Chuyên mục
Ông Tập Cận Bình đến Saudi Arabia

Ông Tập Cận Bình đến Saudi Arabia

Thứ bảy 10/12/2022 10:48 GMT + 7

Ngày 7/12, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm chính thức Vương quốc Saudi Arabia trong 3 ngày, để tham gia Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Saudi Arabia và gặp gỡ các nhà lãnh đạo khác trong Vùng Vịnh. Bắc Kinh đánh giá chuyến công du của ông Tập Cận Bình là 'hoạt động ngoại giao lớn nhất của Trung Quốc với thế giới Arab'. Trong khi đó, ngày 7/12, nhà Trắng cảnh báo về 'sức ảnh hưởng mà Trung Quốc muốn có trên khắp thế giới'.


Đa dạng hóa quan hệ

Theo các nhà phân tích, việc Chủ tịch Trung Quốc đến thăm Saudi Arabia là biểu hiện cho thấy quốc gia Vùng Vịnh này đang tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với gã khổng lồ châu Á và có thể là động thái tích cực hơn so với chủ trương tìm cách xa rời đối tác thiết yếu của họ là Mỹ.

Ông Tập Cận Bình chọn Trung Đông làm điểm đến thứ ba sau thời gian Trung Quốc đóng cửa chống dịch và cũng vào lúc tình hình năng lượng thế giới căng thẳng vì chiến tranh Ukraine. Quyết định áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu của Nga (60 USD/thùng) của nhóm G7 và Liên minh châu Âu cũng gây thêm bất trắc cho thị trường năng lượng.

 

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Riyadh.

 

Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Saudi Arabia, cường quốc dầu mỏ Vùng Vịnh và Mỹ, từ khi OPEC quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Tại bàn đàm phán, Nhà Trắng đã “hy vọng” có thể đảo ngược quyết định của quốc gia lãnh đạo OPEC (Saudi Arabia) để làm giảm giá dầu. Tuy nhiên, khi đàm phán không thành, Mỹ đã bày tỏ thất vọng và cho rằng Saudi Arabia “câu kết” với Nga. Mặt khác, Riyadh đã bác bỏ cáo buộc. Theo họ, quyết định giảm sản lượng của OPEC chỉ đơn giản là một giải pháp “kinh tế”.

Sự bất đồng này đã làm nổi bật lên mối quan hệ căng thẳng của hai quốc gia. Trên thực tế, trong những năm gần đây, vì Mỹ cáo buộc Saudi Arabia đã có hành động “vi phạm nhân quyền”, mối quan hệ giữa Riyadh và Washington dần trở nên nguội lạnh. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Naser al-Tamimi – chuyên gia về quan hệ Vùng Vịnh - Trung Quốc tại Viện nghiên cứu chính trị quốc tế Italy, chuyến thăm chính thức của ông Tập Cận Bình không nên bị xem là “một thông điệp gửi đến Mỹ”.

Theo ông, Saudi Arabia chỉ đang “đa dạng hóa” các mối quan hệ mà thôi. Nhà nghiên cứu này giải thích: “Vương quốc này đang thay đổi. Họ đang cố gắng tái cấu trúc nền kinh tế và chính sách đối ngoại của họ”. Hiện nay, Saudi Arabia là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Còn Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của họ, chiếm gần 1/4 cơ cấu sản lượng dầu mỏ mà nước này xuất khẩu đi nước ngoài.

Mặt khác, theo ông Andrew Small - chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương tại Tổ chức tư vấn Quỹ German Marshall (Quỹ GMF), Bắc Kinh muốn “duy trì một mối quan hệ tương đối cân bằng với các quốc gia Trung Đông”. Do đó, mối quan hệ Trung Quốc - Saudi Arabia sẽ có nhiều “hạn chế”. Ông cho biết thêm, Trung Quốc cũng thân cận với Iran - đối thủ lớn của Saudi Arabia trong khu vực Vùng Vịnh. Đồng thời, gã khổng lồ châu Á này cũng “nhận thức rất rõ chiều sâu trong mối quan hệ Saudi Arabia - Mỹ”.

Thị trường Trung Quốc

Theo ông Andrew Small, Trung Quốc đang tìm cách “tăng cường quan hệ với các nhà cung cấp năng lượng lớn tại thời điểm hiện nay, do thị trường dầu khí đầy biến động”.

Ngoài dầu mỏ, Thái tử Mohammed bin Salman - Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Saudi Arabia, có thể sẽ mời Trung Quốc tham gia vào các siêu dự án của mình.

