Chuyên mục
Phi hăm dọa bất thành cường quốc!
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Phi hăm dọa bất thành cường quốc!

Chủ nhật 24/11/2013 05:39 GMT + 7
Mặc dù được Phó thủ tướng Uông Dương tiếp và Bộ trưởng Thương mại Cao Hổ Thành kêu gọi tăng cường đầu tư vào quốc gia hơn 1,34 tỉ người khi trên 100 lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản tới thủ đô Bắc Kinh, nhưng điều này vẫn khó tạo được bước đột phá trong quan hệ song phương. Bởi những căng thẳng liên quan tới tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không những không lắng dịu mà còn có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó là các tuyên bố mang tính hăm dọa của lãnh đạo Trung - Nhật đang khiến dư luận đưa ra những nhận định khác nhau.

Trung Quốc thực sự muốn Nhật Bản làm gì?

Chiều 19/11, Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đã tiếp hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản sau khi họ tới thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc (18/11) để tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế song phương. Đây là đoàn doanh nhân Nhật Bản đông nhất đến Trung Quốc kể từ khi quan hệ giữa hai nước có nhiều căng thẳng liên quan tới tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhân chuyến thăm Bắc Kinh của đoàn doanh nghiệp Nhật Bản, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành cho rằng, đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc đã chậm lại kể từ khi quan hệ song phương trở nên căng thẳng, nhưng tiềm năng đầu tư vẫn còn rất lớn; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mạnh vào các lĩnh vực như tiết kiệm năng lượng, y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Cũng trong ngày 19/11, giới truyền thông Trung Quốc coi Ủy ban An ninh quốc gia mà nước này chuẩn bị thành lập là tổ chức quyền lực lớn hơn nhiều so với các ban và tiểu ban hiện có bởi bao trùm cả 3 lĩnh vực: đảng, chính phủ và quân đội. Điều này cho thấy Bắc Kinh sẽ tăng tính chủ động trong việc đối phó với các thách thức an ninh. Được biết, Ủy ban An ninh quốc gia được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Mạnh Kiến Trụ, Trưởng ban Chính pháp trung ương (nguyên Bộ trưởng Công an) là người trực tiếp phụ trách việc lập cơ cấu tổ chức hoạt động của cơ quan này.

 
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh

Trước đó, tờ Japan News Network (Nhật Bản) từng đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công khai chỉ đích danh Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu làm cho môi trường an ninh của Nhật Bản trở nên nghiêm trọng, do đó Tokyo phải thành lập Ủy ban (Hội đồng) An ninh Quốc gia để đối phó có hiệu quả trước những thách thức đặt ra.

Trong khi đó, Thiếu tướng Doãn Trác, chuyên gia quân sự của Trung Quốc khi phát biểu trên truyền hình ông đã tiết lộ những chi tiết của tàu đổ bộ Type 081. Giới chuyên môn cảnh báo, Trung Quốc đang hiện thực hóa tham vọng của mình thông qua các biện pháp quân sự. Ngày 19/11, tờ South China Morning Post đưa tin, quân đội Trung Quốc đã tập trận đổ bộ ban đêm quy mô lớn với tên gọi “Liên hợp 2013D” tại vịnh Bột Hải gần Hoàng Hải tối 17/11 với sự tham gia của 20 đơn vị cùng 5.000 binh sĩ. Đây là động thái đáng quan tâm bởi hiếm khi Trung Quốc tập trận bắn đạn thật công khai ngay trước mũi CHDCND Triều Tiên và công bố rộng rãi thông tin này.

Dư luận trong khu vực quan tâm tới thông tin của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng khi đưa tin: ngày 18/11, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã gặp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc tại Bắc Kinh, trong đó đề xuất: 2 nước nên cởi mở với nhau hơn về những gì mà họ đang nghe trộm lẫn nhau. Ông Tập Cận Bình coi quan hệ Trung - Mỹ đang phát triển đúng hướng, đồng thời khẳng định: miễn là 2 nước tôn trọng và hợp tác theo tinh thần “cùng thắng”, quan hệ song phương sẽ có triển vọng đạt được nhiều thành tựu lớn hơn.

Tokyo tăng cường quan hệ với ASEAN

Ngày 19/11, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết, ngày 18/11, Trung Quốc đã chính thức phản ứng về những phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản khi ông Shinzo Abe kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế trên các vùng biển ở châu Á, cùng nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Giới truyền thông Trung Quốc coi những phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe là “nhằm vào Trung Quốc”. Bởi khi ở thăm Campuchia (16/11), Thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi giải quyết các vấn đề lãnh hải, hàng hải (ở Biển Đông và biển Hoa Đông) thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp được quốc tế công nhận, đồng thời thúc đẩy ASEAN và Trung Quốc sớm đàm phán, ký Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm ngăn chặn các nguy cơ xung đột làm suy yếu hòa bình, ổn định và an ninh trên tuyến hàng hải trọng yếu này. Điều đáng nói là Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bất ngờ đồng ý với đề xuất của Thủ tướng Shinzo Abe về việc ban hành một tuyên bố chung về hợp tác an ninh hàng hải mà Trung Quốc là đối tượng trong cuộc đàm phán sơ bộ.

