Chuyên mục
Đằng sau một cuộc rút quân
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Đằng sau một cuộc rút quân

Thứ sáu 25/11/2022 10:28 GMT + 7

Tính tổng thể, Nga đã rút khỏi 40% lãnh thổ tỉnh Kherson, chỉ còn nắm quyền kiểm soát 60% lãnh thổ ở phía Nam và phía Đông sông Dnepr, trong đó có cả đường bờ biển dọc theo biển Azov.


Bước ngoặt

Ngày 9/11, Nga tuyên bố rút lui khỏi thành phố Kherson ở Ukraine và hai hôm sau, quân đội Nga đã hoàn tất việc rút quân ra khỏi hữu ngạn sông Dnepr ở khu vực Kherson. Như vậy là các lực lượng Nga đã rút khỏi thủ phủ duy nhất của một tỉnh mà Nga làm chủ ngay trong những ngày đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Tính tổng thể, Nga đã rút khỏi 40% lãnh thổ tỉnh Kherson, chỉ còn nắm quyền kiểm soát 60% lãnh thổ ở phía Nam và phía Đông sông Dnepr, trong đó có cả đường bờ biển dọc theo biển Azov.

Nhưng, vượt ra khỏi những con số về diện tích lãnh thổ bên này rút đi bên kia chiếm được, cuộc rút lui của Nga ở Kherson mang ý nghĩa chiến lược lớn hơn nhiều. Không loại trừ khả năng đây là một bước ngoặt của cuộc chiến ở Ukraine, một “cú đập lớn làm tung tóe ra các khả năng”, trong đó có cả khả năng chính trị.

 

Ngày 9/11, Nga tuyên bố rút lui khỏi thành phố Kherson ở Ukraine. Ảnh: ST

 

Xét đơn thuần về mặt quân sự, việc Nga phải rút lui khỏi thủ phủ Kherson là điều khó có thể tránh khỏi do lẽ một số lượng lớn binh sĩ Nga đóng ở khu vực này có khả năng lâm nguy bởi vì các đường tiếp tế đã bị cắt đứt gần hết.

"Tình hình tiếp tế ở đây khó khăn đến mức Điện Kremlin không thể phớt lờ những lời cảnh báo của tướng Surovikin (Tổng chỉ huy lực lượng quân đội Nga ở Ukraine). Quân đội Ukraine chỉ đơn giản là có ưu thế ở Kherson", một cựu quan chức quốc phòng của Nga nhận định.

Một nguồn tin được tờ New York Times trích dẫn cho biết thật ra hồi tháng 9 đã xuất hiện yêu cầu rút lui khỏi Kherson nhưng vào thời điểm đó, Kremlin từ chối.

Dù biết chắc việc rút khỏi Kherson sẽ mang lại những tổn hại cả về uy tín lẫn lợi thế chiến thuật trên thực địa nhưng nếu muốn tránh khỏi khả năng các lực lượng ở đây lâm vào tình thế không lối thoát, Nga đã buộc phải đi tới quyết định khó khăn này.

Cả Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu và tướng Surovikin đều nhấn mạnh việc bảo toàn mạng sống binh sĩ là nguyên nhân chính đằng sau việc rút lui khỏi Kherson. Lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, ông Ramzan Kadyrov cho rằng tướng Surovikin đã cứu hàng nghìn binh sĩ bằng cách đưa ra “lựa chọn khó khăn nhưng đúng đắn”. Theo ông Kadyrov, Kherson là một khu vực rất khó chiến đấu, đặc biệt khi các tuyến đường tiếp tế chưa được đảm bảo. Đối với Nga, việc tiếp tế đạn dược và các nguồn cung khác đang trở nên khó khăn sau khi Ukraine đẩy mạnh cuộc phản công và liên tục tấn công các căn cứ hậu cần của Nga bằng tên lửa tầm xa.

Một điểm quan trọng là hữu ngạn sông Dnepr có thể bị nhấn chìm, gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản nếu đập thủy điện Kharkovka bị đánh sập. Nếu kịch bản trên xảy ra, hàng vạn dân và cụm lực lượng quân sự Nga tại Kherson sẽ bị cô lập, có nguy cơ bị tiêu diệt.

