Chuyên mục
Điệp khúc nhân quyền

Điệp khúc nhân quyền

Thứ sáu 26/04/2024 05:23 GMT + 7

Gần 5 thập kỷ qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đều đặn công bố các báo cáo về tình hình nhân quyền tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.


Ngày 22/4 năm nay, như thường lệ, Mỹ tiếp tục lặp lại “điệp khúc nhân quyền” về Việt Nam trong một báo cáo dài 59 trang, được chia thành 7 phần, đánh giá tình hình nhân quyền năm 2023.

 

Trang đầu tiên của báo cáo về nhân quyền ở Việt Nam trên trang web Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh chụp màn hình


Chỉ cần đọc tóm tắt ở phần đầu báo cáo là bất kỳ ai hiểu về Việt Nam cũng có thể đưa ra ngay kết luận rằng, bản báo cáo vô cùng phiến diện, thiếu khách quan, có nhiều thông tin không đúng sự thật.

Mở đầu báo cáo là câu “Không có thay đổi đáng kể về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua”, báo hiệu rằng người đọc sẽ được nghe lại “điệp khúc” đã xuất hiện trong báo cáo về tình hình nhân quyền năm 2022 và cả những năm trước nữa.

Khi so sánh với báo cáo năm 2022, có thể thấy điểm khác đáng kể nhất với báo cáo năm 2023 là những cái tên, những con số, những vụ việc được lấy ra làm “minh chứng” cho luận điểm cũ rích, rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền.

Trong phần 1 (Tôn trọng tính toàn vẹn của con người), có một điểm đáng lưu ý liên quan tới đánh giá về “người bị bắt giam và tù nhân chính trị”. Báo cáo này thống kê rằng tính đến 31/10/2023, Việt Nam đã bắt giữ 25 cá nhân và kết án 23 người đang thực hiện các quyền con người được quốc tế công nhận như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp ôn hòa và lập hội.

Với người Việt Nam, từ lâu rồi, khái niệm tù nhân chính trị được dùng để chỉ những chiến sĩ cách mạng dũng cảm bị thực dân bắt giam và phải chịu cảnh tù đày khi dám đấu tranh vì độc lập dân tộc. Trong khi đó, theo khái niệm của những người viết báo cáo nhân quyền, tù nhân chính trị lại là những cái tên như Bùi Tuấn Lâm, Ngụy Thị Khanh hay Châu Văn Khảm…

Đây đều là những cá nhân bị bắt giam và xét xử vì vi phạm pháp luật Việt Nam, song những người này lại được các thế lực phản động “tẩy trắng” tội danh, gắn thêm yếu tố chính trị để đôn họ lên làm “tù nhân chính trị”.

Trong thực tế, Việt Nam hiện nay không có ai là “tù nhân chính trị” hay “tù nhân lương tâm” như mô tả của báo cáo nhân quyền. Do vậy, không thể đánh tráo khái niệm một cách lộ liễu để tôn vinh những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam và cho họ núp dưới cái bóng “tù nhân chính trị” hay khoác cho họ cái áo “tù nhân lương tâm”.

Một điệp khúc nữa xuất hiện trong phần 2 (Tôn trọng tự do dân sự) cáo buộc Việt Nam hạn chế nghiêm trọng tự do internet. Ví dụ mà báo cáo lấy ra để minh chứng là trang Facebook cá nhân của một vài đối tượng có tư tưởng chống phá nhà nước bị cấm.

Nếu những người viết báo cáo chịu khó dành ra vài phút để tìm hiểu về quá trình phát triển internet ở Việt Nam, có lẽ họ sẽ không đánh giá phiến diện như vậy.

 


Hội nghị về Internet (VNNIC Internet Conference 2023) với chủ đề “Quản trị Internet trong kỷ nguyên thông minh”. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

 

Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê rằng, tính đến tháng 9/2022, Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng internet; gần 76 triệu người sử dụng mạng xã hội, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Nhờ đó, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới, đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới gần 7 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới internet. Tỷ lệ người dùng sử dụng internet hàng ngày lên tới 94%. Internet đã có mặt ở mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo.

Như vậy, nếu bị hạn chế nghiêm trọng như báo cáo mô tả thì tại sao internet ở Việt Nam lại có thể phát triển với tốc độ nhanh chóng như vậy? Có chăng, Việt Nam chỉ hạn chế những đối tượng lợi dụng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng để đăng những thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật, chống phá nhà nước. Đây là điều không chỉ Việt Nam mà mọi quốc gia đều phải làm để quét sạch không gian internet, đảm bảo điều kiện để internet phát triển trong khuôn khổ pháp luật.

Trên đây chỉ là hai trong vô số các điệp khúc mà các báo cáo về tình hình nhân quyền ở Việt Nam “xào xáo” lại sau mỗi năm.

Khi xem báo cáo của Mỹ về tình hình nhân quyền năm 2023 ở một số quốc gia có cùng hệ tư tưởng với Việt Nam, ví dụ như Cuba, Triều Tiên hay Venezuela, ta có thể thấy sự giống nhau đến kỳ lạ, từ câu mở đầu báo cáo cho tới những nhận xét mang tính quy chụp.

 


Người Phát ngôn Phạm Thu Hằng chủ trì buổi họp báo Bộ Ngoại giao thường kỳ tháng 4/2024. Ảnh: Đoàn Công Vũ/TTXVN phát

 

Ngày 25/4, phản ứng với báo cáo mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Báo cáo vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam. Một lần nữa Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó coi con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước. Quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ, thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trên thực tiễn.

Trước đó, ngày 24/4, nhận xét về nội dung liên quan cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza trong báo cáo nhân quyền của Mỹ, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng báo cáo được chuẩn bị với động cơ chính trị, không công bằng và khách quan, đồng thời kêu gọi Mỹ chấm dứt chính sách tiêu chuẩn kép về nhân quyền.

 


Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đại sứ phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva Mai Phan Dũng cùng đoàn công tác của Việt Nam tham dự Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: Nguyễn Anh Hiển (P/v TTXVN tại Thụy Sỹ)

 

Có thể khẳng định rằng, báo cáo nhân quyền mới nhất của Mỹ đang trở nên lạc lõng, xa rời thực tế, nhất là khi Việt Nam đã hai lần trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và đang tái ứng cử. Những nỗ lực và đóng góp không thể phủ nhận của Việt Nam khi là thành viên Hội đồng Nhân quyền là minh chứng rõ nhất để phản bác các cáo buộc được đưa ra trong báo cáo.

Không hề sai khi nói rằng báo cáo nhân quyền 2023 của Mỹ về Việt Nam là một điều đáng tiếc khi hai quốc gia vừa chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện không lâu. Trong khi hai bên đang tăng cường hợp tác và tìm ra tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, kể cả nhân quyền, thì những báo cáo tương tự có thể trở thành cái cớ để một số đối tượng thù địch vin vào nhằm cản trở quan hệ song phương.

Nếu những người viết báo cáo về nhân quyền tại Việt Nam tiếp tục dựa trên những nguồn tin không chính thống, dựa trên những cá nhân và tổ chức thiếu thiện chí, thì dự báo rằng báo cáo năm 2024, năm 2025 và về sau nữa, câu mở đầu vẫn sẽ là điệp khúc “không có thay đổi đáng kể”.

 

Thùy Dương

Nguồn: baotintuc.vn
1 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.