Chuyên mục
Những triển vọng tích cực trên thế giới trong năm 2022

Những triển vọng tích cực trên thế giới trong năm 2022

Thứ ba 04/01/2022 04:13 GMT + 7

Một vaccine chống lại tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2, căng thẳng Mỹ-Trung hạ nhiệt hay Mỹ-Nga-Trung cùng hợp tác trong lĩnh vực không gian được đánh giá là những triển vọng tích cực trong năm 2022.

Một vaccine chống lại tất cả các biến thể SARS-CoV-2

Bước sang năm thứ ba chung sống với đại dịch Covid-19, thế giới vẫn đang chứng kiến ngày càng nhiều làn sóng lây nhiễm hơn ngay cả ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, với sự xuất hiện của các biến thể đáng lo ngại, từ Delta tới Omicron. Có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với mức độ tác động khác nhau trong tương lai.

 

Ảnh minh họa: KT


Thế giới cần một loại vaccine toàn cầu chống lại tất cả các biến thể của SARS-CoV-2, bao gồm cả những biến thể đã và đang lưu hành hiện nay cũng như các biến thể trong tương lai. Một số nghiên cứu đầy hứa hẹn về các dòng vaccine như vậy đã được tiến hành. Nếu thành công, đây có thể là chía khóa để ngăn chặn các đợt dịch tiếp theo.

WTO thực hiện những cải cách cần thiết

Để duy trì một trật tự quốc tế bao trùm và dựa trên quy tắc, việc ngăn chặn sự phân mảnh kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ cần phải được ưu tiên. Điều này đòi hỏi phải cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong bài phát biểu gần đây, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã đưa ra những lời chỉ trích gay gắt đối với WTO, nhưng cam kết Mỹ sẽ thúc đẩy việc cải cách tổ chức này. Cải cách có thể bắt đầu bằng việc đổi mới cơ chế giải quyết tranh chấp để tránh kiện tụng hay thiết lập một ủy ban giám sát hiệu quả. Ngoài ra, WTO cần có quy định minh bạch về trợ cấp, các quy tắc mới về thương mại kỹ thuật số, tự do hóa thương mại tập trung vào các lĩnh vực cụ thể…

Bộ tiêu chuẩn, quy định chung trong lĩnh vực AI

Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp và sẽ ngày càng phổ biến hơn trong thập kỷ này. Tuy nhiên, cho tới nay chưa có bộ quy tắc hay tiêu chuẩn chung về lĩnh vực này được áp dụng trên toàn cầu.

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc thống trị lĩnh vực AI trên thế giới, nhưng hiện nay Liên minh châu Âu cũng đang tìm cách thúc đẩy việc thiết lập các tiêu chuẩn chung trong lĩnh vực này. Dự thảo Đạo luật trí tuệ nhân tạo được trình lên Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu đặt ra các quy định chi tiết về việc sử dụng và mục đích thương mại của AI dựa trên mức độ rủi ro.

Mặc dù có sự trùng lặp trong các tuyên bố về đạo đức AI của Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng các giá trị đạo đức chung vẫn chưa được đưa vào thực thi. Sáng kiến của EU có thể thúc đẩy Mỹ xây dựng các tiêu chuẩn AI toàn cầu.

Mỹ giúp tránh một cuộc khủng hoảng Ukraine khác

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan tới việc Nga điều động binh sỹ và lực lượng tới gần biên giới Ukraine có thể trở thành cơ hội để đưa quan hệ giữa Nga và Mỹ vào quỹ đạo ổn định hơn. Để ngăn chặn nguy cơ về một cuộc đối đầu nguy hiểm, Mỹ và EU có thể đứng ra bảo trợ các cuộc đàm phán nhằm buộc Moscow và Kiev tuân thủ một khuôn khổ Minsk mới.

Xung đột ở Ukraine cũng không thể bị gạt ra lề trong nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm ổn định mối quan hệ Mỹ-Nga bằng cách thiết lập ranh giới đỏ về chiến tranh mạng và các vấn đề chiến lược khác. Nếu Washington tìm ra giải pháp để giảm căng thẳng trong vấn đề Ukraine, điều đó có thể mở ra nhiều cơ hội hơn để giảm thiểu bất đồng với Nga vào thời điểm mà Mỹ muốn tập trung vào Trung Quốc nhiều hơn.

Căng thẳng Mỹ-Trung hạ nhiệt

Mặc dù các hãng truyền thông miêu tả hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Biden-Tập Cận Bình chỉ đơn thuần là cuộc họp kéo dài gần 4 giờ, nhưng sự kiện diễn ra vào tháng 11/2021 dường cho thấy lãnh đạo 2 bên đã thừa nhận rằng mối quan hệ song phương đang vượt tầm kiểm soát và tiến dần tới xung đột, vào thời điểm cả ông Biden và ông Tập đều cần tập trung vào các chương trình nghị sự khó khăn trong nước.

Như Tổng thống Biden đã nói, hội nghị thượng đỉnh nhằm đặt ra những “hàng rào an toàn” để giảm thiểu rủi ro và từng bước tạo ra một khuôn khổ để kiểm soát việc cùng tồn tại và cạnh tranh giữa 2 nước.

