Chuyên mục
Kiểu Chiến tranh Lạnh mới Trung –Nhật
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Kiểu Chiến tranh Lạnh mới Trung –Nhật

Thứ ba 28/01/2014 04:52 GMT + 7
Cuộc khẩu chiến giữa hai cường quốc châu Á hiện nay cho thấy những tín hiệu về một sự đối đầu khốc liệt nhằm tranh giành ảnh hưởng trong khu vực giống như một cuộc Chiến tranh Lạnh quy mô nhỏ.

 
Tàu "sân bay trực thăng" lớn nhất của Nhật Bản.

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây 40 năm, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa thể giải quyết các vấn đề tồn tại như lãnh thổ, lịch sử… Cùng với sự gia tăng về thực lực của Trung Quốc trong những năm gần đây, cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Nhật Bản diễn biến thành cuộc đấu tranh chiến lược toàn diện. Từ đối kháng trong vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku), những tranh cãi lịch sử và cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã phát triển thành đối kháng ngoại giao, đối kháng quân sự và nguy cơ lan rộng cả sang vũ đài quốc tế.

Thời gian gần đây, dường như bất kể lời tuyên bố hoặc bình luận nào liên quan đến mối quan hệ song phương giữa Tokyo và Bắc Kinh từ phía các quan chức Nhật Bản đều gây ra sự phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc và ngược lại. Vì vậy, không có gì là đáng ngạc nhiên khi ngay cả những lời tuyên bố hòa giải của Thủ tướng Shinzo Abe đã bị khước từ hoàn toàn từ phía Trung Quốc. Mới đây (ngày 24/1), ông Abe đã đưa ra một thông điệp được đăng tải trên một tờ báo địa phương bằng tiếng Trung, chúc mừng năm mới (âm lịch) tới nhà lãnh đạo Trung Quốc. Theo bản dịch thông điệp trên từ tiếng Nhật của Reuters, Thủ tướng Abe khẳng định rằng Tokyo vẫn đang thực hiện Hiệp ước hòa bình kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai “không có gì thay đổi chính sách này của Nhật Bản”.

Sau đó 1 ngày, ông Abe tiếp tục đưa ra “nhành ôliu” đối với Trung Quốc. Theo kênh NewsAsia, Thủ tướng Nhật đã phát biểu trong một phiên họp của Quốc hội nước này rằng "Nhật Bản và Trung Quốc là 2 quốc gia không thể tách rời" và bày tỏ mong muốn hai nước nên khởi động lại các cuộc đối thoại ngoại giao. “Thay vì từ chối tổ chức các cuộc đối thoại trừ phi vấn đề được giải quyết, chúng ta nên ngồi vào bàn đàm phán vì cả hai bên đều có những vấn đề”, ông Abe nói.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ những lời đề nghị trên. Phản ứng với lời đề nghị nối lại các cuộc đối thoại song phương nhằm giải quyết những bất đồng từ phía Nhật, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương trả lời với vẻ đầy mỉa mai: "Những cuộc đối thoại như vậy sẽ không hiệu quả. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang rất bận rộn. Hãy để họ dành thời gian cho những việc hữu ích hơn”. Trung Quốc cũng nhiều lần thể hiện quan điểm của nước này: sẽ không có cuộc đối thoại ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản cho đến khi ông Abe chứng minh sự chân thành của mình. Trong cuộc họp báo hôm thứ sáu, 25/1, ông Tần Cương đã đưa ra một giải pháp cụ thể để khởi động lại các cuộc đối thoại: “Ông Abe nên ngay lập tức thừa nhận, sửa chữa những sai lầm và không tới thăm đền Yasukuni nữa".

Nhân tố lịch sử và tranh chấp lãnh thổ sẽ vẫn ảnh hưởng sâu sắc tới quan hệ hai nước. Cho dù đó là thái độ ngoan cố của Nhật Bản về vấn đề lịch sử để lại như đền Yasukuni, đại thảm sát Nam Kinh hay cuộc đấu trực diện giữa hai nước trong vấn đề Điếu Ngư, tất cả đều sẽ khiến quan hệ hai nước thường xuyên trong tình trạng căng thẳng. Những mâu thuẫn này tuyệt nhiên không thể trở nên hòa hoãn bởi mâu thuẫn mang tính kết cấu bắt nguồn từ cuộc đấu tranh chiến lược giữa hai nước.

