Chuyên mục
Vĩnh biệt ông Nguyễn Bá Thanh: Từ “bức xúc Đà Nẵng” đến “thành phố đáng sống”
BÌNH LUẬN
Niềm hy vọng nhỏ nhoi vừa loé sáng lại vụt tắt, buồn thay nước nam lại mất đi một nhân tài hiếm hoi, buồn thay!!!!!

Vĩnh biệt ông Nguyễn Bá Thanh: Từ “bức xúc Đà Nẵng” đến “thành phố đáng sống”

Thứ bảy 14/02/2015 12:55 GMT + 7
Chiều cuối năm, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã mãi mãi đi xa lúc 13h, ngày 13.2. Cách đây hơn một tháng, ông từ Mỹ về quê hương, tiếp tục điều trị căn bệnh nan y, trong thâm tâm dù biết không còn nhiều hy vọng, nhưng người dân Đà Nẵng vẫn tin vào một phép màu, cùng ý chí mạnh mẽ, ông sẽ vượt qua bệnh tật để sớm trở lại cương vị để thực hiện những ước vọng đang dang dở.



Hàng ngàn người đội mưa gió buốt rét đón ông như một sự động viên, chia sẻ, cùng ông vượt qua bệnh tật. Hàng trăm người sẵn sàng hiến tuỷ cứu ông khi cần. Vì vậy khi đọc bản tin ông mất, đăng sớm trên báo Lao Động, tất cả chung một tâm trạng - bàng hoàng! Sự ra đi của ông để lại một khoảng trống khó bù đắp nổi.
 
Cũng “bức xúc” lắm!

Tháng 2.1992, tôi về Báo Lao Động, thường trú khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ông Nguyễn Bá Thanh lúc này là Giám đốc Sở Nông nghiệp. Thời điểm này báo Lao Động đang có loạt bài điều tra ráo riết về chuyện chia chác đất đai của các quan chức chính quyền Đà Nẵng (khi đó chưa tách tỉnh, Đà Nẵng vẫn thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng), nên nghe chừng tỉnh sẽ thay thế hết cả dàn bí thư, chủ tịch. 

Một hôm, đột ngột ông Nguyễn Bá Thanh gọi điện nhắn tôi sang chơi. Ông cẩn thận đóng cửa và thông báo “tin mật”: “Ông Lân (Mai Thúc Lân - lúc này là Bí thư Tỉnh uỷ) vừa gọi điện, nói tao suy nghĩ, về làm chủ tịch thành phố, mi thấy răng?”. Như vậy, tôi là nhà báo đầu tiên nghe được thông tin này. Vài hôm sau, cả thành phố rộ dư luận: “Ông Lân, ông Được (ông Trương Quang Được - Chủ tịch tỉnh QN - ĐN lúc này) định nông thôn hoá thành thị đây mà!”.

Ông lại rủ tôi lên nhà ăn cơm chiều. Nhà ông Thanh khi đó còn cấp 4, gác xép khang trang, vườn cây cảnh, dáng tỉa tót đẹp. Trong bữa cơm, ông hỏi: “Nếu về thành phố, việc đầu tiên làm gì?”. Tôi nói: “Xin quyền sử dụng quỹ đất thành phố để có vốn mà hoạt động”. 

Lý do tôi nói như vậy, vì ngân sách hằng năm của TP.Đà Nẵng lúc này chỉ bằng nguồn vốn hoạt động của Cty vệ sinh TP.Hải Phòng (các anh Nguyễn Trung Dân và Vĩnh Quyền đã có dịp phản ảnh trong phóng sự “Bức xúc Đà Nẵng” đăng trên báo Lao Động). Ông bảo: “Tao cũng đọc kỹ bài ông Dân, ông Quyền. Cũng bức xúc lắm”. Và ông đặt điều kiện với Tỉnh uỷ lúc bấy giờ, nếu nhận chủ tịch, tỉnh phải cho phép ông sử dụng một số quỹ đất để đổi cơ sở hạ tầng của thành phố. Đây là một yêu cầu khá táo bạo vì lúc bấy giờ Đà Nẵng cũng chỉ được coi tương đương một huyện trồng lúa như Điện Bàn, Duy Xuyên… 

