đã từng học tập và sống ở đây (trường Lyceum Hoàng gia, tượng Pushkin), dẫn vào cửa hàng bách hóa “Детский Мир” (Thế giới trẻ em) nằm cạnh rạp chiếu bóng trung tâm thành phố mang tên “Руслан” (Ruslan, người anh hùng trong truyện thơ của đại thi hào A.S.Pushkin), chỉ cho tỉ mỉ cách mua những đồ nhu yếu phẩm như bút sách, bàn chải đánh răng… Ngày đó (năm 1987), ở thành phố ngoại ô xinh đẹp này chỉ có vài người Việt Nam, quen biết hết lẫn nhau. Chú đưa chúng tôi tới trường đại học Nông nghiệp Leningrad (khuôn viên chính nằm ở Pushkin luôn) làm quen với một người đồng hương khác đang làm thực tập sinh tại trường: anh Trần Phú Lộc, người Cần Thơ, giảng viên bộ môn Thú y, khoa Nông nghiệp trường đại học Cần Thơ. Ngược lại với phong thái của chú Chất, anh Lộc có dáng người cao to bệ vệ, giọng nói rổn rảng theo kiểu người miền Tây Nam Bộ. Ba đứa sinh viên chúng tôi là những người Việt hiếm hoi mới đến Pushkin, có thể nói là vui như “cá gặp nước”. Niềm vui đó cũng là niềm vui chung của những người xa nhà như chú Chất, anh Lộc, khi thấy những đồng hương hội tụ nơi đây. Rất đáng tiếc, thời gian ở cùng chú Chất không kéo dài lâu: hơn 1 tháng sau, chú đã bảo vệ xong luận án và lên tàu xuống Moskva để bay về nước. Anh Lộc, chúng tôi và mấy người bạn ở trường cùng đơn vị là đại học Xây dựng Leningrad (ЛИСИ) ra tiễn chú ở sân ga Московский вокзал mà lòng đượm một nỗi buồn khôn tả.


Sau ngày khai giảng (День Знаний - 1/9/1987) mấy tháng, mùa đông đầu tiên trên đất Nga đã đến. Những bông tuyết đầu mùa đã phủ trắng thành Len đúng vào đêm pháo hoa kỷ niệm tròn 70 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại (7/11/1987). Phố phường Leningrad bắt đầu tưng bừng sắc màu đèn hoa đón chào mùa Giáng sinh và năm mới 1988. Hội chợ Giáng sinh của thành phố được mở trong khu vườn mang tên nữ hoàng Yekaterina (Екатерининский сад), nơi có bức tượng đồng uy nghiêm của bà với các quần thần tọa lạc trên đại lộ nổi tiếng Nevsky (Невский проспект) ở trung tâm thành phố. Một chiều tối giá lạnh giữa tháng 12, sau khi kết thúc giờ học ở trường, tôi nhảy lên chuyến tàu điện đi từ quảng trường Hòa Bình (площадь Мира, nay đã đổi tên thành Сенная площадь) tới cửa hàng bách hóa cổ và lớn nhất thành phố (Гостиный Двор) để “ngấm” không khí Noel ở nơi đây. Một cây thông xanh cao vút được mang từ cánh rừng ngoại ô về, trên cây treo đầy những quả bóng thủy tinh trang trí phủ nhũ sặc sỡ, những dây điện với các bóng đèn nhấp nháy đủ sắc màu, những mẫu hình xinh xắn của ông già Tuyết (Дед Мороз) và nàng công chúa Tuyết (Снегурочка). Những quầy hàng nhỏ nhắn (лавка) nối nhau san sát, mặt hàng bày bán là những đồ lưu niệm nhẹ nhàng, thiệp Giáng sinh, dây kim tuyến xanh - vàng - trắng - đỏ. Bên cạnh đó là các loại bánh kẹo, những đồ ẩm thực thuần Nga: bánh rán nhân thịt (пирожки), bánh nướng vòng (пышки), đồ uống cà phê (кофейный напиток) nóng hổi…cũng rất cuốn hút người đi chơi hội chợ để bụng dạ thêm ấm áp đêm đông. Riêng tôi, cậu sinh viên người Việt bé nhỏ lần đầu tiên trong đời được nhấm nháp một cục kẹo cao su hương chanh (апельсиновая резинка) mang thương hiệu một nhà máy của thành phố Leningrad với mẫu mã rất đẹp, hương vị ngọt ngào mà nhớ mãi từ ngày đó đến tận bây giờ.

