Chuyên mục
Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc đang ở một giai đoạn mới, nguy hiểm hơn?

Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc đang ở một giai đoạn mới, nguy hiểm hơn?

Thứ bảy 22/04/2023 05:06 GMT + 7

Bắc Kinh dường như đã thể hiện rõ sự tức giận với những gì mà họ cho là đang bị nền kinh tế lớn nhất thế giới 'bắt nạt'.

 

Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc đang ở một giai đoạn mới, nguy hiểm hơn? Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. (Nguồn: Getty Images)

 

Thế giới có thể đã hy vọng rằng, khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng chặt cửa với thế giới để phòng dịch Covid-19, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc sẽ giảm.

Tuy nhiên, theo mô tả của giới quan sát, bầu không khí ở Bắc Kinh vừa qua cho thấy mối quan hệ quan trọng nhất thế giới đã trở nên gay gắt và căng thẳng hơn bao giờ hết.

Mỹ lại "tung đòn" chưa từng có?

Tại Nhà khách Điếu Ngư Đài, các giám đốc điều hành đa quốc gia tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2023 (CDF) chủ đề “Phục hồi kinh tế: Cơ hội và hợp tác” (25-27/3) lo lắng, việc tách rời xa hơn và cạnh tranh sâu sắc hơn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ không có lợi đối hoạt động kinh doanh của họ.

Hiện mỗi bên đang tuân theo logic không thể lay chuyển của riêng mình. Mỹ đã áp dụng chính sách ngăn chặn, dù nước này từ chối sử dụng thuật ngữ đó. Trong khi đó, tại cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác nhận mục tiêu "xây dựng một trật tự thế giới thay thế", thân thiện hơn.

Đối mặt với điều này, dễ hiểu là Mỹ đang tăng tốc ngăn chặn Trung Quốc ở châu Á, trẻ hóa các liên minh cũ và tạo ra các liên minh mới, chẳng hạn như hiệp ước AUKUS với Australia và Anh.

Về thương mại và công nghệ, Mỹ đang ban hành một lệnh cấm vận nghiêm ngặt và ngày càng mở rộng đối với chất bán dẫn và các hàng hóa khác. Mục tiêu là làm chậm sự đổi mới của Trung Quốc, để phương Tây có thể duy trì ưu thế về công nghệ, và luôn nêu câu hỏi: tại sao Mỹ lại để các phát minh của mình được sử dụng để khiến một chế độ thù địch trở nên nguy hiểm hơn?

Ngoài ra, Politico dẫn các nguồn tin cho biết, trong tháng 4 này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị công bố những "biện pháp chưa từng có" nhằm ngăn chặn đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc, ngăn cản đà phát triển công nghệ và quân sự của Bắc Kinh.

Theo các nguồn tin, Nhà Trắng đã bắt đầu thảo luận với cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả Phòng Thương mại Mỹ, về nội dung sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden, theo đó sẽ buộc các doanh nghiệp phải thông báo cho chính phủ về các khoản đầu tư mới vào các công ty công nghệ Trung Quốc, cũng như cấm một số giao dịch trong hàng loạt lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả bộ vi xử lý.

Ngoài quyết định hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, Nhà Trắng đang xem xét khả năng cấm mạng xã hội TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance không được hoạt động ở Mỹ, sau thời gian dài thảo luận đề xuất này tại Quốc hội và chính quyền. Ngoài ra, Washington cũng có thể bàn tới việc áp thuế cao hơn nữa đối với hàng hóa Trung Quốc.

Ở phía bên kia, Bắc Kinh coi sự ngăn chặn của Mỹ trong thương mại là không công bằng. Tại sao một quốc gia có GDP bình quân đầu người thấp hơn 83% so với Mỹ lại bị tước đoạt các công nghệ quan trọng? Giới quan chức và doanh nhân Trung Quốc cản thấy “đau lòng” trước cảnh TikTok “bị quay” trong phiên điều trần của Quốc hội Mỹ mới đây.

Với hai thế giới quan mâu thuẫn và cố hữu như vậy, sẽ “ngây thơ” khi nghĩ rằng chỉ cần có thêm ngoại giao là có thể đảm bảo cho một mối quan hệ “bình thường”. Cuộc gặp ở Bali (tháng 11/2022) giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc đã phần nào xoa dịu căng thẳng, nhưng logic đối đầu sâu xa hơn đã sớm tái khẳng định sự thực.

Mỹ muốn Trung Quốc áp dụng các biện pháp tự kiểm soát sự cạnh tranh, nhưng Bắc Kinh tự đặt mình là vị trí yếu hơn, đặt câu hỏi: tại sao lại phải tự ràng buộc vào các quy tắc do “kẻ bắt nạt" đặt ra?

Chưa có gì cho thấy căng thẳng sẽ giảm bớt. Cuộc bầu cử của Mỹ vào năm 2024 sẽ cho thấy, việc công kích Trung Quốc là một “môn thể thao” của cả hai đảng. Còn Trung Quốc, trước thách thức về một nền kinh tế đang chậm lại, đang hướng tới tầm nhìn về một quốc gia “cơ bắp và trẻ hóa”.

