Chuyên mục
Cám cảnh thanh niên Việt sống ở 'phố đèn đỏ' Singapore
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cám cảnh thanh niên Việt sống ở 'phố đèn đỏ' Singapore

Thứ ba 07/05/2013 11:46 GMT + 7
Không ít bạn trẻ Việt Nam được những tay cò hứa hẹn dẫn đi kiếm tiền triệu bằng việc bán hàng, phụ quán ăn, giúp việc nhà ở Singapore. Kỳ thực, tất cả chỉ có một điểm đến: phố đèn đỏ Geylang, với đầy rẫy tệ nạn xã hội.

Ở đó, họ mất tự do, bị buộc làm những việc phi pháp, bị chèn ép và luôn sống trong sợ hãi. Có những cuộc đào thoát, đầy nước mắt và bất trắc…

Nghiệt ngã cuộc “làm lại”

Đang học cao đẳng tại Bắc Ninh, T.C.N., 22 tuổi, bất ngờ bỏ học. Cha mẹ N. là giáo viên và công nhân viên nhà nước choáng váng khi phát hiện cậu con trai cả vốn học khá, thông minh, vướng vào nạn đề đóm. Bỏ học, N. lên Hà Nội và tham gia cá cược bóng đá qua mạng. N. thua nhiều, gia đình phải vét hết tài sản cho cậu chung chi.

 
Cảnh sát Singapore “khai quật” hố ga chứa thuốc lá lậu ở khu Geylang - Ảnh do Hải quan Singapore cung cấp.

Cho đến khoảng giữa năm 2012 thì N. thực sự tỉnh ngộ, quyết tâm làm lại từ đầu. Cậu đi trích lục giấy khai sinh, thi bằng lái xe gắn máy, đi làm thợ điện cho một công ty xây dựng của nước ngoài ở Hà Nội và cưới vợ. Nhưng mức lương kiếm được chỉ đủ sống, tiền mừng cưới cũng đã trả nợ cờ bạc hết, N. sốt ruột, muốn chóng có tiền để kinh doanh và trả lại cho bố mẹ. Khi vợ mang thai, khao khát kiếm nhiều tiền để lo cho vợ con càng thôi thúc N.

Đúng thời điểm đó, N. gặp một người tên Long ở Hà Nội. Trong một lần đi uống nước, Long nói rằng có thể đưa N. sang Singapore làm nghề bán hàng, với mức lương 2.000 USD (hơn 40 triệu đồng)/tháng. Đổi lại, N. phải nộp trước 20 triệu đồng để Long “đặt cọc” chỗ làm. Nghe bùi tai, N. vay mượn để có đủ tiền đưa cho Long, tiền mua vé máy bay và tiền dằn túi, rồi nói dối gia đình đi Singapore làm việc theo phân công của công ty.

Ngày 26/12/2012, ngay sau khi có hộ chiếu, N. cùng 3 thanh niên nữa, cũng theo sự dẫn dắt của Long, lên máy bay đi Singapore. Đến nơi, theo chỉ dẫn trước đó, nhóm N. tự bắt taxi từ sân bay đến một vị trí ở Hẻm số 10 (Lorong 10) khu Geylang. Tại đó, một người Singapore gốc Hoa đón và đưa cả nhóm 4 bạn trẻ về nhà trọ ở Lorong 8. Trong căn nhà trọ tồi tàn với nhiều người nhập cư làm đủ các nghề thiếu lương thiện, nhóm của N. ở chung một phòng có 2 giường tầng, tiền phòng là 10 SGD (170.000 đồng)/người/ngày, thu trước mỗi 5 ngày. Công việc hằng ngày của nhóm là chia nhau đi bán thuốc lá lậu ở các Lorong 14, 16, 18, 25. Đường dây này do người Singapore cầm đầu. Đến đây thì N. đã biết mình bị lừa!

Đào tẩu

Không có đường lùi, ngày ngày N. và các bạn ra đường, đến nơi mà những tên “chăn dắt” giấu thuốc lá lậu, lấy vài bao bỏ vào người rồi ra các góc đường, chỗ có nhiều người qua lại, đứng bán. Việc mua bán bất chính diễn ra rất nhanh. Mỗi gói thuốc bán giá 5 SGD, người bán được hưởng 60 xu (10.000 đồng). Trong khi đó, những tên “chăn dắt” ẩn mặt hoặc đi lại loanh quanh theo dõi, hễ thấy ai bán được khoảng 50 SGD thì họ sẽ tiến lại gần, mở rộng miệng túi vải để người đó thả tiền vào. Cuối ngày, có người đến phòng trọ thu nốt số tiền bán thuốc còn lại, đồng thời tính toán và trả “hoa hồng” cho từng người. Do sợ bị lộ, hằng tuần, đám “chăn dắt” lại chuyển nhà trọ của nhóm N.