 
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Vào thời điểm này, dường như ông Abe không thể làm bất cứ điều gì khiến lãnh đạo của Trung Quốc hài lòng, trong khi việc Thủ tướng Nhật xin lỗi vì đã tới thăm đền Yasukuni hay hành động xâm chiếm Trung Quốc trong quá khứ của Nhật Bản là vô cùng khó. Theo tờ Nhân Dân nhật báo, đối với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, ông Abe đang “tự mâu thuẫn” với chính mình. Trừ khi Nhật Bản xin lỗi về những hành động thường xuyên lặp đi lặp lại khiến Trung Quốc không hài lòng (từ việc thăm ngôi đền tranh cãi trên tới việc tăng cường sức mạnh quân sự), Bắc Kinh sẽ bỏ qua những lời bao biện và nối lại các cuộc đối thoại. Trong khi đó, đối với Nhật Bản, nếu chính quyền của ông Abe tỏ ra nhân nhượng với Trung Quốc để duy trì tình hữu nghị láng giềng tốt đẹp, rõ ràng là nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của Tokyo.

Vì vậy, cả hai nước trên đều tăng cường phát triển quân đội của riêng mình với lý do rằng họ phải làm như vậy để chống lại mối đe dọa từ các đối thủ trong khu vực. Thêm vào đó, sự mất lòng tin sâu sắc giữa hai bên khi hệ thống chính trị khác nhau cùng với một lịch sử thù địch càng làm cho hai quốc gia nghi ngờ sâu sắc lẫn nhau. Nước nào cũng khẳng định là mình yêu hòa bình và sử dụng chiến thuật “lo sợ chiến tranh xảy ra” để tìm cách đổ lỗi cho nhau là một “ông kẹ hiếu chiến”.

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các chiến lược gia đã cảnh báo các nhà lãnh đạo trên thế giới đang tạo ra "tâm lý chiến tranh lạnh" và quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh hiện nay còn hơn thế. Ngay cả mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng không giúp căng thẳng giữa hai nước hạ nhiệt. Trong thực tế, những căng thẳng đang làm xói mòn mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia trên. Tờ Telegraph mới đây cho biết, theo một cuộc thăm dò, 60% lãnh đạo của các doanh nghiệp Trung Quốc không sẵn sàng làm việc với các công ty Nhật Bản. Trong năm 2012, căng thẳng Trung  - Nhật thậm chí còn khiến bùng lên phong trào kêu gọi tẩy chay hàng hóa, một số cuộc bạo động đã diễn ra nhằm vào các nhà hàng và doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc.

Trong khi các công ty Trung Quốc tại Nhật Bản lại ít bị ảnh hưởng (theo Telegraph, 80% doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng tiếp tục làm ăn với Trung Quốc và Hàn Quốc), Điều này dẫn đến việc lợi ích kinh tế giữa hai nước đang dịch chuyển sang khu vực khác, đặc biệt là Đông Nam Á. Quan hệ kinh tế giữa Tokyo và Bắc Kinh có khả năng tiếp tục xấu đi, nên khó có triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại tự do 3 bên giữa Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc theo kế hoạch sẽ được ký kết vào năm 2014.

Như vậy là có một kiểu Chiến tranh Lạnh mới đang xuất hiện trong bối cảnh cả Trung Quốc và Nhật Bản đang theo dõi sát sao những động thái của nhau và xem đó như là một hành động thách thức và đe dọa. Ngay cả Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa đạt đến cấp độ này, bởi vì Mỹ có quá nhiều đối thủ tiềm năng (Nga, Iran, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên) và quá  nhiều lợi ích toàn cầu gắn với Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản với sự hiện diện và lợi ích chiến lược hạn chế trên toàn cầu, là một vấn đề khác. Trung Quốc lại đang tăng cường hiện đại hóa quân đội và có các mục tiêu chiến lược hướng đến các vùng biển gần (ví dụ việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không -ADIZ- trên biển Hoa Đông) – điều khiến Tokyo dễ dàng cho đây là động thái nhằm trực tiếp vào Nhật Bản.

Chuyên gia Zachary cũng nhận định rằng, việc sức mạnh siêu cường của Mỹ đang suy giảm có thể sẽ dẫn đến sự xuất hiện “kẻ thống trị mới” trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta có thể nhận thấy sự khởi đầu của quá trình này hiện nay, với cuộc cạnh tranh kiểu Chiến tranh lạnh giữa Trung Quốc và Nhật Bản, không phải vì cường quốc toàn cầu mà vì sự thống trị trong khu vực. Tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư càng làm tăng khả năng về một cuộc xung đột quân sự, thậm chí ngay cả khi quần đảo này có bị chìm vào đại dương trong tương lai (do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu chẳng hạn), thì những căng thẳng giữa hai nước vẫn còn. Đó là một cuộc Chiến tranh Lạnh trong khu vực, hiện đang được thể hiện thông qua các cuộc khẩu chiến ngày càng gay gắt và một cuộc đua vũ đang đang “lờ mờ” xuất hiện giữa hai nước. Và giống như Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ, căng thẳng không thể kết thúc cho đến khi một quốc gia tuyên bố mình giành chiến thắng.
Nguồn: baotintuc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.