Chuyên mục
Thanh toán di động thắng thế ở Trung Quốc
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Thanh toán di động thắng thế ở Trung Quốc

Thứ hai 11/06/2018 03:34 GMT + 7
Vài năm trước đây, tiền mặt vẫn còn là một phương tiện thanh toán chính của người dân Trung Quốc. Nhưng với sự phát triển của các ứng dụng công nghệ, hình thức thanh toán dần thay đổi, việc thanh toán trên thiết bị di động đang áp đảo. Các ngân hàng lo ngại, doanh thu của họ sẽ giảm mạnh từ sự dịch chuyển này.

Chợ quần áo tại Thượng Hải (Trung Quốc) cho phép khách hàng thanh toán bằng ứng dụng Alipay và WeChat.

Tiền mặt lỗi thời

Chỉ cách đây hơn ba năm, tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán phổ biến của người tiêu dùng Trung Quốc, nhưng giờ đây nó trở nên thất thế. Hầu như tất cả các giao dịch đều được thực hiện trên điện thoại di động thông qua hai ứng dụng Alipay và WeChat. Hình thức thanh toán này không chỉ được thực hiện ở các cửa hàng lớn mà nó còn len lỏi vào các khu chợ, tại các quầy bán sản phẩm thời trang, đồ ăn vặt hay thậm chí cả tiệm sửa chữa khóa.

Tại các nhà hàng ở Trung Quốc, nhân viên phục vụ sẽ hỏi bạn sẽ thanh toán bằng WeChat hay Alipay, trước khi chấp nhận việc thanh toán bằng tiền mặt, phương tiện thanh toán gần như là lựa chọn cuối cùng của nhà hàng.

Việc sử dụng điện thoại để thanh toán còn phổ biến đến mức nhiều nghệ sĩ đường phố của Trung Quốc đặt một biển với mã QR để những người hảo tâm có thể chuyển tiền trực tiếp vào ví điện tử của họ.

“Từ góc độ kỹ thuật, xu hướng trên có lẽ là một trong những chuyển biến quan trọng nhất đang diễn ra ở Trung Quốc. Nó dường như chỉ mới diễn ra ở nước này”, Richard Lim, Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư mạo hiểm GSR Ventures, nói.

Thanh toán bằng điện thoại thông minh đang chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2016, thanh toán trên thiết bị di động của Trung Quốc đạt 5.500 tỉ đô la Mỹ, tức gấp khoảng 50 lần so với quy mô của thị trường Mỹ, khoảng 112 tỉ đô la, theo Công ty Tư vấn iResearch.

Sau chuyến khảo sát tại Trung Quốc, nhiều lãnh đạo ngân hàng phương Tây và giám đốc điều hành của các công ty thẻ hàng đầu thế giới đều có chung nỗi lo âu: thanh toán có thể được thực hiện với chi phí rất rẻ, dễ dàng mà không cần tới ngân hàng. Nhiều chuyên gia còn đưa ra dự báo rằng phương thức thanh toán trong tương lai sẽ không còn được thiết kế bởi hệ thống tài chính của Mỹ hay Anh mà chính là ở Trung Quốc. Tại đây, dòng tiền được di chuyển trong hệ sinh thái kỹ thuật. Đó là hệ thống pha trộn giữa mạng xã hội, thương mại điện tử và ngân hàng. Hầu như tất cả đều được điều hành bởi hai công ty lớn là Alibaba và Tencent.

Alibaba thành lập Alipay vào năm 2004, cho phép hàng triệu khách hàng tiềm năng, những người không có thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, có thể mua sắm trên thị trường trực tuyến rộng lớn của mình. Tương tự, Tencent, đã ra mắt ứng dụng thanh toán vào năm 2005 trong nỗ lực giữ chân người dùng ở lại hệ thống tin nhắn của mình lâu hơn. Alipay và WeChat đã trở nên phổ biến một cách ngoạn mục, với khoảng lần lượt 520 triệu và 1 tỉ người dùng mỗi tháng.

Điều này cũng có nghĩa Tencent và công ty con của Alibaba, Ant Financial, hai công ty quản lý WeChat và Alipay, đang đứng trên mỏ vàng. Cả hai công ty đều có quyền thu phí từ các khoản giao dịch. Hơn thế nữa, tất cả thông tin về thanh toán mà hai công ty này thu được rất có ích trong nhiều trường hợp, từ việc xây dựng hệ thống tín dụng mới cho tới việc quảng cáo.