Giới bình luận cho rằng, với chuyến thăm Lào và Campuchia mới đây, Thủ tướng Shinzo Abe đã công du cả 10 nước Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức hồi tháng 12/2012. Và có người nhận định, Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác với ASEAN để chống lại Trung Quốc. Ngày 18/11, Hãng Kyodo News đưa tin, chỉ trong 11 tháng làm Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe đã tới thăm 10 quốc gia thành viên ASEAN và đây là dấu hiệu cho thấy Tokyo tìm cách củng cố hơn nữa mối quan hệ chiến lược với khu vực quan trọng này. Điều đáng nói là Thủ tướng Shinzo Abe hoàn thành việc tới các nước ASEAN trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản tại Tokyo (từ 13 đến 15/12), kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Những động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hoạt động bất hợp pháp trên Biển Đông và biển Hoa Đông nên thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nguyệt san Chuo Koron (Nhật Bản) số tháng 11 đăng bài “Đông Nam Á trông đợi một nước Nhật Bản mạnh” của tác giả Nagata Kazuo, trưởng ban châu Á của tờ Yomiuri Shimbun. Trong đó khái quát thái độ của các nước ASEAN đối với Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe - hoan nghênh việc Nhật Bản tăng cường năng lực phòng vệ, hy vọng quan hệ Nhật - Trung không nên tiếp tục xấu đi. Đồng thời cho thấy, mức độ trông đợi của ASEAN đối với Nhật Bản và mức độ căng thẳng của tình hình Biển Đông có tỷ lệ thuận với nhau. Có chuyên gia cho rằng, chỉ cần quan sát hành động của Trung Quốc đối với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, có thể biết được các động thái sau đó.

Trong đó đáng quan tâm nhất là năng lực quân sự của Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ hành động như thế nào ở Biển Đông trong tương lai. Cũng có người nhận định, Nhật Bản cần cùng Đông Nam Á xây dựng dải an ninh Đông Á, chứ không phải làm trầm trọng hơn căng thẳng trong khu vực. Được biết, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua (15/11) dự luật sửa đổi “Luật Lực lượng Phòng vệ” với đa số phiếu tán thành. Sau khi dự luật trở thành luật, Tokyo cho phép điều Lực lượng Phòng vệ thực hiện nhiệm vụ vận tải trên bộ khi rút kiều bào ở nước ngoài về nước…

Cứu trợ - công cụ hữu hiệu trợ giúp chính sách

Ngày 20/11, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận, sau khi trao đổi với Philippines, Bắc Kinh đã quyết định phái một nhóm nhân viên y tế và nhân viên cứu hộ thuộc hội Chữ thập đỏ Trung Quốc tới Philippines giúp nước này khắc phục hậu quả siêu bão Haiyan. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Hạ Môn Trang Quốc Thổ cho rằng, Trung Quốc đã phản ứng quá chậm chạp, đồng thời thừa nhận, Bắc Kinh và Manila “không có niềm tin chính trị” đối với nhau và vấn đề Biển Đông đã đẩy quan hệ song phương căng thẳng hơn trong thời gian gần đây. Trong khi đó, Trung tướng quân đội Philippines Roy Deveraturda đã gặp đại diện của 9 nước cứu trợ đang có mặt tại Philippines (19/11) để bàn cách tối đa hóa hiệu quả các nỗ lực cứu trợ. Được biết, ASEAN đã quyết định hỗ trợ Philippines khôi phục di sản sau siêu bão và số tiền này sẽ được trích từ nguồn quỹ Văn hóa ASEAN.

 
Biên đội tàu chiến của Nhật Bản

Giới quan sát coi những nỗ lực cứu trợ hậu thảm họa của Mỹ dành cho Philippines là nhân tố giúp thúc đẩy hiệp định quân sự song phương được hai bên khởi động thời gian qua, nhưng đang gặp nhiều cản trở. Ngoài USS George Washington, Mỹ cũng đã điều động đến Philippines máy bay vận tải KC-130s, trực thăng cánh xoay MV-22 Osprey từ căn cứ ở Okinawa, Nhật Bản đến trợ giúp thường dân và đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, Washington điều tàu sân bay neo đậu ngoài khơi Samar, Philippines để trợ giúp quốc gia này trong cơn hoạn nạn. Sự trợ giúp của Mỹ đã và sẽ có tác động sau khi nhiều người Philippines bắt đầu tin rằng “quân đội Mỹ đang cứu hàng nghìn mạng người, không phải hủy hoại chủ quyền quốc gia”. Và việc này có thể tạo ra một bước ngoặt tại các cuộc đàm phán quân sự Mỹ - Philippines dự kiến diễn ra thời gian tới. Điều này cho thấy, siêu bão Haiyan có thể sẽ mở đường cho việc Mỹ tăng cường đồn trú tại các căn cứ ở Philippines - cứu trợ thảm họa đang trở thành công cụ trợ giúp đắc lực chính sách.

