Chuyên mục
Kỷ niệm đi chợ Tết cùng Bác Hồ của người cận vệ già
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Kỷ niệm đi chợ Tết cùng Bác Hồ của người cận vệ già

Chủ nhật 10/02/2013 11:39 GMT + 7
Lần đầu tiên được bảo vệ Bác đi bộ, ông Thưởng được Bác dạy rằng: “Cùng đi thì phải nói chuyện, làm như vậy quãng đường sẽ ngắn lại. Im lặng có thể là dốt hoặc tự kiêu...”.

Ông là Lê Minh Thưởng (SN 1940), ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Với ông, 10 năm được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ là quãng thời gian hạnh phúc và thấy mình sống có ích nhất. Ông nói mình đã học được rất nhiều điều hay tốt đẹp từ vị cha già của dân tộc. Ông vẫn luôn tự hào khi kể cho con cháu nghe về công việc một thời gắn bó.

Hạnh phúc cả đời vì được bảo vệ Bác


Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông là sự nhanh nhẹn, giọng nói to rõ ràng, phong thái khoẻ khoắn, dù đã vào tuổi “xưa nay hiếm”.


Ông Lê Minh Thưởng, người có quãng thời gian 10 năm làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố là đảng viên, anh trai là liệt sĩ từ thời kháng chiến chống Pháp, học xong cấp 2, năm 1958, chàng thanh niên Lê Minh Thưởng xin đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự nhưng không trúng. Năm 1959 ông được tuyển vào đội công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Tháng 4/1959 ông được triệu tập về học ở trường C500.

Tháng 4/1960 ra trường, ông nhận được quyết định về công tác ở Cục cảnh vệ (Cục cảnh vệ lúc đó có mật danh là K10) với nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và công tác ở đó cho đến ngày Bác qua đời.

Khi được hỏi về thời gian tham gia bảo vệ Bác Hồ, ông Thưởng xua tay bảo: “Công lao gì đâu, tôi là người may mắn và hạnh phúc khi được Đảng và Nhà nước giao cho nhiệm vụ đó. Bảo vệ Bác Hồ là bảo vệ cả Tổ quốc, bảo vệ cả giang sơn đất nước. Được làm công việc đó là hạnh phúc cả đời đối với tôi mà không có gì so sánh được”.


Bức hình ông Thưởng chụp lưu niệm với Bác và các các cán bộ lãnh đạo trung ương nhân dịp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường miền Nam ra báo cáo tình hình với Bộ Chính trị và Bác Hồ mà ông xem là kỷ vật vô giá.

Vừa nói ông vừa dẫn chúng tôi vào gian phòng lưu niệm để giới thiệu về những kỷ vật vô giá mà ông còn cất giữ được. Trên gian tường là tấm hình ông chụp lưu niệm với Bác và các các cán bộ lãnh đạo trung ương nhân dịp Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường miền Nam ra báo cáo tình hình với Bộ Chính trị và Bác Hồ.

Ông chỉ tay giới thiệu tên từng người trong bức hình, Bác Hồ và Bác Tôn ngồi ở giữa, ông Thưởng bế một cháu bé trong lòng ngồi bên phải Bác Hồ, rồi lần lượt xung quanh là các ông Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Văn Tiến Dũng, Tố Hữu, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ, Vũ Kỳ, Trần Quốc Hoàn…

Vừa giới thiệu ông Thưởng vừa lấy tấm khăn bông lau tấm hình và nói: “Với tôi tấm hình này là vô giá. Dù có nghèo đói nhưng giả sử có người trả mua cả chục cây vàng tôi cũng không bán đâu”. Rồi ông rưng rưng hai hàng nước mắt như đang được sống lại giây phút được ngồi cạnh Bác để chụp hình.

Miền ký ức ùa về, ông Thưởng nhớ lại quãng thời gian 10 năm làm nhiệm vụ bảo vệ Bác. Năm 1960 ông được đưa về cục cảnh vệ, bảo vệ Đại hội Đảng lần thứ 3. Đến tháng 9/1960 ông được điều về bảo vệ Bác Hồ, ban đầu mới chỉ bảo vệ vòng ngoài, dần dần mới được tiếp xúc với Bác nhiều hơn.


