Chuyên mục
COVID-19 tới 6 giờ 25/3: Thế giới trên 125 triệu ca bệnh; Phát hiện 29 triệu liều vaccine AstraZeneca không rõ mục đích

COVID-19 tới 6 giờ 25/3: Thế giới trên 125 triệu ca bệnh; Phát hiện 29 triệu liều vaccine AstraZeneca không rõ mục đích

Thứ năm 25/03/2021 04:43 GMT + 7

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 510.904 trường hợp mắc COVID-19 và 9.042 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt mức 125 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,75 triệu người không qua khỏi.

 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên đường phố ở thủ đô Brussels, Bỉ ngày 13/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

 

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 125.310.719 ca, trong đó có 2.754.692 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 101.163.668 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 21.392.359 ca và 91.569 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 24/3, thế giới có tới 106 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại.

 


Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Liege, Bỉ ngày 29/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN


Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Dộ, Ba Lan và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 558.186 ca tử vong trong tổng số 30.698.088 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 300.675 ca tử vong trong số 12.219.433 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 160.726 ca tử vong trong số 11.787.013 bệnh nhân. Trong vòng 1 ngày qua, Brazil là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, với 1.832 trường hợp.

Ngày 24/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trên toàn thế giới tiếp tục tăng trong tuần thứ 4 liên tiếp.

 


Phụ nữ vô gia cư trên đường phố tại Berlin, Đức, ngày 22/1/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong báo cáo hàng tuần về tình hình dịch COVID-19 mới nhất, WHO cho biết trong tuần từ ngày 14-21/3, gần 3,3 triệu ca nhiễm mới đã được ghi nhận trên toàn cầu. 4 khu vực ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh là Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, châu Âu và Đông Địa Trung Hải, với mức tăng tương ứng là 49%, 29%, 13% và 8%. Châu Âu và châu Mỹ vẫn chiếm tới gần 80% trong tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới.

Tại Mỹ Latinh, Colombia sẽ áp đặt các biện pháp mới hạn chế người dân đi lại tại các thành phố có nhiều bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Cụ thể, trong các khoảng thời gian từ 26-29/3 và từ 31/3-5/4 tới, người dân sẽ bị hạn chế về thời gian vào siêu thị, ngân hàng và trung tâm mua sắm căn cứ vào số thẻ căn cước. Trong thời gian trên, người dân cũng sẽ bị hạn chế đi lại từ 20h tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau.

Quy định này áp dụng tại tất cả các thành phố có tỷ lệ sử dụng số giường bệnh tại các khu chăm sóc đặc biệt (ICU) lên tới hơn 70%. Ngoài ra, lệnh giới nghiêm từ nửa đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau được áp dụng tại những thành phố có tỷ lệ này vượt 50%. Chính phủ Colombia nhấn mạnh biện pháp phòng ngừa trên là cần thiết để tránh nguy cơ làn sóng thứ ba chạm đến đỉnh dịch trong vài tuần tới, hoặc vào tháng 4 hay tháng 5 tới.

 


Rửa tay và khử khuẩn phòng lây nhiễm COVID-19 tại Havana, Cuba, ngày 25/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong khi đó, Chính phủ Cuba kỳ vọng đến tháng 8 tới, hơn 6 triệu người, chiếm 50% dân số nước này sẽ được tiêm chủng với các loại vaccine ngừa COVID-19 bào chế trong nước. Hiện Cuba đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với hai loại vaccine do nước này bào chế là Soberana 2 và Abdala với các tình nguyện viên tại thủ đô La Habana và một số tỉnh miền Đông như Santiago de Cuba, Guantanamo và Granma. Nếu thành công, đây sẽ là hai vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được bào chế tại khu vực Mỹ Latinh. Cuba đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ tiêm chủng cho tất cả người dân.

