Chuyên mục
Cạnh tranh Mỹ-Nga-Trung năm 2018: Khi cán cân sức mạnh xoay chiều
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Cạnh tranh Mỹ-Nga-Trung năm 2018: Khi cán cân sức mạnh xoay chiều

Thứ sáu 04/01/2019 09:06 GMT + 7
Điểm nổi bật nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong năm 2018 vừa qua tiếp tục là cuộc đối đầu với hai cường quốc đang trỗi dậy: Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, sàn đấu lúc này sẽ không còn là màn trình diễn riêng lẻ giữa Mỹ và Trung Quốc hay Mỹ với Nga. Giờ đây, Mỹ đang phải “một mình chấp hai”.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin trổ tài làm bánh kếp bên lề diễn đàn kinh tế ở Vladivostok, Nga hồi tháng 9.

Tại một sự kiện bên lề diễn đàn kinh tế ở Vladivostok, Nga hồi tháng 9, hình ảnh Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng làm bánh kếp và uống vodka đã trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông.

Hình ảnh đó đặc biệt không chỉ vì đây là một buổi vào bếp hiếm hoi của hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới. Đó còn là một minh chứng cho thấy một xu hướng lớn hơn giữa hai quốc gia: Nga và Trung Quốc đang phát triển một tình bạn sâu sắc chưa từng có, giữa bối cảnh phải đương đầu với áp lực nóng bỏng từ Mỹ.

Điều này đã được phía Trung Quốc thừa nhận bằng lời phát biểu của ông Tập: "Tổng thống và tôi đồng ý rằng kể từ đầu năm nay, quan hệ Nga-Trung đã cho thấy sự phát triển năng động". Nhà lãnh đạo Bắc Kinh tuyên bố rằng mối quan hệ với "người bạn thân" Putin đã "bước vào kỷ nguyên mới với sự phát triển nhanh chóng và đang đạt đến một cấp độ cao hơn".

Đó là cuộc gặp Putin-Tập lần thứ 3 chỉ trong vòng bốn tháng, điều mà giới quan sát tin rằng, sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ Trung-Nga.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước đã tăng tốc dưới thời Tổng thống Donald Trump, khi chính sách của Mỹ đã gây áp lực lớn hơn cho cả hai nước, theo Alexander Gabuev, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Carnegie Moscow.

Mối quan hệ giữa các quốc gia đã được củng cố trong một thời gian, nhưng chính quyền Trump và cuộc chiến chính trị nội bộ nước Mỹ đã đưa cuộc đối đầu lên một tầm cao mới, và sự hợp tác Trung-Nga tăng lên là kết quả của điều này.

“Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác là do áp lực của Mỹ chống lại cả hai cùng một lúc”, chuyên gia Gab Gabuev nhận định.

Trong đó, biểu hiện mới nhất chính là cuộc chiến thuế quan dai dẳng mà chính quyền Trump đang áp đặt đối với Trung Quốc thời gian qua. Washington đánh thuế 10% vào danh sách 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, từ hàng tiêu dùng đến nguyên liệu sản xuất.

Đối với Moscow, các lệnh trừng phạt của Mỹ đang tiếp tục gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế cũng như ảnh hưởng của Nga trên toàn thế giới. Nếu như dưới thời Tổng thống Barack Obama, các đòn trừng phạt là để phản ứng với Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine, thì dưới chính quyền hiện tại là những cáo buộc liên quan đến can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal ở Anh.

Giữa bối cảnh này, các con số đã chứng minh quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang có sự xích lại gần nhau sau nhiều năm. Giá trị thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã đạt con số kỷ lục 87 tỷ USD trong năm 2017, tăng từ 64,2 tỷ USD vào năm 2015. Phát biểu tại Vladivostok, Tổng thống Putin cho rằng con số này dự kiến ​​sẽ đạt 100 tỷ USD trong năm 2018 và cả hai bên đều muốn tăng cường sử dụng tiền tệ quốc gia thay cho đồng đô la.

Nga và Trung Quốc đã công bố một loạt các dự án kinh tế chung trị giá hơn 100 tỷ USD trong năm 2018 vừa qua. Trong đó, người khổng lồ thương mại điện tử của Trung Quốc, Alibaba cho biết họ đã ký kết hợp tác chiến lược trị giá 2 tỷ USD với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, cũng như nhà mạng MegaFon và tập đoàn Internet Mail.Ru.

Cuộc gặp giữa ông Tập và ông Putin cũng trùng với thời điểm cuộc tập trận quân sự Vostok được triển khai. Đây là cuộc tập trận lớn nhất mà Nga tổ chức kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Đặc biệt hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên có tới hàng ngàn quân từ Trung Quốc tham gia, một động thái cho thấy quan hệ quân sự hai nước đã đạt được những gắn bó sâu sắc.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã bị hủy bỏ vào tháng 12 do căng thẳng nổi lên giữa hai nước.

