Chuyên mục
Ngành giáo dục cần chuyển mình ngay từ việc dạy học trực tuyến

Ngành giáo dục cần chuyển mình ngay từ việc dạy học trực tuyến

Thứ tư 08/09/2021 21:21 GMT + 7

Chia sẻ với TG&VN, ông Bùi Phương Việt Anh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam cho rằng, phương thức giáo dục cần phải thay đổi để thích ứng với mục tiêu mới của đời sống, công việc thời đại 4.0 và chuyển đổi số. Trong đó, dạy học trực tuyến là phương thức cần được khai thác triệt để, hiệu quả trong những thập niên tới.

 

 

Ông Bùi Phương Việt Anh cho rằng, để dạy học trực tuyến hiệu quả, ngành giáo dục cần phải có tài liệu hướng dẫn cha mẹ học sinh những kỹ năng cần thiết trong việc đồng hành cùng trẻ.
Năm học mới bắt đầu, nhiều tỉnh thành đã và đang tổ chức dạy học trực tuyến. Theo ông, thầy trò sẽ gặp phải những áp lực và khó khăn nào?

Nhiều năm qua, giáo dục được mặc định là các hoạt động truyền thụ kiến thức và giá trị thông qua các hoạt động trực tiếp của giáo viên, học sinh… Từ nhận thức này đã trở thành “lối mòn” trong tư duy của công chúng. Vì vậy, việc phải thay đổi hoàn toàn phương thức giảng dạy, cách học tập của học sinh, cũng như công tác quản lý ngành trở thành thách thức lớn.

Việc cha mẹ cũng như học sinh, thầy cô trở lên lúng túng trước việc sẽ phải triển khai một năm học mới hoàn toàn trực tuyến là điều dễ hiểu.

Về chủ quan, ngành giáo dục chưa chuẩn bị tốt cho tập huấn đội ngũ giáo viên các cấp, cũng như những kịch bản thay đổi phương thức truyền thụ kiến thức một cách hiệu quả thông qua công nghệ và Internet. Phần lớn giáo viên chưa thực sự có kỹ năng đứng lớp trực tuyến, công tác giảng dạy vẫn còn hình thức, chưa đi vào thực chất.

Các trường đại học chưa thực sự tham gia sâu trong việc nghiên cứu biên soạn giáo trình, học liệu phục vụ cho việc giảng dạy trên Internet. Gần hai năm qua, trước ảnh hưởng của Covid-19, chúng ta mới chỉ làm giáo dục trực tuyến một cách bị động và còn hình thức.

Ngoài ra, năng lực công nghệ của cha mẹ học sinh là thách thức không nhỏ cho mô hình giáo dục trực tuyến ngay cả ở khu vực thành thị, đó là chưa kể tại khu vực nông thôn, vùng núi hay hải đảo - nơi có hạ tầng cơ sở còn thiếu thốn.

Covid-19 thách thức nhân loại nói chung và việc học không bao giờ dừng lại bởi dịch bệnh. Vì vậy, dạy học trực tuyến là một giải pháp để chuyện học không bao giờ dừng lại?

Học tập suốt đời là mục tiêu của mọi công dân. Từ mục tiêu trên cần có mô hình tham gia của nhà giáo dục, nhà quản lý, nhà khoa học, gia đình và nhà tuyển dụng cần có chung nền tảng nhận thức trong việc đưa ra các giải pháp.

Cụ thể, nhà giáo dục cần phải đổi mới nội dung, chương trình và phương thức giáo dục để tăng hiệu quả, tăng cơ hội học tập của công dân và theo kịp với xu thế chuyển đổi số của toàn cầu. Nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra phương pháp phục vụ cho giáo dục chuyển đổi số và trực tuyến. Nhà quản lý đưa ra các chính sách thúc đẩy xã hội hoá và tạo thông thoáng cho một nền giáo dục hiệu quả và chuyển đổi số thành công gắn với tính liên thông, tính quốc tế.

Gia đình và nhà tuyển dụng tích cực, chủ động tham gia phản biện giáo dục, đóng góp để giáo dục đảm bảo mục tiêu của công dân gắn với các mục tiêu của lĩnh vực nghề nghiệp hay chính sách phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, phương thức giáo dục cũng cần phải thay đổi để thích ứng với mục tiêu mới của đời sống, công việc thời đại 4.0 và chuyển đổi số. Trong đó, giáo dục thông qua trực tuyến là một phương thức cần được khai thác triệt để, có hiệu quả trong những thập niên tới đây.

Trẻ cần những kỹ năng gì để có thể không bị động trước những thảm họa thiên nhiên, như dịch Covid-19 là một ví dụ?

Mục tiêu của giáo dục là truyền thụ tri thức và giá trị cho người học. Việc trang bị kỹ năng và kiến thức đáp ứng các yêu cầu sống và hội nhập của người học là một thách thức lớn đối với mọi nền giáo dục. Trong đó, giáo dục trẻ là một bước quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực cho quốc gia.