Ông Thưởng đang chỉ vị trí mình ngồi trong tấm hình chụp cùng Bác và các vị lãnh đạo Trung ương thời ông còn làm nhiệm vụ bảo vệ Bác.

Ông nói: “Vào làm công việc ở đây không dễ, phải cần cù khiêm tốn, chịu khó và kỷ luật tốt. Bác đã từng nói với tôi rằng biết thì nói, không biết thì hỏi, đừng im lặng giấu dốt. Im lặng có thể là giấu dốt hoặc tự cao tự đại”.

Quãng thời gian 10 năm bảo vệ Bác, ông Thưởng đã có hàng trăm nghìn kỷ niệm và câu chuyện về Bác. Ông nhớ lại, Tết năm 1964 đưa Bác đi chợ  Đồng Xuân, Bác gọi ông Hoàng Quốc Thịnh, Bộ trưởng Bộ nội thương đến báo cáo tình hình chuẩn bị nhân dân ăn tết và tình hình kinh tế-lương thực-thực phẩm của cả nước. Sau đó Bác gọi ông Trần Duy Hưng lúc đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội và hỏi "Các chú chuẩn bị ăn tết cho nhân dân thủ đô như thế nào?".

Công việc xong xuôi, Bác nói mọi người cùng đi chợ Đồng Xuân sắm tết. Để không bị phát hiện, mọi người phải hóa trang cho Bác, và một người nữa giống như Bác, phòng trường hợp xấu có thể xảy ra. Ông Thưởng có nhiệm vụ đi xem đường trước. Hôm đó trời mưa, lúc vào chợ, Bác đi xem quầy lương thực, thực phẩm.

"Lại hàng thực phẩm tự do, Bác hỏi cô bán thịt 1 cân bao nhiêu tiền nhưng lại nói giọng Nghệ An. Cô bán thịt cứ nhìn chằm chằm vào mặt Bác vì nghe giọng nói trầm ấm quen quen. Nếu không có sự nhanh trí của đồng chí Phạm Lệ Ninh (Trưởng phòng bảo vệ Bác) thì chắc chắn Bác sẽ bị lộ, mà nếu biết Bác có mặt ở chợ thì khu chợ sẽ xôn xao lên mất. Lúc đó nhanh như chớp, đồng chí Ninh nhảy vào đứng che mặt Bác, đẩy Bác ra và vào hỏi lại bằng giọng Bắc. Thế là cô bán thịt không để ý nữa, thật là may".

Đặc biệt là lần về Thanh Hoá. Lúc đầu Bác ngồi xe có kính đàng hoàng, nhưng sau Bác lại sang xe CTAL 69 (không có kính) ngồi. Lúc đó dân có mặt rất đông, người dân ùa vào mong được gặp Bác. Các chiến sĩ cảnh vệ có nhiệm vụ bảo vệ Bác phải nỗ lực giải quyết mãi mới được.

Đến khi Bác vào thăm xưởng sản xuất nông cụ Thanh Hoá, những công nhân làm việc tại đây khi biết Bác vào thăm, mặc dù quần áo đang bụi bẩn nhưng vì muốn được tận mắt thấy Bác, được nắm tay Bác nên đã bỏ dụng cụ làm việc chạy ào về phía Bác.

Những người đi theo bảo vệ Bác như ông Thưởng phải vô cùng vất vả mới đưa được Bác ra khỏi nơi ấy. Ông Thưởng còn vinh dự hàng chục lần được đi cùng Bác về các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An … công tác, rồi đi về các vùng nông thôn, cùng bà con tuốt lúa, cấy cày.
 

Niềm vui cuối đời của ông Thưởng là đọc báo...