Tại châu Âu, Ba Lan đã ghi nhận 29.978 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức kỷ lục tính theo ngày trong bối cảnh chính phủ sẵn sàng áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhằm ngặn làn sóng dịch thứ ba đang xấu đi. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều khả năng chính phủ sẽ áp đặt thêm các hạn chế mới trước thềm lễ Phục sinh.

Na Uy tuyên bố sẽ áp đặt thêm các biện pháp nghiêm ngặt hơn từ ngày 25/3- 12/4 để phòng dịch COVID-19. Theo đó, chính phủ sẽ tạm cấm các nhà hàng và quán bar bán rượu, bia. Các phòng tập thể dục và bể bơi công cộng phải đóng cửa. Các gia đình chỉ được phép tiếp tối đa 2 khách.

 


Tiêm vaccine phòng cúm gia cầm cho chim cánh cụt tại Bergen, Na Uy, ngày 4/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Chính phủ cũng yêu cầu mọi người tăng giãn cách xã hội từ 1 lên 2 mét. Người nước ngoài đến Na Uy hoặc người Na Uy về nước không phải với lý do cấp thiết sẽ phải cách ly 10 ngày tại khách sạn được chỉ định, thay vì 3 ngày nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 như quy định hiện nay.

Nhà chức trách Na Uy buộc phải siết chặt các biện pháp phòng dịch trước kỳ nghỉ Lễ phục sinh vào tháng 4 tới để hạn chế mọi người đi lại và gặp gỡ vào dịp này, tránh dịch bệnh lây lan. Dù là nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất tại châu Âu, song Na Uy hiện ghi nhận số ca mắc gia tăng do biến thể mới của virus có nguồn gốc từ Anh có khả năng lây lan mạnh hơn.

Hà Lan thông báo sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng dịch đến ngày 20/4 tới do số ca mắc gia tăng. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ được rút ngắn, theo đó bắt đầu từ 22h, thay vì 21h, tối hôm trước và kéo dài đến 4h30 sáng hôm sau. Các biện pháp phòng dịch hiện nay tại Hà Lan theo dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/3 tới. Tuy nhiên, Chính phủ Hà Lan cho rằng không thể dỡ bỏ những hạn chế hiện nay khi số ca mắc lại tăng và thêm nhiều người phải nhập viện.

Còn Bỉ thông báo sẽ đóng cửa trường học, các cửa hàng bán đồ không thiết yếu và tiệm cắt tóc trong 4 tuần, bắt đầu từ ngày 27/3 trong khuôn khổ lệnh phong tỏa chặt chẽ mới được nối lại nhằm kiềm chế làn sóng dịch COVID-19 thứ ba đang gia tăng ở nước này. Lệnh phong tỏa yêu cầu các trường học sẽ đóng cửa từ ngày 29/3, sớm hơn 1 tuần so với kế hoạch trước kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, và mở cửa trở lại vào ngày 19/4. Người dân Bỉ chỉ có thể đến các cửa hàng bán đồ không thiết yếu như cửa hàng bán quần áo nếu có hẹn trước và lệnh giới nghiêm buổi tối vẫn có hiệu lực từ 22h ở Brussels và từ nửa đêm ở những nơi khác.

Theo quy định mới, số lượng tối đa số người được phép tụ tập ở nơi công cộng sẽ giảm từ 10 người hiện nay xuống còn 4 người. Tuy nhiên, người dân Bỉ vẫn được phép đi du lịch trên toàn quốc.

 


Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 lên xe cứu thương tại Angers, Pháp ngày 15/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN


Pháp, nước láng giềng của Bỉ, sẽ bổ sung 3 vùng là Rhone, Aube và Nievre vào danh sách các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, cần theo dõi sát sao và sẽ cần áp đặt các biện pháp hạn chế trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang xấu đi trên toàn nước Pháp.

Trong khi đó, Thụy Điển thông báo từ ngày 31/3 tới, sẽ ngừng việc cấm những người đến từ Na Uy và Đan Mạch nhập cảnh. Tuy nhiên, tất cả những người nhập cảnh Thụy Điển vẫn cần trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Tại châu Á, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản và 3 tỉnh lân cận đã quyết định kéo dài việc yêu cầu các cơ sở kinh doanh rút ngắn giờ hoạt động nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh gia tăng trở lại tại vùng thủ đô.