 


Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh tình hình năng lượng thế giới trở nên căng thẳng vì cuộc chiến Ukraine.

 

Theo các nhà quan sát, Saudi Arabia có thể sẽ trao hợp đồng thi công tại khu kinh tế đa quốc gia NEOM cho các công ty Trung Quốc, nhất là hợp đồng trong lĩnh vực công nghệ giám sát. NOEM cũng là một thành phố thông minh đang trong quá trình xây dựng, có kinh phí lên đến 500 tỉ USD.

Mặt khác, ông Jonathan Fulton - chuyên gia về chính sách đối ngoại Vùng Vịnh của Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, dự đoán rằng cuộc họp mặt giữa Trung Quốc và các nhà lãnh đạo các nước Vùng Vịnh sẽ tạo điều kiện cho hai bên cùng khởi động lại cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do. Ông cho biết, trong khi Trung Quốc bán gần như “mọi thứ” cho Saudi Arabia thì quốc gia Vùng Vịnh này chỉ xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ cho gã khổng lồ châu Á. Từ đó, ông nhận xét: “Tôi nghĩ Riyadh muốn tìm nhiều cách khác nhau để thâm nhập thị trường Trung Quốc, thay vì quá phụ thuộc vào một nguồn lực”.

Theo dự kiến, ông Tập Cận Bình sẽ họp thượng đỉnh với 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (CCG) và một cuộc họp thượng đỉnh khác với các nhà lãnh đạo các nước Arab, gồm Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, Thủ tướng Iraq Mohamed Chia al-Soudani, Tổng thống Tunisia Kais Saied, Thủ tướng Maroc Aziz Akhannouch và quyền Thủ tướng Lebanon Najib Mikati.

Đài truyền hình nhà nước Arab Al-Ekhbariya, được AFP trích dẫn, cho biết khoảng 20 hợp đồng trị giá khoảng 27,8 tỉ euro được ký kết trong ngày 8/12/2022. Trước đó, trong ngày công du đầu tiên của ông Tập Cận Bình, các doanh nghiệp Trung Quốc và Saudi Arabia đã ký 34 thỏa thuận đầu tư trong các lĩnh vực hydro xanh, công nghệ thông tin, đám mây điện toán, giao thông và xây dựng. Tuy nhiên, tổng trị giá các hợp đồng không được tiết lộ. Kim ngạch thương mại của hai nước trong năm 2021 là khoảng 76,9 tỉ euro và trong quý 3 năm 2022 là 26 tỉ euro.

Theo Bộ trưởng Đầu tư Arab Saudi Khaled al-Falih, được cơ quan thông tấn SPA trích dẫn, chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc “sẽ góp phần thúc đẩy nhịp độ hợp tác kinh tế” giữa hai nước.

Vấn đề Iran

Tuy nhiên, quyết định tăng cường quan hệ với Trung Quốc không cho phép Saudi Arabia “bỏ quên” đối tác lâu năm là Mỹ. Theo các nhà phân tích, cho dù Riyadh và Bắc Kinh có hợp tác mua bán và sản xuất vũ khí đi nữa thì Bắc Kinh cũng không thể đảm bảo an ninh cho Riyadh như Washington.

Trên thực tế, Saudi Arabia đã huy động quân đội can thiệp vào quốc gia láng giềng Yemen, nhằm hỗ trợ họ đánh đuổi lực lượng Houthis (do Iran hậu thuẫn) khỏi khu vực. Vì vậy, trước mối đe dọa tấn công bằng máy bay không người lái từ Houthis, Saudi Arabia càng nhận thấy tầm quan trọng của mối quan hệ giữa họ và Mỹ.

Dù vậy, ông Torbjorn Soltvedt - chuyên gia phân tích tại Công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft (Vương quốc Anh), cho biết: “Cải thiện quan hệ với Trung Quốc vẫn là ưu tiên hàng đầu của Saudi Arabia. Tuy nhiên, quốc gia Vùng Vịnh này khó có thể rời xa Mỹ, chừng nào mà diễn biến chính trị tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp tục như vậy và nguy cơ bị Iran tấn công vẫn còn rất cao”. Chiến lược đa dạng hóa các mối quan hệ với các cường quốc thế giới, trong đó có Trung Quốc, phục vụ cho chính sách “Saudi Arabia trước tiên” của Riyadh.

Điều quan trọng là giống như nhiều nước khác trên thế giới, Saudi Arabia phải thể hiện được là “không bị kéo” vào cuộc tranh giành quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ.

 

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn: antg.cand.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.