Chuyên mục
Nghìn lẻ một lý do áp đặt trừng phạt Nga
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nghìn lẻ một lý do áp đặt trừng phạt Nga

Thứ tư 24/10/2018 09:02 GMT + 7
Bằng nhiều lý do, Liên minh châu Âu đang tìm kiếm cớ để áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với nước Nga. Song, có một cớ có thực mà nhiều người biết, đó là sự giàu có về tài nguyên và đất đai rộng lớn của nước Nga mà họ muốn chiếm đoạt bằng mọi cách. Phát huy đầy đủ nội lực của nước Nga mới có thể vô hiệu hóa sự bao vây cấm vận là con đường mà nước Nga đã chọn và đang ra sức thực hiện.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh RT

Dân tộc Slav (người Nga) dưới con mắt của vài nước phương Tây

Trong con mắt của những người phương Tây nặng đầu óc phân biệt chủng tộc, Slav là dân tộc bán khai, nửa Á, nửa Âu. Các phương tiện truyền thông của các nước phương tây, đặc biệt là ở Mỹ, không ngừng phác họa người Nga là những con người thô lỗ, tàn bạo, lắm mưu, nhiều mẹo; rằng nhà nước Nga là nhà nước độc tài, chuyên chế và luôn can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Không dừng lại ở việc bôi xấu, xuyên tạc lịch sử, họ luôn tung ra những chứng cớ ngụy tạo để bao vây, cấm vận nhằm cô lập nước Nga về mặt chính trị, bóp nghẹt nước Nga về mặt kinh tế. Những chứng cớ ngụy tạo được tung ra nhằm bôi nhọ, bài xích, cô lập nước Nga đã khiến cho không ít người dân các nước phương Tây tin theo mà không hề lưu tâm tìm ra nguyên nhân của sự thù hận dai dẳng đó.

Nước Nga vĩ đại chưa hề chiến bại

Trong suốt thời gian kể từ khi hình thành, 2/3 thời gian nước Nga bị chìm trong các cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt và tàn khốc với nhiều nước hùng mạnh đương thời.

Nước Nga đã phải tiến hành 10 cuộc đối đầu dài hơn 500 năm với đế chế Thụy Điển (từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVIII), để phá vỡ sự bao vây của Thụy Điển ngăn chặn đế chế Nga mở đường thông thương với thế giới bên ngoài qua con đường biển Bắc. Kết quả cuối cùng là vua Thụy Điển Karl II đã bị Pie Đại đế - Sa hoàng Nga đánh bại hoàn toàn vào đầu thế kỷ XVIII. Kể từ đó, Thụy Điển mất hẳn địa vị cường quốc số 1 vùng đất Baltic. Nước Nga đã mở toang cửa ra với thế giới bên ngoài và xây dựng vùng Leningrad thành căn cứ địa chiến lược vững chắc nhất ở biển Bắc của nước Nga ngày nay.   

Trước thế kỷ XVIII, đế chế Ottoman (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ), làm chủ Crimea, làm chủ Biển Đen và chặn đường thông thương phía Nam của đế chế Nga ra với thế giới bên ngoài. Bước sang thế kỷ XVIII, vào những năm 1768-1774 xảy ra chiến tranh giữa hai đế chế Nga và Ottoman. Quân đội Nga hoàng giành thắng lợi. Đế chế Ottoman bị đại bại. Năm 1787, Ottoman nuôi tham vọng chiếm lại Crimea, đã đưa ra tối hậu thư đòi Nga trả lại bán đảo này cho họ. Nga hoàng đã từ chối thẳng thừng. Chiến tranh Nga - Ottoman tái diễn. Hạm đội Biển Đen của Sa hoàng lập được nhiều chiến công, giành nhiều chiến thắng lớn. Đế chế Ottoman buộc phải từ bỏ yêu sách của họ.