Trong cuộc họp trực tuyến, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike và thống đốc các tỉnh Chiba, Kanagawa và Saitama đã nhất trí yêu cầu các cơ sở kinh doanh như nhà hàng thực hiện đến ngày 21/4 quy định phải đóng cửa từ lúc 21h, đồng thời cam kết phối hợp nhằm ngăn chặn số ca nhiễm tăng trở lại. Các thống đốc cũng tiếp tục yêu cầu các nhà hàng không phục vụ rượu sau 20h cũng như duy trì mức trợ cấp 40.000 yen (360 USD)/ngày cho các nhà hàng và quán bar tuân thủ các quy định trên.

Trong khi đó, chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia cho biết sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, với điều kiện tình hình sẽ trở lại gần như trước đại dịch. Quyết định tiếp tục nới lỏng hạn chế dự kiến có hiệu lực từ ngày 29/3.

Theo đó, nhà chức trách cho phép các sân vận động và rạp hát hoạt động bình thường, dỡ bỏ các hạn chế hoạt động trong các quán rượu và hộp đêm. Bang NSW cũng sẽ bỏ hạn chế số người được phép tham dự đám cưới và đám tang cũng như số khách đến nhà riêng. Quy định đeo khẩu trang khi đi các phương tiện công cộng sẽ chuyển từ bắt buộc sang khuyến cáo.

 


Người dân Singapore đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19. Ảnh: The Economic Times

 

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 13.324 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 57.630 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Campuchia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với mấy ngày trước. Dù vậy, trong 24 giờ qua, Indonesia vẫn là quốc gia có số ca mắc mới COVID-19 cao thứ hai ở châu Á, sau Ấn Độ.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày vượt qua Indonesia và nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong lại giảm mạnh so với các ngày trước.

 


Du khách thăm Cung điện Hoàng gia ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Timor Leste chứng kiến số ca mắc bệnh tăng vọt.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 28 ca bệnh mới, song không có ca tử vong nào.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 24/3 ghi nhận thêm tới 100 ca bệnh mới và 1 ca tử vong.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 29 bệnh nhân mới trong ngày 24/3. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 57.637 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 168 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.733.465 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.435.350 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.

 

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: PAP/TTXVN

 

Trong khi đó cùng ngày, theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu, cảnh sát Italy đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 29 triệu liều vaccine AstraZeneca không rõ mục đích tại một nhà máy Catalent ở thành phố Anagni, gần Rome.

Báo La Stampa của Italy ngày 24/3 cho biết cơ quan chức năng Italy đã nhận được thông tin từ Ủy ban châu Âu về số lượng lớn vaccine AstraZeneca nghi đang chuẩn bị xuất sang Anh. Thông tin được đưa ra sau khi ông Thierry Breton, ủy viên châu Âu về thị trường nội khối kiêm phụ trách lực lượng chuyên trách về vaccine của EU, tới thăm một nhà máy sản xuất của hãng AstraZeneca ở Leida, Hà Lan. Ông Thierry Breton, đã yêu cầu Italy kiểm tra nhà máy Catalent ở Anagni nhằm xác minh nguồn gốc cũng như đích đến của lô vaccine trên.

Ủy viên Thierry Breton nêu rõ EU không xem xét số lượng vaccine trên có dành cho EU hay không song nếu AstraZeneca muốn xuất khẩu lô vaccine này ra ngoài EU, hãng phải trình yêu cầu cấp phép xuất khẩu tới cơ quan chức năng Italy.

Về phía Italy, Thủ tướng Mario Draghi cho biết hai lô hàng đã được chuyển tới Bỉ, và hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục giám sát lô vaccine còn lại.

 

Thanh Tuấn

Nguồn: baotintuc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.