Sau buổi họp đầu tiên của các lưu học sinh mới sang toàn thành phố Lê-nin-grát tại hội trường của Học viện Lâm nghiệp (mà chúng tôi quen gọi tắt là trường Rừng), nằm ở phố Novorossiyskaya, gần bến tàu điện ngầm “Quảng trường Dũng cảm” (Новороссийская улица, метро Площадь Мужества) do Ban quản lý lưu học sinh thành phố triệu tập, tôi gặp lại Lê Anh Tuấn, người đồng hương Phú Thọ, cậu bạn thân từ hồi học tiếng Nga lớp LNA3 ở đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân. Gần cuối tháng 12/1987, tôi lại đến “ốp” 5 trường Rừng của Tuấn để “đánh giậm” bữa cơm sinh viên. Tuấn cho biết còn mấy người bạn cùng sang Nga và lên Len đợt này (Long Vân lớp LNA5, Phường lớp LNA2) đang học tại trường Kỹ sư Kinh tế Lê-nin-grát (Ленинградский инженерно-экономический институт). Và tôi lóe lên ý tưởng trong đầu là sẽ đến chơi chỗ các bạn ấy vào dịp đón năm mới sắp tới, vì kỳ nghỉ Tết này của sinh viên sẽ nối tiếp bởi thời gian ôn thi học kỳ I, nên tất cả sinh viên Tây-Ta-Nga-Tàu ở các trường sẽ có cơ hội được “bù khú” lâu hơn.


Đúng một ngày cuối năm Dương lịch tuyết rơi trắng xóa đất trời, tôi đi chuyến tàu điện ngoại ô (người Nga gọi là электричка) từ nơi ở Pushkin vào ga Витебский вокзал, tìm đường đến thăm hai bạn Vân - Phường. Ký túc xá của trường Kỹ sư Kinh tế nằm ở cạnh đại lộ Novo-Izmailovskyi (Новоизмайловский проспект), trong khu Làng Sinh viên (Студенческий городок) của rất nhiều trường đại học, bao gồm các tòa nhà 5 tầng màu xám, giữa hai bến tàu điện ngầm là “Электросила - Điện lực “ và “Парк Победы - Công viên Chiến thắng”. Từ ga mê-trô “Электросила” tới đây đi hết 4 bến xe điện bánh hơi số 17 (троллейбус). Khi tôi gõ cửa phòng Long Vân, cậu ta rõ ràng hết sức ngạc nhiên và sửng sốt khi thấy tôi xuất hiện, không hiểu bằng cách nào và trong thời tiết giá lạnh như thế này mà tôi lại “mò” tới tận đây được. Trường của Vân có rất đông sinh viên người Việt từ năm thứ nhất tới năm thứ năm, nên tối hôm đó một bữa tiệc được tổ chức rất rôm rả để đón Tết Tây: một bàn dài trong phòng ở với các đồ ăn đậm chất Nga như thịt nướng (шашлык), súp củ cải đỏ (борщ) bánh mì đen (чёрный хлеб)... Và tất nhiên là không thể thiếu những món đồ uống truyền thống: rượu vốt-ka (водка) và sâm-banh (шампаньское). Phút giao thừa, sau khi nút sâm-banh được bật nổ, mọi người cùng đứng lên chạm cốc lanh canh với nhau và hô to bằng cả hai thứ tiếng Nga và Việt: “С Новым Годом - Chúc mừng năm mới !”. Ngoài hành lang, những ống pháo hoa nhỏ chứa những mảnh giấy nhỏ li ti đầy sắc màu được những cô cậu sinh viên nghịch ngợm phụt ra, dính hết vào tóc tai của những người qua lại. Tôi còn nhớ mãi một hình ảnh rất ấn tượng vào dịp đó: một cô gái Nga (chắc đã uống đôi chút ở đâu đó cùng mấy người bạn) đi ngang qua, ghé vào căn phòng nơi chúng tôi đang ngồi tụ tập để chung vui, rất hồn nhiên đặt một nụ hôn lên má của anh Cường (học năm thứ 2, đơn vị trưởng) với lời bùa chú trong những dịp vui như thế này: “С Новым Год-о-о-о-м !”. Tất cả mọi người đều vỗ tay rầm rĩ khích lệ, cười đùa vui vẻ. Cuộc vui trong “ốp” còn kéo dài suốt đêm cho tới sáng, khi buổi dạ hội khiêu vũ mừng năm mới (Новогодняя дискотека) của các sinh viên đủ các lứa tuổi, quốc tịch, màu da mới được bắt đầu…

Sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, lũ sinh viên chúng tôi bước vào kỳ thi học kỳ I (từ 4-5 môn, mỗi môn kéo dài 3-4 ngày kể cả thời gian ôn và trả thi). Kết thúc kỳ thi là đến đợt nghỉ đông (зимние каникулы) dài khoảng 1 tuần. Nhà trường tổ chức cho các sinh viên nước ngoài xuống tham quan thủ đô Moskva để thêm hiểu biết về đất nước và con người nơi đây. Lần đầu tiên trong đời, tôi được bước chân vào viếng lãnh tụ Lê-nin nằm trong lăng trên Quảng trường Đỏ; đi thăm một địa danh nằm trên “Vòng cung Vàng” (Золотое кольцо) lừng lẫy của nước Nga: thành phố Zagorsk (Загорск, nay đã đổi tên thành Се́ргиев Поса́д) với những thành quách, nhà thờ, cung điện lộng lẫy đậm chất Nga hiện lên trên nền tuyết trắng tinh khôi như trong truyện cổ tích. Dịp này tôi cũng tranh thủ dành thời gian đi thăm bạn bè, người quen ở một số nơi ngoại ô thành Moskva: thành phố Калинин (nay là Тверь) phía bắc, thành phố Тула ở phía nam. Tới bất kỳ thành phố nào, tôi cũng ghé kiosk mua 1 tập bưu ảnh của thành phố đã đặt chân đến và ghi lại ngày đầu tiên ở nơi đây. Những khi đi thẩn thơ một mình trên đất Nga trong mùa tuyết trắng, cảm giác nao nao phần nào tựa như cảnh và người trong bài hát “Chiều ngoại ô Moskva - Подмосковные вечера”…


Kết thúc kỳ nghỉ đông, chúng tôi trở lại Pushkin vào dịp Tết Âm lịch cận kề. Vì trường có ít người nên mấy anh em tản mát đi chơi mỗi nơi mỗi ngả. Tối hôm giao thừa, tôi sang ký túc xá trường Nông nghiệp thăm anh Lộc, và được anh mời ở lại ăn cái Tết đầu tiên xa nhà. Vui sao, hôm đó lại có một nhóm các chị người quen của chú Chất, anh Lộc thuộc diện hợp tác lao động từ Đà Nẵng sang, ở “ốp” Xmôn-nưi (Смольный) ngoài Leningrad vào chơi. Trong nhóm có chị Thủy rất xinh xắn và chị Vân tính tình thân thiện vui vẻ. Anh Lộc đã ở đây được hơn 1 năm, được trường cho ở riêng một mình một phòng và có đầy đủ dụng cụ nấu ăn nên chúng tôi tự chế biến các món ăn Việt từ thực phẩm Nga: nấu cơm, xào thịt bò, canh bắp cải... Mọi người quây quần quanh chiếc bàn gấp (loại bàn nhỏ khung nhôm có mặt làm từ nhựa tổng hợp trang trí vân giả gỗ màu nâu, 2 chân như cái càng gập ra gập vào được, rất tiện dụng), cùng thưởng thức đồ ăn và nói chuyện râm ran về những kỷ niệm đón Tết nơi quê nhà. Vào những năm đó, chênh lệch múi giờ ở Việt Nam là sớm 4 tiếng so với múi giờ ở Leningrad; thời điểm này ở quê hương mọi người đang hân hoan đón giao thừa. Ở đây không có tiếng pháo nổ, không có bánh chưng xanh, nhưng không khí trong phòng vẫn cảm thấy ấm cúng cùng ánh sáng điện và tình người. Những con người đến từ ba miền Bắc - Trung - Nam của đất nước (Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ), với những ngành nghề khác nhau (nghiên cứu sinh, sinh viên, hợp tác lao động), lứa tuổi khác nhau; tuy phải xa nhà và người thân nhưng đều tình cờ gặp gỡ trên đất Nga trong thời khắc thật đáng nhớ. Phía ngoài ô cửa sổ, những bông hoa tuyết trắng muôn hình vạn trạng mang theo cái giá rét dịu êm của mùa đông nước Nga vẫn không ngừng lả tả rơi rơi…