Bước sang thế kỷ XIX, vào những năm 1853-1856, Liên quân các nước Anh, Pháp, Áo, Ý, Thổ đã huy động hơn một triệu quân quyết chiếm bằng được Crimea. Hạm đội của Liên quân có lợi thế áp đảo. Mặc dù với quân số ít hơn, hỏa lực yếu hơn, bị thương vong nhiều hơn, nhưng với tinh thần chiến đấu quật cường, quân Nga đã kiên cường bám trụ, chống trả và gây cho đối phương những thiệt hại nặng nề. Chiến thắng của quân Nga trong những trận bão lửa của Liên quân ở Sevastopol vào giữa thế kỷ XIX là một trong những tấm gương chói lọi ghi lại trang sử oai hùng chống quân xâm lược của các dân tộc Nga.

Chiến tranh thế giới lần I (1914-1918) chấm dứt. Nước Pháp huy động 5 tàu chiến cùng với các chiến hạm của các nước phương Tây vây hãm Crimea nhằm bóp nghẹt chính quyền cách mạng non trẻ ở Nga. Cụ Tôn Đức Thắng, người lính Việt Nam trong quân đội Pháp đã cùng với các lính thủy Pháp khác làm binh biến, kéo lá cờ cách mạng lên trên chiến hạm của quân đội Pháp để phản đối Chính phủ Pháp can thiệp vào cuộc cách mạng Nga. Chính phủ Pháp buộc phải rút hạm đội khỏi Biển Đen.

Trong Chiến tranh thế giới lần II (1941-1945), phát xít Hitler đã sử dụng nhiều lực lượng tấn công vào Liên Xô nhằm mở đường sang Ấn Độ và tiến sâu vào châu Á hòng làm bá chủ thế giới. Hitler muốn làm điều mà Napoleon ấp ủ nhưng đã thất bại thảm hại. Trên toàn bộ chiến tuyến kéo dài từ Leningrad, đến Moskva... quân đội phát xít Đức đều bị đánh bại liên tiếp. Liên Xô phản công, tiến thẳng đến Berlin, thủ đô của đế chế Đức, đặt dấu chấm hết của chế độ phát xít Hitler. Nhà nước Liên Xô là trụ cột trong cuộc đấu tranh đập tan chủ nghĩa phát xít và chấm dứt thế chiến thứ II.

Với sự kiện Liên Xô tan rã vào năm 1991, cùng với kế hoạch Đông tiến, áp sát lãnh thổ Nga, âm mưu thôn tính bán đảo Crimea của Nga được chuẩn bị một cách gấp rút. Kế hoạch kết nạp Ukraine vào NATO được xúc tiến là nhằm sử dụng ô bảo hộ vũ khí nguyên tử của khối này trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga. Song song với kế hoạch này, một cuộc cách mạng màu nhằm lật đổ chính quyền thân Nga do Tổng thống hợp hiến Viktor Yanukovych được phát động, với mục đích cuối cùng là hất cẳng Nga ra khỏi Crimea.

Ngày 13/2/2014, trước khi xảy ra cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Yanukovych, tàu sân bay Mỹ George Bush với 90 máy bay phản lực trên boong cùng với 16 chiến hạm và hai tàu ngầm hạt nhân hộ tống đã rời căn cứ tại Mỹ hướng về biển Aegea. Ngày 22/2/2014, ngày xảy ra đảo chính, toàn bộ đoàn tàu vượt qua eo biển Bosphorus tiến vào Biển Đen. Quân đội Nga tại bán đảo Crimea lập tức hành động. Toàn bộ lực lượng bộ binh, hải quân, không quân Ukraine ở Crưm bị quân đội Nga vô hiệu hóa. Crimea hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội và hạm đội Nga. Sau một cuộc trưng cầu dân ý, Crimea đã trở lại là một phần lãnh thổ của Nga. Hành động mau lẹ của quân đội Nga tại Crimea đã dập tắt nguy cơ xung đột giữa Mỹ, NATO với Nga trong trường hợp hạm đội Mỹ đặt chân được lên bán đảo Crimea.

