Chuyên mục
Chuyên gia: 'Có trẻ mới 6 tuổi đã bị biến chứng tiểu đường vì béo phì'

Chuyên gia: 'Có trẻ mới 6 tuổi đã bị biến chứng tiểu đường vì béo phì'

Thứ bảy 16/04/2022 19:27 GMT + 7

Nghỉ học ở nhà dài ngày, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tăng nhanh tại Việt Nam. Những xáo trộn trong sinh hoạt và bữa ăn thiếu cân bằng là nguyên nhân chính gây tình trạng này.

 

 

 

Bé Đ.B.T. (12 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) bước lên cân, chiếc kim nhích đến số 47. Điều này khiến chị V.T.N.K. (38 tuổi) hết nhìn con đầy lo lắng lại đặt câu hỏi khó hiểu về mâm cơm trên bàn ăn.

Từ khi dịch Covid-19 ập đến, cha mẹ nghỉ làm, con học tại nhà, chị K. mới có cơ hội và thời gian để làm nhiều món ăn ngon chiêu đãi cả nhà. Chị nấu nhiều món bé T. thích như cánh gà chiên, xúc xích, cháo cá hồi… Chỉ sau 3 tháng, cân nặng của con và cả nhà tăng rất nhanh, bé T. đang từ 150cm, nặng 41 kg tăng lên 47 kg, thân hình mập mạp và thường xuyên đổ mồ hôi ban đêm.

Điều đó khiến bà mẹ ở Hà Nội rất lo lắng xen lẫn ngạc nhiên. Bởi chị K. không hiểu vì sao con trai bị tăng cân dù khi chế biến món ăn, chị đã dùng nồi chiên không dầu để hạn chế mỡ, chất béo.

“Các bữa ăn tôi cũng làm thêm salad dưa chuột, cà chua để bé ăn kèm. Tuy nhiên, sau 3 tháng dịch, con vẫn tăng 6 kg”, chị K. tâm sự.

Trường hợp này chỉ là một trong hàng trăm bà mẹ tìm đến ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng,Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để gỡ rối. Vị chuyên gia cho rằng trẻ nghỉ học dài ngày khiến tỷ lệ tăng cân, béo phì ở thế giới và Việt Nam tăng cao. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân và hiểu lầm về dinh dưỡng của các bậc phụ huynh.

 

 

Tháng 9/2021, số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho thấy tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tăng cao chưa từng thấy trong đại dịch Covid-19. Ước tính có khoảng 22% trẻ em và thanh thiếu niên Mỹ bị béo phì vào tháng 8/2020, tăng so với mức 19% của 2019.

 

 

Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020).


Theo ThS.BS Lê Thị Hải, tình trạng thừa cân béo phì không phải chỉ tăng cao trong đại dịch Covid-19. Ngay cả những giai đoạn bình thường, thừa cân, béo phì ở trẻ em, người lớn cũng ngày càng có xu hướng tăng cao, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội...

Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì là năng lượng chúng ta nạp vào nhiều hơn năng lượng chúng ta tiêu hao hàng ngày. Khi dịch bệnh đến, đặc biệt tại Hà Nội hay TP.HCM, đa số trẻ đều không có cơ hội vận động, vui chơi ngoài trời, nhất là những gia đình có không gian sống quá chật hẹp như ở chung cư, nhà tập thể”, vị chuyên gia nhận định.

Với trẻ em, vận động đóng vai trò quan trọng, nó không những giúp tiêu hao năng lượng dư thừa mà còn có tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết, trao đổi chất. Nhiều trẻ em hiếu động, thích ra ngoài chơi nhưng dịch bệnh khiến các bé phải ở nhà, dẫn đến những stress, căng thẳng, ăn nhiều hơn. Khi ở nhà, ngoài học online, trẻ còn tiếp xúc điện tử, tivi nhiều, xem nhiều quảng cáo đồ ăn, kích thích cảm giác thèm ăn, ăn nhiều lên.

Ngoài ra, trong mùa dịch, cha mẹ cũng ở nhà nhiều hơn, đây là cơ hội hiếm có mà các bà mẹ có thời gian chế biến nhiều món ăn ngon cho con. Các cháu lớn lại thích tự chế biến những món ăn khoái khẩu mà thường là món chiên rán, nhiều chất béo… Những yếu tố này cùng nhau tạo thành nguyên nhân khiến trẻ tăng cân rất nhanh trong đại dịch. Mặt khác, khi dịch bệnh cha mẹ muốn con ăn nhiều để tăng cường sức đề kháng cũng là nguyên nhân khiến trẻ tăng cân.

