Chuyên mục
Qua vụ bầu Kiên: DN lo lắng về môi trường kinh doanh
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Qua vụ bầu Kiên: DN lo lắng về môi trường kinh doanh

Thứ sáu 23/05/2014 13:52 GMT + 7
Những ngày qua, diễn biến quá trình xét hỏi tại phiên tòa vụ án Nguyễn Đức Kiên đã làm cho giới doanh nghiệp băn khoăn, lo lắng.

Đại diện các Bộ, ngành đã trả lời, có ý kiến về những vấn đề trong vụ án như: góp vốn, mua cổ phần có phải đăng ký kinh doanh hay không, quy định về kinh doanh trạng thái vàng, quy định về thuế, quy định về ủy thác gửi tiền…

Ý kiến của các cơ quan Nhà nước cho thấy một môi trường kinh doanh  nhiều rủi ro từ chính các quy định pháp luật với doanh nhân.

Góp vốn, mua cổ phần có phải đăng ký kinh doanh không?

Bầu Kiên trả lời tại Tòa việc các Công ty của ông góp vốn, mua cổ phần là thực hiện theo đúng Luật Doanh nghiệp, đây là quyền của doanh nghiệp mà không cần đăng ký kinh doanh.

Luật sư Hoàng Đôn Hùng đã đưa ra các văn bản của Cơ quan đăng ký kinh doanh chính thức trả lời doanh nghiệp hoạt động góp vốn, mua cổ phần là quyền của doanh nghiệp, không cần đăng ký kinh doanh. Trên website của Cơ quan đăng ký kinh doanh cũng nêu rõ nội dung này khi trả lời các câu hỏi được gửi đến.

Trước phiên tòa, để kiểm chứng, luật sư Hùng tự mình lập hồ sơ để đăng ký kinh doanh ngành nghề góp vốn, mua cổ phần tại Cơ quan đăng ký kinh doanh Hà Nội và TP.HCM, hai thành phố lớn nhất nước. Cả hai cơ quan đều không cấp đăng ký kinh doanh về ngành nghề này.

Tại phiên tòa, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội không khẳng định góp vốn, mua cổ phần có phải đăng ký kinh doanh hay không. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh thì cho rằng đó là hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Tổng Cục Thống kê thì cho rằng việc phân mã ngành kinh doanh chỉ nhằm mục đích thống kê, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng góp vốn, mua cổ phần có phải đăng ký kinh doanh hay không thì phải hỏi Bộ Tài chính.

 
Đến nay, nhiều câu hỏi cần trả lời từ cơ quan Nhà nước vẫn còn bị bỏ ngỏ
(Trong ảnh: Đại diện VKSND TP.Hà Nội công bố cáo trạng tại tòa).

Luật sư Hùng cho biết, hàng ngàn doanh nghiệp đã và đang công khai góp vốn, mua cổ phần  mà không có đăng ký kinh doanh ngành này, và được cấp đăng ký bởi các Cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong phiên tòa, luật sư Hùng sẽ cung cấp cho Tòa các chứng minh việc góp vốn, mua cổ phần của một số tập đoàn Nhà nước và tư nhân lớn tương tự như trường hợp ông Kiên.

Ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt về hành vi kinh doanh trái phép đã 21 tháng, đến nay câu trả lời từ các cơ quan Nhà nước vẫn còn bỏ ngỏ.

Trốn thuế trong lĩnh vực mới?

Bầu Kiên bị truy tố về tội trốn thuế liên quan đến hợp đồng  ủy thác của bà Hương với Công ty B&B. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã hỏi và Tổng cục thuế có văn bản trả lời Hợp đồng này không hợp pháp.

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử về việc có giữ quan điểm đã trả lời Cơ quan điều tra không, đại diện Tổng cục thuế khộng khẳng định mà nêu đây là lĩnh vực mới, đề nghị tòa hỏi các cơ quan chuyên môn, hỏi Ngân hàng Nhà nước.

Trong phần thủ tục phiên tòa, các luật sư đã cho rằng cho đến nay Cơ quan thuế chưa hề xác định Công ty B&B nộp thiếu bao nhiêu tiền thuế. Giám định của Bộ tài chính cũng không xác định được số tiền này.

