Chuyên mục
Châu Âu chia rẽ và hoảng loạn

Châu Âu chia rẽ và hoảng loạn

Chủ nhật 24/10/2021 15:00 GMT + 7

Các nhà lãnh đạo EU đã không đạt được tiến triển đáng chú ý nào khi tiếp tục tìm cách giữ giá năng lượng trong tầm kiểm soát.


Những kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh của khối, diễn ra ngày 21-22/10 ở Brussels (Bỉ) có thể giải được bài toán khủng hoảng năng lượng giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu càng khó đến gần hồi kết.

 

Liên minh châu Âu bị chia rẽ sâu sắc vì khủng hoảng năng lượng. Ảnh minh họa


Sự chia rẽ có chiều hướng sâu sắc hơn sau khi có những quan điểm lo ngại liệu cuộc khủng hoảng giá có dẫn tới sửa đổi các quy tắc của thị trường năng lượng châu Âu hay không.

Các biện pháp dài hạn gây tranh cãi nhiều hơn liên quan đến những yêu cầu hành động mà các quốc gia thành viên muốn EU thực hiện để bảo vệ khối trước những đợt tăng giá đột biến trong tương lai.

Ba Lan, CH Séc và Tây Ban Nha kêu gọi EU hạn chế sự tham gia của các nhà đầu cơ tài chính vào thị trường carbon, mà các nước này cho rằng đã đẩy giá dầu khí lên mức cao kỷ lục. Ba Lan cũng muốn EU xem xét liệu hành vi của tập đoàn Nga Gazprom có góp phần làm tăng giá khí đốt ở châu Âu hay không.

Ngoài ra, Tây Ban Nha còn đòi 27 thành viên châu Âu ký hợp đồng mua chung, nhưng các nước Tây bắc châu Âu đáp lại rằng vấn đề chính là do Liên minh châu Âu không có những hợp đồng dài hạn.

Một số quốc gia xem tình trạng giá năng lượng tăng vọt là một vấn đề nhất thời. Các nước Đức, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg hay các nước Bắc Âu cho rằng giá năng lượng sẽ tự điều chỉnh vào mùa xuân tới.

Những nước này không chấp nhận việc cải tổ thị trường năng lượng nội địa châu Âu và như vậy không tán đồng đề nghị của Pháp xóa bỏ việc điều chỉnh giá điện theo giá khí đốt.

Việc tìm kiếm những nguồn năng lượng khác cũng là biện pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng giá năng lượng hiện nay. Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Layen đã nhấn mạnh tới năng lượng hạt nhân và khí tự nhiên. Tuy nhiên, đề xuất này không được tất cả các thành viên EU chào đón.

Đức cũng ủng hộ cách tiếp cận quốc gia, ủng hộ phản ứng theo định hướng thị trường. Tuy nhiên, Berlin lại bác bỏ mối liên hệ mà các nước như Ba Lan và Hungary đang cố gắng tạo ra giữa giá cả tăng cao và chi phí chuyển đổi năng lượng, thông qua việc mở rộng hệ thống thương mại cho phép phát thải CO2 (ETS) với các lĩnh vực vận tải đường bộ và sưởi ấm trong tòa nhà. Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, "tái tạo" phải được coi là một giải pháp chứ không phải là nguyên nhân làm tăng giá năng lượng.

Về phần mình, EC có thể dự tính các giải pháp trung và dài hạn bằng cách đánh giá hoạt động của thị trường khí đốt và điện, cũng như thị trường giao dịch quyền CO2. EC cũng sẽ xem xét xây dựng dự trữ khí đốt chiến lược và nhóm mua khí đốt, cũng như kết nối tốt hơn và đa dạng hóa hơn các nhà cung cấp khí đốt.

Sự bất đồng sâu sắc trong quan điểm khiến cả khối vẫn loay hoay trong bế tắc.

"Điều quan trọng là các nước thành viên phải hợp tác để xem những biện pháp nào có thể được thực hiện ở cấp quốc gia và châu Âu", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh.

Nếu 27 nước thành viên không thể tìm được tiếng nói chung, thì nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục tìm kiếm trong cuộc họp bộ trưởng năng lượng EU diễn ra vào ngày 26/10.

Nếu không có giải pháp, vấn đề năng lượng sẽ tiếp tục làm nóng hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của EU trong năm 2021 diễn ra vào tháng 12 tới.

Ban bố tình trạng khẩn cấp, lo ngại bạo loạn

Để đối phó trong ngắn hạn, nhiều quốc gia đã có giải pháp. Mặc dù vậy, vẫn không thể tránh khỏi những lo ngại về tình trạng bất ổn, bạo loạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hầu hết các nước EU đều đã lên kế hoạch dự phòng để bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho các hộ gia đình nghèo nhất.

Ví dụ, Moldova hôm thứ Sáu đã ban bố tình trạng khẩn cấp để giải quyết tình trạng thiếu hụt khí đốt.

