Chuyên mục
Lý do Pháp và Đức sẽ không theo Mỹ 'tách rời' khỏi Trung Quốc

Lý do Pháp và Đức sẽ không theo Mỹ 'tách rời' khỏi Trung Quốc

Thứ tư 10/05/2023 04:38 GMT + 7

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn của Pháp và Đức bên ngoài EU và là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với hàng hóa như hàng xa xỉ và dược phẩm của 2 nước trên.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: Reuters

 

Khi Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong việc theo đuổi các lợi ích kinh tế và địa chính trị ở nước ngoài và căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ đang cân nhắc đi theo sự dẫn dắt của Washington trong việc "tách rời" kinh tế khỏi Trung Quốc. Chiến lược của họ nhằm giảm phụ thuộc kinh tế Trung Quốc thông qua kiểm soát xuất khẩu và sắp xếp lại chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, ở Tây Âu, Pháp và Đức đang tỏ ra không sẵn lòng tham gia cùng các đồng minh trong việc tách khỏi Trung Quốc. Những bình luận gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng EU không nên "bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta" đã chứng minh điều này.

Đó là nhận định của Genevieve Donnellon-May, cố vấn chiến lược địa chính trị và toàn cầu về quản trị tài nguyên và môi trường khu vực ở châu Á, nhà phân tích châu Á-Thái Bình Dương, trên trang web của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) mới đây.

Theo bà Genevieve, trên thực tế, mối quan hệ của Pháp và Đức với Trung Quốc vẫn đang phát triển mạnh. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn của Pháp và Đức bên ngoài EU và là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với hàng hóa như hàng xa xỉ và dược phẩm của 2 nước trên.

Ví dụ, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 7,4% tổng xuất khẩu của Đức và 4,21% của Pháp vào năm 2019, và những con số này đã tăng lên mức kỷ lục trong ba năm qua. Với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Trung Quốc, nước này sẽ có một thị trường tiêu dùng tiềm năng to lớn trong những năm tới.

Theo các báo cáo gần đây, thương mại hàng hóa song phương của Pháp với Trung Quốc lần đầu tiên vượt 100 tỷ USD vào năm 2022, tăng 14,6% so với năm 2021. Việc nhiều công ty Pháp và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực ký kết hàng chục thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Macron gần đây càng nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Đối với Đức, tổng thương mại của nước này với Trung Quốc đã tăng 21% kể từ năm 2021. Trong khi đó, xuất khẩu tăng khiêm tốn 3,1%, còn nhập khẩu của Đức từ Trung Quốc tăng hơn 30%.

Cụ thể, Đức nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 2/3 nguyên tố đất hiếm, trong đó nhiều nguyên tố không thể thiếu trong pin, chất bán dẫn và nam châm trong ô tô điện. Điều này cho thấy Đức và Pháp sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc đối với các nguyên liệu thô quan trọng cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi năng lượng.

Hơn nữa, nhiều công ty Pháp và Đức muốn phát triển các cơ sở sản xuất lâu đời và mạng lưới bán hàng rộng khắp ở Trung Quốc. Với mối quan hệ thương mại đang mở rộng nhanh chóng và các ước tính cho thấy hơn 2 triệu việc làm của Đức phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc, nền kinh tế của hai bên sẽ trở nên gắn kết với nhau hơn nữa.

Ví dụ, các công ty Đức Volkswagen và công ty xử lý hóa chất BASF đang mở rộng đáng kể các khoản đầu tư vào Trung Quốc. Volkswagen, hiện đã có hơn 40 nhà máy tại Trung Quốc, gần đây đã thông báo sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào các quan hệ đối tác và địa điểm sản xuất mới tại địa phương. BASF, có 30 công ty ở Trung Quốc, cho biết họ sẽ đầu tư 10,9 tỷ USD vào một tổ hợp sản xuất hóa chất mới ở đó.

Với tất cả các hoạt động mới này, tách rời khỏi Trung Quốc có thể gây ra hậu quả đáng kể cho Pháp và Đức. Tóm lại, tổn thất của việc tách rời khỏi Trung Quốc có thể lớn hơn lợi ích mà Pháp và Đức đạt được nếu làm như vậy.

Ngoài ra, việc tách rời có thể gây ra sự trả đũa, như đã xảy ra với Australia, với việc Bắc Kinh có thể tạm dừng xuất khẩu sang hai nước, tăng thuế hoặc hạn chế khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với hàng hóa của Pháp và Đức. Nhìn chung, chuyên gia Genevieve kết luận, Pháp và Đức khó có thể thay đổi lập trường của họ.

 

Công Thuận

Nguồn: baotintuc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.