Chuyên mục
Anh kiên trì tìm kiếm thỏa thuận thương mại với Mỹ

Anh kiên trì tìm kiếm thỏa thuận thương mại với Mỹ

Thứ năm 10/04/2025 16:24 GMT + 7

Ngày 9/4, người phát ngôn của Chính phủ Anh thông báo nước này sẽ “bình tĩnh và điềm tĩnh” tiếp tục đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận thương mại sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế trong 90 ngày đối với hơn 75 đối tác thương mại.

 


Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves. Nguồn: AFP/TTXVN.


Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Chính phủ Anh nhấn mạnh chiến tranh thương mại sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào. Anh không muốn bị áp thuế và để đảm bảo lợi ích quốc gia, việc làm cũng như sinh kế của người dân, chính phủ nước này sẽ bình tĩnh và điềm tĩnh tiếp tục đàm phán với phía Mỹ.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves cho biết cuối tháng này sẽ đến Washington dự cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng với bộ trưởng tài chính của các nước. Nhân chuyến đi, bà sẽ tìm cách thúc đẩy đàm phán về một thỏa thuận thương mại với Mỹ, dựa trên sự ổn định kinh tế và tài chính của Anh hiện nay.

Theo phóng viên TTXVN tại London, trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, bà Reeves cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay do các biện pháp thuế quan của Mỹ, Anh cần cải thiện quan hệ thương mại hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, Chính phủ Anh đã loại trừ khả năng tái gia nhập liên minh thuế quan EU nhưng Bộ trưởng Reeves khẳng định nước này cần cải thiện quan hệ thương mại với các đối tác ở EU.

Ngoài ra, bà cũng hy vọng Hội nghị thượng đỉnh Anh - EU vào ngày 19/5 tới sẽ là cơ hội để làm mới quan hệ song phương và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Theo bà, các rào cản thuế quan và phi thuế quan đang kìm hãm thương mại.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành tài chính Anh cũng kêu gọi chính phủ nước này điều chỉnh các quy định theo quy tắc của Ủy ban châu Âu (EC) đối với các ngành công nghiệp để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.

Từ Rome, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani hoan nghênh việc Tổng thống Trump hoãn áp thuế đối ứng có thời hạn đối với hơn 75 đối tác thương mại, coi đây là một tín hiệu tích cực. Ngoại trưởng Tajani hy vọng động thái mới này của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ giúp ích cho các cuộc đàm phán thuế quan.

Liên quan đến Nga, Trong tuyên bố tại Hạ viện Mỹ ngày 9/4, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer nói rõ Nga không nằm trong danh sách Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng và thuế cơ sở, vì Moskva đã chịu nhiều biện pháp trừng phạt nặng nề cũng như lệnh cấm vận thương mại theo ngành của Washington, tương tự như Venezuela, Cuba và Triều Tiên. Ông Greer nhấn mạnh việc áp đặt bất kỳ mức thuế nào trong tương lai với Nga sẽ tùy thuộc vào quyết định của Tổng thống Trump.

Cùng ngày 9/4, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các biện pháp đầu tiên đáp trả kế hoạch áp thuế trước đó của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có việc đánh thuế 25% đối với hơn 20 tỉ euro (khoảng 21,96 tỉ USD) hàng hóa Mỹ, bao gồm đậu nành, xe máy và mỹ phẩm.

Kế hoạch áp thuế dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/4 và được công bố ngay trước khi Tồng thống Trump thông báo quyết định hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày đối với khoảng 75 đối tác thương mại đã tìm cách đối thoại, thay vì có hành động trả đũa Mỹ.

Trong một tuyên bố, Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh EU đánh giá mức thuế 25% mà Mỹ áp với nhôm và thép nhập khẩu kể từ tháng 3 vừa qua là không hợp lý, gây tổn hại kinh tế cho cả hai bên cũng như kinh tế toàn cầu.

