Chuyên mục
S&P dự báo kinh tế Nga xấu vì Nga...không nợ xấu?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

S&P dự báo kinh tế Nga xấu vì Nga...không nợ xấu?

Thứ sáu 25/08/2017 06:19 GMT + 7
Năm 2016, Nga đã đạt được những thành quả tích cực khiến nhiều dự báo tiêu cực về kinh tế Nga đã phải liên tục thay đổi, trong đó có S&P... 

Sau khi Chính phủ Nga thông báo hoàn tất việc trả nợ cũ từ thời Liên Xô, ngay lập tức đã có những phân tích cho rằng tình hình kinh tế Nga ngày càng khốn khó, do vậy việc Moscow hoàn tất trả nợ nước ngoài của Liên Xô....không có ý nghĩa gì.

Cơ sở là kết luận hãng chuyên đánh giá và xếp hạng tín dụng của Mỹ Standard & Poor (S&P) hồi tháng 5/2016 về tình hình nhân khẩu học và ngân sách 58 quốc gia, cho rằng dân số lão hoá khiến nợ công các nước đang phát triển tăng mạnh.

Theo nghiên cứu của S&P, trung bình nợ công của các nước đang phát triển sẽ tăng trong khoảng 42-136% GDP. Từ đó S&P đã dự báo nợ công của Nga tăng lên 262% vào năm 2050.

Theo lập luận của S&P, do dân số lão hóa, chính phủ các nước đang phát triển phải tăng chi cho phúc lợi xã hội, trong khi số người có khả năng lao động lại giảm đi.


Kinh tế Nga vận hành theo cơ chế đặc biệt

Trong nghiên cứu của S & P, dân số nước Nga được dự báo sẽ giảm từ 143,5 triệu người hiện nay xuống còn 128,6 triệu người vào năm 2050, các chi phí liên quan đến việc duy trì dân số già vào giữa thế kỷ này của Nga tăng từ 13,1% lên đến 19,1%.

Những cộng hưởng đó khiến nợ công của Nga sẽ tăng từ 18% GDP năm 2020 tăng 262% trong năm 2050, nghĩa là tăng 1.455% sau 30 năm. Giới phân tích cho rằng những dự báo của S&P là không chuẩn xác. Điều đó bởi 2 lý do:

Thứ nhất, kinh tế Nga có những khác biệt so với các nền kinh tế mà S&P dựa vào để xây dựng chuẩn đánh giá. Kinh tế Nga thời hậu Xô viết vận hành theo cơ chế khá đặc biệt - hoà quyện giữa những yếu tố còn sót lại của kinh tế kế hoạch tập trung với cơ chế của kinh tế thị trường tự do.

Điểm đáng lưu ý nhất trong cơ chế đặc biệt ấy là kinh tế Nga không tăng trưởng dựa trên cơ sở gia tăng nợ công, thậm chí là ngược lại.

Điều đó thể hiện rõ qua tỷ lệ gia tăng nợ công/GDP của Nga chỉ nằm ở mức trung bình 24,92% từ năm 1999 đến năm 2015, cao nhất là năm 1999 với tỷ lệ 99,00% và mức thấp kỷ lục là 6,50% trong 2008, theo trang tin tradingeconomics.com.

Nợ công của Nga trong giai đoạn 2006 – 2016 tăng rất chậm, trong khi từ năm 2014 kinh tế Nga đã bị bao vây bởi lệnh cấm vận. Thực tế này chứng tỏ Moscow  không ưu tiên sử dụng liệu pháp gia tăng nợ công trong điều hành kinh tế.

So sánh với tỷ lệ gia tăng nợ công của Mỹ, cụ thể là trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, chúng ta sẽ thấy Moscow rất thận trọng trong việc lựa chọn biện pháp sử dụng nợ công làm đòn bẩy tăng trưởng kinh tế.

Khi ông Obama bước vào Nhà Trắng tháng 1/2009, nợ công của Mỹ khi đó là 10,6 ngàn tỷ USD, song đến tháng 1/2016 – sau 7 ông Obama tại nhiệm – nợ công của Mỹ đã tăng lên 19,0 ngàn tỷ USD, tức là tăng thêm 8,4 ngàn tỷ USD, tương đương 78,9% và đạt tỷ lệ 105% GDP.

Hoặc so sánh với tỷ lệ gia tăng nợ công của Nhật Bản, cũng sẽ thấy việc sử dụng liệu pháp gia tăng nợ công là khá hãn hữu với chính phủ Nga. Tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật tăng 10% hàng năm và sau hai thập kỷ từ 1993 đến 2013 đã tăng gấp 10 lần.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2011, nợ công của Nhật Bản đã gấp đôi GDP và đến năm 2013, nợ công của Nhật Bản lên tới 245% GDP, cao nhất thế giới và hơn gấp đôi Mỹ.

Còn với kinh tế Trung Quốc, theo Financial Times, nợ công của nước này đã tăng lên mức kỷ lục là 237% GDP trong quý I năm 2016, vượt xa tỷ lệ nợ công của các nước đang phát triển khác.

Cũng theo Tạp chí Tài chính của nước Anh, nợ công Trung Quốc mới chỉ chiếm 148% GDP tính đến cuối năm 2007. Như vậy, trong vòng 9 năm nợ công Trung Quốc đã tăng gần 90%, tương đương 10% /năm.

Như vậy, 3 trong 4 nền kinh tế lớn, dù là kinh tế thị trường hay thị trường chưa đầy đủ, liệu pháp gia tăng nợ công đã được các chính phủ sử dụng triệt để, trong khi chính phủ Nga lại đi ngược với xu thế ấy.  


Những nước cờ của Tổng thống Putin đã khiến kinh tế khởi sắc

Thứ hai, hãng S&P dựa trên các số liệu của một nền kinh tế Nga đang bị cấm vận cộng hưởng với giá dầu thô suy giảm để đưa ra dự báo về các chỉ số kinh tế tại xứ sở bạch dương trong hơn 30 năm tới là không phù hợp.

Không những vậy, ngay trong năm 2016, kinh tế Nga đã đạt được những thành quả tích cực khiến nhiều dự báo tiêu cực về kinh tế Nga đã phải liên tục thay đổi, trong đó Moody's đã nâng dự báo về hệ thống ngân hàng Nga từ tiêu cực lên ổn định.

Hãng Fitch có cùng đánh giá, khi nâng dự báo xếp hạng tín dụng dài hạn của Nga từ tiêu cực lên ổn định từ tháng 10/2016. Tháng 9/2016, chính S&P cũng dự báo ổn định cho tín dụng Nga lần đầu tiên sau nhiều năm.

Bên cạnh đó, dự báo của S&P đưa ra trong điều kiện tỷ lệ người mất khả năng lao động/người có khả năng lao động gia tăng, từ đó khiến ngân sách chi cho phúc lợi gia tăng và tỷ lệ nợ công/GDP cũng vì thế mà gia tăng.

Rõ ràng S&P gạt bỏ các biện pháp mà chính phủ Nga có thể vận dụng để cân bằng dân số, đó là khuyến khích sinh nở để gia tăng dân số tự nhiên, tăng cường nhập tịch và đón nhận lao động nhập cư.

Điều đó chẳng khác nào S&P cho rằng Chính phủ Nga sẽ ngồi yên để cho kinh tế - xã hội của nước Nga rơi tình thế nguy hiểm với cảnh “người làm thì ít mà người ăn thì nhiều”. Do vậy, trên cả sơ sở và thực thế, dự báo của S&P đưa tháng 5/2016 về đời sống kinh tế tại xứ sở bạch dương rất không thuyết phục.

Ngọc Việt
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.