Chuyên mục
Cuộc chiến Syria và lời nguyền của Nhà tiên tri Muhammad
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cuộc chiến Syria và lời nguyền của Nhà tiên tri Muhammad

Thứ hai 29/10/2012 03:02 GMT + 7
Theo tạp chí Der Spiegel, xung đột từ xa xưa đã làm trầm trọng thêm các cuộc chiến đương đại trong thế giới Hồi giáo. Cuộc nội chiến ở Syria cho thấy rõ người Hồi giáo dòng Sunni, Shiite hoặc Alawite vẫn còn thù hận nhau như thế nào.

 
Nhà Tiên tri Muhammad còn là một vị tướng.  Ảnh mpac.org

Ở các nước theo đạo Hồi, ranh giới giữa hôm qua và hôm nay thường trở nên mờ nhạt, như thể quá khứ chưa hề trôi qua. Quá khứ này có thể trở nên sống động một cách đáng sợ, có ảnh hưởng vô cùng tàn khốc và sẽ lặp đi lặp lại mỗi ngày.

Cuộc chiến ở Syria ngày càng mang đậm tính chất tôn giáo

Tại Hội nghị thượng đỉnh Phong trào không liên kết (NAM) ở thủ đô Tehran, lịch sử 1300 năm của đạo Hồi với các cuộc chiến tranh giành quyền lực lại nổi lên trở thành một trong những chủ đề bàn luận. Chủ nhà của hội nghị NAM lần này là Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (một người Shiite) và ngồi bên cạnh ông là tân Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi, một người Sunni.

Tổng Morsi bắt đầu bài diễn văn của mình bằng việc nhắc đến Nhà Tiên tri Muhammad, nhưng sau đó ông lại nói: “Mong Thánh Allah sẽ cầu phúc cho các giáo chủ của chúng ta là Abu Bakr, Umar, Uthman và Ali”.

Truyền thông Iran lập tức coi phát biểu này là một sự khiêu khích vì các giáo chủ Abu Bakr, Umar và Uthman là những người kế thừa của Muhammad sau cái chết của Nhà Tiên tri này vào năm 632. Người Hồi giáo Sunni tôn thờ ba vị này như ba quốc vương Hồi giáo đầu tiên, nhưng người Hồi giáo Shiite lại coi họ là những kẻ tiếm quyền, phản bội đức tin và tên của họ không được phép nhắc đến. Đối với người Shiite, người kế thừa thực sự của Nhà Tiên tri Muhammad là Ali, vị thủ lĩnh đầu tiên của họ. Giáo chủ Ali sau này cũng chiến đấu chống lại ba nhân vật kể trên cho tới khi bị sát hại.

Sau đó, Tổng thống Morsi nói tiếp về hiện tại, về Syria - nơi Tổng thống Bashar al-Assad người Alawite, một nhóm sắc tộc có quan hệ gần gũi với người Shiite - đang bị cáo buộc thảm sát lực lượng nổi dậy gồm chủ yếu là người Sunni. Tổng thống Morsi, vốn là người Sunni, nói: “Cuộc tàn sát tại Syria sẽ không chấm dứt nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài.” Trong khi đó ngồi cạnh ông là Tổng thống Iran Ahmadinejad, người đang giúp đỡ chính chế độ này bằng vũ khí và cả nhân lực nữa.

Ông Morsi nên biết rằng bất cứ nước nào can thiệp vào tình hình Syria đều có thể nhanh chóng phải đối đầu với Iran. Chiến tuyến giữa người Sunni và người Shiite đang lan rộng ra nhiều nước trong khu vực Trung Đông. Những ai kích động hiềm khích ở một nơi trong khu vực, có thể sẽ phải chịu đựng xung đột ở một nơi khác. Giờ đây các cuộc nổi dậy đang bị cuốn sâu hơn vào dòng xoáy của cuộc xung đột xa xưa giữa hai phái của đạo Hồi là dòng Sunni và dòng Shiite.

Sau cái chết của Nhà Tiên tri Muhammad, xung đột đã bùng nổ giữa hai phe để tranh giành quyền lực và bây giờ… vẫn vậy. Nhưng giống như các mảng kiến tạo địa tầng sau một thời gian dài có vẻ yên tĩnh bỗng bất ngờ chuyển động, giữa hai nhóm tín ngưỡng này luôn tồn tại một mối bất hòa sâu sắc dưới vẻ hòa hoãn bề ngoài.

Tuy người Shiite chỉ chiếm 10 đến 13% trong số 1,4 tỉ người Hồi giáo trên toàn thế giới, nhưng sự hiện diện của họ lại tập trung rõ rệt ở vùng Vịnh Ba Tư. Người Shiite chiếm 90% dân số Iran, 70% dân số Bahrain, hơn 60% dân số Iraq, 35% dân số Kuwait và khoảng 10% dân số Saudi Arabia.

