Chuyên mục
Ca sỹ Đoan Trường: ''Mùa thu nước Nga mãi trong tim tôi!''

Ca sỹ Đoan Trường: ''Mùa thu nước Nga mãi trong tim tôi!''

Thứ bảy 11/09/2021 01:37 GMT + 7

Bước sang tháng 9, cái tháng luôn khiến cho ca sĩ Đoan Trường bồi hồi nhớ về những kỷ niệm gắn bó với nước Nga, nhớ rừng bạch dương và đặc biệt nhất là nhớ mùa thu vàng xứ sở bạch dương.

 

Hơn 30 năm trước, vào ngày 17/08/1987 lần đầu tiên anh đã đặt chân đến nơi đây với tâm trạng háo hức chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới tại Trường Đại học Tổng hợp hóa tinh vi mang tên Lômônôxốp - Mátxcơva (MITXT), một chặng đường mới đối với anh và cũng là thành quả sau khi anh thi đỗ vào trường ĐH Bách Khoa TP.HCM với số điểm 27/10 cho 3 môn thi Toán - Lý – Hóa.

 

Mất thêm 1 năm học tiếng Nga chuyên ngành tại trường Dự bị đại học TP.HCM, sau khi được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp thì anh mới chuẩn bị hành trang lên đường. Đã 34 năm trôi qua thật nhanh như một cơn gió nhưng mỗi khi cứ đến ngày 01/09 hằng năm, lòng anh lại dâng trào lên niềm rưng rưng xúc động nhớ lại những kỷ niệm của một thời sinh viên nơi đất khách quê người qua những tấm hình xưa cũ đã úa vàng theo thời gian. 

 


Trong cuốn nhật ký của mình, anh viết về những kỷ niệm ngày đó: “Mình vẫn nhớ khi lên xe buýt ra máy bay ở Việt nam vào buổi chiều ngày 17/08/1987 tự nhiên mưa mù mịt làm nhiều bạn bật khóc nên mình cũng khóc theo. Chuyến bay IL 86 của hãng hàng không Aeroflot đã đưa 300 sinh viên khu vực miền nam đáp xuống sân bay Sheremetyevo vào buổi sáng sớm tinh mơ ngày 18/08/1987. Xe của ĐSQ Việt Nam tại Nga ra đón và đưa đoàn về tập trung tại ký túc xá sinh viên trường Đại học Tổng hợp MGU. Phía bên trường mình cử đại diện là một anh sinh viên người Việt Nam học năm thứ 5 và một cô giáo người Nga có gương mặt phúc hậu ra đón. Sau đó, mình được đưa về ký túc xá nằm ngay cạnh trường học ở phía tây nam thành phố tại tuyến Metro màu đỏ Yugo-zapadnaya trên một ngọn đồi cao bên cạnh là những cánh rừng thông bạt ngàn.

 

 

Mùa thu đầu tiên trong cuộc đời mình, cũng là mùa thu đẹp nhất và lãng mạn nhất trên thế giới hiện lên như một bức tranh được dệt bằng những chiếc lá vàng rực phủ đầy trên các con đường như một tấm thảm óng ánh trong màn sương chiều thơ mộng. Những công trình tráng lệ nguy nga nằm giữa những rừng cây đang khoác lên mình tấm áo choàng lốm đốm sắc vàng-nâu-đỏ. Những khu vườn táo xanh bạt ngàn trên ngọn đồi chim sẻ chẳng ai buồn hái. Những bà mẹ Nga phúc hậu đầu trùm khăn choàng hoa, kéo lê những chiếc xe đầy ắp thực phẩm trên vỉa hè dọc theo những con tàu điện chạy leng keng trên các con phố cổ. Đó cũng là lần đầu tiên mình được đi thang máy, lần đầu tiên được ăn bánh mì với cháo và sữa, lần đầu tiên ngủ trên giường có nệm lò xo và lần đầu tiên đêm hôm đó, mình đã bật khóc”.

 


Những ngày nhập học đầu tiên thời sinh viên nhiều hoài bão


Những ngày đầu tiên được đi nước ngoài, đi máy bay với hành trình dài hơn 20 tiếng anh đã cố gắng kìm nén những giọt nước mắt khi ba mẹ, em gái và cô giáo người Việt dạy tiếng nga ra sân bay đưa tiễn.

 


Vì làm trưởng đoàn nên anh có may mắn giữ lại được chiếc vé máy bay ngày 17/08/1987 cho đến tận hôm nay.

 

 

Tranh thủ trước ngày khai giảng, anh dạo chơi trong những cánh rừng bạch dương, thưởng thức các món ăn Nga, tham quan nhiều danh thắng nổi tiếng như Quảng trường Đỏ, điện Kremlin và lăng Lênin.