Việc bán thuốc lậu tương đối dễ. Trước khi đi Singapore, N. và các bạn đã được Long dạy cho một số từ tiếng Anh và tiếng Hoa đơn giản như giá tiền, 4 màu vỏ bao thuốc, một số từ giao tiếp căn bản… đủ để “hành nghề”. Thuốc lá là mặt hàng được Chính phủ Singapore liệt vào loại xa xỉ phẩm và đánh thuế tiêu thụ rất cao, khoảng 400-500% giá nhập khẩu. Một gói thuốc hợp pháp bán lẻ ở các cửa hàng có giá không dưới 10 SGD. Vì vậy, nghề bán thuốc lậu có “đất” sống tốt.

Tuy nhiên, việc mua bán giữa ban ngày ban mặt lộ liễu khó lòng thoát khỏi lưới cảnh sát. Trong vài tuần, 3 người cùng đi với N. lần lượt bị bắt. Ngày nào ở ngoài đường N. cũng chứng kiến cảnh người bán thuốc lậu bị còng tay đưa về đồn, có ngày đến 9 người, trong đó có nhiều người Việt, chưa kể những đợt truy quét lớn. Chưa hết, cảnh bắt bớ cũng diễn ra với gái mại dâm, cờ bạc, xóc dĩa. Geylang trở thành nỗi kinh hoàng đối với N., bỏ xứ đến Singapore mong đổi đời, nhưng đường cùng bán mình cũng chỉ nuôi đủ miệng trong nỗi nhục bị chèn ép, đe dọa và phạm pháp.

Chán ngán, nhiều hôm N. giả ốm để khỏi đi bán thuốc. Sống ở Geylang gần 2 tháng, tiếp xúc đủ loại người và nghe những câu chuyện của họ, N. biết rõ ngoài tội bán thuốc lậu, mình còn vi phạm luật nhập cư của Singapore vốn chỉ cho phép công dân các quốc gia Đông Nam Á lưu trú trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Vì vậy, đến ngày 20/2/2013, N. quyết định tự giải thoát, bỏ nhà trọ trốn đi, không mang theo gì ngoài hộ chiếu, chiếc ví và điện thoại.

Tiền “hoa hồng” bán thuốc cũng chẳng còn đủ để mua vé máy bay về nước sau khi trả tiền nhà trọ, tiền ăn và các khoản bị chủ cấn trừ khác. Vì vậy N. lang thang gần khu Geylang, mong bị cảnh sát bắt để được ở tù vì tội cư trú quá hạn, và được trục xuất về nước. Nghiệt ngã thay, ngày cứ chậm trôi qua mà cảnh sát vẫn không tới. Rồi đêm 24/2, trong lúc ngủ thiếp đi trên ghế đá ở một bãi cỏ, N. bị móc túi mất hộ chiếu và chiếc ví có 2 thẻ ngân hàng Việt Nam, một ít tiền và giấy tờ.

Cùng đường, N. lần tới một đồn cảnh sát để khai mất hộ chiếu, nhân thể nộp mình. Nhưng có lẽ do rào cản ngôn ngữ, viên cảnh sát ở đây bảo N. đến ICA, tức trụ sở Cục Xuất nhập cảnh. Đến ICA, nhân viên ở đây lại chỉ N. đến Đại sứ quán Việt Nam. Tại Sứ quán, N. được hướng dẫn phải đến chỗ công an khai báo để lấy được tờ khai mất hộ chiếu; sau đó thì đến ICA để nộp mình vì tội lưu trú quá hạn; ra tù, Sứ quán sẽ cấp giấy thông hành về cho về nước. Trong người không có một mảnh giấy lận lưng, N. biết có quay lại sở cảnh sát hay ICA cũng vô ích.

Bế tắc, N. quay về Geylang, vào một tiệm Internet và lên mạng mong tìm được kinh nghiệm của ai đó cũng từng bị mất hộ chiếu ở Singapore. Và N. đã tìm được bài báo Một cô giáo tật nguyền bị Vietravel bỏ rơi ở Singapore. Bài báo nói về câu chuyện một cô giáo ở TP.HCM cùng đoàn trường đi du lịch ở Singapore không may bị mất hộ chiếu. Trong lúc sắp bị bỏ lại ở Singapore vì đoàn phải đi tiếp sang Malaysia, cô tìm được một phóng viên thường trú tại đây, và được giúp đỡ về nước trong vòng 1 ngày. Nhờ từng “vọc máy tính đến cận thị”, N. đủ giỏi để lần ra trên mạng số điện thoại Văn phòng một tờ báo Việt Nam tại Singapore và gọi tới nhờ giúp đỡ.

Bán thuốc lá lậu là một hành vi phạm tội hình sự nghiêm trọng. Luật Hải quan và luật Thuế giá trị gia tăng của Singapore quy định ai mua, bán, giao chuyển, phân phối, cầm giữ hàng trốn thuế sẽ chịu mức phạt gấp 40 lần số thuế gian lận và bị tù giam đến 6 năm. Vậy nên, những “tép riu” đi bán lẻ thuốc lậu luôn ám ảnh nỗi lo bị cảnh sát bắt. Các tay “trùm” cũng tìm cách “che chắn” cho “lính” bằng cách cử người canh me các đồn cảnh sát ở các khu vực lân cận. Mỗi khi thấy cảnh sát lên xe công vụ, những tay này lập tức báo động về Gaylang, để cả bọn xua nhau lẩn trốn.
Nguồn: thanhnien.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.