Chuyên mục
Đột phá trong nghiên cứu vaccine chống Covid-19

Đột phá trong nghiên cứu vaccine chống Covid-19

Thứ tư 12/02/2020 18:29 GMT + 7

Các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London đã bắt đầu thử nghiệm trên động vật vaccine phòng chống Covid-19.

 

Sau khi Trung Quốc chia sẻ trình tự gen của 5 chủng virus corona hồi cuối tháng 1 vừa qua, các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) đã bắt đầu thử nghiệm trên động vật vaccine phòng chống dịch viêm phổi cấp do nCoV, hay còn gọi là Covid-19. Đây có thể xem là một đột phá về nghiên cứu bởi mỗi giai đoạn trong quá trình phát triển vaccine có thể mất vài tháng hoặc thậm chí là nhiều năm.


Các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London đã bắt đầu thử nghiệm trên động vật vaccine phòng chống Covid-19. Ảnh minh họa: AFP.


Phát biểu với báo giới ngày 12/2, bác sĩ John S. Tregoning thuộc Khoa truyền nhiễm Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết, ngay trong tuần này, các nhà khoa học đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm vaccine trên các loại động vật, chuột và linh trưởng. Các nhà khoa học hy vọng trong vài tuần tới sẽ có thể xác định tác động của vaccine đối với những động vật thí nghiệm, cụ thể là trong máu của chúng và phản ứng kháng thể với Covid-19.

Nước Anh hiện đã ghi nhận 8 trường hợp dương tính với Covid-19, đồng thời buộc phải đóng cửa hai chi nhánh của một trung tâm y tế ở thành phố Brighton, Đông Nam nước này sau khi ít nhất hai nhân viên làm việc tại đây bị nhiễm virus trong quá trình làm việc.

Thử nghiệm trên động vật là bước bắt buộc đối với bất kỳ loại vaccine nào trước khi dùng cho cộng đồng. Các cơ quan quản lý y tế phải đảm bảo rằng vaccine có đủ độ an toàn và hiệu quả trước khi cho phép sản xuất hàng loạt. Nếu mọi việc tiến triển thuận lợi, các thử nghiệm lâm sàng có thể bắt đầu ngay từ mùa hè này. Sau đó, thử nghiệm giai đoạn hai trên người sẽ được tiến hành trước khi có thể đưa vaccine vào sản xuất hàng loạt.

Tiến sĩ Tregoning chia sẻ: “Để tạo ra vật liệu an toàn sinh học, bạn cần có các nhà máy chuyên ngành và cần phát triển những quy trình đó một khi biết chắc chắn đây là loại vaccine hiệu quả. Vì vậy, có thể sẽ có một chút chậm trễ về thời gian, nhưng điều quan trọng là an toàn và thực hiện đầy đủ các quy trình. Vội vàng và sử dụng vaccine không an toàn sẽ có hậu quả nghiêm trọng”.

Việc có thể đưa ra một loại vaccine thử nghiệm chỉ trong vòng 14 ngày có thể xem là một đột phá trong nghiên cứu, bởi thông thường quá trình này phải mất tới vài tháng hoặc thậm chí là nhiều năm. Theo bác sĩ John S. Tregoning, kết quả này có được một phần nhờ sự hợp tác của các nhà khoa học Trung Quốc, đã chia sẻ dữ liệu quan trọng với cộng đồng quốc tế.

“Thật tốt là các nhà khoa học Trung Quốc đã chia sẻ nghiên cứu và dữ liệu của họ rất nhanh chóng. Điều này không chỉ quan trọng trong việc phát triển vaccine, mà còn trong xét nghiệm chuẩn đoán nhằm giảm sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu”, ông Tregoning nói.

Đại học Hoàng gia London không phải là nơi duy nhất nghiên cứu vaccine phòng chống Covid-19. Các nhà khoa học trên toàn thế giới cũng đang trong cuộc chạy đua với thời gian nhằm tìm ra phương pháp hiệu quả bảo vệ con người trước dịch bệnh. Tại Trung Quốc, các nhà khoa học tại Đại học Đồng Tế ở Thượng Hải cũng đang thử nghiệm các mẫu vaccine ngừa Covid-19 trên chuột.

Vaccine được thử nghiệm mang tên “mRNA” đã được tiêm vào hơn 100 con chuột trong ngày 9/2 vừa qua, tức là 2 tuần sau khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc lần đầu tiên thông báo phân lập thành công nCoV. Theo Giáo sư Robin Shattock, chuyên gia hàng đầu về nhiễm trùng và miễn dịch tại Đại học Hoàng gia London, việc phát triển vaccine là rất quan trọng dù nó có sẵn sàng trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay hay không:

“Chúng ta cần đảm bảo rằng có thể phát triển thành công một loại vaccine như một lá chắn bảo vệ chúng ta khỏi dịch bệnh. Chúng ta phải đảm bảo rằng mọi thứ luôn sẵn sàng và có thể hành động nhanh chóng ngay khi có dịch bệnh”.

Tại Diễn đàn nghiên cứu và đổi mới toàn cầu diễn ra trong 2 ngày 11-12/2 tại trụ sở Tổ chức Y tế thế giới ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gọi Covid-19 gây ra là “kẻ thù công khai số một của toàn cầu”, đồng thời cho rằng, điều mấu chốt để ngăn chặn dịch bệnh là sự đoàn kết, đặc biệt trong việc chia sẻ mẫu phẩm và chuỗi gen của virus theo nguyên tắc bình đẳng và công bằng.

 

Thu Hoài (Tổng hợp)

Nguồn: vov.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.