 


Tấm thẻ sinh viên được phiên âm tên anh sang tiếng Nga là Доан Фыок Чыонг học khoa “Cao su tổng hợp” lớp ban ngày chính quy cấp đúng ngày 01/09/1987. Anh cho biết đây là vật bất ly thân trong suốt quá trình 6 năm học vì nó được công nhận là giấy tờ tùy thân. Tấm thẻ này còn được sử dụng để mua hàng thời bao cấp. Nước Nga vẫn lấy ngày 01/09 là ngày khai giảng thống nhất gọi là "День знаний" và ngày này cũng được chọn là ngày đầu tiên chính thức bắt đầu mùa thu.

 


Các sinh viên được cấp tem phiếu ăn trưa tại trường, tiền sinh hoạt cho cuộc sống mỗi tháng, vé cho các phương tiện giao thông công cộng. Các thầy cô giáo Nga đưa sinh viên mới đi mua trang phục thu-đông như mũ lông, khăn choàng, giày, ủng, tất, găng tay, áo len, áo khoác. Tất cả đều cùng kiểu, cùng màu y như đồng phục và thêm số tiền 100 rúp dùng để mua dụng cụ học tập, đồ dùng thiết yếu và thực phẩm cho mỗi tân sinh viên. Ký túc xá có phòng chỉ rộng 40m2 dành cho 2 sinh viên và 60 m2 dành cho 3 sinh viên. Anh luôn bố trí sắp xếp, trang trí không gian sinh hoạt và học tập thật gọn gàng, tươm tất. 

 


Từ năm 1987 đến 1990 toàn bộ sinh viên Việt Nam học tại Liên bang Xô Viết được cấp học bổng là 90 rúp/1 tháng (1 kg thịt heo và 1 kg gạo thời bao cấp có giá chỉ 1 rúp). Sinh viên nữ chỉ tiêu khoảng 60 rúp là hết tầm nên có thể dành dụm được chút ít gửi về quê nhà cho gia đình tại Việt Nam cũng đang bước vào những năm tháng bao cấp theo tem phiếu. Còn anh thì tiết kiệm hơn nên cũng dư ra được 30 rúp nên 2 năm dành dụm là có thể mua vé máy bay 2 chiều 700 rúp về thăm quê.


Cho đến năm 1991 thì tăng lên 100 rúp và sau khi Liên Xô tan rã vào 1991 thì Liên bang Nga vẫn tiếp tục cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam cho đến năm 1992 thì ngưng hoàn toàn vì đã xóa chế độ bao cấp. Tiền rúp mất giá, giá cả thì tăng vọt, phải cần khoảng 200 rúp mới có thể sống tạm trong một tháng.

Sinh nhật đầu tiên xa nhà và tình đồng hương ấm áp


Tháng 9 cũng là tháng có ngày sinh nhật nên anh tổ chức tiệc sinh nhật đầu tiên 19/09 tại đây với nhiều bạn bè nước ngoài và các anh chị sinh viên đồng hương tham dự. Để trau dồi và học tiếng Nga, sang năm học thứ 2 anh xin được sống cùng phòng với những bạn người Nga. Nhờ vậy sau này, tiếng Nga anh vẫn nhớ rõ và nói lưu loát cho đến tận bây giờ.

 


Trong trường có 30 đồng hương người Việt sang đây du học đến từ mọi miền của đất nước nên các anh chị học năm trên luôn chăm sóc và dạy bảo cho các sinh viên năm dưới. Mọi người luôn bên nhau trong những dịp lễ Tết, sinh nhật, tiệc cưới hỏi, tốt nghiệp, cắm trại hay những khi đau ốm bệnh tật.

 


Những nấc thang đầu tiên trong hoạt động nghệ thuật


Anh bắt đầu tham gia các hoạt động văn nghệ với thành tích 3 năm liên tiếp đoạt giải nhất liên hoan “Tiếng hát sinh viên” toàn thành phố Mátxcơva (1990-1991-1992), giải nhì “Giọng ca vàng sinh viên” toàn liên bang Nga năm 1993 với hơn 20 quốc gia tham dự. Anh còn được Đại sứ quán Việt Nam tại Nga mời tham dự biểu diễn trong các bữa tiệc chiêu đãi, kỷ niệm các ngày Quốc khánh, lễ Tết, tổng kết năm học.

 


Tốt nghiệp Thạc sỹ Hóa công nghệ năm 1993 sau 6 năm học tập nhưng Đoan Trường vẫn lưu lại Nga thêm vài năm để đi hát, làm đạo diễn, MC, tổ chức các chương trình ca nhạc thời trang, hoa hậu cho cộng đồng người Việt tại Nga và đi  lưu diễn nhiều quốc gia khác (nằm trong khối Liên bang Xô Viết trước đây).

 


Anh là ca sỹ chính của ban nhạc Đêm Huyền Trắng rất nổi tiếng thời bấy giờ, tổ chức nhiều show ca nhạc hoành tráng, mời các ca sỹ Việt Nam và hải ngoại sang Nga biểu diễn như Ngọc Ánh, Nhã Phương, Y Phụng, Kim Anh, Cẩm Vân.

