Chuyên mục
Cuộc sống lênh đênh, chật vật giữa sông Hồng khi Hà Nội giãn cách

Cuộc sống lênh đênh, chật vật giữa sông Hồng khi Hà Nội giãn cách

Thứ tư 25/08/2021 16:33 GMT + 7

Quanh năm sống lênh đênh trên những chiếc lều phao chắp vá, tạm bợ giữa dòng nước sông Hồng, cuộc sống của những người dân xóm Phao càng thêm chật vật khi nghề đi nhặt ve chai, phụ hồ, làm thuê đều dừng lại khi Hà Nội giãn cách


Ẩn mình dưới chân cầu Long Biên nhiều năm nay, xóm Phao khu bãi giữa sông Hồng nơi tập trung rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Những ngày này, khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, cuộc sống của họ lại càng thêm chật vật.

 

 Khu xóm Phao ở bãi giữa sông Hồng.

 

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Được (75 tuổi), Trưởng xóm Phao cho hay, hiện tại xóm có tổng cộng 35 gia đình với 121 người sinh sống trong những căn nhà tạm dựng trên bè ở bãi giữa sông Hồng.

“Người ở đây đều từ các tỉnh, thành khác nhau, tất cả có chung 1 điểm là đều có hoàn cảnh khó khăn. Người dân ở đây không có nghề nghiệp ổn định nên người khỏe thì vào chợ trong phố bốc vác thuê, còn người yếu thì đi nhặt ve chai, bán đồng nát kiếm sống, giờ giãn cách không có việc, càng khó khăn hơn”, ông Được giọng buồn buồn.

 


Ông Nguyễn Văn Được, trưởng xóm phao bãi giữa sông Hồng.


Để phòng chống dịch, lối đi từ bãi giữa lên cầu Long Biên đã được khóa lại, người dân muốn ra ngoài để đi chợ, đi có việc cần thiết phải đi một con đường khác xa hơn.

Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, người dân ở đây cũng được phường Ngọc Thụy phát giấy đi chợ. 

“Đây là giấy đi chợ của người dân xóm Phao chúng tôi, hôm trước tôi có đi phát cho mọi nhà, nhưng nhiều nhà không lấy vì chúng tôi chỉ đi được sang chợ Ngọc Thụy, chợ này khá xa, trong khi lối đi lên cầu Long Biên gần hơn thì giờ đã khóa lại, không đi được. Hơn nữa, đa số người ở đây đều khó khăn, nếu lấy phiếu đi chợ cũng không có tiền mà đi”, ông Được nói.

 


Người dân xóm phao được phát phiếu đi chợ nhưng ít người lấy do không có tiền mà chợ thì xa


Theo lời kể của ông Được, phường Ngọc Thụy cũng quan tâm đến đời sống của bà con xóm phao, từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách, bà con ở đây cũng được phường phát cho mỗi nhà một ít gạo và mì tôm. Không ai lo bị đói.

“Mới đây, phường cũng đã lập danh sách cho những người ở đây đăng ký đi tiêm vắc xin Covid-19”, ông Được cho hay.

Dù vậy, cuộc sống khó khăn vẫn đeo đẳng, nhiều người nghe tin trên bờ có nhiều nhóm từ thiện, phát quà miễn phí, siêu thị 0 đồng, nhưng không ai dám đi, vì ra ngoài không có giấy tờ gì, sợ bị phạt sẽ không có tiền để nộp.

Hai vợ chồng bà phạm Thị Thu (64 tuổi) và ông Nguyễn Đức Lương (60 tuổi) quê ở Ý Yên, Nam Định đã sống ở xóm Phao bãi giữa sông Hồng được khoảng 30 năm rồi. Hai ông bà không có con, ông lại bị tật 1 bên mắt nên cuộc sống của 2 ông bà khá khó khăn.

 


Bà Phạm Thị Thu: "chúng tôi vẫn được phát phiếu đi chợ ba ngày một lần nhưng tôi chưa đi lần nào vì không có tiền mà đi chợ, hơn nữa ra ngoài dịch bệnh tôi sợ lắm”.


“Trước đây tôi đi nhặt ve chai, từ ngày Hà Nội giãn cách tôi không đi làm được nữa, ra ngoài cũng sợ. Tôi cũng già rồi, bệnh tật vào người thì biết nhờ vào ai. Ở nhà có gì ăn nấy, dù không có đầy đủ nhưng có cơm với rau cỏ sống qua ngày là được rồi.

Hôm trước có đoàn tài trợ vào xóm phát cho mỗi gia đình một ít gạo, còn rau thì không phải mua. Ở đây chúng tôi vẫn được phát phiếu đi chợ ba ngày một lần nhưng tôi chưa đi lần nào vì không có tiền mà đi chợ, hơn nữa ra ngoài dịch bệnh tôi sợ lắm”, bà Thu nói.

Bà Thu kể, trước giãn cách, ngày bà đi nhặt ve chai được khoảng 50.000-100.000 đồng, muốn dành dụm góp tiền để sửa lại mái nhà phao, tuy nhiên không thể sửa được, vì làm đến đâu tiêu hết đến đấy.

“Nhà xuống cấp lắm rồi, chúng tôi cũng muốn sửa lắm chứ, nhưng giờ mà sửa cũng phải mất khoảng chục triệu nên cũng không có, tôi cứ ở như vậy thôi vì cũng già rồi, ở được đến lúc nào thì ở, tiền ăn giờ còn lo từng bữa, nên không lo xa quá làm gì cả”, bà Thu nói.