NHNN giải thích về ủy thác gửi tiền

Ông Kiên cùng các cá nhân nguyên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB bị kết luận cố ý làm trái vì ủy thác cho nhân viên gửi tiền khi “chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước”. Căn cứ này cũng lại được xác định bởi một công văn của Ngân hàng Nhà nước trả lời Cơ quan điều tra.

Trong bản kiến nghị gửi đến Quốc Hội đề nghị giám sát vụ án này, các luật sư đã cho rằng công văn của Ngân hàng Nhà nước có nội dung giải thích luật, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Nội dung giải thích của Ngân hàng Nhà nước cũng không hợp lý.

Nếu áp dụng và hiểu luật như Ngân hàng Nhà nước, khi hàng loạt luật chậm hướng dẫn thì mọi hoạt động phục vụ đời sống, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp sẽ phải dừng lại?

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, hoạt động kinh doanh rất sôi động và diễn biến từng ngày, từng giờ, khi luật không rõ ràng, khi chính các cơ quan pháp luật còn phải hỏi cơ quan quản lý Nhà nước về việc áp dụng pháp luật, khi các cơ quan quản lý còn không nhất quán, thì các rủi ro với doanh nhân còn quá nhiều, liệu các doanh nhân có thể yên tâm kinh doanh?

Huyền Như khai chiếm đoạt tiền của ACB một cách đơn giản

Sáng 23-5, tiếp tục ngày làm việc thứ 4 phiên xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, tại tòa Huỳnh Thị Huyền Như khai đã chiếm đoạt 718 tỉ đồng của ACB “một cách đơn giản”.

 
Đại diện Ngân hàng nhà nước trả lời tòa sáng 23-5 - Ảnh T.L

Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) tham gia phiên tòa này với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

 
Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm sáng 23-5 - Ảnh: Tâm Lụa

“Không phải tiền túi nên họ không quan tâm”

Theo lời khai của Huyền Như, đầu năm 2011, bà Huỳnh Thị Bảo Ngọc (phó Phòng quản lý quỹ ACB) điện thoại nói muốn gửi tiền với lãi suất thỏa thuận, nếu Vietinbank đáp ứng được thì bà Ngọc sẽ gửi. Mức lãi suất mà bà Ngọc đưa ra trong hợp đồng là 14%, ngoài ra còn lãi suất ngoài hợp đồng.

Lúc đó ngân hàng chưa có chủ trương huy động vượt trần lãi suất nên Huyền Như không báo điều này với lãnh đạo Vietinbank. Huyền Như đã trích tiền cá nhân của mình tại tài khoản cá nhân ở Vietinbank để chuyển tiền hoa hồng cho bà Ngọc. Bà Ngọc đã cung cấp cho Huyền Như chứng minh nhân dân của nhân viên để mở tài khoản ở Vietinbank.

HĐXX yêu cầu Huyền Như trình bày rõ các thủ đoạn để lấy được tiền của ACB. Theo lời Huyền Như:”Ngay từ đầu lúc đàm phán, khách hàng không thưc hiện đúng quy định, hoặc thực tế không phải tiền của họ nên họ không quan tâm. Bản thân mình gửi tiền mình sẽ rất quan tâm từ đầu đến cuối các giao dịch. Chính vì tất cả các giao dịch đều thực hiện không trực tiếp với ngân hàng, cá nhân tôi lúc đó có ý thức sai phạm từ trước nên tôi đã chiếm đoạt”.

Theo quy chế mở tài khoản tại ngân hàng, khách hàng phải trực tiếp đến làm thủ tục để nhân viên ngân hàng đối chiếu các thủ tục pháp lý. Nhân viên ACB được ủy thác đã không đến ngân hàng mà mọi hồ sơ đều do Huyền Như gửi đến ACB, nhân viên ACB ký xong gửi lại cho Huyền Như.