Về phần mình, Nhật Bản đã điều 2 tàu chiến chở theo khoảng 650 binh lính (18/11) đến những vùng bị ảnh hưởngbởi siêu bão Haiyan ở Philippines (sẽ đến Philippines trong ngày 22/11). Đây là lần đầu tiên Nhật Bản triển khai một đội quân cứu trợ lớn như vậyra nước ngoài. Trước đó (17/11), tàu tiếp tế Towada của Nhật Bản mang theo hàng cứu trợ đã xuất phát từ căn cứ Kure, Hiroshima đi Philippines, nhằm giúp đỡ nước này khắc phục hậu quả nghiêm trọng do siêu bão Haiyan gây ra. Ngày 18/11, tàu vận tải đổ bộ LST 4002 Shimokita và tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga DDH-182 “Ise” xuất phát từ căn cứ Kure đến Philippines. Giới quân sự coi đây là cơ hội hiếm có để Tokyo thực hiện từng bước kế hoạch triển khai quân ra nước ngoài sau khi Thượng viện thông qua dự luật sửa đổi “Luật Lực lượng Phòng vệ”.

Nhật - Nga - Trung rối bời vì máy bay

Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đã được đặt trong tình trạng báo động sau khi 2 máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95 của Nga bay gần không phận của Nhật hôm 17/11. Trước đó (16/11), Tokyo cũng đặt lực lượng phòng vệ trên không trong tình trạng báo động khi 2 máy bay do thám Tupolev Tu-142 của Nga bay gần không phận Nhật Bản.

Trong khi đó Hãng tin Ria Novosti (Nga) khẳng định, máy bay ném bom Tu-95 với sức mạnh tương đương với B-52 của Mỹ không xâm phạm không phận của Nhật Bản. Việc máy bay ném bom và máy bay quân sự Nga 2 lần tiếp cận một cách nguy hiểm không phận Nhật Bản được coi là hành động bất thường trong bối cảnh quan hệ song phương đang có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Căng thẳng Nga - Nhật thỉnh thoảng lại bùng phát vì tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Kuril.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, từ tháng 7 đến tháng 9, chiến đấu cơ nước này phải cất cánh khẩn cấp tới 105 lần để đối phó với máy bay Nga khi tiếp cận không phận Nhật Bản. Tokyo cũng phải điều chiến đấu cơ sau khi máy bay trinh sát điện tử Tu-154 Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (chiều 16/11).

Trong một diễn biến liên quan, Nga và Ấn Độ vừa nhất trí tổ chức tập trận hải quân chung trên Biển Nhật Bản vào năm tới. Đây là kết quả của cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Ấn Độ A.K.Antony tại Moskva hôm 18/11. Theo thống kê, kể từ năm 2003 tới nay, Nga và Ấn Độ đã tổ chức 7 cuộc tập trận chung, trong đó có tập trận bộ binh, hải quân và trong khuôn khổ cuộc tập trận Indra - 2013, 2 nước bắn đạn thật và tổ chức tranh tài về kỹ thuật công nghệ.

Tổng giám đốc Hãng Rosoboronexport, ông Anatoly Isaikin tiết lộ, Nga và Ấn Độ đang thảo luận về khả năng đóng thêm một vài tàu khu trục cho Hải quân nước này. Tính đến nay, Nga đã đóng và trao cho Hải quân Ấn Độ 2 loạt tàu khu trục thuộc Dự án 11356 với tổng cộng 6 chiếc. Theo giới truyền thông, Ấn Độ sẽ thành lập quân đoàn 17, trong đó có 2 lữ đoàn bộ binh độc lập và 2 lữ đoàn thiết giáp độc lập với tổng quân số lên tới 80.000 binh lính để triển khai tại khu vực Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) với Trung Quốc.

Theo tờ “Tin tức Quốc phòng” Mỹ, Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc vừa tổ chức phiên điều trần, đánh giá chính sách đối với việc đẩy nhanh trang bị tàu sân bay. Theo đó, khoảng 20 năm tới, Hải quân Hàn Quốc muốn chế tạo các trang bị hải quân tiên tiến như 2 tàu sân bay hạng nhẹ, mua 3 tàu khu trục Aegis, 6 tàu ngầm Project 214, tập trung xây dựng hạm đội phản ứng nhanh, trung tâm là tàu sân bay. Là quốc gia biển quan trọng ở Đông Bắc nên Hàn Quốc sớm coi phát triển tàu sân bay là chiến lược và hiện Hàn Quốc là quốc gia thứ 6 trên thế giới có thể chế tạo tàu sân bay. Tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Dokdo/Takeshima với Nhật Bản càng khiến Hàn Quốc tăng cường năng lực tác chiến cho hải quân. Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã chỉ trích (19/11) gay gắt Hàn Quốc vì kế hoạch dựng tượng đài tại Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc để vinh danh nhà hoạt động chống Nhật Bản đầu thế kỷ XX Ahn Jung Geun (người đã bắn chết Toàn quyền Nhật ở Triều Tiên Hirobumi Ito tại Cáp Nhĩ Tân năm 1909, sau đó bị tuyên án tử hình).


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Nguồn: petrotimes.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.