Nhưng không phải trẻ thừa cân, tăng cân nào cũng được cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Bởi các món ăn khoái khẩu với trẻ thường thừa năng lượng, thiếu vitamin, khoáng chất như cánh gà chiên, xúc xích, đồ ăn nhanh... Khảo sát của Viện Dinh dưỡng cũng cho thấy, trẻ thành thị thừa 200% đạm, 130% béo nhưng lại thiếu vitamin, thiếu vận động, dẫn đến nhiều trẻ thừa cân, béo phì.

Do đó, bác sĩ Hải cho rằng: “Thừa cân, béo phì cũng là một thể suy dinh dưỡng chứ không phải chỉ gầy ốm mới là suy dinh dưỡng”.

 

 

 

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong tư vấn dinh dưỡng và điều trị thừa cân, béo phì cho trẻ, ThS.BS Lê Thị Hải không ít lần gặp phải các trường hợp đáng buồn vì trẻ đã gặp các biến chứng nguy hiểm chỉ vì căn bệnh béo phì. Theo vị chuyên gia này, béo phì là “tảng băng ngầm” cho sức khỏe của trẻ mà chúng ta không ý thức sớm sẽ rất nguy hiểm.

“Tôi từng gặp trường hợp cháu bé 6 tuổi đã bị tiểu đường type II vì béo phì.Nhiều trẻ đã có tình trạng tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa lipid. Khi trưởng thành, nguy cơ trẻ gặp hàng loạt bệnh lý khác như tim mạch, tăng mỡ máu, cao huyết áp, thoái hóa khớp, thậm chí cả ung thư cũng gặp nhiều ở người thừa cân - béo phì, ảnh hưởng chất lượng sống, làm giảm tuổi thọ. Ngoài ra những trẻ thừa cân - béo phì thường hay tự ti, mặc cảm ngại tiếp xúc ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp sau này của trẻ. Vì những hệ lụy nguy hiểm này, cha mẹ phải sắp xếp, thay đổi cuộc sống, lối sống khoa học cho con càng sớm càng tốt”, bác sĩ Hải nói.

 

 

Nhưng để làm được điều này không phải dễ dàng. Bởi nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý chăm con, chiều con nhưng hóa ra lại là sai lầm từ chính khẩu phần ăn hàng ngày.

Từ khi các con nghỉ dịch ở nhà, chị Đ.T.N. (34 tuổi, ở Quảng Ninh) dành thời gian nấu cho con. Chị tâm sự: “Mùa dịch ở nhà có nhiều thời gian, tôi thường xuyên làm các món khoái khẩu của con như đậu hũ chiên giòn, bún đậu, đậu hũ tẩm hành. Các món này đều nhiều chất đạm, chất xơ nên tôi nghĩ con ăn nhiều cũng không sao. Tuy nhiên, sau 4 tháng nghỉ dịch ở nhà, con vẫn tăng cân nhanh”.

Một bà mẹ khác là chị V.T.M.H. (39 tuổi, ở Hải Phòng) muốn tăng cường sức đề kháng nên thường làm nhiều món bổ dưỡng cho con. “Mâm cơm hàng ngày của gia đình tôi ngoài thịt, cá, trứng, sữa còn cho con ăn nhiều cà rốt, bí đỏ, nước cam để tăng cường chất dinh dưỡng. Bé nhà tôi tăng cân nhưng điều đáng lo nhất là da vàng, mắt hiếng, mất tập trung, khó ngủ”, chị tâm sự.

ThS.BS Lê Thị Hải thấu hiểu những chia sẻ này từ hai vị phụ huynh, song, bà khẳng định cả hai bà mẹ trên đều mắc phải một sai lầm đó là cho con ăn bữa ăn mất cân bằng, chỉ tập trung bồi bổ một số chất nhất định.

“Đậu phụ là món ăn thuộc nhóm thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm, chất béo. Chúng ta ăn quá nhiều chỉ món đậu hũ gây ra mất cân bằng dưỡng chất, chất đạm, chất béo dư thừa nhưng thiếu vitamin, khoáng chất khác. Cứ nghĩ món ăn con thích là cho con ăn nhiều. Nhưng nguyên tắc dinh dưỡng là phải ăn đa dạng các loại thực phẩm và ăn với số lượng vừa đủ chứ không phải cứ ăn càng nhiều càng tốt”, bác sĩ Hải cho hay.