Mối bất hòa sâu sắc này đã bùng phát thành những vụ thảm sát, ví dụ như trong cuộc nội chiến ở Iraq: bắt đầu vào năm 2004 nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Cuối tháng 7/2012, chỉ trong vòng vài giờ, 27 vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của 107 người phần lớn là người Shiite và những kẻ đánh bom được cho là người Sunni.

Khi người Sunni tại Syria đấu tranh chống lại chế độ của người Alawite, họ nhận được sự giúp đỡ từ những người đồng đạo ở  Saudi Arabia và Qatar, trong khi Iran lại hỗ trợ chế độ ở Damascus tiền của, vũ khí và mới đây cả quân đội. Khi người Shiite ở Bahrain đấu tranh chống lại nhà vua người Sunni, họ lại nhận được sự ủng hộ của Iran và Syria, trong khi Saudi Arabia lại hỗ trợ nhà cầm quyền ở đây trấn áp phe nổi dậy.

Cuộc chiến ở Syria ngày càng mang nhiều tính chất tôn giáo. Nó không chỉ diễn ra trong nội bộ Syria, mà còn lôi cuốn nhiều người từ cả hai phái Shiite và Suni. Lực lượng nòng cốt của nhóm vũ trang Hồi giáo Hezbollah dòng Shiite từ Lebanon và các đơn vị đặc biệt từ Iran đang giúp đỡ chế độ ở Syria. Ở phía bên kia chiến tuyến, lực lượng nổi dậy cũng có thêm những chiến binh tình nguyện đến từ Libya và họ cũng nhận được những khoản tiền hỗ trợ từ Saudi Arabia và Qatar.

Lời nguyền của đạo Hồi

Trong thế giới Hồi giáo, nơi mà quyền lực và đức tin luôn luôn bị hòa lẫn với nhau, xung đột chính trị thường xuyên trở thành xung đột tôn giáo.

Mọi thứ đã bắt đầu với vấn đề quyền lực. Khi Nhà Tiên tri Muhammad qua đời, ngài đã để lại một vấn đề mà sau này đã trở thành một lời nguyền cho đạo Hồi: sự kế thừa sự nghiệp của ngài. Khác với Chúa Jesus, Mohammed không chỉ là một Nhà Tiên tri mà còn là một vị tướng.

Một cuộc tranh cãi đã bùng nổ và nhanh chóng trở nên căng thẳng xung quanh vấn đề liệu người kế thừa hợp pháp của Mohammed nên là một trong số những người thân tín của ông hay trước hết phải là một người họ hàng ông như Ali Bin Abu Talib, em họ và cũng là con rể của Mohammed. Nhóm những người ủng hộ ý kiến thứ hai được gọi là “Shiat Ali” (Những tín đồ của Ali) và đây chính là nguồn gốc của tên gọi Shiite. Rốt cuộc, Ali chỉ trở thành quốc vương Hồi giáo thứ 4 sau Abu Bakr, Umar, Uthman và sau đó bị giết vào năm 661.

Cuộc đấu tranh giành quyền lực đầu tiên tiếp tục kéo dài trong hơn hai thập kỷ tiếp theo, cho đến khi Hussein - con trai của Ali - bị giết trong trận chiến Kerbela ở Iraq. Cuộc chiến đã được quyết định với thất bại thuộc về nhóm “Shiat Ali.”

Nhưng phái Shiite lại trở nên mạnh hơn. Theo Heinz Halm, một chuyên gia về đạo Hồi dòng Shiite tại Đại học Tübingen thì sự sụp đổ của Hussein là “một vụ nổ lớn” (Big Bang) thúc đẩy sự hình thành phát triển một vũ trụ đang mở rộng nhanh chóng của người Shiite. Một tín ngưỡng đã vươn lên từ thất bại và được định hình thông qua tinh thần phản kháng.

Trong lòng đạo Hồi đã phát triển hai tư tưởng có tính cạnh tranh nhau: người Sunni (được đặt theo Kinh Sunna, những quy định được truyền miệng lại từ Mohammed) cho rằng quyền lực và đức tin là một. Ngược lại, người Shiite trong hàng trăm năm qua chỉ có được rất ít quyền lực và ở họ chỉ còn lại những truyền thuyết về vị anh hùng tôn giáo Ali.

