Chuyên mục
Ngân sách Nga gặp khó

Ngân sách Nga gặp khó

Thứ sáu 06/11/2020 16:41 GMT + 7

Nga dự toán ngân sách dựa trên giả định giá dầu tăng sát ngưỡng 50 USD/thùng trong 3 năm tới nhưng không lường trước diễn biến xấu.

Nga đã quá lạc quan

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 5/11 tuyên bố Chính phủ Nga chuẩn bị sửa đổi “chính xác hơn” đối với dự toán ngân sách cho 3 năm 2021-2022.

Ông Mishustin cho biết dự toán này sẽ được trình bày lần thứ hai trước Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga).

Theo Thủ tướng Nga, những sửa đổi giúp xây dựng dự toán ngân sách một cách chính xác hơn nhằm “giải quyết những nhiệm vụ hiện nay và trong tương lai”.

Một số “sửa đổi” chủ yếu được nêu ra gồm tài trợ chương trình cho vay để hỗ trợ việc làm, giảm tỷ lệ thế chấp trung bình, phân bổ ngân sách cho chương trình tiêm chủng, tạo ra một hệ thống tiếp cận nhanh chóng với thị trường thiết bị y tế và phát triển giám sát dịch tễ, hỗ trợ du lịch trong nước...

 

Thủ tướng Nga M. Mishustin.


Theo dự toán hiện nay, Nga tính toán ngân sách năm 2021 thu được 18,8 nghìn tỷ rúp (tương đương 242 tỷ USD), năm 2022 là 20,6 nghìn tỷ rúp, năm 2023 là 22,3 nghìn tỷ rúp và mức chi tiêu tương ứng là 21,5 nghìn tỷ rúp, 21,9 nghìn tỷ rúp và 23,7 nghìn tỷ rúp.

Với những con số này, Nga dự kiến giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 1,1% GDP vào năm 2023. Có một điểm chú ý là Nga dự toán ngân sách dựa trên giả định giá dầu sẽ lần lượt tăng ở mức 45,3 USD/thùng năm 2021, 46,6 USD/thùng năm 2022 và 47,5 USD/thùng năm 2023.

Tuy nhiên, tờ Độc lập (Nga) cho rằng kế hoạch tài chính của Chính phủ Nga năm 2021 đang biến thành một văn kiện không thực tế.

Các tính toán ngân sách dựa trên kỳ vọng sản lượng khai thác và lượng dầu xuất khẩu năm 2021 tăng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu phục hồi nhanh chóng.

Những kỳ vọng này dường như không trở thành hiện thực. Việc nới lỏng hạn ngạch khai thác dầu kể từ đầu năm 2021 thậm chí không được các thành viên trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thảo luận. Saudi Arabia đang hướng tới việc cắt giảm thêm sản lượng năm 2021 nên Nga khó có thể “ngược dòng”.

Theo số liệu thống kê mới nhất, nguồn thu ngoại hối của Nga năm 2020 thấp hơn gần 40% so với năm 2019. Chính phủ Nga gần đây đã hy vọng rằng tình hình sẽ được cải thiện trong năm 2021 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sẽ nhanh chóng hồi phục.

Trong dự báo cơ bản, giới chức Nga đặt cược vào giá dầu tăng, tăng sản lượng khai thác dầu và khí ngưng tụ, cũng như gia tăng xuất khẩu dầu của Nga.

 


Ngân sách Nga thất thu vì giá dầu thấp.


Tờ Độc lập cho rằng những dự báo như vậy có thể chỉ là những “mong ước tốt đẹp”. Theo đó, tuần trước đã chứng kiến giá dầu giảm mạnh, và chỉ ngừng giảm do các nhà xuất khẩu chính sẵn sàng cắt giảm thêm nguồn cung dầu trên thị trường thế giới.

Giá dầu chuyển từ giảm sang tăng do kỳ vọng rằng các nước OPEC+ sẽ gia hạn các hạn chế khai thác hiện nay và thậm chí có thể quyết định cắt giảm thêm sản lượng khai thác.

Saudi Arabia và các nước OPEC khác đang xem xét không chỉ gia hạn mức cắt giảm hiện nay mà còn cắt giảm thêm sản lượng do lo ngại cầu giảm trong bối cảnh làn sóng đại dịch COVID-19 thứ hai và các biện pháp cách ly ở châu Âu.

