Chuyên mục
Ngày Tết nói chuyện dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ngày Tết nói chuyện dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài

Chủ nhật 01/01/2012 12:45 GMT + 7
Có thể coi tiếng Việt là một tài sản quý giá của dân tộc Việt, là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt. Vậy cái giàu đẹp, phong phú của tiếng Việt đang được giảng dạy và phổ biến như thế nào trong cộng đồng người Việt tại LB Nga?
 

Khai giảng khóa học tiếng Việt ở trường 282 vào tháng 10-2008
Trước hết, xin nói về việc giảng dạy tiếng Việt một cách bài bản trong các trường học Nga hoặc tại các lớp do người Việt tự đứng ra tổ chức: Hiện nay ở Nga, số các trường, lớp, câu lạc bộ có dạy tiếng Việt chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Ở thủ đô Mátxcơva, trường PT số 282 đã khá nổi tiếng với lớp học tiếng Việt “chính quy” đầu tiên tại Nga và “Góc Việt Nam” để giới thiệu văn hóa Việt Nam. Bà Irina Egorova - Hiệu trưởng Trường 282 từng nói: “Mọi kiến thức đều bắt đầu từ ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta. Tiếng mẹ đẻ sẽ giúp chúng ta học tốt các ngoại ngữ khác”.
 
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay không chỉ là giáo trình tiếng Việt và đội ngũ giáo viên, mà các lớp học thường gặp phải sự khác biệt về độ tuổi, trình độ của chính các em học sinh. Không chỉ ở Mátxcơva, một số tỉnh thành khác tại Nga (như Cadan, Ekaterinburg, Magnitogorsk…) cũng đã tổ chức lớp dạy và học tiếng Việt hoặc đang ấp ủ ý tưởng đó, nhưng đều gặp khó khăn về tài chính hoặc nhân sự. Sách vở, giáo trình tiếng Việt vừa không sẵn có và có lẽ cũng không cập nhật khiến các lớp học hầu như chỉ mang tính tạm thời.
 
Trong lúc việc giảng dạy tiếng Việt một cách chính quy ở nước ngoài nói chung và ở Nga nói riêng đang đối mặt với những khó khăn nhất định thì việc cha mẹ tự truyền lại cho con cái vốn tiếng Việt và văn hóa Việt của mình rất được khuyến khích. Bên cạnh kiến thức và kỹ năng về tiếng nước ngoài, không ít bậc phụ huynh đã bỏ ra nhiều công sức để chăm chút cho vốn tiếng Việt của con em mình. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với một số người Việt đang làm ăn, sinh sống tại xứ sở Bạch Dương về vấn đề này.
 
Là những Việt kiều kinh doanh ở thành phố Magnitogorsk của Nga đã hơn 20 năm, vợ chồng anh Ngô Tiến Điệp không chỉ lo lắng cho vốn tiếng Việt của con cái mình, mà còn tìm cách hỗ trợ, kèm cặp cho con em hàng xóm theo kiểu “gia sư miễn phí”. Với lợi thế tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ ở Nga, có kinh nghiệm trong lĩnh vực sư phạm, chị Hà Thị Kim Oanh, vợ anh Điệp đã tự nguyện dạy các cháu mới từ Việt Nam sang ngôn ngữ và văn hóa Nga, giúp các cháu dễ dàng hòa nhập với trường phổ thông nước bạn. Đồng thời, chị Oanh còn giúp các cháu sinh ra ở Nga học thêm tiếng Việt, văn hóa ứng xử của người Việt…cho các cháu làm quen với “Từ điển tiếng Việt” để bọn trẻ biết cách tra từ điển khi gặp phải những từ, những câu không hiểu trong quá trình giao tiếp. Tuy nhiên, năm 2010, xác định quê hương vẫn là cái nôi văn hóa nên vợ chồng anh đã quyết định cho con mình về Việt Nam để có điều kiện “ngấm” tiếng Việt và văn hóa Việt hơn, trong khi bản thân phải chấp nhận tạm sống xa con cái. Mỗi dịp về thăm con, anh không quên đưa con về quê, thăm bà con, làng xóm vì anh cho rằng “trăm nghe không bằng một thấy”.
 
Anh Điệp còn là một người làm báo có tâm huyết trong việc giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hóa Việt trong cộng đồng. Anh đã viết hàng chục bài báo, phân tích cái hay, cái đẹp của văn hóa Việt như : “Nét đẹp đám cưới của người Việt ở Nga”, “Thân thương hai tiếng đồng bào”. “Tre Việt trên đất Nga”, “Đừng để phôi phai văn hóa Việt ở xứ người”.
 
Sau cuộc gặp với nhà giáo Trần Vĩnh Phúc - Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội bên lề Hội thảo “Bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt” do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức mới đây, anh Điệp trở lại Nga, mang theo rất nhiều trăn trở về kế hoạch phát hành bộ bài dạy tiếng Việt của thầy Phúc. Anh cho rằng bộ bài này sẽ có thể giúp ích rất nhiều cho con em người Việt đang sinh sống ỏ nước ngoài, nhất là các thế hệ thứ hai, thứ ba thông qua hình thức “học mà chơi, chơi mà học”. Bộ túlơkhơ học tiếng Việt với những hình ảnh rất đẹp về các địa danh của đất nước hình chữ S đang chờ đợi lòng hảo tâm của các cá nhân và tập thể để có thể in ấn rộng rãi, phục vụ những người có nhu cầu học tiếng Việt.
 