Hồi thế kỷ 16, gia tộc Safavid đã giành được quyền lực tại Iran và buộc người dân ở đó cải sang đạo Hồi Shiite. Từ đó đã xuất hiện một sự thù địch mà cho đến giờ vẫn còn mạnh mẽ giữa nước Iran của người Shiite và các quốc gia Arập khác với đa số người dân là người Sunni. Sau sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, trung tâm tôn giáo của người Arập đã chuyển sang bán đảo Arập, nơi có Mecca và các thánh địa khác. Đây cũng là nơi một Ibd Saud trẻ tuổi đã sử dụng một liên minh tôn giáo do tổ tiên ông phát triển để xâm chiếm những khu vực rộng lớn của bán đảo Arập vào năm 1902, mà hiện nay chính là Saudi Arabia.

Tại đây, nhánh tôn giáo Wahhabi của dòng Sunni trở thành tín ngưỡng quốc gia. Người Shiite ở các tỉnh bị xâm chiếm phía Đông bị coi là những kẻ tà đạo. Sau đó là đến dầu mỏ. Với những mỏ dầu được phát hiện, Vương quốc Saudi Arabia đã vươn lên trở thành một trong số các nước cung cấp dầu lửa lớn nhất thế giới và đầu tư những khoản tiền lớn cho những nhà truyền giáo Wahhabi trên toàn thế giới. Nhưng những mỏ dầu khổng lồ đều nằm ở khu vực phía Đông, nơi những người Shiite sinh sống.

Nếu người Shiite tại khu vực này li khai khỏi Saudi Arabia, đây sẽ là dấu chấm hết cho sự giàu có nhờ dầu mỏ của quốc gia này. Nhưng việc cho người Shiite trở thành công dân và được hưởng các quyền lợi như người Sunni sẽ là một lời tuyên chiến đối với giới quyền uy sùng đạo tại đất nước này cũng như với phần lớn người dân Saudi Arabia, vốn được nuôi dạy trong một nền văn hóa thù ghét người Shiite. Người dân Saudi Arabia vẫn rất bảo thủ, còn bảo thủ hơn cả chính chế độ quân chủ của họ, cho dù chế độ đến nay vẫn chưa cho phép phụ nữ lái xe.

Chiến tuyến này giữa người Sunni và người Shiite cũng lan rộng sang cả Iraq. Năm 2003, sau khi quân đội Mỹ lật đổ chế độ Saddam Hussein chỉ trong 19 ngày, người Sunni ở Iraq nhanh chóng chiến đấu chống lại người Mỹ, vì người Mỹ đã đẩy họ khỏi vị trí lãnh đạo đất nước. Người Shiite cũng tham gia chống quân đội Mỹ. Nhưng trước hết những kẻ cuồng tín ở cả hai phía cũng chuyển sang bắn giết lẫn nhau. Kể từ năm 2004 đến nay, thủ đô Baghdad thường xuyên bị rung chuyển bởi nhiều vụ tấn công khủng bố lẫn nhau.

Karl Marx từng mô tả tôn giáo là một thứ thuốc phiện. Nhưng tôn giáo cũng là một loại cocain cho những kẻ hiếu chiến, một phương tiện hàng đầu để kích động các nhóm chống lại nhau. Cho đến nay Iraq vẫn là một đất nước bị chia rẽ, từ các khu phố, các cơ quan quản lý cho đến cả các cơ sở thu dọn rác, tất cả đều bị chia tách vì lý do tôn giáo. Hiện nay, quyền lực đang nằm trong tay chính phủ người Shiite do Thủ tướng Nouri al-Maliki đứng đầu. Một nỗi sợ hãi đang lan rộng ở Iraq, rằng cộng đồng thiểu số người Sunni có thể trở nên mạnh hơn nhờ vào sự sụp đổ nhãn tiền của chế độ Assad tại Syria và đe dọa nhà nước Iraq một lần nữa.

Có vẻ như sự khác biệt về đạo giáo giữa người Sunni và người Shiite không đóng vai trò quan trọng nào trong các cuộc cách mạng tại Tunisia, Libya và Ai Cập. Nhưng ở Syria, mọi việc lại khác. Vì vậy, đây là một cuộc nổi dậy đặc biệt nguy hiểm.

Đạo Hồi có một lời tiên tri về ngày tận thế, mà nhiều người cho là của Nhà Tiên tri Mohammed. Lời tiên tri này chỉ là một đoạn nhỏ và là một huyền thoại về ác quỷ Sufyani. Một ngày nào đó, ác quỷ này sẽ xuất hiện và đem tới cái chết và sự suy tàn cho các tín đồ Hồi giáo. Và theo Nhà Tiên tri Muhammad, quỷ Sufyani sẽ trồi lên từ dưới lòng đất của thành phố Damascus./.

Theo Vietnam+
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.