Chuyên mục
Thị trưởng Seoul qua đời sau bê bối - góc tối sau ánh hào quang?

Thị trưởng Seoul qua đời sau bê bối - góc tối sau ánh hào quang?

Thứ bảy 11/07/2020 12:57 GMT + 7

Cái chết của Park Won Soon, cố thị trưởng Seoul, xảy ra sau khi xuất hiện cáo buộc quấy rối tình dục khiến nhiều người bối rối về cuộc đời thật phía sau sự nghiệp lừng lẫy.

 



Cố thị trưởng Seoul là nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng nhiều thập kỷ qua. Khi còn làm luật sư đầu thập niên 1990, ông đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng vụ kiện quấy rối tình dục đầu tiên của Hàn Quốc. Ông là thành viên sáng lập của một nhóm hoạt động nhân quyền gồm các luật sư cấp tiến.

Năm 2011, ông làm chính trường Hàn Quốc bất ngờ khi đắc cử thị trưởng Seoul - vốn được xem là chiếc ghế quyền lực thứ hai đất nước. Thời điểm đó, ông Park Won Soon đối với chính trường Hàn Quốc chỉ là "người ngoài cuộc", gần như không có kinh nghiệm gì về chính trị. Chiến thắng của ông trở thành cơn địa chấn.

Luật sư nhân quyền bảo vệ thành công vị trí của mình suốt 9 năm qua. Ông trở thành chính trị gia đầu tiên tái đắc cử thị trưởng Seoul đến nhiệm kỳ thứ 3.

Ông nổi tiếng với những phát biểu thẳng thắn, không run sợ trước quyền lực, công khai ủng hộ hôn nhân đồng giới và nữ quyền. Chính trị gia 64 tuổi cũng từng góp tiếng nói cho làn sóng biểu tình lịch sử đòi phế truất Tổng thống Park Geun Hye năm 2017.

Danh tiếng chính trị bị hoài nghi


Giờ đây, sự nghiệp lẫy lừng mà ông Park để lại đang chìm trong bầu không khí hoài nghi. Trước khi ông Park được phát hiện mất tích rồi tử vong vào trưa ngày 9 và rạng sáng ngày 10/7, một cựu thư ký của ông đã gửi đơn tố cáo hành vi quấy rối tình dục, theo tiết lộ của truyền thông Hàn Quốc.

Cảnh sát thủ đô xác nhận họ có nhận đơn khiếu nại với bị đơn là ông Park, tuy nhiên từ chối công bố nội dung cáo buộc, theo Wall Street Journal.

Cái chết của ông Park chưa được chứng minh có liên hệ đến vụ bê bố nói trên. Thi thể của ông được tìm thấy trên một vùng núi phía bắc Seoul, gần 7 tiếng sau khi con gái ông trình báo cha mình mất tích và để lại lời nhắn giống như di chúc. Cái chết của vị thị trưởng Seoul đang được điều tra theo hướng một vụ tự sát.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của một quan chức cảnh sát Hàn Quốc cấp cao, cáo buộc "dự kiến có hệ lụy chính trị lớn đến mức nó đã được gọi là vụ Ahn Hee Jung thứ hai".

Vị quan chức này đề cập đến cựu thống đốc tỉnh Chungcheong nhận án tù vào năm 2018 vì tội danh cưỡng hiếp và quấy rối tình dục, theo Korea Times.

Chiều 10/7, cựu chánh văn phòng của ông Park công bố cho truyền thông lá thư tuyệt mệnh 23 từ được ông bỏ lại trên bàn làm việc.

Lá thư viết tay chỉ gồm lời cảm ơn, xin lỗi và vĩnh biệt đến những người thân trong cuộc đời ông, kèm di nguyện được hỏa táng và rải tro cốt bên mộ phần của cha mẹ.

"Tôi xin lỗi gia đình, những người lúc nào cũng đau khổ vì tôi. Xin vĩnh biệt mọi người", Park Won Soon viết.

Người kế nhiệm ông Park sẽ được bầu ra vào tháng 4. Cho đến lúc đó, Seo Jeong Hyup, phó thị trưởng phụ trách các vấn đề hành chính, sẽ là thị trưởng tạm quyền. Sáng 10/7, ông Seo đã tuyên bố thành phố tiếp tục vận hành bình thường "theo đúng những giá trị mà ông Park Won Soon đề cao là ổn định và phúc lợi".

Ông Park là thị trưởng đầu tiên của Seoul qua đời trong thời gian tại nhiệm. Cái chết của ông Park khiến không ít người liên tưởng đến trường hợp cựu tổng thống Roh Moo Hyun, nhảy khỏi vách núi tự sát vào năm 2009.

Ông Roh thời điểm đó vướng vào bê bối hối lộ. Năm 2018, một nghị sĩ cấp tiến cũng nhảy lầu tự sát sau khi bị tố cáo nhận tiền vận động tranh cử trái pháp luật.

