Chuyên mục
Cách tiếp cận mới của Trung Quốc đối với châu Âu

Cách tiếp cận mới của Trung Quốc đối với châu Âu

Thứ ba 18/04/2023 11:01 GMT + 7

Sự tiếp đón nồng nhiệt của Bắc Kinh đối với Tổng thống Pháp Macron cho thấy nền tảng của chiến lược châu Âu mới mà Trung Quốc bắt đầu theo đuổi sau Đại hội Đảng lần thứ XX.


Một châu Âu chia rẽ trước Trung Quốc

Đầu tháng này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm Trung Quốc để hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình về các chủ đề bao gồm tình trạng quan hệ Trung - Âu, chiến tranh ở Ukraine và tương lai của quan hệ kinh tế song phương.

Để thể hiện một châu Âu thống nhất, Tổng thống Macron đã đi cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào ngày đầu tiên của chuyến công du, mặc dù rất nhanh chóng sau đó, cả hai dù cố ý hay vô tình, đã cho thấy những bất đồng về mấu chốt của mối quan hệ Trung Quốc - châu Âu. Bà Von der Leyen nhìn Trung Quốc với thái độ cảnh giác và hoài nghi, với mục tiêu chính là giảm phụ thuộc có chọn lọc và cảnh giác cả những lĩnh vực hợp tác chung. Trong khi đó, Macron nhìn thấy ở Trung Quốc một đối trọng hiệu quả chống lại ảnh hưởng quá lớn của Mỹ đối với địa chính trị quốc tế.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Pháp Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 6.4 - Ảnh: Reuters

 

Về cơ bản, chuyến thăm Trung Quốc của hai nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu đã làm sáng tỏ những bất đồng và chia rẽ trong cách tiếp cận và phản ứng của EU đối với Trung Quốc. Một số người có xu hướng coi sự sâu sắc trong quan hệ Trung-Nga và sự quyết đoán trong chính sách đối ngoại và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc là những lý do để châu Âu giảm mức độ phụ thuộc vào các mối quan hệ thương mại, công nghệ và văn hóa với Trung Quốc. Những người khác bị thuyết phục bởi lý lẽ cho rằng: Mỹ đang muốn tiến hành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới chống lại Trung Quốc, nhưng châu Âu không cần và không nên làm theo.

Tại sao Trung Quốc lựa chọn Pháp là cửa ngõ?

Đứng trước một châu Âu chia rẽ, Trung Quốc đã có sự lựa chọn của mình. Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang đặc biệt chú trọng đến việc củng cố tình hữu nghị Trung - Pháp. Những dấu hiệu như vậy bao gồm các nghi lễ xa hoa và sự đón tiếp nồng nhiệt chào đón Tổng thống Macron ở Bắc Kinh, tuyên bố chung 51 điểm được đưa ra vào cuối chuyến thăm bao trùm một loạt các lĩnh vực đa dạng bất thường, và cuộc gặp riêng của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Macron trong một bối cảnh không chính thức ở Quảng Châu (chỉ có phiên dịch viên). Cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý “nâng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung - Pháp lên một tầm cao mới” thông qua “giao tiếp chiến lược chặt chẽ hơn”.

Mức độ chú ý và khen ngợi dành cho vị Tổng thống Pháp là rất hiếm so với tiêu chuẩn ngoại giao của Trung Quốc. Có một số lý do giải thích thái độ nồng nhiệt của Bắc Kinh đối với Macron.

Đầu tiên là tình hình địa chiến lược liên quan đến sự kình địch giữa các cường quốc. Trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng rạn nứt với Mỹ, Trung Quốc cần một lực lượng chiến lược có thể đẩy lùi sự đồng thuận rõ ràng của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ trong các vấn đề đối đầu với Trung Quốc. Biết rõ rằng một sự hòa hoãn hoàn toàn giữa tất cả các quốc gia châu Âu và Trung Quốc sẽ gần như không thể, thay vào đó, Bắc Kinh tìm kiếm một Brussels sẵn sàng tạo khoảng cách lành mạnh hơn giữa họ và Washington.

Kể từ sự ra đi của bà Merkel theo chủ nghĩa thực dụng, quan hệ Trung - Đức đã trở nên phức tạp do sự trỗi dậy của “Liên minh đèn giao thông” có chính sách trái ngược đối với Trung Quốc. Do đó, Pháp là lựa chọn hợp lý nhất.

Cơ sở lý luận thứ hai là tầm nhìn của Bắc Kinh về một liên minh do Trung Quốc lãnh đạo để làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình về Ukraine. Trung Quốc có sẽ không có lợi ích khi để cuộc chiến Ukraine leo thang đáng kể. Cơ bản hơn, từ quan điểm của các nhà lãnh đạo cấp cao, Bắc Kinh muốn thể hiện sự khéo léo ngoại giao trưởng thành của mình với tư cách không chỉ là một siêu cường kinh tế, mà còn là động lực cốt lõi của quản trị toàn cầu và giải quyết xung đột.

Tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ảrập Xêút chắc chắn đã mang lại cho Bắc Kinh động lực và uy tín đáng kể với tư cách là một nhà trung gian hòa bình. Để tiếp tục con đường hướng tới sức mạnh ngoại giao này, Trung Quốc đang cần các đồng minh có thể ủng hộ tầm nhìn của họ về vấn đề Ukraine mà không nghiêng hẳn về phía NATO. Do đó, Trung Quốc coi Pháp là một công cụ đối trọng trong quá trình này.