Ủy ban này để ngỏ khả năng có thể đình chỉ áp thuế với Mỹ bất kỳ lúc nào, nếu Washington nhất trí với EU về một kết quả đàm phán công bằng và cân bằng.

Cũng trong ngày 9/4, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ thông báo sẽ bổ nhiệm Đại sứ Gabriel Lüchinger làm Đặc phái viên phụ trách quan hệ với Mỹ, đánh dấu bước đi chiến lược mới trong bối cảnh Bern đang lo ngại về các chính sách thuế quan của Washington.

Thông báo từ Hội đồng Liên bang nêu rõ, quyết định bổ nhiệm này phản ánh mong muốn của Thụy Sĩ trong việc thúc đẩy đối thoại song phương trong các lĩnh vực then chốt, đặc biệt về thương mại, kinh tế và tài chính.

Vị trí đặc phái viên sẽ đóng vai trò quan trọng như một kênh liên lạc chuyên biệt, tập trung vào các vấn đề cốt lõi. Được biết, Đại sứ Lüchinger là người có kinh nghiệm dày dặn khi từng đảm nhiệm vị trí Trưởng Bộ phận An ninh Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ.

Ngoài ra, để quản lý hiệu quả quan hệ song phương với Mỹ, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ cũng đã thành lập nhóm chuyên trách dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ngoại trưởng Ignazio Cassis và sự tham gia của các bộ phận liên quan. Dự kiến nhóm sẽ hoạt động đến hết năm nay.

Trong khi đó, thêm nhiều quốc gia, khu vực và các tổ chức lớn trên thế giới đã đưa ra phản ứng về các quyết định thuế quan của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, đây là những phản ứng được đưa ra từ trước khi ông Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày đối với hơn 75 đối tác thương mại trên thế giới.

Bộ trưởng Kinh tế Ý Giancarlo Giorgetti cho biết Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), ngoại trừ Mỹ, đã thảo luận cách thức phản ứng với kế hoạch áp thuế của Mỹ, các biện pháp nhằm xoa dịu tình hình cũng như kéo Chính quyền Tổng thống Trump ngồi vào bàn đàm phán để có được lập trường hợp lý hơn. Cũng theo lời người đứng đầu ngành ngoại giao Ý, nước này hoan nghênh việc Tổng thống Trump tạm ngừng áp thuế đối ứng để tạo cơ sở đàm phán.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo Financial Times, Ủy viên Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Dan Jorgensen cho biết khối này sẽ cân nhắc mua thêm khí đốt tự nhiên từ Mỹ trong bối cảnh chịu sức ép từ thuế quan của Tổng thống Trump.

Tại Peru, Ngoại trưởng Elmer Schialer tuyên bố nước này đã chính thức yêu cầu Mỹ hủy bỏ mức thuế 10% đối với hàng hóa Peru. Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh quốc gia Peru, Ngoại trưởng Schialer nhấn mạnh, tại cuộc gặp gần đây với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Christopher Landau, ông đã yêu cầu Washington hủy bỏ mức thuế trên. Ông cũng cho biết phía Mỹ đã "phản hồi rất tích cực" và họ cho biết sẽ xem xét nghiêm túc yêu cầu này, đồng thời công nhận Peru là đối tác chiến lược của Mỹ trong khu vực.

Tại cuộc gặp trên, Ngoại trưởng Schialer cũng bày tỏ quan ngại về các rào cản phi thuế quan ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của Peru, bao gồm các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, quy định vệ sinh và chính sách mua sắm của chính phủ. Ông nhấn mạnh có ít nhất 11 trở ngại cụ thể ngăn cản cạnh tranh công bằng.

Cũng theo Ngoại trưởng Schialer, thuế mới của Mỹ vi phạm tinh thần của Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Peru, theo đó 98% hàng xuất khẩu của Peru sang Mỹ lẽ ra được miễn thuế. Người đứng đầu ngành ngoại giao Peru cũng đã yêu cầu phía Mỹ mở lại đàm phán không chỉ về thuế mà còn về các vấn đề thương mại rộng hơn.


H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn: baophuyen.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.