Chuyên mục
Báo Pháp: Hết ''thuốc chữa'' khủng hoảng năng lượng, châu Âu bên bờ hoảng loạn

Báo Pháp: Hết ''thuốc chữa'' khủng hoảng năng lượng, châu Âu bên bờ hoảng loạn

Thứ ba 11/10/2022 10:07 GMT + 7

Báo Le Monde vừa có bài viết “Khủng hoảng năng lượng: Các nước châu Âu bên bờ vực hoảng loạn”, trong đó nhận định tại cuộc họp không chính thức tại Praha, 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có vẻ như đã hết cách để ứng phó với khủng hoảng năng lượng và ngày càng lo lắng về tình trạng giá khí đốt, giá điện tăng cao hiện nay.

 

Châu Âu bên bờ hoảng loạn, ‘hết thuốc chữa’ khủng hoảng năng lượng. Trong ảnh: Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: Getty Images)

 

Khí đốt đúng là vũ khí nguy hiểm


Trái với thường lệ, không còn có được sự yên bình vào đêm trước cuộc họp của Hội đồng châu Âu. Những ngày gần đây, các nhà ngoại giao luôn cảm thấy tâm bất an, khi cuộc họp của lãnh đạo các nước thành viên tại Praha ngày 7/10 đến gần, rất nhiều người trong họ đã không giấu được vẻ mặt lo lắng.

Nguyên nhân không chỉ vì những nguy cơ leo thang liên quan đến vũ khí hạt nhân và cuộc xung đột ở Ukraine. Thực tế là, khi giá năng lượng tiếp tục tăng cao, khái niệm “vũ khí khí đốt” đang đe dọa sự ổn định kinh tế-xã hội 27 nước thành viên EU. Liên minh này cho đến nay vẫn không thể thống nhất được cách thức nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đứng cạnh nhau trong một bức ảnh chung trước phủ Tổng thống CH Czech như muốn thể hiện tình đoàn kết trong thời điểm khốn khó.

Nhưng quả thật bức ảnh này không che đậy được sự căng thẳng cao độ giữa Pháp và Đức trong vấn đề năng lượng. Nói rộng hơn, cho dù đã "kề vai sát cánh" ngay từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng nổ, 27 nước thành viên EU vẫn phải thừa nhận một sự thật rằng, sự thống nhất nội khối đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi lạm phát phi mã.

Ngay từ đầu, tất cả đều chắc chắn rằng họ sẽ cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga càng nhiều càng tốt. Biện pháp được đưa ra là lấp đầy 90% các kho dự trữ, đa dạng hóa nguồn cung và giảm mức tiêu thụ. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ các nỗ lực như vậy lại làm trầm trọng thêm tình trạng tăng giá và khiến lạm phát “phi nhanh hơn”.

Chính Tổng thống Pháp đã thừa nhận rằng EU đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt Nga nhưng trong ngắn hạn, liên minh đang “gặp rắc rối về giá cả”.

Như muốn làm cho vấn đề tồi tệ hơn, Đức đã chọn phương án “một mình một ngựa”. Nước này trước hết là mua khí đốt với giá cao để bơm tối đa vào các kho dự trữ quốc gia, tiếp đến là công bố kế hoạch trợ cấp năng lượng 200 tỷ Euro, tạo ra một thách thức hiện hữu đối với cả Liên minh.

Đành rằng, tất cả các chính phủ đều có kế hoạch hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp, nhưng không phải tất cả đều có khả năng như nhau, nhất là các nước Đông Âu. Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins cho rằng “kinh tế Đức lớn đến mức những gì họ làm cho các doanh nghiệp của mình có thể phá hủy thị trường nội khối”.

Về phần mình, Ủy ban châu Âu (EC) đã tỏ ra rất chậm chạp. Đến khi các thủ đô gây sức ép thì EC mới tiếp nhận chủ đề và chỉ mới đây, cơ quan này mới ra một văn bản đề cập tới phương hướng hạ giá năng lượng. Cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi cho rằng, EC đã chậm trễ 7 tháng để có thể thúc đẩy hành động chung của EU, trong khi khủng hoảng không dừng lại và suy thoái kinh tế đang cận kề.

Từ chức vào cuối tháng Chín, ông Draghi cho biết, ông hy vọng Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen “không đưa ra các đề xuất mơ hồ nữa, thay vào đó là những gì rõ ràng hơn, cụ thể hơn”.

Trong tình cảnh như vậy, mỗi quốc gia thành viên đã quyết định hành động theo một cách, miễn sao có lợi cho mình, trong một tình trạng rối loạn nhất từ trước đến nay. Mỗi nước theo một mô hình. Chẳng hạn, Pháp đặt cược vào năng lượng hạt nhân, trong khi Hungary quyết định tiếp tục phụ thuộc cơ bản vào khí đốt Nga giống như Tây Ban Nha. Một số khác quyết định thúc đẩy nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo.

Một thực trạng rối tung


Ngày 27/9, đã có 15 nước thành viên - bao gồm Pháp, Italy, Ba Lan và Bỉ - đề xuất biện pháp giới hạn giá khí đốt. Tuy nhiên, trên thực tế mỗi nước lại có một cách tiếp cận vấn đề khác nhau, dẫn đến nhiều biến thể khác nhau xung quanh giải pháp này. Kết quả là một thực trạng rối tung, khiến Tổng thống Pháp phải thừa nhận việc các nước lún sâu vào các giải pháp quốc gia đã làm giảm khả năng ứng phó của Liên minh.

Để giảm giá khí đốt ở châu Âu, vốn cao hơn so với thị trường châu Á hoặc Bắc Mỹ, Đức và các thành viên còn lại đều nhất trí ủng hộ việc đàm phán với Na Uy, hoặc với Mỹ - nơi EU đang phải mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với giá cắt cổ.

Tổng thống Pháp không muốn chấp nhận thực tế này. Trong một phát biểu ngày 6/10, ông muốn nhắn gửi với phía Mỹ và Na Uy rằng: “Các bạn thật tuyệt vời, các bạn đã cung cấp cho chúng tôi năng lượng, khí đốt. Nhưng có một điều không thể kéo dài mãi, đó là chúng tôi không thể mua khí đốt với đắt gấp 4 lần so với những gì các bạn đã dành cho các nhà công nghiệp của mình”.

Còn một vấn đề rắc rối khác mà Đức không muốn tiếp tục phải nghe. Đó là việc triển khai một nền tảng mua khí đốt chung giống như mô hình mà EU đã làm với vaccine ngừa Covid-19.

EC đã đưa ra đề xuất như vậy ngay từ tháng Ba nhưng cho đến nay đề xuất này vẫn chưa có tiến triển bất chấp việc Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh “thực sự muốn thực hiện” vào thời điểm này.

Tại Praha, các nước thành viên đã yêu cầu EC trở lại chủ đề này “càng sớm càng tốt” và kèm theo các đề xuất triển khai cụ thể. Các nước cũng đề nghị EC thực hiện cơ chế đoàn kết, cho phép Brussels cung cấp các khoản vay trợ cấp để 27 nước thành viên trợ giúp những doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề bởi khủng hoảng.

Ý tưởng này được Pháp và Italy ủng hộ, nhưng rốt cuộc vẫn không được Đức và Hà Lan đánh giá cao. Các nước thành viên muốn vấn đề được quyết định tại cuộc họp tiếp theo của Liên minh, dự kiến diễn ra tại Brussels vào hai ngày 20-21/10.

 

CHU VĂN

Nguồn: baoquocte.vn
36 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.