Hơn 30 năm đã qua, những đồng hương Việt Nam cùng nhau đón cái Tết Tây - Tết Ta năm 1988 (Mậu Thìn) ở Lê-nin-grát & Pu-sơ-kin ngày đó đã hoàn thành việc học tập, lao động và trở về đất nước. Có những người tôi đã được gặp lại trên đất Việt (bạn Vân, bạn Phường), nhưng cũng có những người tôi chẳng biết đến khi nào mới có cơ duyên tái ngộ trong cuộc đời (chị Thủy, chị Vân). Chú Chất, người Việt đầu tiên tận tình chỉ bảo dẫn dắt 3 đứa sinh viên chúng tôi những ngày đầu bỡ ngỡ trên xứ người, đã mất sớm sau khi mới nghỉ hưu vào năm 1998. Anh Lộc, người miền Nam phóng khoáng tốt bụng sau khi về nước giảng dạy cũng bị mắc một cơn tai biến, phải nghỉ mất sức ở nhà. Tôi đã đến thăm nhà anh hai lần ở đường Phan Đình Phùng, thành phố Cần Thơ; và may mắn thay, dù đi lại còn rất khó nhọc nhưng tâm trí anh vẫn đủ minh mẫn để còn nhận ra đứa em đã từng gặp ở bên Nga ngày nào.

Mong rằng câu chuyện hồi ức nặng lòng này như một nén hương thơm xúc động gửi tới chú Chất đang thanh thản yên nghỉ nơi vĩnh hằng; và cũng là lời cầu chúc cho anh Lộc được phục hồi sức khỏe như những ngày bên xứ lạnh năm xưa ! Vì sự ấm áp nghĩa tình của những con người gặp nhau vào những thời điểm đáng nhớ luôn luôn là điều đáng trân trọng nhất trong cuộc đời.

Tác giả những năm còn là sinh viên 

Để kết lại những kỷ niệm đã qua, xin ghi lại ở đây những dòng thơ tôi viết tặng chú Hồ Chất trước khi chú rời xa chúng tôi và Lê-nin-grát để về nước, bài thơ cảm hứng đầu tiên của tôi trên đất Nga:

“Chưa kịp đón một ngày đủ nắng Hè

Chợt thấy lá vàng rơi: Thu đến sớm

Những chuỗi ngày Đông ảm đạm, lê thê

Lại nhường bước trước mùa Xuân mơn mởn.

* * *

Thiên nhiên nước Nga quyến rũ lòng ta

Dễ bâng khuâng trước một nhành lá nhỏ.

Nhớ về Việt Nam, Tổ quốc phương xa

Gửi những đứa con, đất Nga ấp ủ.

* * *

Bước chân tới thành Lê-nin-grát

Ta gặp gỡ Người, rất đỗi thân quen.

Nay đã phải xa tình Người bát ngát

Lòng những vơi đầy kỷ niệm khó quên.

* * *

Ôi đất nước Nga, thành phố Lê-nin

Ta mến yêu Người, mến yêu mãi mãi !

Dù có cách xa vẫn trọn niềm tin:

Thành phố thân thương, hẹn ngày gặp lại !”

(Pushkin - Leningrad, tháng 10/1987)


Nguyễn Nam Chinh
Nguồn: ngaynay.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.