Ngân sách hàng năm rót về cũng không hơn gì. Bàn bạc mãi trong Thường vụ, ông Mai Thúc Lân quyết định giao “thí điểm” để Đà Nẵng sử dụng quỹ đất khai thác vệt 25 mét ven đường Bắc - Nam (nay là đường Hàm Nghi), đồng thời kèm theo điều kiện phải hoàn tất hạ tầng cho đường Nguyễn Văn Linh (đường Đông - Tây cũ) vốn bấy giờ đang lem nhem vì thiếu vốn. Ông nhận liền và triển khai làm cấp tốc. Không chỉ có hai con đường giao nhau đẹp như mơ hoàn thành ngay sau đó, mà dân sống ven trục lộ, cùng số nhà “chồ” cắm cọc trên trên bàu Vĩnh Trung cũng hưởng lợi bằng những lô đất mặt tiền con đường lớn nhất thành phố trị giá hàng tỉ đồng.

Sau đó, hàng loạt tuyến phố Đống Đa, Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo… được mở mới. Và hàng vạn hộ dân được hưởng lợi lớn từ sự mở rộng của thành phố về phía tây, nam… Đà Nẵng hầu như xoá sạch ổ chuột, tiến đến hoàn thành tiêu chí đầu tiên của chương trình “ba có” - có nhà ở.

Nhưng con đường này, sau cũng là “cái hoạ” của ông Nguyễn Bá Thanh. Ông P.M.T - Giám đốc Công ty xây lắp - thi công con đường - bị bắt sau đó. Trong quá trình đi cung, ông T đã khai “chung” cho ông Bá Thanh 4 tỉ đồng để giành quyền thi công đường Bắc - Nam. 

Đây là số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Ông bị kiểm điểm, tường trình lên, xuống trần ai mấy tháng trời. Tôi nhớ cái tết năm đó lên thăm, nhà ông vắng lặng, buồn như “chấu cắn”. Ông đang ngồi viết bản tường trình (lần thứ mấy không nhớ). May sau việc này được làm rõ ràng. Ông vào Thành uỷ với số phiếu cao nhất trong kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố năm đó.

Gian nan cầu sông Hàn

Trước năm 2000, đời sống kinh tế - xã hội hai bờ đông - tây sông Hàn (Đà Nẵng) chêch lệch đến mức, trong dân gian có câu: “Con gái quận 3, không bằng bà già quận 1”. Đặc biệt là khu nhà “chồ”, nơi sinh sống của hàng nghìn người dân “tha phương cầu thực” vốn là một tồn tại nhức nhối hàng trăm năm trên dòng sông Hàn giữa trung tâm thành phố.

Ông dốc lòng xây dựng cầu sông Hàn vừa để giải quyết cải thiện đời sống hàng trăm hộ dân nhà “chồ”, nhưng hơn hết để phát triển phía Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn ngang bằng với các quận trung tâm bên này sông, đồng thời khai thác cả một vùng bờ biển đầy tiềm năng du lịch vẫn ngủ yên. Thiếu vốn, ông chủ trương kêu gọi nhân dân đóng góp tuỳ lòng hảo tâm, kẻ 500.000 đồng, người 1 triệu đồng, để xây cầu. Riêng gia đình ông góp 30 triệu đồng - một con số lớn trong thời điểm lúc bấy giờ.

