Chuyên mục
Tắc nghẽn kênh đào Suez: Lại có lợi cho Nga

Tắc nghẽn kênh đào Suez: Lại có lợi cho Nga

Thứ năm 01/04/2021 11:36 GMT + 7

Một chuyên gia Pháp đã nhận định về lợi ích đối với Nga và Trung Quốc từ sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez.

 

Sự cố lớn với hàng hải thế giới

Tàu chở container khổng lồ Ever Given, thuộc sự quản lý của Tập đoàn Evergreen Đài Loan, bị mắc cạn hôm 23 tháng 3 ở phía nam Kênh đào Suez, trong khi kênh này không có tuyến đường dự phòng.

Con tàu chở container Ever Given với chiều dài 400m, tải trọng khoảng 224 nghìn tấn trên đường từ Trung Quốc đến Hà Lan hôm 23/3 đã bị mắc cạn ở km thứ 151 của kênh đào, nằm chắn ngang luồng đường, gây tắc nghẽn và cản trở giao thông của hàng trăm tàu thuyền khác.

Đến ngày 29 tháng 3, con tàu container đã được kéo khỏi bãi cạn, nhưng vì gió quá mạnh nên tàu lại xoay chéo chắn ngang kênh. Vài giờ sau, tàu Ever Given cuối cùng đã được kéo ra khỏi chỗ mắc cạn để nối lại việc đi lại qua kênh cho các tàu thuyền.

Trong suốt quá trình chờ khai thông kênh, gần 450 tàu từ cả hai phía kênh Suez buộc phải dừng lại chờ đến lượt mình được đi qua kênh.

Sự gián đoạn trong vòng một tuần với quy mô lớn cỡ này sẽ tiếp tục dẫn tới một chuỗi tác động. Sẽ phải mất ít nhất 60 ngày trước khi người ta giải phóng được gần 400 còn tàu lớn đang tắc nghẽn ở hai đầu của kênh đào này, để luồng đường thủy trở lại bình thường.

Theo hãng tin Bloomberg, việc tắc nghẽn dòng kênh đang gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu gần 10 tỷ USD mỗi ngày.

Sự cố Ever Given đã nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng của những đoạn đường biển chiến lược hay các vị trí án ngữ trong vận tải biển quốc tế, đồng thời dấy lên cuộc thảo luận về việc đa dạng hóa các tuyến đường biển chiến lược.

Vào cuối thế kỷ 19, việc mở kênh đào Suez với chiều dài 160 km, rộng 250m và sâu 20m đã báo hiệu về một kỷ nguyên vận tải nhanh toàn cầu bằng đường hàng hải. Nhờ có kênh đào Suez của Ai Cập mà tàu bè có thể qua lại giữa châu Âu và châu Á mà không cần qua vòng qua lục địa châu Phi.

Trong nửa thế kỷ qua, công suất trên các tàu hàng đã tăng khoảng 1.500%, tăng số hàng tiêu dùng và hạ giá thành khắp thế giới. Tuy nhiên, sự gia tăng quy mô đã tạo ra những "nút thắt cổ chai" (tức chỗ hẹp dễ bị tắc nghẽn) tại các tuyến đường nhộn nhịp như kênh đào Suez.

 

Tuyến đường biển Phương Bắc từ châu Á sang châu Âu ngắn hơn 5.000 km so với kênh đào Suez.


Một cuộc khủng hoảng tại kênh đào Suez, kênh đào Panama, eo biển Malacca hay eo biển Hormuz sẽ tác động mạnh tới các thị trường toàn cầu. Đồng thời những tuyến đường này có khả năng sẽ trở thành điểm nóng căng thẳng và đối đầu địa-chính trị giữa các bên có ảnh hưởng.

Nga và Trung Quốc thúc đẩy lợi ích

Trong bối cảnh đó, Nhà báo và nhà văn Pháp François Lenglet đã nhận định trên tờ báo Le Figaro rằng, sự cố nghẽn kênh đào Suez sẽ mang lại lợi ích lớn cho Nga và Trung Quốc.

Bàn về sự hình thành các tuyến vận tải biển mới, chuyên gia này nhận định rằng, vụ việc đã giúp Nga và Trung Quốc thúc đẩy thành công hơn các dự án thiết kế tuyến đường thương mại mới của mình, cũng như đặt ra nghi vấn về mô hình toàn cầu hóa của Mỹ.

Ngay sau vụ tắc nghẽn kênh Suez, Nga đã đề xuất một tuyến đường thay thế giữa khu vực phương Đông và châu Âu (gọi là Tuyến đường biển Phương Bắc), ngắn hơn 5.000 km so với kênh đào Suez.

Tuyến đường biển phía Bắc chạy dọc theo các vùng biển Bắc Băng Dương, chiều dài khoảng 5600 km. Khoảng cách từ St.Petersburg (tây bắc Nga, biển Baltic) đến Vladivostok (Viễn Đông Nga, Thái Bình Dương) qua tuyến này là 14 nghìn km, trong khi qua kênh đào Suez là 23 nghìn km.

Mùa hàng hải ở vùng biển này bắt đầu vào cuối mùa xuân đầu mùa hè, thường kết thúc vào tháng 11, nhưng vào năm 2021 kéo dài đến tận cuối tháng 01, giúp tàu thuyền thông thương được trong vòng 10 tháng.

Vào năm 2020, lưu lượng hàng hóa dọc theo Tuyến đường Biển phía Bắc đã vượt kế hoạch, lên tới gần 33 triệu tấn hàng hóa, bao gồm hơn 18 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Đến năm 2024, Nga có kế hoạch tăng lưu lượng hàng hóa lên 80 triệu tấn mỗi năm.

Vị chuyên gia Pháp lưu ý rằng,Trung Quốc cũng tuyên bố điều tương tự với Con đường Tơ lụa Bắc cực của mình.

Ông Lengle nhấn mạnh rằng, khả năng tạo ra và kiểm soát các tuyến đường thương mại luôn được coi là “một thuộc tính của quyền lực”.

Đặc biệt, ông nhắc nhở rằng ban đầu kênh đào Suez là do người châu Âu xây dựng. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Vương quốc Anh chịu trách nhiệm bảo vệ kênh đào, sau đó không lâu quốc gia này đã nhường quyền lãnh đạo cho Hoa Kỳ và trong suốt thế kỷ qua, Washington đã đứng ra kiểm soát các tuyến đường thương mại.

“Ngày nay, sự thống trị của Mỹ đang bị thách thức bởi Trung Quốc và Nga, những nước muốn đề xuất mô hình của riêng mình về toàn cầu hóa, với lộ trình của riêng mình” - nhà báo kết luận.


Nhật Nam

Nguồn: trithuccuocsong.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.