Ông Lim cho biết, theo số liệu gần đây, Ant Financial và Tencent đã lên kế hoạch vượt qua các công ty phát hành thẻ như Visa và Mastercard về tổng giao dịch toàn cầu mỗi ngày trong năm tới. Lý do mà các công ty này đưa ra mục tiêu tham vọng như vậy là bởi bằng việc áp dụng mã vạch QR, các cửa hàng nhỏ có thể tiết kiệm được chi phí, thay vì phải sử dụng các loại thẻ.

Cơn ác mộng của ngân hàng Mỹ?

So với Trung Quốc, dường như sự thay đổi như vậy lại diễn ra rất chậm tại Mỹ và các nước phương Tây. Người tiêu dùng Mỹ chủ yếu vẫn dựa vào ngân hàng trong hầu hết các khoản thanh toán không không dùng tiền mặt như bằng séc, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hay các hình thức thanh toán khác gắn với tài khoản ngân hàng của họ.

Nhưng theo dự báo, cơn ác mộng đối với hệ thống ngân hàng Mỹ sẽ sớm diễn ra khi một công ty công nghệ, cho dù là từ Trung Quốc, hay từ chính nước Mỹ như các ứng dụng của Amazon hay Facebook, áp dụng thành công của mô hình Alipay và WeChat tại Mỹ.

Sự phát triển của các ứng dụng như Alipay, WeChat có nguy cơ lấy đi hàng tỉ đô la doanh thu hàng năm từ các ngân hàng lớn và các công ty phát hành thẻ khác.

Có lẽ ảnh hưởng rõ ràng nhất là các ngân hàng Mỹ sẽ mất đi khoản thu từ dịch vụ thẻ, ước tính lên tới 90 tỉ đô la mỗi năm, theo một báo cáo của Nilson. Số tiền trên hiện đang được chia cho các doanh nghiệp trong mạng lưới thẻ như Visa và MasterCard, các ngân hàng và các đơn vị xử lý thanh toán.

Nhưng ngân hàng không chỉ có doanh thu từ hoạt động chuyển tiền, họ còn có doanh thu từ dịch vụ rút tiền tại các máy ATM. Nếu tiền mặt không còn phổ biến, một nguồn doanh thu khác của ngân hàng cũng chịu tác động lớn.

Chưa kể, ngay tại thị trường Mỹ, các ngân hàng cũng có thể phải cạnh tranh gay gắt với những ứng dụng đến từ Trung Quốc. Chẳng mấy chốc, lãnh đạo của các công ty phát hành thẻ hay ngân hàng Mỹ sẽ không phải tốn công bay tới Trung Quốc xa xôi để khảo sát hệ thống thanh toán đang diễn ra ở đây. Ant Financial của tỉ phú Jack Ma đã dành thời gian tìm hiểu thị trường Mỹ và ký thỏa thuận hợp tác với các đơn vị xử lý thanh toán của nước này vào năm ngoái. Hiện rất nhiều hãng taxi Mỹ đã sử dụng Alipay - ứng dụng của Ant Financial - để giúp khách hàng thanh toán hóa đơn thuận tiện hơn.

Cho tới nay, công ty sở hữu Alipay vẫn cho rằng sự hiện diện của mình tại thị trường Mỹ nhằm giúp khách du lịch Trung Quốc thanh toán dịch vụ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành cho rằng, Alipay sẽ không dừng lại ở đó.

Cùng với việc sử dụng ứng dụng để thanh toán, ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu gửi tiền tại các ứng dụng này. Vào năm 2013, Alipay đã giới thiệu sản phẩm tài khoản thị trường tiền tệ (money-market accounts). Năm ngoái, Alipay đã xây dựng được một quỹ thị trường tiền tệ có giá trị lớn nhất thế giới, khoảng 243 tỉ đô la Mỹ.

Xét ở góc độ ngân hàng, đây tiếp tục là nguy cơ lớn đối với họ. Hiện nay, ngân hàng thường nhận tiền gửi của khách hàng, lấy khoản tiền đó để cho vay. Hoạt động trung gian này tạo ra lợi nhuận không nhỏ cho hệ thống ngân hàng. Nếu như người tiêu dùng Mỹ bắt đầu gửi tiền tại các ứng dụng trên, rất có thể, ngân hàng sẽ phải hợp tác với các quỹ này với chi phí đắt hơn.

Và nếu những gì đang diễn ra ở Trung Quốc tiếp tục diễn ra ở Mỹ, đây sẽ là cơn ác mộng tới hệ thống ngân hàng và phát hành thẻ của nước này.

Trúc Diễm
Nguồn: thesaigontimes.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.