“Ngoài ra, khi kí kết hợp đồng tiền gửi, bà Ngọc không có bất cứ phản hồi nào với những dịch vụ mà tôi cung cấp nên tôi cứ tiến hành. Sau khi tiền về tài khoản, người gửi tiền có quyền kiểm tra số dư tài khoản, nếu phát hiện tài khoản sử dụng sai mục đích thì báo lại ngân hàng, phía khách hàng ACB không có động thái đó, bên bà Ngọc không quan tâm tôi trích tiền ra làm gì, đó là điều kiện để tôi chiếm đoạt tiền một cách đơn giản. Tôi đã lập sổ tiết kiệm, sau đó chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm rồi tự tất toán để chuyển tiền đi thông qua các hợp đồng giả”- Huyền Như khai.

Ngoài ra, Huyền Như cho rằng Vietinbank không chấp nhận huy động tiền gửi với lãi vượt trần nên sẽ không bao giờ chấp nhận mức lãi suất mà phía bà Ngọc đưa ra.

Về động cơ chiếm đoạt số tiền 718 tỉ đồng của ACB, Huyền Như cho biết do cần tiền sử dụng cho nhu cầu cá nhân: chứng khoán, bất động sản thua lỗ, nợ của một số cá nhân, đơn vị, tổ chức lên tới vài trăm tỷ đồng.

“Vietinbank quản lý nhân viên không chặt chẽ”

Tòa hỏi bà Ngọc: “Việc ủy thác gửi tiền của ACB có nhiều sơ sở, Huyền Như đã dùng sơ hở đó để chiếm đoạt, chị nghĩ thế nào?”

- Theo nhận thức của tôi là không sơ sở. Cái đó là do Vietinbank không quản lý nhân viên chặt chẽ - bà Ngọc đáp.

Trả lời câu hỏi của tòa về việc ngân hàng Vietinbank có trách nhiệm gì không trong việc làm thất thoát tiền của ACB, Huyền Như đáp: “Mọi người nghĩ Vietinbank có trách nhiệm, nhưng ngay từ đầu Vietinbank đã tạo điệu kiện cho khách hàng kiểm tra, chính khách hàng đã phó thác toàn bộ cho tôi thực hiện. Các bước mở tài khoản, gửi tiền, ủy thác, tôi thực hiện một mình. Do muốn chiếm đoạt từ trước, tôi không hề trình qua lãnh đạo Vietinbank về việc có các nhân viên ACB gửi tiền. Đây hầu như là lỗi của người gửi tiền. Trách nhiệm của Vietinbank, cơ quan điều tra và TAND.TP HCM đã đánh giá. Tôi chịu trách nhiệm về việc tôi đã chiếm đoạt tiền”.

Trước đó, khi trả lời đại diện VKS về việc ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền, ông Nguyễn Văn Hòa (Kế toán trưởng ACB) cho rằng lỗi do Vietinbank cung cấp dịch vụ gửi tiền: “Tôi hỗ trợ cho nhân viên thực hiện gửi tiền. Bản chất là tiền của ACB. 19 nhân viên được nhận ủy thác. Thỏa thuận lãi suất thế nào là do bên Vietinbank”.

- Tại sao ngân hàng không tự đi gửi tiền mà phải ủy thác?- Đại diện VKS đặt câu hỏi.

- Tôi không rõ - ông Hòa đáp.

- Có phải nhà nước cấm việc gửi liên ngân hàng không?

- Tôi không biết.

- Anh là quản lý, anh phải biết chứ không thể nói không biết. Theo hồ sơ, số tiền lãi ngoài hợp đồng, Huyền Như đã trả, trả cho cá nhân hay cho ACB?

- Trả cho cá nhân, tuy nhiên tất cả các cá nhân đã gửi lại ngân hàng. Lỗi này của của Vietinbank, họ cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì khách hàng thực hiện.

Nguyên lãnh đạo ACB khẳng định ủy thác gửi tiền là đúng

Trước đó, đầu giờ sáng, HĐXX dành thời gian thẩm vấn các bị cáo và người liên quan về việc ACB ủy thác cho 19 nhân viên mang 718 tỉ đồng gửi vào Vietinbank. Toàn bộ số tiền này đã bị Huyền Như chiếm đoạt.