Theo các nhà phân tích, với việc Mỹ đang muốn chi phối trật tự thế giới, đặt ra những tác động tiêu cực đến Nga-Trung, hai quốc gia này đang muốn bắt tay nhau để “vẽ lên trật tự của riêng mình”.

"Tổng thống Putin và ông Tập đang kề vai sát cánh để tìm kiếm một trật tự thế giới theo ý muốn của riêng mình”, Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow – một trung tâm phân tích độc lập nổi tiếng – viết trên tờ China Daily của Trung Quốc.

Lý tưởng chung của họ bao gồm "gây dựng các trung tâm quyền lực độc lập thay vì để cho một quốc gia thể hiện sự bá quyền; bảo vệ chủ quyền nhà nước khỏi bị ảnh hưởng bởi tác động chính trị và tư tưởng từ bên ngoài; cùng với đó là hướng tới quan hệ bình đẳng hoàn toàn giữa các quốc gia, bao gồm cả Mỹ", chuyên gia Trenin cho hay.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng tin rằng, cái bắt tay giữa Trung Quốc và Nga chỉ đứng dưới góc độ “đối tác cùng có lợi” chứ không phải là một liên minh chính thức để đối đầu trực tiếp với Mỹ.

Trung Quốc có sức mạnh thương lượng lớn hơn và không sẵn sàng hoặc không thể bù đắp tổn thất kinh tế của Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây, Zach Witlin, nhà phân tích tại Eurasia Group, nói với NBC News. Trung Quốc thường có quan điểm rằng, các vấn đề địa chính trị của Nga là vấn đề của riêng người Nga, ông nói thêm.

"Tất cả những điều này được cân bằng với thực tế là Nga và Trung Quốc có giới hạn đối với những gì họ sẵn sàng hợp tác và mức độ hợp tác đó có thể phát triển sâu sắc như thế nào", ông nói.

Theo The Diplomat, Trung Quốc luôn tránh xây dựng liên minh với các quốc gia khác, do có quan điểm rằng, một khi Trung Quốc liên minh với một số quốc gia nào đó, họ sẽ bị ràng buộc với đồng minh của mình, dẫn đến một môi trường quốc tế không thuận lợi.

Bên cạnh đó, dù đang căng thẳng trong cuộc chiến thương mại hiện tại, Trung Quốc vẫn giữ mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Mỹ. Cả hai đều là những đối tác kinh tế bổ sung và phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ rất sâu sắc.

Theo báo cáo của Rhodium Group và ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung năm 2017, các công ty Mỹ đã đầu tư 14 tỷ USD vào Trung Quốc, tăng nhẹ từ 13,8 tỷ USD năm 2016. Giá trị tích lũy đối với các giao dịch FDI của Mỹ ở Trung Quốc đã vượt qua 256 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

Như Max Baucus, cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, từng nói với tờ New York Times: “Trung Quốc cần Mỹ và Mỹ cần Trung Quốc”, ngay cả khi chiến tranh thương mại đang nổ ra, về lâu dài, hai quốc gia vẫn gắn bó chặt chẽ với nhau, khó tách rời.

Do sự liên kết kinh tế, công nghiệp phụ thuộc lẫn nhau, bất kỳ sự trừng phạt nào cuối cùng sẽ gây tổn hại cho cả hai bên. Thêm vào đó, hai nước đã chia sẻ lợi ích trong một loạt các lĩnh vực, bao gồm an ninh hạt nhân cũng như an ninh khu vực ở Đông Bắc Á. Trên thực tế, các cường quốc luôn tương tác lẫn nhau bằng cả cạnh tranh lẫn hợp tác, mặc dù đôi khi ma sát kinh tế có thể trở nên rất khốc liệt.

Việc Trung Quốc sẽ không chính thức liên minh với Nga không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không phát triển quan hệ chiến lược cấp cao với Nga. Trên thực tế, hợp tác chiến lược Trung Quốc-Nga tăng cường là điều có lợi để cân bằng với áp lực quá mạnh của Mỹ.

Đối mặt với sự ngăn chặn của Mỹ, Trung Quốc và Nga đã thể hiện sự kiên quyết trong việc hỗ trợ lẫn nhau về các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích chính của mình, bao gồm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh.

Theo các nhà phân tích, các chính sách thiển cận của Mỹ thời gian qua đang đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn.

Bây giờ sẽ là thời điểm tốt để các nhà hoạch định chính sách Washington suy nghĩ lại về chính sách đối kháng được cho là không cần thiết đối với cả hai đối thủ địa chính trị chính của Mỹ, đồng thời suy nghĩ sáng tạo hơn về cách tiếp cận của đất nước trong một kỷ nguyên cạnh tranh mới giữa các cường quốc.

Quốc Vinh
Nguồn: nguoiduatin.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.