Chuyên mục
Trừng phạt: Căn bệnh “mãn tính” của phương Tây
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Trừng phạt: Căn bệnh “mãn tính” của phương Tây

Thứ tư 26/03/2014 18:28 GMT + 7
Trong đời sống quốc tế hiện đại, chuyện chắc sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu xuất hiện một lệnh trừng nào đó được phát đi từ Washington hay Brussels (trụ sở của EU) đối với những nước nhỏ như Cuba, Myanmar, CHDCND Triều Tiên hay Syria. Đơn giản bởi nó xảy ra thường xuyên và lại luôn được khoác lên mình khẩu hiệu "vì sự công bằng" hay "vì lợi ích của cộng đồng". Hơn nữa, cũng khó có quốc gia nào hay tổ chức quốc tế nào có thể ngăn cản được những lệnh trừng phạt này, điển hình như chính sách bao vây, cấm vận Cuba đã kéo dài suốt 50 năm qua.



Nhưng lệnh trừng phạt của các nước phương Tây lần này khiến cộng đồng quốc tế thực sự bất ngờ do đối tượng lại là nước Nga, một nước lớn mà hiện tại, xét trên hầu hết các phương diện, đều chẳng thua kém gì họ. Đặc biệt, bản thân Mỹ và EU cũng đang rất cần Nga cho những toan tính của mình. Căn cứ vào cơ sở pháp lý, hình thức thực hiện cho đến hiệu quả của các biện pháp trừng phạt này cũng đủ khiến người ta phải đặt dấu hỏi về bản chất thật sự của chúng.

Lệnh trừng phạt Nga được các nước phương Tây áp dụng ngay sau cuộc trưng cầu dân ý về việc sát nhập nước cộng hòa tự trị Crưm vào Liên bang Nga (ngày 16-3-2014), cụ thể 21 quan chức Nga và Ucraina nằm trong danh sách đen của EU bị cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản. Cùng ngày, Washington cũng tuyên bố các biện pháp trừng phạt tương tự, với 11 quan chức Nga và Ucraina. Sau khi chính phủ Nga hoàn tất các thủ tục sát nhập Crưm, ngày 24-3-2014, tại hội nghị bất thường của G7, Mỹ và EU tăng thêm liều lượng trừng phạt bằng việc loại Nga ra khỏi cuộc gặp thượng đỉnh của cơ chế G8, và sắp tới là trong khuôn khổ hợp tác với tổ chức các nước công nghiệp phát triển (OECD). Một số hiệp định hợp tác quân sự giữa Nga và EU cũng bị tạm ngưng, như việc Pháp đã “đóng băng” tạm thời hợp đồng cung cấp cho Nga hai tàu hỗ trợ đổ bộ lớp Mistral.

Trước hết, nếu lệnh trừng phạt nảy sinh trong quan hệ trực tiếp giữa Nga với phương Tây thì cũng hoàn toàn bình thường, như việc đôi bên trục xuất các nhà ngoại giao của nhau chẳng hạn. Nghịch lý ở chỗ, Mỹ và EU lại viện dẫn cho lệnh trừng phạt lần này là vì Nga vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina qua việc sát nhập Crưm không thông qua thương lượng với chính phủ Ucraina. Lý do này không sai nếu căn cứ vào Hiến chương Liên Hợp quốc (điều 4, chương 1) nhưng bất cập ở chỗ: i/ trong Hiến chương còn có điều khoản về quyền tự quyết của các dân tộc (mục 2, điều 1, chương 1). Hơn nữa, chính phương Tây đã tạo ra tiền lệ Kosovo giúp người Nga giải quyết vấn đề Crưm. Năm 1999, dưới sự bảo trợ của phương Tây (đặc biệt là các đợt không kích của NATO vào lãnh thổ của Serbia), Kosovo cũng tuyên bố độc lập thông qua cuộc trưng cầu dân ý của người gốc Albani mà không tham khảo chính quyền trung ương Serbia của Tổng thống Milosevich; ii/ nếu đã dựa vào Hiến chương LHQ thì đương nhiên, các biện pháp trừng phạt phải được định hình trong khuôn khổ của LHQ, chính xác là phải do Hội đồng Bảo an quyết định chứ không phải đơn phương từ EU, Mỹ.

Người Nga không chấp nhận lý lẽ của phương Tây chính bởi cái sự “tiền hậu bất nhất này”.

