Chuyên mục
Điều gì khiến EU luôn muốn kiềm chế Nga?

Điều gì khiến EU luôn muốn kiềm chế Nga?

Thứ sáu 27/08/2021 11:23 GMT + 7

Hiệu ứng từ sự trỗi dậy của Nga làm đảo ngược nhiều giá trị phương Tây đã mặc định hay tự xác lập, nên EU thực hiện chính sách kiềm chế Nga...


Ngoại trưởng Sergei Lavrov cáo buộc EU luôn muốn kiềm chế Nga

Ngày 25/8, trong khuôn khổ chuyến thăm Cộng hòa Áo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có một cuộc gặp riêng với Thủ tướng nước này Sebastian Kurz tại thủ đô Vienna, theo TASS.

Tuy nhiên, trước khi có cuộc gặp với người đứng đầu chính phủ Áo, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga đã hội đàm với người đồng cấp Áo Alexander Schallenberg, bàn về nhiều vấn đề đang được xem là nóng bỏng trong quan hệ Nga-EU.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm với  Ngoại trưởng Áo Schallenberg, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết, hiện tại quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu đang phát triển theo chiều hướng rất đáng lo ngại.

"Trong những diễn biến trên lục địa Châu Âu, chúng tôi đặc biệt chú ý tình hình tồi tệ trong quan hệ Nga-EU. Quan hệ của chúng tôi với Brussels đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây, nguyên nhân là do chính sách EU luôn kiềm chế Nga".

 


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov


Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga lưu ý: "Về phần mình, Nga luôn sẵn sàng thúc đẩy đối thoại thực chất với EU và các thành viên dựa trên bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Nga luôn mong có được thỏa thuận trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm".

Từ những thông tin và nhận định mà Ngoại trưởng Sergei Lavrov đưa ra từ Vienna, cho thấy dường như sự lệch pha trong quan hệ Nga-EU xuất phát từ phía Brussels nhiều hơn là từ phía Moscow.

Điều đáng nói là - không chỉ qua lời Ngoại trưởng Lavrov, mà từ thực tế chứng minh - Nga luôn tìm cách tạo sự đồng điệu với EU và đảm bảo quan hệ đối tác Nga-EU luôn song hành với lợi ích của hai bên. Vậy thì tại sao EU lại muốn kiềm chế Nga?

Giới phân tích cho rằng, căn nguyên của vấn đề là do Liên minh Châu Âu luôn xem Nga là vấn đề cần giải quyết, chứ không phải là đối tác cùng EU giải quyết các vấn đề. Điều này từng được cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định.

Hẳn dư luận còn nhớ, ngày 14/11/2019, chỉ 2 tuần trước khi rời nhiệm sở, Chủ tịch Donald Tusk đã tuyên bố rằng, Liên bang Nga là thách thức nghiêm trọng nhất đối với Liên minh Châu Âu, Nga có thể gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền của EU.

"Tôi thường xuyên công khai nhắc nhở nhiều người rằng Nga không phải là đối tác chiến lược của chúng ta, mà là vấn đề chiến lược đối với chúng ta...Cho dù có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, nhưng thực tế đó là sự thật", theo Sputnik.

Thậm chí, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất một cách tiếp cận khác cho quan hệ với Moscow, Chủ tịch Tusk lúc đó chỉ trích rằng Macron "không cảm nhận được hơi thở nóng từ miệng của gấu Nga đã phả ngay sau gáy".

Vì vậy, không có gì khó hiểu khi giới lãnh đạo mới của Liên minh Châu Âu tiếp tục xem Nga là vấn đề chiến lược, chứ không phải là đối tác chiến lược của EU, rồi từ đó thực hiện các chính sách kiềm chế Nga, hạ tầm cho quan hệ Moscow-Brussels.

Điều gì khiến cho EU luôn phải thực hiện chính sách kiềm chế Nga?

Thứ nhất, Liên minh Châu Âu là đồng minh chiến lược của Mỹ, EU ra đời, tồn tại và phát triển là dựa trên nền tảng lợi ích Mỹ, do vậy chính sách của Brussels không thể đi ngược chính sách "kết đồng minh" của Washington.

Trong khi đó, chính sách đối ngoại của nước Nga dưới thời chính quyền Tổng thống Putin là "xây đối tác", hoàn toàn ngược với chính sách "kết đồng minh" của Mỹ. Điều đó khiến EU không thể xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Nga.

Cho dù sóng có vỗ mạnh hai bên bờ Đại Tây Dương và Brussels đã có nhiều chuyển động lệch pha với Washington, nhưng EU luôn không thể lệch chuẩn Mỹ. Điều này mang tính mặc định với liên minh kinh tế hùng mạnh này.

Lịch sử ghi nhận, sau khi Thế chiến I kết thúc, năm 1916, Ngoại trưởng Pháp lúc đó là ông Aristide Briand đã đề xuất thành lập liên hiệp Châu Âu. Song ý tưởng vĩ đại của nhà chính trị kiệt xuất ấy đã không thể trở thành hiện thực trong thời đại của ông.

Thực tế đó cho thấy để Châu Âu liên hiệp thì phải có điều kiện đặc biệt để tạo tương đồng trong nền tảng lợi ích và đó là lợi ích Mỹ. Bởi lẽ khi Kế hoạch Marshall hồi sinh Châu Âu điêu tàn sau Thế chiến II kết thúc, sự liên hiệp tại Châu Âu cũng thành hình.

Trong số 17 nước nhận nguồn tài trợ trực tiếp từ khi Kế hoạch Marshall, hiện chỉ có Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ngoài EU. Điều đó chứng tỏ cả cốt lõi và nền tảng của Liên minh Châu Âu đều được xây bằng lợi ích Mỹ và đây chính là chuẩn Mỹ của EU.