Theo luật pháp Hàn Quốc, mọi cuộc điều tra hình sự về ông Park sẽ kết thúc vì không còn ai để truy tố. Tuy nhiên, những người mong muốn công lý cho cáo buộc bê bối tình dục vẫn có thể khởi kiện dân sự, theo giới chuyên gia luật.


Chính quyền thành phố Seoul tổ chức tang lễ dài 5 ngày cho thị trưởng Park Won Soon. Ảnh: Getty.


Từ luật sư nhân quyền đến thị trưởng Seoul


Hiệp hội Thống nhất Phụ nữ Hàn Quốc, một liên minh gồm khoảng 30 nhóm bảo vệ quyền phụ nữ, vẫn đang xem xét những cáo buộc liên quan đến cố thị trưởng Seoul. Tổ chức này từ chối bình luận chi tiết.

Điều đáng nói là ông Park từng được chính hiệp hội trao "Giải thưởng Phong trào Nhà nữ quyền" vì góp công vào vụ kiện quấy rối tình dục đầu tiên thắng lợi tại Hàn Quốc.

Vụ kiện nổi tiếng đầu thập niên 1990 liên quan đến một giáo sư Đại học Quốc gia Seoul và trợ giảng. Ông Park và đội luật sư đứng về phía nạn nhân là nữ trợ giảng. Vụ kiện kéo dài đến 6 năm.

Lee Jong Kul, cộng sự của ông Park, nói cố thị trưởng Seoul đóng vai trò then chốt xuyên suốt. Ông Park ngay từ đầu đã dự đoán vụ án có thể trở thành cột mốc lịch sử cho phong trào bảo vệ quyền phụ nữ tại Hàn Quốc.

"Park Won Soon mà tôi biết và theo sát gần 30 năm qua luôn khắt khe với bản thân nhưng cực kỳ hào phóng với người khác", ông Lee Jong Kul, quen ông Park từ thời cấp 3, chia sẻ.

"Tôi nghĩ chúng ta đã mất đi một người không chỉ có thể cống hiến nhiều hơn cho xã hội, mà còn cho cả thế giới".

Park Won Soon sinh năm 1965, là người con thứ 6 trong gia đình nông dân ở Gyeongsang, phía nam Hàn Quốc. Thời chính quyền chuyên chế ở Hàn Quốc thập niên 1970, ông Park từng bị đuổi khỏi trường đại học và giam trong nhiều tháng vì tham gia một sự kiện ủng hộ dân chủ.

Ông tiếp tục việc học tại một ngôi trường khác và cuối cùng trở thành luật sư nhân quyền.

"Ông ấy say mê cả học thuật lẫn yếu tố thực tế liên quan đến nhân quyền. Ông ấy là luật sư nhân quyền rất khác biệt", Cha Byung Jik, luật sư từng làm việc nhiều với ông Park từ thập niên 1990 đến thời điểm ông tranh cử thị trưởng Seoul, chia sẻ.

Dù Park Won Soon là ngọn cờ đầu trong phong trào dân sự cấp tiến, ông lại gần như không có tên tuổi trên chính trường. Năm 2011, ông tranh cử thị trưởng Seoul với tư cách ứng cử viên độc lập, không đại diện cho đảng phái nào. Cơ hội đến với Park khi người tiền nhiệm Oh Se Hoon, thành viên đảng Đại Quốc (GNP), bất ngờ từ chức.

Sau khi đắc cử chiếc ghế quyền lực thứ hai Hàn Quốc, Park Won Soon nhanh chóng tập trung chính sách xoay quanh các chương trình phúc lợi và đặt quyền phụ nữ làm ưu tiên hàng đầu. Ông hứa sẽ tăng số lãnh đạo nữ và cho lập ủy ban bình đẳng giới trong chính quyền thành phố.

"Cả cuộc đời mình, tôi luôn làm việc vì 'chúng ta', nhưng năm nay 'chúng ta' đã được cụ thể hóa. Đó là Seoul. Được bầu làm thị trưởng Seoul đối với tôi là lời gọi của Chúa", ông Park trả lời Wall Street Journal vào năm 2011.

Ông dễ dàng giành chiến thắng trong hai lần tái tranh cử suốt 9 năm qua vì sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân thành phố. Mùa hè năm 2018, ông còn đến sống tại một căn hộ gác mái, chỉ 2 phòng ngủ và không có điều hòa, suốt một tháng để hiểu thêm về cuộc sống của cư dân nghèo tại Seoul.

Ông Park được giới quan sát đánh giá là có ý định tranh cử tổng thống năm 2022. Kể từ đầu nhiệm kỳ thị trưởng thứ 3, ông đã đề bạt nhiều thành viên đảng Dân chủ Hàn Quốc (DPK) vào các vị trí phó thị trưởng, gia tăng sức ảnh hưởng nội đảng.

Vào tháng 8/2019, ông từng nói với Tổng thống Moon Jae In: "Tôi muốn làm nhiều việc hơn cho đất nước và nhân dân".

 

Thanh Danh

Nguồn: zingnews.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.