Chuyên mục
Người Việt cố giàu lên, để làm gì?
BÌNH LUẬN
Cảm ơn tác giả bài viết quá hay và chính xác
Song ich ky, tham lam, gian xao, lua gat nhau bang moi cach, moi gia, chi de thoa man long tham vo day va cuoi cung tat...

Người Việt cố giàu lên, để làm gì?

Thứ tư 23/09/2015 19:54 GMT + 7
Trong những ngày mưa ngập lụt lội nhiều nơi, có một người đàn ông đi xe hơi hạng đắt tiền giận dữ bỏ đi giữa làn nước đã lên đến thắt lưng, để lại chiếc xe của mình một cách đau đớn bất lực. 
   

Ảnh minh họa.

Như hàng vạn người nghèo khó khác đã ngụp lặn, lội qua dòng nước ô nhiễm đó, chèo kéo từng chiếc xe Honda, xe đạp của mình để về nhà, người đàn ông ấy chắc cũng có chung một câu hỏi không lời đáp về tương lai mà tiền của là vô nghĩa trước cảnh lụt lội đang ập đến nhà mình.

Qua những biểu đạt than phiền về ngập lụt khắp nơi trên các trang mạng hay báo chí, có thể thấy rằng không phải mọi người đã quá sức chịu đựng, mà họ như sực tỉnh trước một giấc mộng dài được vỗ về bởi những người lãnh đạo về sự hoa lệ của đô thị, về những chỉ số phát triển… nhưng chỉ trong tích tắc đã lộ ra rằng mọi thứ chỉ là sân khấu tạm thời rực rỡ. Khi cánh màn nhung và những lời tuyên bố vừa dứt, hiện thực đã hiện ra tàn nhẫn với tương lai về nhà đen ngòm.

Người Việt đang cố gắng làm giàu từ nhiều năm nay, bỏ quên mọi thứ khác chung quanh mình, mà tưởng chừng miếng cơm manh áo no đủ sẽ giải quyết tất cả, nhưng thực tế cuộc sống không phải như vậy.

Chưa bao giờ mọi người ào ạt in và ngấu nghiến đọc những công thức dạy làm giàu, dạy thành đạt như bây giờ. Thậm chí liều thuốc cường dương dựng đứng giấc mơ thành đạt của Mã Vân (Jack Ma) cũng được nhắc đi nhắc lại như một kim chỉ nam “quá 35 tuổi mà còn nghèo là tại bạn”. Thế nhưng, những phong trào xài các loại thuốc đó không hề có việc ghi chú chống chỉ định rằng việc thành đạt nóng, phải giàu có cho bằng được đôi khi cũng biến con người trở thành một loại ác thú núp kín sau bộ mặt niềm nở với đồng loại của mình.

Rất nhiều người muốn nhanh giàu có, nên đã bơm hoá chất vào heo gà và rau xanh, hoặc trở thành những kẻ cướp máu lạnh. Tệ hơn nữa là những kẻ luồn lách và làm giàu bằng gian lận và tham nhũng tiền thuế của nhân dân. Làm giàu và khoe giàu đã trở thành một tín chỉ quan trọng để vươn lên, leo vào một chuồng trại khác trong xã hội hôm nay.

Nhưng rồi sự giàu có đó, sự tách biệt hãnh tiến đó bất chợt vỡ toang như những chiếc bong bóng xà phòng khi cơn mưa đem lụt lội đến. Họ nhận ra rằng mặt bằng cuộc sống không an sinh, mọi hợp đồng bảo hiểm chỉ là trò tận thu chứ không hề cứu rỗi lúc tai ương. Dường như mọi lâu đài đang được dựng lên bằng ảo tưởng của một đám đông, và bằng thực tế đáng giá của một vài kẻ đứng sau cánh gà.

Một chị bạn để dành được ít tiền sau những năm dài vật lộn mưu sinh, đã gọi hỏi tôi rằng có cách nào đưa con đi du học nước ngoài thật nhanh. Khi tôi hỏi lý do vì sao chị gấp gáp như vậy, thì câu trả lời – không phải của riêng một người – rằng chị cảm thấy lo lắng và muốn đưa con đến một môi trường sống và giáo dục tốt hơn. Một thế hệ mới của người Việt đang tự cào cấu với khát vọng đổi thay cuộc sống của mình nhưng bất lực, nên đành chọn cách chạy đi?

Câu chuyện của chị bạn xảy đến cùng lúc với tin những học trò nghèo ở Huế chưa đóng được học phí bị bêu tên dưới cột cờ. Công ty Tôn Hoa Sen kêu gọi từ thiện nhưng chặn nguồn nước của dân thiểu số ở Đạ Mri đế ép lấy đất. Công ty Tân Hiệp Phát thì thay vì xin lỗi người tiêu dùng, bãi nại cho người tố cáo sản phẩm lỗi bị gài bẫy đi tù… thì thay giám đốc người nước ngoài để rửa mặt.

Đã có bao nhiêu người Việt đang gắng làm giàu, chỉ để tìm cách cho mình hay con em mình rời xa quê hương? Chắc không ít, và cũng không phải là một khuynh hướng tạm thời.

Trong các bài phóng sự dịch từ báo nước ngoài cho thấy người Trung Quốc làm ra tiền đang ùn ùn tìm cách chuyển tài sản ra khỏi nước hoặc tìm cách di cư sang các nước phương Tây. Chỉ tính trong mười năm, từ năm 2000 – 2011, Trung Quốc đã chảy máu hơn 3.500 tỉ USD do người giàu Trung Quốc chuyển ra ngoài.

Chưa có con số thống kê nào về người Việt Nam, nhưng tin tức vẫn hay hé mở cho biết các đại gia Việt luôn trong thế “an toàn” khi nhà cửa, tài sản, gia đình… được sắp xếp ở Mỹ, Canada… thậm chí ở ngay Singapore. Cũng như người Trung Quốc, họ đã cố gắng làm giàu bằng mọi cách trên quê hương mình nhưng không chọn tồn tại ở nơi đó. Điều này có ý nghĩa gì?

Có cái gì đó thật khó nghĩ về cách vồ vập muốn làm giàu của người Việt hôm nay, kể cả cách sau đó họ quyết chí ra đi, bất chấp Việt Nam vẫn đang sáng rực tên trên các bản tin bình chọn là một trong những quốc gia hạnh phúc và đáng sống nhất thế giới.

Trong bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân, quê hương thật đẹp với những chùm khế ngọt. Nhưng dường như một lớp người Việt hôm nay không chỉ hái trái, đốn cây mà tranh nhau sở hữu bán cả mảnh đất cha ông đã trồng cây để đầy túi. Nhưng lạ thay, sau đó họ lại lặng lẽ ra đi thật xa. Người Việt đang cố gắng làm giàu thật nhanh như vậy, để làm gì?
Nguồn: bizlive.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.