Các nhà chức trách nước này buộc phải chuyển "Ngọn lửa vĩnh cửu" khỏi tượng đài dành riêng cho những người lính Liên Xô thiệt mạng trong Thế chiến II và đặt tại thủ đô Chisinau.

Bộ Quốc phòng Moldova giải thích rằng ngọn lửa đã bị dập tắt nhiều lần do mức áp suất thấp trong các đường ống khí đốt và gió giật mạnh.

Còn tại Pháp, giá cả năng lượng khiến đông đảo người dân bất bình và chính quyền Paris buộc phải đề ra một số chính sách xoa dịu tạm thời.

Ví dụ như Pháp đã quyết định đóng băng giá khí đốt - một biện pháp vẫn còn rất ít nước thực hiện - cho đến cuối năm 2022, trong khi đợt tăng giá điện tiếp theo vào tháng 2 sẽ được giới hạn ở mức 4% bằng cách cắt giảm thuế. Tổng thống Emmanuel Macron cho biết Pháp sẽ hỗ trợ 100 euro cho 6 triệu hộ gia đình có mức thu nhập trước thuế dưới 2.000 euro để thanh toán hóa đơn tiền điện vào tháng 12.

Với Chính phủ Bỉ, đã quyết định gia hạn thời gian áp dụng biểu giá năng lượng xã hội cho các hộ gia đình nghèo nhất cho đến tháng 3/2022. Biện pháp này đi kèm với một tấm séc năng lượng trị giá 80 euro, được gửi vào mùa Thu cho 1 triệu gia đình.

Từ ngày 1/1/2022, Chính phủ Đức sẽ cắt giảm gần 50% thuế đối với năng lượng tái tạo, một loại thuế liên quan đến tất cả người tiêu dùng. Trong khi đó, Ba Lan đã chi ngân sách tối đa 1,1 tỷ euro cho năm 2022 để hỗ trợ những người về hưu và các gia đình đông con nói riêng ứng phó với tình trạng giá năng lượng tăng.

Ở Latvia, kể từ tháng 11 cho đến ít nhất là cuối năm 2022, khoảng 150.000 hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất, những hộ có người khuyết tật và các gia đình đông con, sẽ nhận được từ 15 đến 20 euro mỗi tháng để thanh toán tiền điện hoặc khí đốt

Chính phủ Estonia sẽ huy động khoảng 75 triệu euro để giảm hóa đơn tiền điện cho tất cả người tiêu dùng và 20 triệu để giúp đỡ khoảng 72.000 gia đình thuộc nhóm nghèo nhất, từ tháng 9 đến tháng 3/2022.

Chính phủ Séc bãi bỏ thuế VAT đối với điện và khí đốt trong tháng 11 và 12, đồng thời đã thông qua dự luật hủy bỏ thuế này vào năm 2022. Tuy nhiên, để thực hiện biện pháp trên thì phải được sự cho phép của EU.

Vai trò của Nga

Ngay từ giữa tháng 9/2021, Cơ quan năng lượng châu Âu (AEI) đã ra thông báo ngầm chỉ trích rằng Nga lẽ ra có thể xuất khẩu nhiều khí gaz hơn sang cho châu Âu và qua đó giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng hiện nay.

Châu Âu cho rằng xuất khẩu khí gaz của Nga sang châu Âu hiện còn thấp hơn năm 2019, thậm chí cho rằng Nga đang tìm cách thao túng giá khí gaz.

Tuy nhiên, phía Nga đã phản bác các chỉ trích này. Như Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định, châu Âu rơi vào tình trạng hiện nay một phần là vì đã từ bỏ các hợp đồng mua khí gaz dài hạn, thay vào đó đi mua trên các thị trường thứ cấp vốn có nhiều biến động về giá. Tổng thống Nga cũng đã đề nghị trợ giúp, tăng lượng xuất khẩu khí gaz sang châu Âu. Ngay sau tuyên bố của ông Putin, thị trường khí gaz đã phần nào hạ nhiệt.

Tuy nhiên, các nước châu Âu đón nhận các đề nghị từ Nga một cách thận trọng. Một mặt, các nước này buộc phải gia tăng lượng nhập khẩu khí gaz từ Nga, nhà cung cấp số 1 cho châu Âu (chiếm khoảng 40%), để hạ giá, giảm căng thẳng xã hội, nhưng mặt khác châu Âu càng lo ngại hơn việc bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn khí đốt từ Nga.

Nhiều chính trị gia châu Âu đã lên tiếng cho rằng Nga đang sử dụng khí gaz như vũ khí địa chính trị để gây sức ép với châu Âu và về lâu dài, châu Âu phải tìm cách ứng phó. Tuy nhiên, đây là chủ đề không mới, đã được bàn thảo suốt nhiều năm qua và cho đến nay châu Âu vẫn chưa tìm ra giải pháp.

 

An An

Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.