Xét về cách thức thực hiện lệnh trừng phạt này cũng có vấn đề. Sự bất đồng giữa Mỹ và EU trong nhiều vấn đề quốc tế vốn dĩ luôn tồn tại, bởi mỗi bên đều có những lo toan của mình. Thời gian qua, mâu thuẫn giữa hai bờ Đại Tây Dương càng trở nên rõ ràng bởi một loạt các sự kiện như biến động chính trị tại Trung Đông – Bắc Phi hay cuộc khủng hoảng tại Ucraina, đặc biệt là vụ Snowden.

Trong quan hệ với Nga, lợi ích của EU rất khác của Mỹ, đơn cử như trong vấn đề năng lượng. Chính vì sự khác biệt này mà Mỹ và EU càng khó thống nhất trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt. Vào các năm 1918 và 1920, can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc đã không khuất phục được nước Nga Xô-viết non trẻ cũng chỉ vì sự khác biệt về lợi ích dẫn đến bất đồng về hành động. Hơn thế, việc cấm nhập cảnh với những người Nga có tên trong danh sách bị coi là “trò đùa” bởi có mấy khi họ tới EU hay Mỹ, còn với những nhân vật khác như Ngoại trưởng Lavrov hay Tổng thống Putin thì lại không thể, đơn giản bởi phương Tây cần phải mời họ đến.

Hãy thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Ngoại trưởng Nga Lavrov, đại diện của một cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, không tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân (NSS-3) tại La Hay vừa qua (ngày 24 và 25-3, tại Hà Lan). Biện pháp loại Nga ra khỏi các cơ chế quốc tế lại càng khó, bởi điều này không chỉ do mỗi mình EU và Mỹ quyết định. Trên hết, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU càng khó thực hiện bởi Nga là một nước lớn.

Hiệu quả của các biện pháp trừng phạt có lẽ là vấn đề gây tranh cãi nhất trong chính nội bộ các nước phương Tây. Đúng là những biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ ít nhiều gây khó khăn cho nước Nga. Trước hết là nguồn tài chính thu được từ việc bán khí đốt cho châu Âu, đối tác lớn nhất của Nga, sẽ sụt giảm. Các khoản tín dụng đầu tư vào Nga cũng khó tránh khỏi bị cắt giảm, thậm chí đóng băng. Hệ quả có thể khiến nền kinh tế Nga vốn đang gặp nhiều khó khăn trở nên tồi tệ hơn, uy tín của Nga trên trường quốc tế có thể bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, những thiệt hại này đối với người Nga là có thể chịu đựng được, bởi nền kinh tế Nga có những khác biệt so với các mô hình hướng ra xuất khẩu. Mặt hàng xuất khẩu chính của nước Nga là nhiên liệu thô (dầu lửa và khí đốt), vì thế EU sẽ cần mua hơn là Nga cần bán, bởi có không ít các đối tác khác đang chờ, tuy giá có thể rẻ hơn so với EU. Tổn thất “ngược” mà các nước phương Tây phải gánh chịu càng khiến cho lệnh trừng phạt trở nên kém hiệu quả. Đơn cử như với Đức, quan hệ kinh tế với Nga ngưng trệ sẽ khiến nước này chịu tổn thất lớn khi mà có tới hơn 2/3 lượng khí đốt được nhập từ Nga. Còn với Mỹ, nếu loại Nga ra khỏi những vấn đề quốc tế như nội chiến ở Syria, chương trình hạt nhân của Iran v.v. thì chính quyền Obama chắc sẽ khó có thể tự giải quyết.

Như vậy, dù biết sẽ phải chịu nhiều “phản ứng phụ”, nhưng Mỹ và EU vẫn đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga, trước hết có lẽ phương Tây muốn chứng tỏ với thế giới là vì trách nhiệm phải bảo vệ công lý, như một kiểu PR mà các công ty phương Tây hay làm. Nhưng nếu nhìn vào lịch sử quan hệ quốc tế, thì việc ngay lập tức đưa ra những biện pháp trừng phạt với ai đó hay một nước nào đó đi ngược lại lợi ích của họ, đã trở thành một phản xạ có điều kiện của các nước phương Tây. Cách hành xử này đã trở thành một thói quen tới mức chẳng cần phân biệt đối tượng là quốc gia nào, lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo.

Nhưng cũng chính thói quen đã trở thành một căn bệnh “mãn tính” này của phương Tây buộc cộng đồng quốc tế đã đến lúc phải nghiêm túc xem xét các biện pháp, trước hết là điều chỉnh hệ thống luật pháp quốc tế, nhằm hạn chế những tác hại của nó.

TS ĐỖ SƠN HẢI
Nguồn: nhandan.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.