Chuyên mục
Sau đối thoại an ninh, Nga ngầm gửi cảnh báo tới Mỹ

Sau đối thoại an ninh, Nga ngầm gửi cảnh báo tới Mỹ

Thứ ba 18/01/2022 13:00 GMT + 7

Nếu phương Tây tiếp tục làm ngơ với các đề xuất an minh của Nga, Moskva có thể triển khai những bước đi cứng rắn - giới chức Nga ngầm cảnh báo.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) tại cuộc gặp với đồng cấp người Nga Vladimir Putin ở Geneva, tháng 6/2021. Ảnh: NYT

 

Các vòng đàm phán ngoại giao con thoi trong tuần trước giữa Nga với Mỹ và phương Tây nhằm hạ nhiệt khủng hoảng an ninh ở Đông Âu dường như không mang lại kết quả như mong đợi.

Tuy nhiên, khi còn chưa rõ tình hình trong vài tháng tới diễn biến theo chiều hướng nào, Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ngày một lo lắng về một loạt lựa chọn mà Tổng thống Vladimir Putin có thể áp dụng. Đó là những bước đi cứng rắn hơn nhiều.

Bên lề cuộc đối thoại tại Bỉ tuần trước, giới cố vấn và trợ lý Nga ngầm cho biết một khi phương Tây tiếp tục phớt lờ yêu cầu của Moskva rằng NATO cần ngừng việc mở rộng biên giới về phía Đông, Nga có thể sẽ chuyển hướng sang các lợi ích an ninh mà hệ quả là cả Mỹ và châu Âu sẽ phải gánh chịu tổn thất lớn.

Chưa tuyên bố công khai, song xuất hiện những hàm ý về khả năng vũ khí hạt nhân sẽ được Nga điều động đến nhiều hơi, có thể không quá xa bờ biển nước Mỹ, tiềm ẩn nguy cơ leo thang căng thẳng tương tự vụ khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Tổng thống Putin từng nhiều lần giải thích về cách tiếp cận đột biến kiểu như trên khi ông liên tục lặp lại quan điểm nếu phương Tây vượt khỏi “giới hạn đỏ”, đe dọa an ninh đối với Nga, Moskva sẽ thực thi đòn đáp trả không ngờ. Phát biểu hồi tháng 4/2021, Tổng thống Putin từng nêu rõ: “Phản ứng của Nga sẽ mang tính hệ thống, nhanh và mạnh mẽ”, ám chỉ các động thái quân sự phi quy ước mà Nga có thể tiến hành nếu đối thủ đe dọa lợi ích an ninh cơ bản của Moskva.

Khủng hoảng hiện tại gắn liền với bối cảnh Điện Kremlin công bố một loạt yêu cầu, đề nghị bảo đảm an ninh. Đó là việc NATO không kết nạp Ukraine, không mở rộng sang các nước Đông Âu. Moskva cũng yêu cầu Mỹ rút toàn bộ vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu, dừng hoạt động triển khai đồn trú quân sự luân phiên tại các nước từng nằm trong khối Hiệp ước Warsaw nhưng giờ đã là thành viên của NATO.

 


Quân đội Nga điều hệ thống tên lửa chống hạm từ căn cứ quân sự Trefoil, ở Bắc Cực.

Ảnh: NYT


Đáp lại, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính và công nghệ hà khắc một khi Nga can dự quân sự ở Ukraine. Giới chức Mỹ cũng khẳng định đến thời điểm này chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ đưa vũ khí hạt nhân áp sát bờ biển Mỹ hoặc sử dụng các cuộc tấn công bất đối xứng, như tấn công mạng, đánh sập hệ thống truyền tải điện của Mỹ và đồng minh.

Giới chức Nga khẳng định không có kế hoạch can dự quân sự tại Ukraine, tuyên bố cáo buộc của Mỹ và NATO là không có căn cứ và bị thổi phồng. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Nga cho biết Moskva sẵn sàng điều chuyển một số hệ thống vũ khí "đến một số địa điểm nào đó". Kết hợp với những đánh giá của tình báo Mỹ, đó có thể là việc Nga xem xét triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật mới, hoặc là loại tên lửa hạt nhân siêu vượt âm đầy sức mạnh.

Tháng 11 vừa qua, Tổng thống Putin để ngỏ khả năng Nga triển khai tên lửa siêu vượt âm đặt trên tàu ngầm ở khoảng cách đủ gần để tấn công Washington. Ông cũng lặp lại tuyên bố cho rằng việc NATO mở rộng sang phía Đông là nguy cơ “không thể chấp nhận được” với Nga”, vì từ đây Moskva có thể phải hứng đòn tấn công hạt nhân mà quãng thời gian cảnh báo chỉ là vài phút. Nga vì thế sẽ phải có bước đi đối phó tương ứng.

Theo hãng thông tấn Tass, giới chức Nga tuyên bố NATO hiểu rất rõ “biện pháp quân sự mang tính kỹ thuật” mà Nga có thể áp dụng khi đề xuất bảo đảm an ninh không được đáp ứng. Trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Kommersant (Thương nhân) ngày 16/1, Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko nói rằng Moskva không đe dọa ai, mà chỉ phát đi cảnh báo. Theo ông, quan điểm của Moskva là rất rõ ràng và dễ đoán định. Nga đã đưa ra đề xuất cụ thể và đang chờ phản ứng thiện chí từ Mỹ và NATO. Nga không hề giấu thực lực và đang hành xử rất minh bạch. Mọi biện pháp cụ thể sẽ được Nga tính toán dựa trên mối đe dọa tiềm tàng, làm phương hại tới lợi ích của Nga. Thứ trưởng Grushko cho biết Điện Kremlin sẽ chỉ cân nhắc khả năng tiếp tục đối thoại an ninh với Mỹ và NATO nếu nhận được câu trả lời bằng văn bản đối với đề xuất mà Nga đưa ra.

Không ai, kể cả giới chức ngoại giao Nga, biết chính xác ý định và bước đi tiếp theo của Điện Kremlin. “Nga sẽ tính đến tất cả các đòn đáp trả tiềm năng”, Tổng thống Putin trả lời phỏng vấn khi được hỏi về lựa chọn “quân sự mang tính kỹ thuật” hồi tháng 12/2021. Đến thời điểm này, chỉ mới khẳng định được một thực tế: Nga chưa khẳng định, nhưng cũng không loại trừ một giải pháp như thế.

 

Hoài Thanh (Theo NYT, Tass)

Nguồn: baotintuc.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.