Andrei Kolesnikov, một thành viên cấp cao tại Carnegie Endowment for International Peace cho biết, việc rút lui khỏi Kherson được ủng hộ vì người dân Nga hiểu rõ "sinh mạng và sức khỏe của binh sĩ luôn là ưu tiên", đúng nhưtuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu. Các chuyên gia quân sự cho rằng, cuộc rút lui ở Kherson diễn ra trong tầm kiểm soát và được hầu hết người dân Nga ủng hộ. Theo họ, Nga đã tránh những sai lầm chiến thuật mắc phải như đã diễn ra trong cuộc rút lui hỗn loạn ở Kharkov trước đây, khiến hàng trăm thiết bị quân sự hạng nặng của Nga bị bỏ lại và rơi vào tay Ukraine.

Nga gặp “vấn đề thực sự”?


Với việc quyết định rút khỏi Kherson, có đúng là Nga đang “gặp phải vấn đề thực sự trong cuộc chiến”, như nhận định của Tổng thống Mỹ Joe Biden?

Quả thực là Kherson, thành phố có 280.000 dân trước chiến tranh, có một vị trí chiến lược đặc biệt. Thành phố chiến lược này kiểm soát tuyến đường bộ duy nhất dẫn tới bán đảo Crimea và kiểm soát cửa sông Dnepr - con sông phân chia Đông và Tây Ukraine.

Nằm phía Nam Ukraine, nó là thủ phủ của tỉnh Kherson, là vùng đệm giữa bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga năm 2014 với phần lãnh thổ rộng lớn của Ukraine. Đánh chiếm thành phố Kherson rồi sau đó là toàn vùng này ngay từ những ngày đầu chiến tranh cho phép Nga lập bàn đạp để có thể hướng các đợt tiến công về phía Tây, đặc biệt đe dọa thành phố cảng chiến lược Odessa của Ukraine.

Làm chủ Kherson cũng cho phép Nga giải quyết một vấn đề đau đầu lâu nay là cung cấp nước ngọt cho Crimea qua kênh đào Bắc Crimea. Kênh đào Bắc Crimea được xây dựng từ năm 1961 nhằm dẫn nước từ sông Dnepr tới bán đảo Crimea - khu vực vốn khô hạn - nhằm biến nơi đây thành vùng nông nghiệp trù phú. Năm 2014, sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, phía Ukraine đã cho xây một con đập ngăn kênh đào Bắc Crimea - nguồn cung cấp nước ngọt chủ yếu cho bán đảo. Sau khi Ukraine xây đập, ngành nông nghiệp Crimea đã chịu tác động nặng nề. Diện tích đất nông nghiệp trên bán đảo này giảm gần 10 lần, từ 130.000 ha năm 2013 xuống còn 14.000 ha năm 2017, theo Bloomberg. Đến tháng 2/2020, giới chức thành phố Simferopol, thủ phủ “Cộng hòa Crimea” do Nga kiểm soát, tuyên bố chỉ còn đủ nước để dùng trong 100 ngày!

 


Binh sĩ Nga bên bờ sông Dnipr, Kherson. Ảnh: ST

 

Sau khi làm chủ được vùng Kherson, phía Nga đã ngay lập tức phá hủy con đập do Ukraine xây trước đó và dòng nước tiếp tục chảy tới bán đảo Crimea. Nhưng, tầm quan trọng mang tính chiến lược của Kherson còn nằm ở chỗ một khi làm chủ được vùng này cho phép Nga kết nối được các nước cộng hòa tự xưng Lugansk và Donetsk (đã sáp nhập vào Nga sau các cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 10) ở phía Đông, qua vùng Mariupol và nối thẳng đến Crimea, tạo thành một hành lang hình lưỡi liềm ở phía Nam Ukraine. Không phải không có lý khi nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng đánh chiếm cái hành lang phía Nam Ukraine này mới là mục tiêu chính của “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Moscow khởi xướng.

Việc làm chủ cái “lưỡi liềm” chiến lược này cho phép Nga khóa cứng đường ra biển Azov của Kiev, đồng thời ngăn cản Ukraine gia nhập NATO, bởi lẽ theo quy định của NATO thì tổ chức này không bao giờ kết nạp một quốc gia làm thành viên khi mà quốc gia đó đang có tranh chấp lãnh thổ với một quốc gia khác. Mà ngăn cản NATO kết nạp Ukraine chẳng phải luôn là mục tiêu chính của chiến dịch quân sự mà Moscow đã nhiều lần tuyên bố đó sao!