Vợ chồng anh Quân – chị Khanh đã định cư ở Nga hơn 20 năm. Anh chị bắt đầu dạy tiếng Việt cho hai cháu trai vốn sinh ra và lớn lên ở Nga khi các cháu được 7 tuổi, tức là khi các cháu bắt đầu vào lớp 2 trường PT Nga. Mặc dù tự dạy con tại nhà, nhưng anh chị cũng sử dụng sách giáo khoa tiếng Việt dành cho các trường phổ thông ở Việt Nam và dạy theo trình tự như dạy ngoại ngữ: đầu tiên là làm quen với bảng chữ cái, rồi phát âm, ghép vần, sau đó mới dạy ngữ pháp, một tuần hai buổi. Khi vốn tiếng Việt của các cháu đã khá lên, anh chị bắt đầu yêu cầu các cháu học thuộc các bài thơ tiếng Việt, rồi làm quen với các tác phẩm nổi tiếng dành cho thiếu nhi như Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Những lần các cháu về Việt Nam nghỉ hè, anh chị lại tranh thủ thuê gia sư kèm thêm cho các cháu tiếng Việt. Ở nhà, các cháu được khuyến khích nói tiếng Việt, thay vì tiếng Nga, và mỗi người đều có một số cuốn “sách gối đầu giường” đã được dịch sang tiếng Việt như “Anna Krenia” của Lev Tonstoi, “Những tâm hồn chết” của Dostoevski hay Tam Quốc Diễn Nghĩa…
 
Chị Khanh cho biết ngoài việc dạy tiếng Việt, anh chị không quên khơi dậy trong các cháu niềm tự hào dân tộc, dạy cho các cháu cách đối nhân xử thế mang đặc trưng Á Đông cùng những nét độc đáo trong phong tục tập quán Việt Nam. Khi biết các cháu có mong muốn được trở về quê hương làm việc sau khi tốt nghiệp đại học, anh chị không quên nhắc nhở con mình phải tiếp tục trau dồi vốn tiếng Việt bởi ngôn ngữ giao tiếp tốt sẽ mang lại sự tự tin và đây là một trong những điều kiện cần thiết để có thể làm việc và kinh doanh thành đạt ngay trên quê hương mình.
 
Có cùng quan điểm “dạy con từ thủa còn thơ” như chị Khanh hay anh Điệp, chị Đỗ Hải Nhân ở thành phố Mátxcơva cũng thường xuyên bỏ thời gian lên mạng nghiên cứu các chương trình dạy tiếng Việt trực tuyến trên Internet để truyền dạy cho con mình. Phương pháp học này một mặt mang lại cho con trẻ nhiều cách tiếp cận mới và sinh động với ngôn ngữ Việt, nhưng mặt khác cũng có ảnh hưởng không tốt đến thị lực của bé nếu bé quá “say sưa”. Vì thế, mỗi lần nghe nói có người từ Việt Nam sang công tác thì món đồ đầu tiên mà chị Nhân nhờ cầm sang thường là mấy cuốn sách hoặc đĩa VCD dạy tiếng Việt cho trẻ em. Sau gần 3 năm “cóp nhặt”, trên giá sách dành riêng cho cô con gái gần 4 tuổi đã xuất hiện hơn ba chục “đầu sách” các loại, từ cuốn tập đánh vần, tập viết cho đến sêri “Chuyện kể cho bé”, “Phát triển trí tuệ cho trẻ”, “Tủ sách vườn cổ tích”, “Thế giới trong mắt bé”… Mỗi quyển sách ngoài việc dạy tiếng Việt cho trẻ, còn dạy thêm “kĩ năng sống”, ví dụ khi trẻ ở nhà một mình thì phải làm gì, khi ông bà, bố mẹ xem vô tuyến phải biết nhường nhịn, gặp người già phải biết chào hỏi, làm quen với tín hiệu đèn giao thông…, giúp các cháu vừa hiểu biết thêm kiến thức, vừa biết tên các nhân vật trong sách. Ngoài ra, trong nhiều quyển sách còn dạy văn hóa ứng xử của người Việt, các câu chuyện cổ tích, những câu ca dao. Với hình thức mẹ đọc cho con nghe, trẻ sẽ dễ dàng thẩm thấu văn hóa Việt một cách hồn nhiên, không khô khan, cứng nhắc.….Chị Nhân cho biết về mặt hình thức, các loại giáo trình này được in màu khá bắt mắt. Tuy nhiên, chị hy vọng các nhà xuất bản sẽ thâm nhập sâu hơn vào cuộc sống tuổi thơ để xây dựng nội dung, cốt truyện hấp dẫn và phù hợp hơn với tâm lý của thế hệ tương lai đất nước.
 
Để vốn tiếng Việt nói riêng, văn hóa Việt nói chung ngấm vào máu, vào từng hành động và suy nghĩ của mỗi người, không có môi trường nào tốt hơn là được trở về quê hương và được tắm mình trong không gian văn hóa Việt, được hít thở không khí Việt từng giờ, từng phút. Có lẽ đó là lý do khiến không ít các bậc phụ huynh luôn cố gắng sắp xếp thời gian cho con cái được về thăm quê hương mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ đông, nhất là dịp Tết đến, Xuân về!
 
Bên cạnh việc chờ đợi sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng thì việc “tự đào tạo” trong gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu “Bảo tồn bản sắc văn hóa và giữ gìn tiếng Việt”, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Hồng Quân
Nguồn: hoidoanhnghiep.ru
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.