Trong khi đó, với trường hợp của chị H., bà nhận định trẻ đã được bồi bổ quá nhiều giàu vitamin A như cà rốt, bí đỏ cũng dẫn tới vàng da do thừa betacaroten là chất tiền vitamin A, Do đó, bà mẹ nên ngừng ngay thực đơn đang ăn và điều chỉnh sao cho vừa vặn, không nên có tâm lý cứ ăn nhiều chất là bổ, là tốt.

Trong lời khuyên về dinh dưỡng hợp lý của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi ngày chúng ta nên ăn từ 20-25 loại thực phẩm khác nhau. Đặc biệt, chúng ta chế biến bằng cách chiên, rán, xào nấu nhiệt độ cao, vô tình khiến thực phẩm thêm nhiều dầu mỡ hoặc mất đi dưỡng chất vốn có.

 

 

“Nhiều phụ huynh lo lắng phải tăng cường sức đề kháng cho trẻ vào mùa dịch bằng cách bồi bổ nhiều chất như trứng, sữa. Nhưng tôi nhắc lại cần phải dinh dưỡng hợp lý. Chất bổ đến mấy chúng ta vẫn phải cung cấp cân bằng, vừa đủ, không nên ăn quá nhiều. Trẻ trên 2 tuổi nên ăn 1 quả trứng/ngày, uống 500 - 600 ml/ngày sữa tươi hoặc sữa bột. Trong tất cả loại thực phẩm, sữa là món ăn có đầy đủ dưỡng chất, cân bằng chất. Nhưng cũng nên tùy cơ địa của các bé và đặc biệt cha mẹ phải chọn loại sữa ít đường hoặc không đường để tránh việc trẻ uống nhiều cũng gây tăng cân”, bà nói.

 

 

Bệnh thừa cân, béo phì trong mùa dịch khi trẻ ở nhà còn xuất phát từ lối sống thiếu khoa học, lệch nhịp sinh học và giấc ngủ bị xáo trộn. Chị V.Q.M. (38 tuổi, Hà Nội) chia sẻ khi đi làm, con trai ở nhà thường ngủ một mạch từ trưa đến chiều, thậm chí bỏ bữa trưa. Đến tối, khi tới giờ ngủ, bé thường không ngủ được nữa và bắt đầu chơi đùa hoặc nghịch điện thoại.

 

 

Bác sĩ Hải nhận định trong cuộc sống hàng ngày, chế độ sinh hoạt điều độ đóng vai trò rất quan trọng. Nguyên nhân gây thừa cân béo phì ngoài ăn quá nhiều, ít hoạt động thể lực để tiêu hao năng lượng, còn xuất phát từ thói quen ngủ ít về ban đêm.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy trẻ bị thừa cân béo phì thường ngủ ngày nhiều, ban đêm lại thức. Quá trình chuyển hóa mỡ, tăng chuyển hóa chất béo diễn ra chủ yếu về ban đêm. Do đó, các bé ngủ ngày nhiều, thức khuya, gây rối loạn nhịp sinh học cũng là yếu tố làm tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì.

“Khi chúng tôi quan sát, ở những gia đình sinh hoạt không điều độ, nhiều trẻ bỏ ăn sáng, thậm chí bỏ cả ăn trưa để ngủ thông một mạch đến chiều và thành ra ‘no dồn đói góp’, ăn quá nhiều vào bữa tối. Thói quen này rất không tốt”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Giấc ngủ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, phát triển chiều cao nhờ hormone tăng trưởng Growth - GH), tiết ra ở thùy sau tuyến yên. Hormone này được tiết ra nhiều nhất vào ban đêm, khoảng 22-2h hàng ngày mà lúc đó trẻ phải đang ngủ say. Nếu trẻ thiếu ngủ, nhất là thiếu ngủ vào ban đêm, cơ thể trẻ sẽ tiết ra ít hormone này dẫn đến trẻ bị thấp chiều cao. Thừa cân béo phì thường xảy ra ở những trẻ có chiều cao thấp quá hay còn gọi là béo phì nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng thấp còi.

Trẻ ngủ đêm muộn lại dậy muộn, bỏ bữa ăn sáng (bữa ăn quan trọng nhất trong ngày), chính yếu tố sinh hoạt không điều độ ảnh hưởng rất nhiều đến hệ miễn dịch của cháu, dễ mắc nhiều bệnh. Vì vậy, lời khuyên cho phụ huynh là ngay cả khi nghỉ dịch, chúng ta vẫn nên duy trì thói quen ăn, ngủ, nghỉ điều độ cho con.