 


Ngôi nhà phao chắp vá, xiêu vẹo của gia đình bà Thu.

 

Còn ông Nguyễn Văn Bình (SN 1951) ở Thanh Hóa cũng ra Hà Nội mưu sinh, vì không có đủ điều kiện để sống “trên bờ” nên ông xuống khu này tá túc qua ngày.

Ông Bình cho biết: “Tôi làm nghề phụ hồ ở bên Bắc Ninh, hôm trước hết việc nên dự định về đây ít ngày, tuy nhiên lại đúng vào dịp Hà Nội thực hiện giãn cách nên tôi nghỉ luôn, chờ khi nào hết giãn cách thì đi làm tiếp".

 


Nhà phao của ông Nguyễn Văn Bình được 1 nhóm từ thiện làm giúp trước đó

 

Ông Bình cho biết, mỗi ngày ông đi làm cũng được 200.000 đồng, cũng không có nhiều tiền nên ít khi đi chợ, để giành tiền mai này ốm đau còn lấy tiền thuốc thang, ở nhà có gì ăn cũng được.

“Nhà này là tôi được một nhóm từ thiện làm cho, họ còn cho tôi cả cái đài và loa để nghe thông tin, nên tôi cũng nắm được tình hình dịch bệnh của Thành phố, không có việc làm thì đành ở nhà nghe đài, chứ ra ngoài giờ không có việc gì làm, mà tôi cũng không có giấy tờ tùy thân, có thể bị phạt”, ông Bình nói.

Ngồi trên chiếc bè xiêu vẹo ở cuối xóm, ông Nguyễn Văn Phương (61 tuổi) kể: “Tôi quê gốc ở xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Cuộc đời đưa đẩy đến đây cũng đã mấy chục năm. Ngày trước, khi bệnh hen suyễn và khớp chưa nặng, tôi vào bờ làm đủ thứ nghề, ai thuê gì thì làm nấy, miễn sao có cái ăn qua ngày.

Cách đây gần chục năm, vợ tôi bị bệnh rồi qua đời. Sau đó tôi cũng yếu dần và đến giờ thì không làm nổi gì nữa, tay chân lúc nào cũng run lẩy bẩy, mí mắt giật liên tục. Thỉnh thoảng tôi cũng đi nhặt ve chai ở quanh xóm sống qua ngày, nhưng dịch không có người bán hàng nên tôi cũng không đi nữa”.

 


Ông Nguyễn Văn Phương bên ngôi nhà lênh đênh giữa sông 


Không riêng gì ông Bình, ông Phương, mà những gia đình trẻ như chị Nguyễn Thị Trang (SN 1994) cũng rất khó khăn, vì chồng chị bị tật chân nên không đi làm được, mọi chi tiêu trong gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào chị Trang trong khi nhà có tới 3 đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn.

 


Cả gia đình chị Nguyễn Thị Trang gồm 5 người sống trong nhà bè nhỏ ven sông như thế này.

 

"Trước đây tôi đi làm giúp việc ở trên phố nhưng hơn một năm trước, khi sắp sinh cháu thứ 2 thì phải nghỉ việc, từ ngày đó đến giờ con cũng được hơn 1 tuổi rồi, muốn đi làm lại nhưng gặp đúng lúc dịch bệnh bùng phát không đi đâu được”, chị Trang nói.

 


Chị Trang vừa trông con vừa chuẩn bị bữa ăn của gia đình hết sức đơn giản.

 

Theo chị Trang, để có tiền sinh hoạt, thường ngày phải đi nhặt cỏ, phun thuốc cho những nhà trồng cây quanh đây. Hiện giờ thì không ai thuê nữa, khó khăn quá, nên chị đã gửi con đầu về ở trọ với bà ngoại ở Hà Đông.

 


Những gia đình sống lênh đênh ở xóm Phao bãi giữa sông Hồng.


Không chỉ thiếu thốn về vật chất mà xóm Phao ở bãi giữa sông Hồng này còn thiếu thốn đủ thứ, từ nước sạch, điện thắp sáng... đều chưa có và những người ở đây vẫn phải bám trụ để sống.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội cho biết, phường đã có 2 đợt hỗ trợ cho người dân xóm Phao, hiện vẫn tiếp tục theo dõi tình hình, lên phương án và nguồn để sắp xếp hỗ trợ tiếp cho người dân trong đợt giãn cách này.

Trong đợt 2 vừa rồi, mỗi suất hỗ trợ đối với người dân xóm Phao gồm nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, nước mắm, mì chính. 

UBND phường biết những người dân ở ngoài bãi (xóm Phao) gặp rất nhiều khó khăn trong đợt giãn cách này nên chính quyền đang hỗ trợ nhiều hơn, ngoài nhu yếu phẩm còn được hỗ trợ thêm 200.000 đồng. Còn các đối tượng khác trong phường cần hỗ trợ vẫn chưa phủ sóng xong đợt 1.

'Chúng tôi quyết tâm không để người dân bị đói và cố gắng hỗ trợ họ, đồng thời kêu gọi cộng đồng chia sẻ khó khăn với họ trong thời gian này. Ngoài hỗ trợ của phường, nhiều đơn vị, cá nhân, tổ chức cũng đã hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường nói chung và người dân xóm Phao nói riêng', Chủ tịch phường Ngọc Thụy nói.

 

Bảo Khánh - Tiến Dũng

Nguồn: infonet.vietnamnet.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.