Số tiền đóng góp đó bị không ít người dèm pha. Trong cuộc họp giữa ông với Câu lạc bộ hưu trí Thái Phiên, có người đứng lên hỏi: “Ông Thanh lương tháng bao nhiêu, mà tiền đâu nhiều vậy?”. Đây là câu hỏi khó. Ông trả lời: “Khách đến thăm, biếu chai rượu, gói trà, chẳng lẽ trả lại. Như hôm qua, mấy anh Hải Phòng ghé thăm tặng hai chai rượu ngoại. Tôi cũng nhận và giao hết cho nhà khách uỷ ban giữ, bán thu tiền lập quỹ. Ai cơ nhỡ, gặp khó, cứ lấy đó mà giúp. Hôm nay thành phố cần, tôi mang góp chứ có chi không hợp lý đâu?”. Hội trường vỗ tay! Không biết vì tấm lòng, hay tài ứng phó thông minh của ông, nhưng có cây cầu cả một vùng đất ven bờ Mỹ Khê phía bờ đông dồi dào sinh khí mới.

Đà Nẵng mơ sông Thames

Đó cũng là tiền đề để ông xây dựng hàng loạt cây cầu mới trên sông Hàn sau này. Ngày Đà Nẵng thông qua quy hoạch 9 chiếc cầu sẽ bắc qua sông Hàn trong khu vực nội thị, dư luận hết sức xôn xao. Phần nhiều cho rằng vậy là quá nhiều và sẽ làm mất đi vẻ đẹp của dòng sông chảy ngang qua thành phố. Ông giải thích: “Đây không phải đơn giản là những công trình giao thông, mà sẽ là những kiến trúc mỹ thuật”. Rồi ông dẫn chứng bằng hình ảnh những cây cầu qua sông Thames, thủ đô London (Anh quốc)…

Và những cây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Thuận Phước với dáng vẻ khác lạ đã lần lượt ra đời trong ý tưởng này. Cầu Rồng hiện là công trình giao thông có một không hai ở Việt Nam hiện nay. Khách du lịch mong tới Đà Nẵng để một lần chiêm ngắm cầu Rồng, tận mắt chứng kiến nó phun lửa, phun nước thế nào?

Cây cầu Rồng có số phận khá kỳ lạ. Khi bắt đầu trình bày dự án xây dựng cây cầu gần Bảo tàng Chăm, trước trụ sở Đài Truyền hình, dư luận ồn ào lên tiếng. Báo chí phản bác kịch liệt vì cho rằng, Di tích lịch sử Bảo tàng Chăm sẽ nằm dưới gầm cầu. Ông không giải thích, mà vẫn khởi công cây cầu ngay tại vị trí bị công luận phản đối. 

Ngày khởi công, nhìn mô hình được trưng bày công khai, mọi người mới té ngửa, vì chính quyền thành phố đã thuê một công ty tư vấn của Mỹ, tìm giải pháp xây dựng cây cầu bảo đảm mỹ thuật, phù hợp với phối cảnh không gian di tích lịch sử bảo tàng. Các nhà tư vấn đã hạ cốt cầu xuống zero (không), ngang với mặt đường Bạch Đằng, nhờ đó Bảo tàng Chăm trở nên nổi bật trong phối cảnh chung. Ngày cây cầu hoàn thành là lúc ông ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới.

Hai nhiệm kỳ chủ tịch, hai nhiệm kỳ bí thư, với hơn 15 năm chỉnh trang thành phố, hơn một nửa trong số 80 vạn dân Đà Nẵng phải thay đổi, chuyển đến nơi ở mới, nhưng không mấy người khiếu kiện, kêu nài, đã là một thành công khó nơi nào bì được.

Ông Nguyễn Bá Thanh còn là tác giả của hàng trăm chủ trương, chính sách “không giống ai”, nhưng sau này lại là hình mẫu để các thành phố khác học tập như xây dựng trung tâm bảo trợ để nuôi người lang thang, cơ nhỡ nhằm làm thành phố vắng bóng ăn xin; hạn chế người không việc làm, không có nhà ở từ các địa phương khác nhập cư vào khu vực trung tâm; hay chính sách dưỡng liêm cho cán bộ các cơ quan pháp luật, tịch thu xe máy, sung quỹ các phương tiện đua xe trái phép… Hơn hết, ông còn gieo vào người dân Đà Nẵng lòng tự hào quê hương, để từ đó từ người trẻ đến các bậc lão niên biết điều chỉnh hành vi xứng với mỹ danh “Thành phố đáng sống”.

