Chuyên mục
Kinh tế Trung Quốc chịu 3 áp lực trong năm 2022

Kinh tế Trung Quốc chịu 3 áp lực trong năm 2022

Thứ tư 23/02/2022 10:19 GMT + 7

Nền kinh tế Trung Quốc đang gánh 3 áp lực từ sụt giảm cầu, cú sốc về nguồn cung và các triển vọng suy yếu khiến dự báo 2022 không khả quan.

 

 

Khi hầu hết các thế giới đang "than trời" vì chỉ số tăng trưởng ảm đạm trong một năm dịch bệnh bủa vây, Trung Quốc công bố nền kinh tế nước này tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, cao hơn mức dự báo 8%, vượt cả mục tiêu trên 6% do Bắc Kinh đề ra.

Đây là con số trong mơ với nhiều quốc gia trong bối cảnh biến chủng Omicron xuất hiện và hoành hành nửa cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, GDP quý IV của Trung Quốc tăng 4% so với cùng kỳ 2020, nhanh hơn mức dự báo là 3,6%.

Tuy nhiên, đây lại là tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất của Trung Quốc trong hơn một năm trở lại đây.

Năm 2021 đầy biến động

Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc có khởi đầu mạnh mẽ năm 2021 khi các hoạt động sản xuất, đi lại được phục hồi do kiểm soát dịch thành công.

 


Kinh tế Trung Quốc khởi đầu mạnh mẽ đầu năm 2021 nhưng chững lại khi chủng Delta xuất hiện. (Ảnh: SCMP)


Tuy nhiên, việc Bắc Kinh siết chặt các biện pháp chống dịch do Omciron xuất hiện, thị trường bất động sản suy thoái và nỗ lực kiểm soát nợ của chính phủ Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sức tiêu thụ của nền kinh tế.

“Chúng ta phải nhớ rằng tình hình bên ngoài vẫn rất phức tạp và khó đoán. Nền kinh tế nội địa đang gánh 3 áp lực từ sụt giảm cầu, cú sốc về nguồn cung và các triển vọng suy yếu”, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho hay.

Tại một hội nghị về kinh tế vào tháng 12/2021, nhiều quan chức Trung Quốc cho biết nước này phải đối mặt với 3 áp lực lớn: sụt giảm nhu cầu, thu hẹp nguồn cung và kỳ vọng yếu hơn.

Trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn đang lây lan mạnh cũng như dự báo về tốc độ phục hồi chậm của toàn cầu, các chuyên gia cho rằng triển vọng năm 2022 của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 vẫn rất mờ mịt.

“Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không nới lỏng chính sách chống dịch, ít nhất là đến cuối năm 2022. Vì thế chúng tôi dự báo mức tiêu dùng sẽ có sự tăng trưởng đáng thất vọng trong năm nay, đặc biệt là giai đoạn nửa đầu năm”, Louis Kuijs - Trưởng bộ phận phân tích kinh tế châu Á tại Oxford Economics đánh giá.

Năm 2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống chỉ còn 4,9%.

Trong khi đó, Goldman Sachs cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2022 từ 4,8% xuống 4,3%.

Với việc Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Trung Quốc lần thứ 20 - kỳ đại hội đánh dấu việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện mục tiêu 100 năm lần 2 vào năm 2049 diễn ra vào tháng 10, các chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì các chính sách chống dịch nghiêm ngặt cho tới hết năm.

Hệ quả là rủi ro với chuỗi cung ứng và sức mua giảm sút của người tiêu dùng.

"Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro rằng, nếu họ thực sự nới lỏng đáng kể các chính sách, có thể sẽ phản ứng dây chuyền rất lớn với những trường hợp này", Michael Hirson - người đứng đầu về Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Eurasia Group phân tích.

Khó đoán định

Theo SCMP, việc Trung Quốc siết chặt các biện pháp chống dịch gây khó cho nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế và các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là dịch vụ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiêu dùng.

Một số nhà phân tích cho rằng, trong ít nhất một năm nữa, các hạn chế nghiêm ngặt về dịch có thể sẽ làm mất động lực tăng chi tiêu của người dân cũng như dự định đầu tư của các công ty trong nước.

Tín hiệu khả quan hiếm hoi là các nhóm ngành công nghiệp sẽ dịch chuyển theo hướng tích cực. Năm 2021, ngành công nghiệp sản xuất chiếm 27,4% GDP Trung Quốc, nhích lên 1% so với năm trước đó. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong năm 2022.

 


Việc Trung Quốc siết chặt các biện pháp chống dịch gây khó cho nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế. (Ảnh: Bloomberg)


Trước hàng loạt những khó khăn, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tung ra thêm các biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế bằng cách tăng tốc chi tiêu tài khóa và tạo điều kiện để dựng cơ sở hạ tầng mới. Giới chức Trung Quốc gần đây đẩy nhanh tiến độ thực hiện 102 dự án lớn trong kế hoạch phát triển 2021-2025 và tăng cường phát hành trái phiếu để hỗ trợ cho xây dựng hạ tầng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hoài nghi Trung Quốc khó có thể quay lại mức nới lỏng như các giai đoạn 2008-2009 hoặc 2015-2016 trong bối cảnh quốc gia tỷ dân đang tập trung vào kỷ luật tài chính sau một thời gian biến động của thị trường bất động sản.

Ngoài ra, theo Kyodo News, các điều chỉnh với nền kinh tế khu vực tư nhân cũng sẽ là một trong những lý do khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Từ nay cho tới trước Đại hội Đảng, Trung Quốc chắc chắn sẽ đẩy mạnh chính sách "thịnh vượng chung", tìm cách làm giảm chênh lệch trong xã hội bằng việc áp dụng thêm nữa các quy định với các lĩnh vực sinh lợi như công nghệ, bất động sản...

Các vấn đề của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phức tạp hơn trong năm tới do bức tranh nhân khẩu học ngày càng xấu đi. Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Số liệu cho thấy chỉ có 10,62 triệu ca sinh vào năm 2021, ít hơn so với 12 triệu ca vào năm 2020. Tỷ lệ sinh giảm sẽ cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong việc phục hồi thị trường nội địa, vốn bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19 trong 2 năm qua.

"Thách thức về nhân khẩu học đã được dự trù trước, nhưng tốc độ già hóa dân số rõ ràng là đang diễn ra nhanh hơn dự kiến. Điều đó cho thấy "tổng dân số của Trung Quốc có thể đã đạt đến đỉnh vào năm 2021, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nước này có thể sẽ chậm lại nhanh hơn dự kiến'", Zhiwei Zhang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ quản lý tài sản Pinpoint nhận xét.

Dù căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã hạ nhiệt 2 năm qua, các chuyên gia cảnh báo không nên chủ quan vào lúc này.

"Hoạt động đầu tư vào công nghệ tiên tiến là lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng rất cao. Trái lại, một quả bom nổ chậm là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế chuyên nghiên cứu về các vấn đề Trung Quốc tại ngân hàng ING, ông Iris Pang nhận định.

Theo báo cáo của Eurasia Group, chiến lược "Không COVID-19" của Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Việc đóng cửa ở Tây An đã ảnh hưởng đến sản lượng của các công ty bán dẫn, bao gồm Micron và Samsung. Các biện pháp ngăn chặn gần đây ở Thiên Tân buộc Toyota và Volkswagen phải ngừng hoạt động các nhà máy", báo cáo cho hay.

 

Song Hỷ

Nguồn: vtc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.