Triển vọng u ám

Tờ Wall Street Journal xác nhận Saudi Arabia và các nước OPEC khác đang thảo luận khả năng cắt giảm sản lượng dầu đáng kể hơn do số ca mắc COVID-19 gia tăng và việc áp đặt các hạn chế mới ở châu Âu.

Trước đó, Nga đã chấp nhận từ bỏ kế hoạch tăng tổng sản lượng khai thác dầu lên 1,9 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2021. Giờ đây Nga không thể nói về việc duy trì mức sản xuất hiện tại, mà còn phải cắt giảm tiếp sản lượng.

Bộ trưởng Năng lượng Algeria, Chủ tịch hội nghị OPEC, Abdelmajid Attar, ngày 3/11 cho biết ông không loại trừ khả năng giá dầu giảm mạnh do làn sóng COVID-19 thứ hai trên thế giới. Theo ông Attar, "cuộc họp tiếp theo của ủy ban giám sát liên bộ OPEC+, dự kiến diễn ra ngày 17/11, cần đưa ra các quyết định có thể kích thích thị trường và ngăn giá dầu giảm xuống dưới 40 USD/thùng”.


Đại dịch COVID-19 khiến kỳ vọng của Nga vào giá dầu khó thành hiện thực.


Theo tờ Độc lập, làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19, mà cho đến gần đây Nga không muốn để ý, có thể làm thay đổi các dự báo kinh tế giai đoạn 2021-2022.

Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) Patrick Kirby nhận định: "Sẽ có sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, song nó sẽ rất chậm. Chúng tôi cho rằng trong một vài năm nữa, chúng ta vẫn ở dưới mức của năm 2019 và gần như sẽ không bao giờ đạt được tốc độ tăng trưởng như trước đây".

Theo ông, tình hình hiện nay ở nhiều nước, dù có kết quả khả quan trong quý III/2020, nhưng xét về nhiều khía cạnh, có thể so sánh với hậu quả “nặng nề nhất” của cuộc khủng hoảng 2008-2009.

Ngày 6/11, Nga thông báo ghi nhận thêm số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục trong ngày, với 20.582 ca, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên thành 1.733.440 ca. Nước này cũng ghi nhận 378 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong ở đây lên thành 29.887 ca.

Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cho biết nước này không có kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc.

Trong khi đó, Chính phủ Nga đã thông báo gói cứu trợ trị giá 11 tỷ rúp (khoảng 138,6 triệu USD) cho khu vực ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh.



Tiến bộ trong phát triển vaccine ngừa COVID-19 chưa phát huy tác dụng với Nga.


Trước những khó khăn khó lường, Chính phủ Nga trên thực tế đã chủ động cắt giảm các khoản chi tiêu tới 10% trong 3 năm 2021-2023, tương đương 65 tỷ USD. Đặc biệt, Nga chấp nhận cắt giảm 5% ngân sách quốc phòng.

Theo một số thông tin, Nga nằm trong số 4 quốc gia chi tiêu cho quốc phòng nhiều nhất thế giới, ở mức trên 65 tỷ USD năm 2019, tương đương 3,9% GDP.

Chuyên gia kinh tế Mikhail Delyagin mới đây nhận định lượng thuế nộp vào ngân sách nhà nước giảm buộc chính quyền Nga sớm hay muộn phải phá giá đồng rúp. Theo chuyên gia này, đây là cách duy nhất để thoát khỏi bế tắc kinh tế của Nga.

Truyền thông Nga dẫn lời ông Delyagin lưu ý rằng nhiều doanh nghiệp Nga đã không thể tồn tại do gặp khó khăn liên quan đến đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp vỡ nợ phải ngừng nộp thuế. Nếu điều này tiếp tục, ngân khố nhà nước sẽ nhanh chóng cạn kiệt và chính quyền không còn gì để lập ngân sách.

Ông Delyagin cho rằng cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng này là phá giá đồng rúp nhưng sẽ khiến người dân chịu thiệt hại.

Sau quá trình này, giá thực phẩm và hàng hóa trong các cửa hàng chắc chắn sẽ tăng cao, đồng thời tiền tiết kiệm của người Nga cũng bị mất giá.


Đông Triều

Nguồn: baodatviet.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.