Khi Mỹ-Trung Quốc tách rời…

Nếu điều đó xảy ra, sẽ có tác động tồi tệ đến nền kinh tế toàn cầu. Thế giới không chỉ bị chia làm hai với các quan điểm chính trị đầy hoài nghi, nó có nguy cơ sụp đổ.

Đã đến lúc chấm dứt ảo tưởng rằng, thế giới nếu bị chia thành các khối ý thức hệ sẽ không gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Và rằng, chính trị bằng cách nào đó tách biệt với kinh tế.

Làm sao có thể khác được khi gần như hàng ngày, sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang làm xói mòn các liên kết tài chính và thương mại toàn cầu, đồng thời làm gia tăng căng thẳng chiến lược?

Biến động trên thị trường chứng khoán và trái phiếu, biến động tỷ giá hối đoái, kỳ vọng lạm phát và niềm tin kinh doanh giảm sút đều là triệu chứng của tình trạng đáng buồn trên. Tương tự như vậy, đầu tư và thương mại đang giảm sút mạnh. Những lo ngại về hệ thống tài chính, cộng với cảm giác bất ổn chung bao trùm “một màu xám” lên kinh tế.

Mỹ bị cho là đã kích động sự chia rẽ Đông-Tây, bằng cách đổ lỗi cho Trung Quốc, vì đã thách thức quyền thống trị toàn cầu của Mỹ. Ngoài ra, xung đột Nga-Ukraine cũng có nguồn gốc liên quan các hoạt động địa chính trị từ bên ngoài mối quan hệ này.

Gạt sang một bên những quan điểm cực đoan hơn của những người gắn bó với đường lối thân Mỹ so với thân Trung Quốc – hoặc quan điểm thân Ukraine so với thân Nga, nhiều nhà kinh tế đã nói về những xung lực gây chia rẽ và bất ổn, như thể chúng là những hiện tượng ngẫu nhiên, đáng tiếc nhưng không thể tránh khỏi.

Bài viết có tiêu đề “Địa chính trị và sự phân mảnh nổi lên như những mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định tài chính”, phát hành vào ngày 5/4 ngay trước cuộc họp mùa Xuân của IMF và WB tại Washington cảnh báo những căng thẳng địa chính trị như một xu hướng tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu.

Bài viết lưu ý, “những lo ngại về sự phân mảnh kinh tế và tài chính toàn cầu đã gia tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt là mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc và xung đột Nga-Ukraine”. Các biện pháp tài chính thuộc loại được Washington sử dụng để trừng phạt Nga (và cả Trung Quốc) không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính, chúng có tác động đến đầu tư xuyên biên giới, thanh toán quốc tế và giá trị tài sản…

Cụ thể như sự gia tăng căng thẳng giữa các nước đầu tư và nước tiếp nhận, chẳng hạn như Mỹ- Trung Quốc kể từ năm 2016, làm giảm đáng kể đầu tư xuyên biên giới và hoạt động cho vay ngân hàng.

Căng thẳng địa chính trị cũng được truyền đến các ngân hàng thông qua nền kinh tế thực. Trong khi đó, tác động của sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng và thị trường hàng hóa đối với tăng trưởng và lạm phát trong nước có thể làm trầm trọng thêm tổn thất tín dụng và thị trường của các ngân hàng, làm giảm khả năng sinh lời và vốn hóa. Tất cả những điều này đã xảy ra ngay cả khi thế giới đang phải vật lộn để đối phó và phục hồi sau tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19.

Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đánh giá là đã thể hiện sự can đảm và chủ nghĩa hiện thực trong vấn đề này, khi ông thẳng thắn nói rằng, châu Âu không nên tự động đi theo lập trường của Mỹ hay Trung Quốc về các vấn đề như Đài Loan. Ông cho biết “rủi ro lớn” mà châu Âu hiện đang phải đối mặt là “bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta”, khiến châu Âu không thể xây dựng cái mà ông gọi là “quyền tự chủ chiến lược”.

Chỉ cần như vậy, không chỉ châu Âu, mà gần như mọi quốc gia trên hành tinh này đều bị cuốn vào cuộc xung đột ý thức hệ chủ yếu giữa Washington và Bắc Kinh – mặc dù các “đồng minh” bất đắc dĩ thường bị lôi kéo vào cuộc – mà chủ yếu là về các giá trị, nhưng thực tế là về sức mạnh địa chiến lược.

Giáo sư Michael Spence, người đoạt giải Nobel về kinh tế và là cựu hiệu trưởng Trường Kinh doanh tại Đại học Stanford đã thẳng thắn đưa ra quan điểm: “Đừng nhầm lẫn, hậu quả kinh tế của việc đi chệch hướng đối đầu này sẽ rất nghiêm trọng”.

Minh Anh

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.