Chuyên mục
Bố mẹ Việt lười chơi với con nhất!
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Bố mẹ Việt lười chơi với con nhất!

Thứ năm 17/10/2013 02:33 GMT + 7
Ở Nhật 6 năm, ở Pháp 2 năm và Úc 6 tháng, đi nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với nhiều bố mẹ nước ngoài, thi thoảng tôi lại giật mình: Bố mẹ Việt chúng ta có lẽ lười chơi với con nhất nhì thế giới!


Đôi lúc tôi giật mình khi thấy bố mẹ Tây chơi với con. Ảnh minh họa: Internet.

Giật mình khi thấy bố mẹ Tây chơi với con

Dù làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đề cao giáo dục sớm và dành nhiều thời gian để chơi với con, dạy con, đôi lúc tôi vẫn giật mình khi thấy bố mẹ Tây, bố mẹ Nhật giao tiếp với con họ.

Ở khu đô thị Mỹ Đình-The Mannor gần trường mầm non của tôi, hầu hết chiều nào tôi cũng đưa 2 con đi trượt patin và cũng thấy bố mẹ người Nhật, Hàn  đưa con xuống sân chơi. Bọn trẻ con tự do vui đùa, nghịch cát, ngắm cây cối, tự trượt patin, chạy xe scooter với nhau các bà mẹ ngồi xa xa, lúc nào có vấn đề gì con chạy lại hỏi bố mẹ.

Không mấy khi thấy cha mẹ Việt cho con ra chơi. Giờ đó các bà mẹ lo nấu ăn, tắm rửa, các ông bố thì bia bọt và tennis. Thi thoảng thấy một số em bé Việt cũng được giúp việc đưa đi chơi, nhưng cũng thường ngồi yên trên ghế đá hoặc được bón ăn chứ không chơi tự do với các bạn nhỏ khác.

Ngoài khoảng thời gian 5-6h chiều, trẻ con còn lúc nào để chơi một cách tự do với nhau?  Buổi tối về nhà, nếu tuổi mầm non thì lại vòng quay sức ép ăn-ăn-uống-uống (vì bố mẹ Việt sẽ mất nhiều thời gian và công sức ép con ăn, con không tự ăn được cùng cả gia đình), các bé lớn hơn thì lại phải cắm đầu vào bài tập, chuẩn bị cho ngày mai đi học.

Một lần khác tôi đưa con đi siêu thị, nhìn thấy một bà mẹ nước ngoài đi cùng con mua một món đồ chơi. Bà mẹ đưa cho đứa con khoảng 3 tuổi cầm tờ 50 nghìn để trà cho cô thu ngân và nhận lại món đồ sau khi quẹt và thanh toán tiền, mẹ chỉ đứng sau im lặng cho con tự làm hết. Chỉ như vậy thôi đứa con cũng có thể hiểu được rằng hàng hóa được mua bằng tiền cũng như qui trình mua bán và xếp hàng tự thanh toán. Bà mẹ rất kiệm lời và cố tình “lười”, khi nào đứa trẻ cần giúp đỡ hoặc có vấn đề gì cần hỏi thì mẹ sẽ kiên trì và nhe nhàng giúp con, giải thích cặn kẽ.

Cha mẹ Việt thì khác. Đa phần bố mẹ là người chọn đồ, cũng là người trả tiền, làm sao cho mau mau chóng chóng để về.

Hay câu chuyện khi gia đình đi nghỉ mát, chúng tôi đang sốt ruột chờ ở sân bay thì thấy ông bố trẻ người Nhật cầm chiếc vé bảo con mình: “Đấy con xem số cửa lên máy bay của con là bao nhiêu?, đã đúng cửa này chưa?, hàng ghế số mấy?, đã đúng tên con chưa?”

 Ở bên cạnh, tôi nghĩ trong đầu: “Mình thật đáng trách vì bỏ lỡ cơ hội dạy con những điều bổ ích như ông bố trẻ đó, thay vì sốt ruột đứng đợi một cách vô ích tại sao mình không biến thời gian đó thành những phút thư thái và trò truyện với con như ông bố kia?!"

 Một điều đáng nói là hành động của người bố rất tự nhiên, bản năng, không có gì phải cố gắng, và không có gì phải ngại ngùng ngượng nghịu như đa phần các ông bố Việt khi “phải chơi với con”, nhưng rõ ràng đó là những điều nhỏ bé, đơn giản mà một đứa trẻ cần phải học để bước vào đời với cuộc sống độc lập về sau. Thật đơn giản, nhỏ nhẹ và không tốn nhiều công sức nhưng rõ ràng có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Cha mẹ không dạy thì ai dạy đây?

Một lần khác gây ấn tượng sâu sắc trong tôi là khi cho con tới học ngoại khóa ở UNIS, con trai 3 tuổi của tôi hái quả trứng cá ở trong sân trường thì một cậu bé da trắng khoảng 4-5 tuổi tiến tới bảo con tôi bằng tiếng Anh: “Đừng hái những quả xanh, hái quả đó ấy. Nếu hái những quả màu xanh đi, sẽ không thấy quả màu đỏ để mà hái nữa đâu em ạ!” Sợ con tôi không hiểu tiếng Anh, cậu bé chạy nhanh lại nói với tôi: “Chú có phải là bố của em kia không, chú có thể giải thích cho em ấy không ạ?”

Một cậu bé 4-5 tuổi như thế thì bố mẹ nào mà không muốn phấn đấu? Những điều đó, bố mẹ không dạy thì khó mà mong đợi nhà trường có thể dạy hết được? Ở đằng xa xa tôi nhìn thấy mẹ cậu bé ngồi trên tấm bạt và quan sát con mình với ánh mắt đầy tự hào!

Tôi đã nghĩ rằng họ chăm chỉ dạy con biết bao. Khi dạy cho con kiến thức, đồng thời họ đã hình thành cho con kỹ năng giải thích, chỉ đạo, và hướng tới điều tốt đẹp cho cộng đồng xung quanh, với những người khác. Kỹ năng lãnh đạo và chung sống, ý thức và trách nhiệm bảo vệ của công, bảo vệ môi trường thiên nhiên cũng hình thành từ đó.

Rõ ràng, khi một bố mẹ chăm dạy con mình thì những đứa con của họ sẽ là những người đầu tiên được hưởng lợi, những bố mẹ khác và xã hội đều được hưởng lợi theo.

Ở các nước như Nhật, Mỹ, việc chơi với con, dạy con đã ăn sâu vào văn hóa, thói quen, từ đời này sang đời khác. Việc chơi với con dễ dàng hình thành một cách tự nhiên.

Còn ở những nước Tây Á, một số nước còn nghèo hơn cả Việt Nam, nhưng họ theo một số đạo giáo, việc dành thời gian cầu kinh, đọc kinh, các hoạt động tín ngưỡng và hướng thiện cùng con trong gia đình mỗi tối hoặc vào các giờ nhất định trong ngày là điều gần như bắt buộc, được các gia đình tiến hành một cách liên tục.

Ở Việt Nam mình, không có thói quen, cũng chẳng theo quy định, cha mẹ ít chơi với con. Đó là thiệt thòi lớn của trẻ con hiện đại.

Nguyễn Đức Quang
Yeutretho/ Người Đưa Tin
Nguồn: yeutretho.com
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.