Nên trang bị cho trẻ những kiến thức, thái độ và kỹ năng chủ động tìm hiểu khoa học trong phạm vi môi trường sống có tính mục tiêu lâu dài, cụ thể. Đó là năng lực đặt câu hỏi, khám phá, làm quen với các loại mô hình, học cụ trong điều kiện giáo dục số. Rèn thái độ lạc quan cho trẻ trong thích ứng với các biến cố từ thấp đến cao theo độ tuổi và cấp học. Rèn kỹ năng giao tiếp và văn hoá gia đình để trẻ hình thành nhân cách tích cực.

Cần phải phối hợp giữa nhà trường, nhà đầu tư, gia đình trong việc giúp trẻ tiếp cận với các phương thức giáo dục phi truyền thống để hình thành ý thức cho trẻ với các trải nghiệm về kỹ năng đơn giản. Để làm việc này, ngành giáo dục cần phải có tài liệu hướng dẫn cho cha mẹ học sinh những kỹ năng cần thiết giúp con tương thích với giáo dục trực tuyến.

Có chuyên gia cho rằng, nên dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ theo kiểu “bình thường mới” bằng việc online. Ông nghĩ sao?

Xu hướng giáo dục trực tuyến là tất yếu bởi tính chất, nhu cầu, yêu cầu giáo dục gắn với mục tiêu học tập suốt đời của công dân. Trong bối cảnh dịch bệnh hoặc thiên tai, giáo dục khó triển khai theo phương thức truyền thống "Face to Face" thì cần thiết phải có một chiến lược giảng dạy và học tập cho cả giáo viên, cha mẹ và học sinh.

Cụ thể, đối với các nhà giáo dục cần phải cập nhật các phương thức giáo dục trực tuyến đúng nghĩa, xây dựng nguồn học liệu mở về chuyển đổi số, giáo dục trực tuyến để giáo viên và người học sử dụng một cách thân thiện, cuốn hút và hiệu quả.

Cần có sổ tay hướng dẫn những thao tác, kỹ năng căn bản đối với việc sử dụng mô hình, thiết bị phục vụ cho học tập và giảng dạy trực tuyến hoặc từ xa qua radio hay truyền hình để người học và cha mẹ có thể tự khai thác để đạt hiệu quả.

Có thể nói, giáo dục hiệu quả là khi kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực tế. Việc đưa ra những thách thức, trải nghiệm phù hợp sẽ giúp trẻ tự tin và lạc quan nếu gặp tình huống tương tự trong đời sống.

Nhiều năm qua, giáo dục của ta quá thiên về kiến thức mà bỏ qua kỹ năng giải quyết khó khăn của trẻ dẫn đến người học trở lên xa lạ trong chính các vấn đề đời sống của mình từ việc ăn, ở, sinh hoạt cho đến học tập hoặc tự đối phó với khó khăn. Bởi vậy, cần tăng cường giáo dục kỹ năng gắn với trải nghiệm hiệu quả cho trẻ thông qua đổi mới chương trình, nội dung và hình thức giáo dục để thu hút trẻ tham gia học một cách thực chất.

Có phải đã đến thời điểm ngành giáo dục nên thay đổi hoàn toàn phương thức học tập, thi cử và đánh giá cũ kỹ để giảm áp lực học tập cho học sinh?

Mục tiêu giáo dục, phương thức giáo dục, đánh giá và công nhận là ba trụ cột của một nền giáo dục. Tuy nhiên, ba mục tiêu ấy cần phải thay đổi phù hợp với xã hội, thời đại và công nghệ, đặc biệt là đối tượng học tập, mục tiêu nghề nghiệp…

Cần phải điều chỉnh một cách có lộ trình các chính sách về giáo dục và phát triển giáo dục trong điều kiện hội nhập sâu và CMCN 4.0 như mục tiêu của Đảng, Chính phủ, ngành giáo dục đã đặt ra.

Bên cạnh đó, cần phải thay đổi nội dung, chương trình, phương thức giáo dục để tạo thuận lợi nhất cho người học cũng như người giảng dạy nhằm đem đến một nền giáo dục thực chất, hiệu quả và đảm bao mục tiêu học tập suốt đời.

Tránh tư tưởng quá coi trọng hình thức mà quên đi tính ứng dụng và hiệu quả cũng như mục đích của giáo dục là truyền thụ kiến thức và giá trị cho người học, chứ không chỉ hướng đến bằng cấp. Cần phải có mô hình đánh giá, kiểm định giáo dục phù hợp hơn với mục tiêu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, mục tiêu học tập vì tri thức, không sa đà vào bệnh thành tích.

Cần phải kết hợp hiệu quả giữa giáo dục, tuyển dụng và phương thức đánh giá, công nhận kết quả của người học. Đồng thời, nâng cao năng lực làm việc, hiệu quả phát triển nguồn nhân lực quốc gia trong điều kiện hội nhập chứ không phải duy trì nền giáo dục "khủng" nhưng thiếu thực tế.

Để giảm áp lực cho học sinh, cần phải có chính sách thoả đáng và hiệu quả đối với việc dạy và học. Đồng thời, thay đổi nội dung để cuốn hút người học, thay đổi phương thức giảng dạy để các em có thể học mọi lúc, mọi nơi.

Xin cảm ơn ông!

 

Nguyệt Anh

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.