Chuyên mục
Sức hấp dẫn khó ''nguội'' của Nga với các doanh nghiệp phương Tây

Sức hấp dẫn khó ''nguội'' của Nga với các doanh nghiệp phương Tây

Thứ hai 06/02/2023 04:30 GMT + 7

Trang mạng ASPI strategist đăng bài viết "Lý do nhiều doanh nghiệp phương Tây vẫn hoạt động tại Nga", đánh giá về việc tại sao chưa có nhiều doanh nghiệp rút hoạt động khỏi Nga.

 

Quang cảnh bên ngoài tòa cao ốc Trung tâm thương mại quốc tế Moskva ở thủ đô Moskva, Nga ngày 25/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Trong năm ngoái, có chưa đến một trong 10 công ty đa quốc gia phương Tây có công ty con ở Nga đã rời khỏi nước này kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. 

Phát hiện này của hai học giả Simon Evenett thuộc Đại học St Gallen và Niccolo Pisani từ Trường Quản trị Kinh doanh IMD mâu thuẫn với các báo cáo trước đó về cuộc di cư ồ ạt của các doanh nghiệp phương Tây và chỉ ra tính thiếu liên kết giữa chiến lược địa chính trị của các chính phủ phương Tây với thực trạng thương mại của các doanh nghiệp.          

Nghiên cứu đã xác định 1.404 công ty có trụ sở tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có tổng số 2.405 công ty con tại Nga ở thời điểm trước tháng 2/2022. Tuy nhiên, chỉ 120 công ty trong số này, tương đương 8,5% tổng số, đã “từ bỏ” ít nhất một trong các công ty con của họ tính đến cuối tháng 11/2022.          
Hơn nữa, một số công ty đã tuyên bố rút khỏi Nga, chẳng hạn như McDonald's và Nissan cũng đưa ra các lựa chọn mua lại. Cơ quan chống độc quyền của Nga cho biết McDonald's có thể lấy lại các hoạt động tại Nga trong vòng 15 năm, trong khi Nissan, đã bán doanh nghiệp cho một doanh nghiệp nhà nước Nga với giá 1 euro, có thể mua lại trong vòng 6 năm.          

Nghiên cứu này mâu thuẫn với nghiên cứu trước đó của học giả Jeffrey Sonnenfeld thuộc Đại học Yale khi học giả này khẳng định hơn 1.000 công ty đã rút lui, đe dọa Nga với “sự lãng quên kinh tế”, nhưng nhìn chung nhất quán với nghiên cứu của Trường Kinh tế Kiev. Nghiên cứu mới nhất đã kiểm tra kỹ các cơ sở dữ liệu trước đó để xem liệu những công ty cho biết họ đang rút tiền có thực sự làm như vậy hay không.         

Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng có nhiều lý do chính đáng khiến các công ty có thể không rút tiền. Họ cho rằng: “Một công ty phương Tây hoạt động trong lĩnh vực không nằm trong các lệnh trừng phạt chính thức có thể quyết định rằng việc từ bỏ các khách hàng Nga là không phù hợp...”.    

Trong các trường hợp khác, các công ty phương Tây có thể không muốn từ bỏ mối quan hệ lâu dài với nhân viên hoặc nhà cung cấp hoặc không muốn quyết định ngừng hoạt động vì tính phù hợp xã hội của các sản phẩm và dịch vụ của họ (ví dụ: cung cấp thuốc cứu sinh). Ngay cả khi một công ty phương Tây đã quyết định rút lui và cam kết thực hiện điều đó một cách công khai, thì cuối cùng công ty này vẫn có thể không thực hiện được điều này.

Chẳng hạn, công ty này có thể không tìm được người mua công ty con sẵn sàng trả giá đủ cao. Và ngay cả khi tìm được người mua và thỏa thuận giá cả, Chính phủ Nga vẫn có thể đặt ra những trở ngại để cản trở hoặc trì hoãn việc giao dịch, hoặc cuối cùng là ngăn cản việc chuyển tiền thu được ra nước ngoài.          

Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy phần lớn các công ty phương Tây có hoạt động tại Nga đang lựa chọn ở lại.          

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhiều lần kêu gọi doanh nghiệp Mỹ tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng bằng cách “hợp tác” hoặc chuyển hướng đầu tư sang các đồng minh. Bà Yellen kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ chú ý hơn đến thực tế địa chính trị. Bà nói: "Chúng tôi đang chứng kiến một loạt rủi ro địa chính trị nổi lên và các doanh nghiệp Mỹ nên suy nghĩ về những rủi ro đó".          

Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cho thấy những áp lực đó có thể không chuyển thành những thay đổi có ý nghĩa quốc tế của các công ty. Vấn đề là chi phí cao để từ bỏ một hoạt động đã thành lập lâu năm với tổng số vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD có thể đã hạn chế các doanh nghiệp làm theo mong muốn của đất nước chủ quản.          

Các tác giả lưu ý rằng nếu áp lực địa chính trị to lớn buộc các công ty tách khỏi Nga không mang lại hiệu quả thì không chắc rằng áp lực tương tự nhằm khuyến khích các công ty rút khỏi Trung Quốc sẽ có sức nặng. Đối với các công ty phương Tây, cứ 1 USD đầu tư vào Nga tương ứng 8 USD đầu tư vào Trung Quốc.         

Nghiên cứu đã chỉ ra sự khác biệt lớn trong phản ứng của cả các quốc gia và doanh nghiệp trước áp lực địa chính trị để rút khỏi Nga. Khoảng 16% các công ty Mỹ đã đóng cửa các công ty con, so với 15% các công ty Anh, 7% các công ty Nhật Bản và 5% các công ty Đức.          

Các công ty có xu hướng đóng cửa các công ty con thua lỗ hơn là những công ty có lợi nhuận tốt. 120 công ty đã đóng cửa các công ty con ở Nga chiếm 15,3% lực lượng lao động của các công ty đa quốc gia phương Tây tại Nga trước khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra nhưng chỉ chiếm 6,5% lợi nhuận. Trường hợp các công ty dịch vụ lớn như McDonald's và Starbucks trong số các công ty đang rút lui sẽ giúp giải thích sự khác biệt.          

Trong lĩnh vực sản xuất, 50 công ty con đã bị bán hoặc đóng cửa chiếm 18,6% lực lượng lao động của phương Tây trong lĩnh vực này, nhưng chỉ mang lại 2,2% lợi nhuận.          

Nghiên cứu cho biết, con số 8,5% công ty đa quốc gia phương Tây đã từ bỏ hoạt động tại Nga gần như chắc chắn là một ước tính quá cao. Các công ty được tính là rời khỏi Nga nếu họ đã rút một hoặc nhiều công ty con nhưng không nhất thiết phải rút toàn bộ hoạt động ở Nga. Sự hiện diện của các lựa chọn mua lại gây nghi ngờ về tính hữu hạn của việc rút khỏi Nga.          

Nghiên cứu cho biết, cần chú ý nhiều hơn đến chi phí “rời bỏ” và “kết bạn”. Việc thoái vốn, tách rời và cấu hình lại chuỗi cung ứng có thể sẽ gây tốn kém cho các công ty, nhân viên và cổ đông của họ. Vậy ai sẽ là đối tượng phải gánh chịu những chi phí này? Trả lời câu hỏi này là điều cốt yếu vì sao cho đến nay việc rút lui của các công ty phương Tây khỏi Nga là rất hạn chế./.

 

Văn Linh

Nguồn: bnews.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.