Kherson có tầm quan trọng như thế nên khi rút khỏi Kherson, Nga đã mất đi toàn bộ những lợi thế mà nó mang lại.

Một giải pháp cho cuộc chiến

Với toàn bộ những đặc điểm quan trọng cả về chiến lược lẫn chiến thuật của Kherson, việc Ngaquyết định rút khỏi Kherson chỉ có thể hiểu là do Moscow không có lựa chọn nào khác. Nó cũng bộc lộ một đặc tính của những người ra quyết định tối cao phía Nga trong “chiến dịch quân sự đặc biệt”: Sự mềm dẻo, linh hoạt trong việc chuyển đổi những mục tiêu của chiến dịch tùy theo sự tiến triển của tình hình.

Còn nhớ, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi một số đơn vị của Nga áp sát Kiev, nhiều người đã hình dung ra một kịch bản thủ đô của Ukraine bị tràn ngập bởi quân Nga. Nhưng, khi vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của Ukraine, biết là khó có thể chiếm được Kiev, phía Nga đã điều quân khỏi khu vựcKiev để dồn về quyết chiến ở vùng Donbass. Trận chiến làm chủ thành phố Mariupol với lực lượng từ mặt trận Kiev rút về cho thấy phía Ngađã tính toán chính xác để thu được các lợi ích trên chiến trường. Rồi đến khi quân Ukraine tái phản công ở khu vực Kharkov, quân Nga cũng nhanh chóng rút khỏi vùng này để quay về phía Nam tác chiến mở rộng địa bàn hai nước cộng hòa Lugansk và Donetsk.

Nay là Kherson.

Sau khi rút khỏi thành phố Kherson ở bờ Tây sông Dnepr, các lực lượng Nga đã tái triển khai ở bờ Đông, lập tuyến phòng thủ kiên cố nhằm ngăn cản bước tiến của phía Ukraine. Việc di chuyển sang bờ Đông giúp Nga dễ dàng bổ sung quân và lấy lại chiều sâu phòng thủ. Bất kỳ nỗ lực nào của các lực lượng Ukraina vượt sông Dnepr đều sẽ tốn kém đến mức nghiêm trọng, vì các lực lượng của Nga đã bài binh bố trận kỹ càng dọc theo một đoạn sông. Với việc quân Nga vẫn làm chủ bờ Đông sông Dnepr, các lực lượng Ukraina cũng khó có thể phá hủy hoặc phá vỡ con kênh dẫn nước ngọt đến Crimea.

Phải chăng là với việc lập tuyến phòng thủ kiên cố ở bờ Đông sông Dnepr, phía Nga muốn “đóng băng” cuộc chiến trong khoảng thời gian 6 tháng, khi mùa đông khắc nghiệt đang tới gần?

Nếu phía Nga thực hiện được mục tiêu đó, điều này dẫn tới một khả năng khác: có thể xuất hiện các khả năng chính trị mà một trong số đó là đàm phán tìm kiếm hòa bình. Bởi lẽ khi chiến tranh càng kéo dài, sự chán nản, mệt mỏi ở các nước viện trợ quân sự cho Ukraine với những khoản trợ giúp khổng lồ, sẽ ngày càng tăng lên. Trên khắp châu Âu, các cuộc biểu tình tuần hành đòi giảm bớt viện trợ vũ khí cho Ukraine ngày càng trở nên thường xuyên hơn.

Tờ Bưu điện Washington cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang kín đáo yêu cầu Ukraine tỏ thái độ sẵn sàng đàm phán với Nga. Thời báo New York tiết lộ, tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, gợi ý rằng đã đến lúc Ukraine “củng cố lợi ích của họ” trên bàn đàm phán với Nga trước khi mùa đông bắt đầu.

Nếu những tiếng nói theo xu thế này ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn ở các nước đang là nguồn cung vũ khí chủ yếu cho Ukraine, rất có thể Kiev sẽ phải tính đến việc tìm một giải pháp chính trị để có thể chấm dứt cuộc chiến hao người tốn của này.

 

Yên Ba

Nguồn: antgct.cand.com.vn
30 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.