Lãnh thổ nước Nga rất rộng lớn, chiếm 1/6 diện tích trái đất, trải dài từ Âu sang Á, từ ôn đới vùng Bắc cực đến vùng nhiệt đới giáp với các nước gần xích đạo. Nước Nga rất giàu về tài nguyên thiên nhiên. Bao vây kinh tế, chính trị không thể gây ra sự sụp đổ đối với nước Nga.

Bài học đắt giá của sự chệch hướng

Sau Chiến tranh thế giới lần I, nhà nước Liên Xô, bao gồm 15 nước: Ármenia; Azerbaijan; Belarus; Estonia; Gruzia; Kazakhstan; Kyrgyzstan; Latvia; Litva; Moldova; Tajikistan; Turkmenistan; Ukraina; Uzbekistan và Nga, ra đời ngoài sự mong muốn của các nước tư bản. Nhưng ánh hào quang rực rở của Liên Xô trong chiến thắng phát xít Đức, Ý, Nhật và những thành quả vang dội trong những năm dưới chính quyền Xô Viết đã làm nảy sinh tính tự mãn, bảo thủ, chủ quan, duy ý chí, mất dân chủ, chuyên quyền, độc đoán, dẫn đến sai lầm, chệch hướng về đường lối dựng nước và giữ nước trong giới lãnh đạo ở Liên Xô.

Trong những năm cao trào của cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc sau chiến tranh thế giới lần II, trên các diễn đàn, chủ đề “Thời kỳ quá độ từ chế độ tư bản sang xã hội chủ nghĩa, lên chế độ cộng sản” được bàn nhiều nhất và sôi nổi nhất. Về mặt hành động, quy luật kinh tế thị trường bị phủ nhận vì cho là nhân tố làm tái sinh trở lại chế độ tư bản. Kinh tế tư nhân bị hạn chế và cấm đoán gắt gao. Nhà nước thiết lập sự quản lý kinh tế theo kế hoạch tập trung, bao cấp chung cho cả nước. Phương hướng, kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất, việc phân phối sản phẩm làm ra đều theo kế hoạch của Trung ương theo nguyên tắc bao cấp. Vốn kinh doanh sản xuất cho các địa phương, các đơn vị kinh tế đều do ngân sách cung cấp. Hạch toán kinh tế không được coi trọng.

Việc phủ nhận quy luật của nền kinh tế thị trường, việc thiết lập chế độ quản lý theo kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp trong nhiều thập kỷ đã đem lại nhiều hậu quả khôn lường. Việc sử dụng mệnh lệnh hành chính thay thế cho quan hệ thị trường vừa làm thui chột động cơ, mục đích sản xuất của xã hội vừa làm nảy sinh tính quan liêu, hách dịch cùng nhiều biểu hiện suy thoái về đạo đức của viên chức khi được giao quyền ban phát lợi ích kinh tế cho xã hội.

Sự hoài nghi về chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô nảy sinh từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX với cuộc vận động “chống chủ nghĩa xét lại” mà nội dung cốt lõi của nó là kiên trì chủ nghĩa xã hội hay chuyển sang con đường tư bản chủ nghĩa. Tổng thống Mikhail Gorbachev phát động phong trào “Cải tổ” mà thực chất là tư nhân hóa nền kinh tế công hữu của Liên Xô. Dưới thời lãnh đạo của Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin, nhiều cơ sở kinh tế quốc dân bị đem bán với giá rẻ mạt và an ninh của nước Nga bị đe dọa nghiêm trọng.

