Chuyên mục
Hội thảo khoa học quốc tế về
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Hội thảo khoa học quốc tế về "Hợp tác Nga - Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế"

Thứ ba 04/06/2019 17:40 GMT + 7
Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Hợp tác Nga - Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế", diễn ra ngày 4-6 tại Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga ở Moscow (LB Nga), đã thu hút sự tham dự của đông đảo các viện sĩ, giới chuyên môn, cùng các học giả, nhà nghiên cứu của Việt Nam và LB Nga.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo do Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức trong khuôn khổ Năm chéo Việt Nam - LB Nga, với sự tham gia của đoàn đại biểu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, do Chủ tịch Viện, Tiến sĩ kinh tế, giáo sư Nguyễn Quang Thuấn dẫn đầu, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga. Dự hội thảo về phía Nga có Viện trưởng Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Tiến sĩ Kinh tế Elena Lenchuc, cùng các giáo sư, viện sĩ và một số nghiên cứu sinh, sinh viên thuộc các cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu của Nga.

Với 13 tham luận được chuẩn bị kỹ lưỡng, hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga trong thế kỷ 21, triển vọng phát triển hợp tác đầu tư trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) và Việt Nam, những tác động của bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi, toàn cầu hóa đối với kinh tế Nga và Việt Nam, so sánh mô hình phát triển kinh tế Nga và Việt Nam, đồng thời đưa ra những đánh giá sâu sắc về thực trạng và triển vọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga.


GS-TS Nguyễn Quang Thuấn đọc tham luận tại hội thảo.

Sau lời phát biểu khai mạc và chào mừng của Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga, Viện sĩ thông tấn, Tiến sĩ Kinh tế Ruslan Grinberg, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn với tham luận “Toàn cầu hóa và một số tác động tới quan hệ Việt - Nga”, đã khái quát về tiến trình toàn cầu hoá trong hai thập kỷ đầu thế kỷ 21, đặt ra những cơ hội và thách thức mới cho mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam và LB Nga. Ông đã tập trung phân tích những đặc điểm, nội dung và xu thế mới của toàn cầu hóa, nhận diện những tác động của toàn cầu hóa tới quan hệ Việt Nam - LB Nga hiện nay, đồng thời khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống này, dù phải chịu những tác động tiêu cực nhất định từ toàn cầu hoá, song vẫn liên tục phát triển.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, quan hệ Việt - Nga cũng mang những nét chung của xu thế toàn cầu hóa, vừa hợp tác vừa cạnh tranh, vừa thúc đẩy quan hệ trên tất cả các mặt và cũng chịu nhiều tác động thuận nghịch của bối cảnh quốc tế và khu vực. Việt Nam nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng, lại có một nền chính trị ổn định và tiềm năng phát triển kinh tế, chính vì vậy Việt Nam được coi là một trong những ưu tiên của Nga trong chính sách hướng Đông mà nước này theo đuổi. Sự tăng cường hợp tác giữa Nga và Việt Nam được coi là một trong những tiền đề quan trọng giúp Nga tăng cường sự hiện diện và xác lập ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á nói chung, đồng thời giúp Nga cân bằng cán cân quyền lực tại khu vực này.

Với tham luận “Những cú sốc bên ngoài đối với kinh tế Nga và Việt Nam trong giai đoạn hiện nay của toàn cầu hoá”, Phó Viện trưởng thứ nhất Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Nga, Tiến sĩ kinh tế Mikhail Golovnin tập trung phân tích mối quan hệ hợp tác kinh tế Nga và Việt Nam, đề cập những tác động của toàn cầu hoá tới nền kinh tế của Nga cũng như của Việt Nam.

Còn Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sĩ Kinh tế, Phó Giáo sư Nguyễn An Hà cho rằng sự hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga thời gian qua đạt được bước đột phá trước hết trên các lĩnh vực du lịch và thương mại. Tuy nhiên vẫn có những vấn đề tồn tại cần tháo gỡ, đó chính là phương thức thanh toán chưa phù hợp, gây khó khăn trong thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương; việc đầu tư giữa hai nước nhằm tăng cường hợp tác kinh tế cũng chưa nhịp bước song hành cùng sự phát triển hợp tác trong lĩnh vực chính trị; còn quá nhiều rào cản trong đầu tư… Ông Nguyễn An Hà cũng khẳng định Việt Nam sẽ là cầu nối LB Nga với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nước thuộc khối ASEAN.

Trong khi đó, Tiến sĩ Kinh tế Vladimir Mazeryn, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam, ASEAN và Viễn Đông, thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga với tham luận “Những vấn đề hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong những lĩnh vực chiến lược”, khẳng định các nhà đầu tư của Việt Nam luôn được chào đón tại Nga, và thực tế nguồn vốn đầu tư của Việt Nam tại Nga cũng lớn hơn so với chiều ngược lại, nguồn vốn đầu tư của LB Nga vào Việt Nam. Ông bày tỏ mong muốn tháo gỡ những rào cản, khó khăn khách quan và chủ quan còn tồn tại, để hoạt động đầu tư tại Việt Nam, trước hết trong lĩnh vực dầu khí, vốn là thế mạnh của Nga, đạt hiệu quả như mong đợi.


Các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Sau hơn ba giờ thảo luận sôi nổi, các nhà nghiên cứu, học giả đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng hai nước nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế - thương mại, từ đó góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - LB Nga.

Phát biểu với phóng viên sau hội thảo, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga, Viện sĩ thông tấn, Tiến sĩ Kinh tế Ruslan Grinberg cho biết “thực sự ngạc nhiên trước kỳ tích của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế” và khẳng định sự quan tâm đến mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam đang tiến về phía trước và chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của nhau, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Ông nói: “Hiện nay trao đổi hàng hóa song phương giữa hai nước chưa đạt mức đột phá lớn, một phần vì kinh tế Nga gặp một số khó khăn, trì trệ. Tuy nhiên, tôi cho rằng tiềm năng hợp tác của chúng ta là to lớn và triển vọng hợp tác giữa hai nước là tốt đẹp”.

Còn Tiến sĩ - Giáo sư Nguyễn Quang Thuấn đánh giá hội thảo có ý nghĩa lớn trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm năm chéo Việt Nam - Nga và cho rằng “chủ đề thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga có vị trí rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh mới, khi tình hình quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi”. Ông cho biết “tại hội thảo này, các nhà khoa học Việt Nam và LB Nga đã nhìn nhận, đánh giá những kết quả đã đạt được trong quan hệ giữa hai nước thời gian qua, chỉ ra những nguyên nhân làm cho quan hệ giữa hai nước còn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga trong bối cảnh mới”.

Ông Thuấn khẳng định: “Việc nhìn nhận những nguyên nhân này là hết sức quan trọng, là cơ sở để hai phía cùng đưa ra những giải pháp tốt hơn cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - LB Nga”.

Nam Đông - Quế Anh
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga
Nguồn: nhandan.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.