Tháng 1-2014, Huyền Như đã bị Tòa án nhân dân TP.HCM kết án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

 
Ông Nguyễn Văn Hòa, kế toán trưởng ACB  - người được giao thực hiện chủ trương ủy thác gửi tiền của ACB - Ảnh: T.L

Trước đó, chiều 22-5, khi trả lời tòa về chủ trương ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao hơn lãi suất trần, các bị cáo nguyên là lãnh đạo ngân hàng ACB đều cho rằng mình làm đúng.

Bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng trong thời điểm năm 2010, thị trường hết sức khó khăn. Hội đồng quản trị ACB phải họp bàn tìm cách để ACB vượt qua giai đoạn khó khăn. ACB đã ủy quyền cho 19 nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất và hoa hồng. Tuy nhiên, việc làm này được cho là vi phạm điều 106 Luật các Tổ chức Tín dụng năm 2010.

Chiều 22-5, trả lời tòa, các bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB đã “tố” Ngân hàng Nhà nước chậm ban hành hướng dẫn Luật các Tổ chức Tín dụng. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, các bị cáo đã áp dụng quyết định 742/2002 của Ngân hàng nhà nước để ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền. Theo các bị cáo, quyết định 742 không hề có quy định ngăn cản các cá nhân gửi tiền, vì thế việc ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền năm 2010 là không sai. Năm 2011, Luật Các tổ chức Tín dụng mới có hiệu lực và mãi đến năm 2012, Ngân hàng Nhà nước mới có hướng dẫn.

Bị cáo Trịnh Kim Quang (phó chủ tịch HĐQT ACB) còn khai bị bị ép kí vào biên bản hỏi cung, nhiều trường hợp bị cáo đã không kí và dùng bút đánh dấu vào các bản cung bị ép này.

Sáng 23-5, trả lời tòa, đại diện Ngân hàng nhà nước cho biết Luật các Tổ chức Tín dụng năm 2010 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2011. Đối tượng thi hành là các tổ chức tín dụng được ngân hàng nhà nước cấp giấy phép hoạt động.

Trước khi Luật các Tổ chức tín dụng có hiệu lực thì có quyết định 742 quy định về hoạt động ủy thác. Đối tượng là các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài. Thời điểm các bị cáo phạm tội, hoạt động ủy thác vẫn áp dụng quyết định 742, tuy nhiên chỉ áp dụng cho các tổ chức tín dụng chứ không áp dụng cho cá nhân. Việc ủy thác gửi tiền tiết kiệm chưa có văn bản nào hướng dẫn.

Ông Nguyễn Văn Hòa là người được giao thực hiện chủ trương của HĐQT ACB, kí hợp đồng ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác. Ông Hòa giao cho bà Ngọc tìm hiểu về các ngân hàng để gửi tiền. Qua tìm hiểu, bà Ngọc đã quen Huyền Như, sau đó thỏa thuận với Huyền Như về lãi suất, kì hạn gửi tiền tại Vietinbank.

Tòa công bố lời khai của một số nhân viên ACB về việc ACB chuyển tiền đến Vietinbank trước mới mở tài khoản sau, nhân viên ACB cũng không trực tiếp đến ngân hàng để kí làm thủ tục mở tài khoản. Tòa cho rằng làm như thế là không đúng thủ tục.

 
Bầu Kiên được phép gặp vợ trong giờ tòa giải lao sáng 23-5 - Ảnh: Tâm Lụa

Trả lời tòa, bà Ngọc cho rằng việc mở tài khoản gửi tiền tiết kiệm tại Vietinbank không có thiếu sót gì. Bà Ngọc cho biết đã cung cấp thông tin của 19 nhân viên ACB để Vietinbank mở tài khoản, sau đó đã cử nhân viên đến ký. “Các nhân viên gửi tiền với tư cách cá nhân chứ không phải ngân hàng, giống như người dân đi gửi tiền vậy”- Bà Ngọc nói.

14g30 chiều nay (23-5), Tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

Luật các Tổ chức Tín dụng năm 2010

Điều 106: Nghiệp vụ ủy thác và đại lý

- Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.


baodatviet.vn
tuoitre.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.