13h ngày 13.2, ông đã vĩnh viễn ra đi, để trở về với đất mẹ. Vắng ông, người Đà Nẵng sẽ nhớ lắm. Với họ, ông là hình ảnh của quê hương; thân thuộc như anh em, cha chú; gần gũi như bạn bè. Những gì ông làm cho Đà Nẵng, hôm nay là chất liệu của một tượng đài trong tâm khảm mọi người. Mỗi góc phố, mỗi con đường Đà Nẵng, mãi mãi không phai nhoà hình bóng của ông.

Người dân khóc thương ông Bá Thanh giữa đêm

Đã quá nửa đêm nhưng hàng trăm người dân vẫn đứng lặng, không kìm nén được cảm xúc, rơi lệ trước nhà ông Nguyễn Bá Thanh.



22h ngày 13/2, trước cổng nhà ông Nguyễn Bá Thanh (Cách Mạng Tháng Tám, phường Khuê Trung, huyện Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) dán thông báo lễ viếng ông vào 15h hôm nay. 


Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã qua đời vào trưa 13/2, công tác chuẩn bị lễ tang đang được gấp rút chuẩn bị. 


 Đêm đã về khuya, nhưng hàng chục người dân vẫn đứng trước cửa ngóng vào bên trong nhà ông.


Nhiều người không kìm được cảm xúc, lặng mình rơi lệ trước sự ra đi của nguyên Chủ tịch, Bí thư TP.


Bà Nguyễn Thị Dung (60 tuổi, ngụ đường Châu Thượng Văn, quận Hải Châu) bật khóc nức nở khi vừa tới trước cổng nhà ông Nguyễn Bá Thanh khi đã 23h. 


"Cả ngày hôm nay tôi đi bán hoa ngoài chợ có biết gì đâu, tối về nghe mọi người nói bác Thanh mất rồi liền chạy ngay xuống đây...", bà tâm sự.


"Không phải hôm nay ông Thanh mất mà người dân Đà Nẵng mới đến tiếc thương mà từ khi ông nằm viện mọi người đã cầu mong cho ông qua khỏi bạo bệnh...", ông Nguyễn Hữu Sang (ngụ xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang) chia sẻ.


Những bó hoa được người dân đặt dưới gốc nhãn bên vườn.


Gốc cây nhãn này cũng chính là nơi người dân Đà Nẵng xếp hàng gửi đơn thư tới ông Bá Thanh để được xem xét giải quyết.


Một người dân kể, có hôm nhiều người xếp hàng quá trưa mà ông Thanh chưa về kịp, ông liền điện về cho người nhà nấu bún mang ra cho người dân ăn đợi ông về.


Người đàn ông này đứng lặng trước cổng nhà ông Thanh hàng giờ.


Mặc dù giữa đêm lạnh, người dân đi đường nán lại trước nhà ông Thanh để tìm kiếm một chút gì đó còn lại từ ông. Đó là tình cảm đặc biệt họ dành cho ông suốt nhiều năm qua.


Có thể nhận thấy nỗi buồn của người dân Đà Nẵng từ già đến trẻ trước sự ra đi của ông Bá Thanh.


Ban tổ chức làm việc không nghỉ suốt đêm chuẩn bị chu đáo cho lễ viếng vào 15h ngày 14/2.


Dự kiến sáng sớm 14/2 sẽ có hàng nghìn người dân đổ về trước nhà ông Nguyễn Bá Thanh.

Theo Zing.vn 

Trung Hiếu
Nguồn: laodong.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.