Trên thực tế, hai nhà lãnh đạo đã đặt ra nhiệm vụ cho các quan chức cấp cao và bộ máy hành chính của 2 bên hạ nhiệt các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng và giải quyết những bất đồng gai góc nhất. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ và Trung Quốc đã khôi phục các cuộc đàm phán quân sự cấp cao. Các lĩnh vực có thể hợp tác bao gồm lợi ích chung liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng cùng với việc giải quyết những thách thức do bất ổn ở Afghanistan, chương trình hạt nhân của Iran, hay vấn đề Triều Tiên.

Mỹ khởi động hiệp định thương mại kỹ thuật số Châu Á-Thái Bình Dương

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ có lỗ hổng về thương mại. Mỹ cần thúc đẩy một cơ hội lớn cho chiến lược này: thương mại kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng, chiếm 17% thương mại bán lẻ toàn cầu vào năm 2020. Một trong những ví dụ thuyết phục là lĩnh vực thương mại kỹ thuật số chất lượng cao trong Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada, Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Mỹ-Nhật Bản.

Một loại hiệp định mới - tương tự như Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số Singapore-New Zealand-Chile (DEPA) được một số quan chức trong chính quyền Biden coi là hình mẫu - có thể tiên phong cho cách tiếp cận thân thiện với người lao động và doanh nghiệp nhỏ. DEPA giải quyết vấn đề này bằng các điều khoản về lập hóa đơn điện tử, vận chuyển nhanh, thanh toán điện tử, mạng lưới đáng tin cậy và hợp tác AI.

Thế giới đạt được những mục tiêu tầm thấp về chống biến đổi khí hậu

Tuyên bố của COP26 đã không đưa thế giới vào con đường cụ thể nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C. Nhưng việc ngăn chặn nạn phá rừng, cắt giảm 30% lượng khí thải metan và thiết lập các quy tắc mua bán carbon toàn cầu đều có thể mang lại lợi ích đáng kể trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Thỏa thuận hợp tác về khí hậu giữa Mỹ và Trung Quốc, được công bố bên lề COP26, có thể giúp đẩy nhanh các mục tiêu kể trên bằng cách góp phần thúc đẩy giảm 50% lượng khí thải metan vào năm 2030. Đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ sang Trung Quốc - nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới, sẽ là cách nhanh nhất để giảm dần việc sử dụng than đá ngày càng tăng của Trung Quốc.

Mỹ, Trung Quốc và Nga hợp tác trong lĩnh vực không gian

Ngày 15/11/2021, Nga phóng tên lửa để phá hủy một vệ tinh cũ, tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ trên quỹ đạo thấp của Trái Đất, khiến nhiều người lo ngại. Moscow tuyên bố vụ thử này là cần thiết trong bối cảnh Mỹ có kế hoạch nâng cấp các hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược.

 


Ảnh minh họa: Space


Mỹ, Trung Quốc và Nga đều góp phần làm gia tăng các mảnh rác trong không gian trong những năm qua và cả 3 nước ngày càng coi không gian là lĩnh vực quan trọng để cạnh tranh quân sự.

Mặt khác, có khả năng Mỹ, Trung Quốc và Nga hợp tác trong lĩnh vực không gian. Bước khởi đầu được kỳ vọng là 3 nước đồng thuận về các sứ mệnh trên Mặt Trăng. Nga đã từ chối lời mời tham gia dự án Artemis do NASA đứng đầu, với lý do “các đối tác Mỹ xa rời nguyên tắc hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau”. Thay vào đó, Nga hợp tác với Trung Quốc để xây dựng Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng, cạnh tranh với Mỹ. Mặc dù có thể đã quá muộn để Mỹ, Nga và Trung Quốc hợp tác trong một sáng kiến duy nhất về Mặt Trăng, nhưng các bên có thể thu được lợi ích chung từ việc chia sẻ kế hoạch và kết quả khám phá của mình.

Mỹ ủng hộ quyền tự chủ chiến lược của EU

Mỹ có lợi khi EU đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn với tư cách là một đối tác chủ chốt toàn cầu. Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden nên hoan nghênh quyền tự chủ chiến lược của EU thay vì lo ngại về việc liệu điều đó có tác động tiêu cực đến NATO hay không.

Chừng nào mối đe dọa từ Nga vẫn còn, các nước Trung Âu sẽ vẫn muốn Mỹ và NATO đóng một vai trò quan trọng trong an ninh châu Âu. Nhưng Nga không phải là mối đe dọa duy nhất đối với an ninh của châu Âu, khối này còn phải đối mặt với những thách thức ở Trung Đông và châu Phi khi các nhà nước ở khu vực này thất bại hay sụp đổ, dẫn tới các dòng người di cư và tị nạn đổ về “lục địa già”.

Tranh cãi với châu Âu về quyền tự chủ chiến lược sẽ chỉ làm suy yếu liên minh về lâu dài. Trở thành đồng minh của Mỹ không nên bị đánh đồng với sự phụ thuộc vào Washington./.


Hoàng Phạm (biên dịch)

Theo Atlantic Council

Nguồn: vov.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.