Phát huy tối đa sức mạnh nội lực của nước Nga 

Từ năm 1999, Vladimir Putin được giao quyền làm Tổng thống, ông và kíp lãnh đạo của mình đã có những chuyển đổi mạnh mẽ về đường lối và cứu được nước Nga ra khỏi vực thẳm. Tổng thống Putin đã có câu nói nổi tiếng rằng, những ai phủ nhận công lao của chính quyền Xô Viết là những người không có trái tim. Những ai muốn theo con đường cũ là những người không có trí óc. Câu nói này đã thể hiện đầy đủ phong cách, phương pháp và đường lối lãnh đạo của Tổng thống Putin và kíp lãnh đạo của ông là sẽ tiếp tục thừa kế và phát huy đầy đủ truyền thống vĩ đại của nước Nga, đồng thời gạt bỏ tính tự mãn, bảo thủ dẫn đến sự chệch hướng trong lãnh đạo, quản lý nhà nước. Tổng thống Putin kêu gọi nhân dân Nga hãy coi sự bao vây cấm vận của nước ngoài là động cơ mạnh mẽ thúc đẩy nước Nga phát huy đầy đủ sức mạnh nội lực của mình. Tổng thống Putin và kíp lãnh đạo của ông tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng tệ nạn tham nhũng. Ông tuyên bố những ai đặt điều nói rằng ông có những khoản tiền kếch sù ở nước ngoài thì hãy chứng minh. Nếu phát hiện ra ông sẽ biếu toàn bộ khoản tiền đó cho người tố giác. Ông và kíp lãnh đạo của ông đã công khai tài sản của mình. Điều này có tác dụng nêu gương tốt cho toàn thể viên chức trong toàn nước Nga thực hiện.

Trong khoảng thời gian 20 năm (từ năm 1999, khi được giao quyền, đến nay 2018) Tổng thống Putin và kíp lãnh đạo của ông đã làm cho nước Nga trở lại vĩ đại và hùng mạnh hơn xưa. Về mặt quốc phòng, quân đội nước Nga đã trở thành quân đội mạnh nhất. Về mặt kinh tế, nước Nga đã trả hết nợ nước ngoài, nợ công chiếm tỷ lệ thấp, có lượng vàng và ngoại tệ đảm bảo cho nước Nga đứng vững trước những cuộc khủng hoảng về tiền tệ1. Nước Nga là nước đứng thứ nhì về xuất khẩu lúa mì ra thế giới. Nền nông nghiệp trong nước đã đảm bảo đủ sữa, thịt, khoai tây, cà chua, cà rốt và các nhu yếu phẩm khác mà trước đây nước Nga phải nhập của các nước Tây Âu với số tiền hàng năm phải thanh toán nhiều tỷ đô la. Về mặt công nghệ, đặc biệt công nghệ quốc phòng, nước Nga đã có những phát minh vượt cả công nghệ quốc phòng Mỹ và các nước Tây Âu.

Sức mạnh và vai trò của nước Nga hiện nay khiến cho những chính khách cực đoan nhất phải thừa nhận rằng, mọi vấn đề quốc tế đều không thể giải quyết nếu thiếu vai trò của nước Nga. Sức mạnh của nước Nga là nhân tố chính trong đảm bảo tính ổn định của thế giới trong tình hình đầy biến động hiện nay.

Liên Xô là nước đầu tiên công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mặt ngoại giao. Mối tình hữu nghị giữa Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay với Việt Nam là bền vững và đã được thử thách, tôi luyện qua nhiều năm, tháng. Việt Nam và nước Nga có thể học hỏi lẫn nhau trong nhiều vấn đề. Trong một vài dòng ngắn ngủi không thể mô tả hết những sáng tạo, đổi mới của Tổng thống Putin và kíp lãnh đạo của ông trong việc khôi phục và phát huy sức mạnh vĩ đại của nước Nga. Thành công của nước Nga cho thấy, những tai hại của tính bảo thủ và sự chệch hướng trong lãnh đạo. Bảo thủ, hành động trái quy luật và chệch hướng trong lãnh đạo là những nguy cơ lớn dẫn đến kìm hãm sự phát triển của đất nước. Đó là bài học mà Việt Nam có thể rút ra.

Luật sư Lê Đức Tiết 
(Luật sư, nguyên Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam)

Chú thích:

1.        Theo bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế, dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga hiện khá dồi dào, bao gồm: vàng 2.000 tấn, xếp sau Mỹ và Trung Quốc, ngoại tệ: 345,5 tỷ USD, những bảo vật khác: 96 tỷ USD. Nợ công của nước Nga chiếm 8,4% GDP. Các khoản nợ nước ngoài đã được thanh toán hết.   

2.        Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ 31/1/1950.
Nguồn: tapchimattran.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.