Yếu tố thứ ba là kinh tế. Trung Quốc chỉ có thể thành công trong nỗ lực kinh tế của mình - khởi động lại tăng trưởng, trẻ hóa khu vực tư nhân và kích thích tiêu dùng - nếu nước này áp dụng chính sách đối ngoại thực dụng, thành công trong việc giữ chân các đối tác chuỗi cung ứng quan trọng trong khi vẫn đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường của các công ty Trung Quốc đến các thị trường lớn.

Thực tế là Hội nghị Thượng đỉnh giữa Macro và Tập Cận Bình đã mang lại một danh sách các thỏa thuận và đột phá kinh tế. Airbus sẽ khai trương dây chuyền lắp ráp thứ hai tại Trung Quốc, tăng gấp đôi năng lực sản xuất.

Cách tiếp cận mới của Trung Quốc sẽ là gì?

Với thái độ rõ ràng trên của Bắc Kinh đối với Paris, có thể thấy Trung Quốc đang điều chỉnh chiến lược châu Âu của mình kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XX.

Đầu tiên là sự thay đổi mang tính diễn ngôn cho mối quan hệ Trung - Âu. Bên cạnh chỉ ra những lợi ích kinh tế và vật chất chung, mà Bắc Kinh nhận ra rằng chắc chắn sẽ bị lu mờ bởi những câu chuyện thuyết phục mang tính hùng biện về “thúc đẩy dân chủ” và “phản đối sự xâm lược của Nga”, Trung Quốc có thể sẽ chuyển sang nhấn mạnh vào ý tưởng châu Âu cần nắm lấy quyền tự chủ chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc thay vì phụ thuộc vào Mỹ.

Những luận điệu như vậy sẽ thu hút các quốc gia ngày càng vỡ mộng trước lời nói và hành động đầy mâu thuẫn của Mỹ, khi một mặt Washington rao giảng về tự do dân chủ, một mặt lại thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ kinh tế nghiêm ngặt hơn với Đạo luật Giảm lạm phát và buộc các nước châu Âu phải lựa chọn giữa họ và Trung Quốc. Các quốc gia này có thể không hoàn toàn đồng tình với tầm nhìn của Trung Quốc về một trật tự quốc tế mới, nhưng vẫn bị thuyết phục về giá trị của “phòng ngừa rủi ro tập thể”.

Thứ hai, Trung Quốc sẽ không tìm cách gắn kết với toàn bộ châu Âu mà chỉ ưu tiên quan hệ ngoại giao với từng quốc gia có tầm quan trọng. Bốn nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha - có thể sẽ là tâm điểm của các nỗ lực chiến lược của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ phân bổ nguồn lực để xây dựng lại lòng tin và sửa chữa các mối quan hệ bị sờn giữa họ và các nước Trung và Đông Âu, nhiều nước trong số đó trước đây là thành viên tích cực và ủng hộ sáng kiến 17+1 của Trung Quốc.

Thứ ba, sự tiếp đón mà Tổng thống Pháp Macron nhận được ở Bắc Kinh bộc lộ rõ nhất thực tế rằng chính sách ngoại giao của Trung Quốc có thể bớt đối đầu hơn, ít hiếu chiến hơn và chào đón một cách chiến lược hơn đối với các bên liên kết hoặc cởi mở với sự liên kết. Không nên đánh giá thấp mức độ khéo léo về mặt chiến thuật (mặc dù không phải là chiến lược) trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Đối với các quốc gia thừa nhận - công khai hoặc ngấm ngầm - tầm nhìn của Trung Quốc về một châu Âu tự chủ chiến lược, Bắc Kinh có khả năng sẽ kiềm chế đáng kể những luận điệu thù địch trước đây của mình và thay vào đó sử dụng kết hợp các phần thưởng kinh tế cụ thể và những lời tán dương hoa mỹ để báo hiệu sự chấp thuận.

Mối quan hệ Trung Quốc - châu Âu sẽ trở nên như thế nào?

Mối quan hệ Trung Quốc - châu Âu sắp tới sẽ trở nên phức tạp và mơ hồ hơn nhiều. Có thể, người ta sẽ chứng kiến nhiều cải thiện hơn trong quan hệ giữa một số quốc gia châu Âu chọn lọc và Trung Quốc, trong khi quan hệ giữa các quốc gia khác và gã khổng lồ kinh tế tiếp tục xấu đi. Tổng thống Pháp đã cố gắng thuyết phục châu Âu về khái niệm “quyền tự chủ chiến lược”. Tuy nhiên, liệu phần còn lại của châu Âu có chấp nhận đề xuất này hay không, và liệu Macron có thành công trong việc dẫn dắt tầm nhìn của mình hay không, vẫn còn phải chờ xem.

Như đã nói, bằng cách này hay cách khác, châu Âu rất miễn cưỡng phải chọn phe giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hơn là chọn phe trong cuộc chiến ở Ukraine. Điều thứ hai liên quan đến lợi ích lãnh thổ và an ninh cơ bản của châu Âu. Trong khi điều thứ nhất, ít nhất là trong mắt cá nhân các nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao và chính trị gia điển hình như Macron và Michel, thì không.

Cả Bắc Kinh và Washington đều ý thức được thái độ đó của châu Âu, mặc dù họ đang phản ứng bằng những cách khác nhau. Trong khi Mỹ đã chọn lên án và chỉ trích Tổng thống Macron vì những hành vi có vẻ liều lĩnh của ông thì Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội và tìm cho mình một chiến lược và giọng điệu phù hợp.

 

Quốc Đạt

Nguồn: daibieunhandan.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.