 


Cuộc sống mưu sinh vất vả và nghị lực vươn lên


Ngày 26/12/1991, Liên bang Xô Viết chính thức kết thúc sự tồn tại khi anh đang học năm thứ 4. Anh chia sẻ: “Đối với tôi, đây là giai đoạn khó khăn nhất, nguy hiểm nhất với những cuộc đảo chính, chế độ bao cấp bị xóa bỏ, cuộc sống bất an vì nạn cướp giật, trấn lột, đánh nhau. Sau khi đổi sang đồng tiền mới thì vật giá tăng chóng mặt, tiền học bổng trong 1 tháng cũng chỉ tiêu được trong vòng 1 tuần là hết. Mọi người đổ xô đi buôn bàn là, nồi áp suất, thuốc men, quần áo, ngoại tệ, băng dĩa nhạc phim. Tôi cũng phụ bạn bè đi bán quần áo ngoài chợ trời, đi gom hàng ở các cửa hàng bách hóa tổng hợp hay hiệu thuốc. Vì gia đình mình lúc đó còn nghèo nơi quê nhà nên tôi phải dè xẻn chi tiêu để gửi về phụ giúp. Sau khi tốt nghiệp năm 1993, tôi dọn ra ở căn hộ riêng nhưng bị trộm vào cuỗm sạch đồ đạc và trang phục biểu diễn. Ơn trời, tôi được nhiều bạn bè thân thiết và khán giả yêu thương cưu mang cho ăn nhờ ở đậu vài ngày. Có lần tôi bị trấn lột hết sạch tiền ngoài phố khi đi hát về khuya nên không thể chi trả tiền thuê nhà mà phải vào nhà hàng ngũ tạm qua đêm trên…những chiếc ghế. Tôi thường đến lớp với đôi mắt thâm quầng vì buổi tối hay đi hát ở các phòng trà ca nhạc, câu lạc bộ, vũ trường, nhà hàng để kiếm tiền. Nhiều hôm hát xong tôi lê bước về ký túc xá dưới trời tuyết lạnh -30 độ mà nước mắt cứ ướt đẫm”. 

 

Chuyện tôi chưa bao giờ kể ra là tôi cũng bị công an bắt nhốt vào đồn một đêm khi quên mang theo giấy tờ tùy thân trước ngày bảo vệ luận án tốt nghiệp, phải nhờ trường xác nhận mới được cho về. Tai họa ập đến khi tôi bị viêm phổi và sốt cao do lao lực quá sức giữa mùa đông khắc nghiệt nên phải vào viện không cho ai biết nhưng chỉ được vài ngày tôi lại xin ra vì hết sạch tiền đóng viện phí!


Tôi ham đi du lịch lắm mà không có tiền nên tranh thủ các kỳ nghĩ hè và đông tôi thường tự mình đi mình đi khám phá nhiều nước như Ucraina, Belarus, Uzbekistan, Kazakhstan, Latvia, Litvia, Estonia…Nhiều lần tôi đi “chui” bằng cách “nhảy” lên tàu hỏa mà không mua vé. Đến mỗi nơi nơi thì xin ăn ở nhà bạn bè vài ngày miễn phí.

 


Hành trình 22 năm tìm về miền ký ức nước Nga


Năm 2017, Đoan Trường quyết định quay trở lại đây sau 22 năm xa cách vào đúng ngày sinh nhật của mình 19/09. Ngay khi vừa xuống sân bay, anh đã bật khóc vì cũng chính sân bay này, anh đã bị mất toàn bộ hành lý và hàng hóa dành dụm được khi về lại Việt Nam năm 1995.

 

Giọng ca “Tình phiêu lãng” được một người đàn em năm dưới học chung trường đưa về thăm trường xưa và ký túc xá cũ. Nhìn thấy tấm băng rôn màu xanh “Chào đón các tân sinh viên năm mới”, anh đã xúc động và không kìm nén sự bồi hồi khi nhớ lại ngày nhập học đầu tiên của mình - Ngày 01/09/1987.

 


22 năm đi học là khoảng thời gian khá dài trong một đời người. 22 năm cũng là số năm mà tôi đã xa nước Nga với thời sinh viên đầy những hoài bão lớn. Có lẽ đó là phần ký ức đẹp nhất trong chuỗi thanh xuân tươi đẹp của mình, sẽ mãi mãi không bao giờ quên những kỷ niệm về ngôi trường yêu mến, bạn bè, thầy cô của tôi. Đó cũng là thước đo cho sự trưởng thành, vươn lên trong cuộc sống của tôi ngày hôm nay!

 

 

Tác giả và hình ảnh: Ca sỹ Đoan Trường

(Cựu sinh viên Trường Đại học Tổng hợp hóa tinh vi mang tên Lômônôxốp - Matxcơva)


28 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.