Học tập tấm gương của Bác suốt đời

Trong thời gian 10 năm được gần gũi, bảo vệ Bác, những chuyện "quốc gia đại sự" ông không được biết. Nhưng trong đời thường ông đã được Bác dạy nhiều điều hay lẽ phải. Lần đầu tiên được bảo vệ Bác đi bộ, ông Thưởng được Bác dạy rằng: “Cùng đi thì phải nói chuyện, làm như vậy quãng đường sẽ ngắn lại. Việc gì biết thì nói, không biết thì phải hỏi, đừng giấu, im lặng làm thinh. Hiểu cái gì nói cho mọi người nghe. Im lặng có thể là dốt hoặc tự kiêu...”.

Sau khi Bác Hồ mất, ông Thưởng còn ở lại sửa sang mọi thứ ở phủ Chủ Tịch một năm. Sau đó ông được điều về công tác ở Cục Cảnh sát hình sự. Năm 1980, ông chuyển về phòng cảnh sát hình sự Nghệ Tĩnh với chức vụ Đội trưởng đội săn bắt cướp (SBC).

Công tác tại đơn vị này, ông Thưởng đã cùng đồng đội lập rất nhiều chiến công hiển hách, phá nhiều vụ án lớn, bắt những tên cướp nổi tiếng cả trong Nam ngoài Bắc như Phương trọc; Toọng (Trương Hiền), một tội phạm nổi tiếng ở thành Vinh nhiều lần qua mặt được các cơ quan công an; Nguyễn Đức Lợi, Đậu Kim Sơn, hai tên giang hồ khét tiếng; Sáu côi (tên thật là Thành), tên ăn cướp trên tàu hoả; Công Minh (trú tại Nghi Phú), chuyên ăn cướp đường dài, hoạt động rộng khắp cả nước… .


... và chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà.

Năm 1990, ông Thưởng về nghỉ hưu với hàm Trung tá. Suốt cuộc đời hoạt động ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý như Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương chiến công hạng nhất. Đặc biệt quý giá hơn cả là tấm Huy hiệu Bác Hồ ông được chính tay Bác tặng năm 1968.

Nhưng phần thưởng cao quý nhất đối với ông chính là những bài học mà ông học được ở Bác trong 10 năm được gần Bác. Ông Thưởng cũng nhận ra nhiều thói quen của Bác, ví như trong tiệc tùng Bác không bao giờ uống bia rượu, những lúc tiếp khách Bác cũng nâng ly nhưng không uống. Những lúc đi công tác làm việc ở đâu, Bác không bao giờ cho phép tổ chức tiệc tùng đình đám, tránh lãng phí tiền của nhân dân.

Ông tâm sự: “Người là lãnh tụ, là kho tàng vĩ đại của dân tộc ta. Dù có học suốt đời cũng không thể thấm nhuần hết đạo đức của người”. Chính vì vậy mà dù trong lúc đang công tác hay lúc đã về hưu ông luôn định hướng cho thế hệ trẻ phải luôn học tập và làm theo tấm gương của Bác.

Ngay ở trong gia đình mình, ông cũng luôn định hướng cho các con, cháu học tập những công việc của Bác từ nhỏ. Thời gian rảnh rỗi, ông Thưởng lại gọi con cháu tụ họp lại để kể những câu chuyện những việc làm bình dị của Bác để các con các cháu học tập.


Ông Thưởng bên người vợ yêu quý của mình.

Giờ đây, khi đã tuổi cao sức yếu nhưng ông Thưởng vẫn chăm chỉ làm việc. Thú vui tuổi già của ông là chăm sóc những cây cảnh, đọc báo xem tin tức hàng ngày. Nhìn vườn nhà ông, nhiều người không khỏi trầm trồ khen ngợi, dưới bàn tay của ông, cây cảnh đâm chồi nảy lộc mơn mởn. Đặc biệt là gia đình ông đang sở hữu 5 cây thị di sản được xem là đồ gia bảo của dòng họ.

Tính đến tết Quý Tỵ này, ông Lê Minh Thưởng đã bước qua 73 mùa xuân. Trong quãng thời gian đó, ông có quyền tự hào về mình vì đã cống hiến rất nhiều cho xã hội, đất nước.

PHẠM HÒA
Nguồn: zing.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.