 


Quan hệ Nga-EU đang phát triển theo chiều hướng đáng lo ngại


Không những vậy, nền tảng và cốt lõi của EU còn luôn được gia cố bằng lợi ích Mỹ, khi đầu tư từ Mỹ và thặng dư mậu dịch với Mỹ luôn lớn nhất trong các nguồn lợi ích mà EU có được từ các hoạt động tài chính - thương mại của mình.

EU không thể thoát khỏi vòng xoáy lợi ích-sức mạnh Mỹ, trong khi Nga thì trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ và thách thức vị thế thống soái của Mỹ. Điều này khiến Brussels phải thực hiện chính sách kiềm chế Moscow để giữ lợi ích Mỹ và giúp Washington.

Thứ hai, cũng như Mỹ, các đồng minh của Mỹ bên bờ đông Đại Tây Dương thiếu  tin cậy và hiểu biết về Nga, nên không thể xây nền tảng vững chắc cho đối thoại, mà thay vào đó là đối trọng với Nga.

Thời Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đối đầu Mỹ cùng các đồng minh Châu Âu nên Nga-Xô luôn là vấn đề của Brussels-Washington. Tuy nhiên, thời hậu Chiến tranh lạnh, sự thiếu tin cậy, thiếu hiểu biết về Nga, khiến cho Mỹ-phương Tây đối trọng với Nga.

Đối đầu Xô-Mỹ thời Chiến tranh Lạnh là dựa trên đối lập ý thức hệ, còn đối trọng Nga-phương Tây thời hậu Chiến tranh Lạnh là do lệch pha trong nhận thức, mà xuất phát từ việc Mỹ-phương Tây đặt Nga vào thế đối nghịch chỉ vì kế thừa Liên Xô.

Theo nhận định của giới hoạch định chiến lược phương Tây, như cựu sĩ quan cao cấp CIA Paul Pillar hay cựu Đại sứ Anh tại LHQ John Sawers, đó là sai lầm chiến lược của Mỹ-phương Tây trong việc xác lập quan hệ với nước Nga thời hậu Xô Viết. 

Dù bị đưa vào thế đối nghịch, Nga vẫn hy vọng tới lúc Mỹ-phương Tây nhận thức rõ sai lầm của mình, từ đó xây dựng quan hệ Nga-phương Tây dựa trên đối thoại. Song như Tổng thống Putin thừa nhận, Mỹ-phương Tây đã đánh cắp niềm tin của Nga.

Điều đó buộc Tổng thống Putin phải nhanh chóng khôi phục sức mạnh Nga. Từ thực tiễn đó, Washington và đồng minh đánh giá sự trỗi dậy của Nga đe dọa Mỹ-phương  Tây. Do vậy, kiềm chế Nga trở thành yêu cầu trong xây dựng chính sách của họ.

Với EU, khi thực hiện chính sách kiềm chế Nga thì cũng đồng thời gia tăng xung đột với Nga. Nếu như xung đột về lợi ích thì có thể hóa giải bằng lợi ích, còn xung đột về chính sách thì phải thay đổi về nhận thức và phải tiến hành đối thoại thực chất.

Tuy nhiên, cũng giống như Mỹ, các đồng minh của Mỹ tại Châu Âu cũng để cho Nga nhảy tango một mình, khi tất cả các cơ chế tạo niềm tin mà Moscow đề xuất hầu như không được Brussels đón nhận và tham gia.

Cũng giống như Mỹ, các đồng minh của Mỹ tại Châu Âu cũng mặc định là sự chuẩn mực luôn có trong mọi cơ chế của họ - cho dù đầy mâu thuẫn - buộc Nga phải chấp nhận nếu muốn đối thoại thay cho đối trọng, đối đầu.

Chẳng hạn, trong vụ nhà chính trị đối lập Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc, dù có mâu thuẫn trong báo cáo của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học về kết quả thực hiện yêu cầu của Đức, nhưng EU vẫn một mực khẳng định lỗi thuộc về Nga.

 


Chính quyền Tổng thống Putin luôn tìm cách đối thoại thực chất với Mỹ-phương Tây


Ngoại trưởng Lavrov đã cho biết : “Về vụ ông Navalny, các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi đã ngừng yêu cầu hoàn tất cuộc điều tra về nghi ngờ ông bị đầu độc. Tôi sẽ không liệt kê tất cả mâu thuẫn liên quan đến vấn đề này.

Tôi chỉ kêu gọi tất cả những ai tìm kiếm sự thật hãy xem các phản hồi chính thức của chính phủ Đức đối với yêu cầu của Quốc hội nước này. Các câu trả lời chính xác đã được công khai cách đây vài tháng”.

Vậy nhưng từ khi xảy ra vụ việc đến nay, EU vẫn áp lệnh trừng phạt, vẫn ủng hộ Mỹ và Anh áp trừng phạt nhiều cá nhân và tổ chức của Nga, với lý do có liên quan đến nghiên cứu vũ khí hóa học và sử dụng vũ khí hóa học đầu độc ông Navalny.

Có thể thấy, Liên minh Châu Âu luôn xem Nga là vấn đề cần giải quyết, chứ không phải là đối tác cùng EU giải quyết các vấn đề có liên quan, là do hiệu ứng từ sự trỗi dậy của Nga.

Tuy nhiên, điều đó không phải là thách thức hay mối đe dọa an ninh hoặc lợi ích EU, mà nó sẽ làm đảo ngược nhiều giá trị mà phương Tây đã mặc định hay tự xác lập, từ đó làm thay đổi vị thế của EU. Vì vậy, EU phải thực hiện chính sách kiềm chế Nga.


Ngọc Việt

Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.