 


 

Ngoài việc ảnh hưởng đến học tập, trẻ ở nhà nhiều dễ gặp vấn đề về tâm lý, stress, trầm cảm vì không được gặp bạn bè, vui chơi. Và nguy hại nhất đó là thừa cân, béo phì vì ăn uống không hợp lý, không được vận động. Hầu hết trẻ bị thừa cân, béo phì khi nhỏ đến khi lớn lên nguy cơ trở thành người béo phì càng cao.

Khi tư vấn cho các bà mẹ có con thừa cân, béo phì, ThS.BS Lê Thị Hải luôn nhấn mạnh: “Yếu tố quan trọng trong dinh dưỡng đó chính là ‘con thích món gì hãy làm ngược lại vì những món không thích trẻ sẽ ăn ít đi’. Để con giảm cân, cha mẹ cần nghiêm khắc, không nên quá nuông chiều sở thích ăn uống của con. Chúng ta nên cho con ăn những món các bé ‘ghét’ thì trẻ sẽ tự ăn ít đi. Đặc biệt, mẹ nên tập trung vào cách chế biến luộc, hấp thay vì chiên, rán”.

 


 

Vị chuyên gia khẳng định không có thực phẩm xấu, chỉ có bữa ăn xấu. Khẩu phần ăn tốt cho sức khỏe là khi chúng ta cân bằng chất dinh dưỡng, ăn đa dạng thực phẩm. Bởi mỗi thực phẩm chỉ chứa một số nhóm chất nhất định chỉ có ăn đa dạng thì mới cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Phụ huynh nên thay đổi suy nghĩ cứ nhiều chất bổ là tốt. Cái chúng ta hướng tới là dinh dưỡng cân bằng. Trên thực tế, ăn quá nhiều chất đạm cũng gây tăng đào thải canxi - vốn là vi chất rất quan trọng với quá trình phát triển chiều cao của trẻ.

Hầu hết 80-90% trẻ đến khám thừa cân, béo phì với chúng tôi đều trong tình trạng thiếu canxi, kẽm, vitamin D. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là trẻ ngủ không ngon giấc, đổ mồ hôi nhiều, với trẻ 3-4 tuổi còn gặp tình trạng đau xương do tăng trưởng. Bởi lúc này nhu cầu canxi để tăng trưởng rất cao, trẻ không có đủ lượng cần thiết và gây ra đau xương đặc biệt là các xương dài. Trẻ cũng có thể thiếu kẽm với triệu chứng tóc khô, gãy, giòn, móng tay có vệt trắng, hay ốm vặt, biếng ăn, chậm phát triển chiều cao; thiếu sắt sẽ có triệu chứng móng tay mỏng, dẹt, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt…

Vị chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên bổ sung những vi chất này thông qua trứng, cá, tôm, thịt nạc, rau xanh, trái cây, đặc biệt là sữa hoặc thực phẩm chức năng. Đặc biệt, chúng ta cần phải khuyến khích trẻ vận động nhiều nhất có thể như đi bộ tại nhà, làm việc nhà, kết hợp ăn uống điều độ, khoa học.

“Nhưng điều này không hề dễ dàng. Bởi bé đã quen với khẩu phần ăn này sẽ rất khó. Nhiều phụ huynh kể với tôi cấm cháu ăn thì bé lại ăn vụng. Buổi tối trẻ bê nồi cơm vào nhà vệ sinh để múc cơm ăn vụng. Trẻ không được ăn, khóc quấy thì phụ huynh, ông bà không kìm được mà lại chiều con, cháu.

 

 

Chúng ta sẽ phải khắc phục từ từ, giảm ăn từ từ chứ không được cắt khẩu phần ăn đột ngột, nói cho cháu hiểu vấn đề. Điều quan trọng nhất là phụ huynh phải phòng ngừa, đừng để con đã thừa cân, béo phì thì điều trị rất khó khăn”, bà Hải nói.

Sau một thời gian dài học trực tuyến do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ em càng gia tăng nguy cơ bị thừa cân, béo phì. Hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI” của Bộ Y tế, Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện chương trình “Phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam” với nhiều hoạt động cung cấp kiến thức, thông tin khoa học để nhằm giúp cộng đồng có cách hiểu đúng về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam.

Nằm trong chuỗi hoạt động chương trình, tọa đàm “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ trong mùa dịch Covid-19” được phát sóng trên Zing News vào lúc 10h00 ngày 25/4.

 

Hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Vì một thế hệ trẻ em cao lớn chuẩn BMI” của Bộ Y tế, Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện chương trình truyền thông “Phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam” vì một thế hệ trẻ em cao lớn, thông minh vượt trội, chuẩn BMI.

Minh Anh
Đồ họa: Khôi Khôi

Nguồn: zingnews.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.