Chuyên mục
Hãng bay của ông Hạnh Nguyễn bị từ chối: Lý do có thực sự thỏa đáng?

Hãng bay của ông Hạnh Nguyễn bị từ chối: Lý do có thực sự thỏa đáng?

Thứ sáu 16/07/2021 15:37 GMT + 7

Trái ngược với nhiệt huyết của doanh nghiệp và sự ủng hộ của địa phương, cách xử lý và lý do ngành giao thông đưa ra với đề xuất lập hãng bay vận tải IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn gây nhiều hụt hãng, xen lẫn thất vọng.

Cơ hội lớn để Đà Nẵng phát triển bền vững


Trong văn bản vừa gửi tới Bộ GTVT, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định, trong Nghị quyết 43 được Bộ Chính trị ban hành năm 2019, Đà Nẵng được định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tập trung vào các mũi nhọn để phát triển kinh tế, trong đó có du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng và cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics.



Do vẫn chưa có hãng bay vận tải chuyên biệt, các hãng hàng không Việt Nam vẫn chủ yếu vận chuyển hàng hóa trong bụng máy bay chở khách. Ảnh: KH


Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội thành phố được HĐND Thành phố thông qua cũng nêu mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp. Trong đó dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.

“Vì vậy, việc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương đề xuất thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và trung tâm điều hành hoạt động bay của IPP Air Cargo tại thành phố, Đà Nẵng nhận thấy rất phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, là cơ hội lớn để thành phố thực hiện thắng lợi Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và là thời cơ mang lại sự phát triển bền vững cho nền kinh tế thành phố trong tương lai” – văn bản gửi Bộ GTVT của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Với những vấn đề trên, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT ủng hộ và sớm có ý kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương thành lập hàng hàng không chuyên biệt vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo tại TP. Đà Nẵng.

Cục Hàng không muốn giữ thị phần cho ai?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam cho rằng, xét về nhu cầu, thực tế chúng ta đang không những cần một hãng hàng không vận tải hàng hóa mà đang cần 2 đến 3 hãng.

Các chuyên gia hàng không cũng đánh giá, nhu cầu vận tải hàng hóa hàng không tăng vọt trong 6 tháng đầu năm và việc thị phần vận chuyển hàng hóa đang do các công ty nước ngoài chiếm 80% thị phần cho thấy việc thành lập một hãng hàng không chuyên biệt về vận chuyển hàng hóa tại thời điểm hiện nay là vô cùng cần thiết.

 


Các hãng hàng không Việt Nam vẫn chủ yếu vận chuyển hàng hóa trong bụng máy bay và chưa có hãng bay vận tải chuyên biệt. Ảnh: VNA


Trong văn bản vừa gửi tới Bộ GTVT, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) – ông Đinh Việt Sơn cũng cho biết hiện tại các hãng hàng không Việt Nam đều đang triển khai thực hiện các chuyến bay chuyên chở hàng hóa, bao gồm cả việc chở hàng trên khoang hành khách nhằm tăng thêm năng lực vận chuyển hàng hóa và có thêm nguồn thu để bù đắp thiệt hại do dịch bệnh.

Tính đến cuối tháng 6.2021, các hãng hàng không hoán đổi 9 tàu bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang.

Một số tàu bay khác cũng được chở hàng trên khoang hành khách (chưa tháo ghế) với điều kiện không chở khách trên cùng chuyến bay và nhờ đó tỉ trọng doanh thu từ vận tải hàng hóa trong tổng doanh thu từ vận tải hàng không của các hãng hàng không giai đoạn trong dịch đều tăng gấp 3 lần so với trước dịch.

Tuy nhiên theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (Đại học Bách khoa TPHCM), việc các tàu bay tháo ghế để chuyển hàng hoá chỉ là nhất thời, khi bình thường sẽ trở lại đúng chức năng của nó là vận tải hành khách.

Yêu cầu cấp thiết hiện nay là Việt Nam phải sớm xây dựng hãng vận tải hàng hoá bằng đường hàng không, đây cũng là thời điểm thuận lợi để mở các hãng vận tải hàng hoá hàng không, nếu không mở sớm sẽ bị các hãng nước ngoài chiếm lĩnh thị trường này.

Song trái ngược với toàn bộ kỳ vọng của doanh nghiệp và kiến nghị của địa phương, Cục HKVN gây hụt hẫng, thất vọng khi vừa chính thức đề nghị Bộ GTVT chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay.

Cơ quan này cho rằng, việc chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa cũng là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Lý do mà Cục HKVN đưa ra dường như không thỏa đáng bởi theo đánh giá của PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cũng như nhiều chuyên gia hàng không khác, để mở một hãng hàng không mất rất nhiều thời gian chứ không phải “một sớm, một chiều” nên việc cấp phép cho hãng bay vận tải ở thời điểm hiện nay cũng không ảnh hưởng tới hoạt động vận chuyển hàng hoá tạm thời của các hãng bay chở khách.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thái - Phó Trưởng Khoa Vận tải Kinh tế, Trưởng bộ môn Quản trị Kinh doanh (Đại học GTVT), với những ngành nghề sản xuất kinh doanh mà nhà nước không cấm, doanh nghiệp đều có quyền đăng ký tham gia và các cơ quan quản lý nhà nước có nghĩa vụ phải ủng hộ, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.

Chưa kể việc doanh nghiệp đề nghị thành lập hãng bay vận tải hàng hoá chỉ là ngành kinh doanh có điều kiện chứ không phải không được phép.


NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn: laodong.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.