Chuyên mục
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CH XHCN Việt Nam tại LB Nga Phạm Xuân Sơn  trả lời phỏng vấn báo Inforos (Nga) nhân chuyến thăm LB Nga từ 12-15/5/2013 của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CH XHCN Việt Nam tại LB Nga Phạm Xuân Sơn trả lời phỏng vấn báo Inforos (Nga) nhân chuyến thăm LB Nga từ 12-15/5/2013 của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng

Chủ nhật 12/05/2013 09:53 GMT + 7
Có được sự tăng trưởng đáng kể như vậy, trước hết phải kể đến quyết tâm cao của Lãnh đạo hai nước, sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Trong chuyến thăm LB Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Tấn Sang năm ngoái, hai bên đã thống nhất phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015.  

  
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CH XHCN Việt Nam tại LB Nga Phạm Xuân Sơn

Câu 1: Thưa Đại sứ, Ngài có thể giải thích về sự tăng trưởng đáng kể kim ngạch giữa VN và LB Nga trong thời gian gần đây? 

Đúng là trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và LB Nga đã tăng liên tục, đạt mức 2,5 tỷ USD năm 2011, tăng 25% so với năm 2010; 3,6 tỷ USD trong năm 2012, tăng 20% so với năm 2011.

Có được sự tăng trưởng đáng kể như vậy, trước hết phải kể đến quyết tâm cao của Lãnh đạo hai nước, sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Trong chuyến thăm LB Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Tấn Sang năm ngoái, hai bên đã thống nhất phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015.   

Thứ hai, hành lang pháp lý về thương mại ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi, buôn bán giữa hai nước. Hai bên thường xuyên duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại; thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt - Nga; công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường và đang đàm phán thành lập khu vực mậu dịch tự do giữa Việt Nam và các nước Liên minh Thuế quan (Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan). 

Thứ ba, sự năng động và chủ động của doanh nghiệp cả hai phía. Các bên đều nhận thấy tiềm năng hợp tác về kinh tế còn rất lớn. Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, thủy sản, may mặc…, trong khi đó các doanh nghiệp Nga lại tập trung vào dầu khí, khoáng sản, công nghiệp chế biến…. Hiện nay, Việt Nam có 16 dự án đầu tư tại Nga với tổng số vốn hơn 1,7 tỷ USD; Nga có 93 dự án tại Việt Nam với tổng giá trị hơn 2,7 tỷ USD. Ngoài ra, việc Nga cấp khoản tín dụng 10 tỷ USD cho Việt Nam để thực hiện những dự án có quy mô lớn trong những năm tới, sẽ góp phần làm tăng đáng kể kim ngạch thương mại song phương.  

Thứ tư, đây cũng là xu hướng chung trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Mỗi nước đều tập trung phát triển thế mạnh của mình, xuất khẩu sang nước khác những mặt hàng mà mình có lợi thế. Hơn nữa, Việt Nam trong những năm gần đây có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định, cơ chế đầu tư thông thoáng, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp của Nga. Đồng thời, Nga có nhiều lợi thế về khoa học-công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, là điều hấp dẫn và cần thiết cho sự phát triển của Việt Nam. 

Câu 2: Nga xuất khẩu sang VN những gì ngoài vũ khí và kỹ thuật quân sự? và VN xuất sang Nga những gì? 

Trong cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước, hóa chất, kim loại, xăng dầu, máy móc, phân bón chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Nga sang  Việt Nam (năm 2012, xuất khẩu của Nga đã tăng 4%, đạt 1,4 tỷ USD).

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nga chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, cao su, thủy-hải sản, giày dép, hàng dệt may, máy tính, điện thoại di động v.v... Năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang Nga với trị giá 2,3 tỷ USD, tăng 32%. Tôi tin tưởng rằng, trong những năm tới kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và LB Nga sẽ đạt, thậm chí có thể vượt những mục tiêu mà hai bên đã đề ra, tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước.

Câu 3: Năm ngoái, theo thông tin của các phương tiện truyền thông đại chúng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tỏ mong muốn Việt Nam gia nhập Liên minh thuế quan. Việc tham gia tổ chức này sẽ đem lại cho VN lợi ích gì? 

Trong hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống V. Putin, hai bên đã tập trung trao đổi về các biện pháp nhằm đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại song phương Việt Nam-LB Nga với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015. Để thực hiện được mục tiêu này, hai bên cần áp dụng các biện pháp đa dạng hóa và tự do hóa thương mại, thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức tài chính và ngân hàng hai nước, mở rộng hợp tác đầu tư và tín dụng, cũng như quy mô hợp tác trong  nhiều lĩnh vực.

Tháng 9/2012, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Vladivostok, Viễn Đông LB Nga, Tổng thống V. Putin và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định về khu vực tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Thuế quan (LMTQ). Ngày 19/12 năm 2012, tại Hội nghị Hội đồng cấp cao kinh tế Á – Âu diễn ra ở Mát-xco-va, Tổng thống 3 nước thành viên LMTQ là Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan, đã thông qua Quyết định số 27 về việc bắt đầu tiến hành đàm phán FTA với Viêt Nam. Hai bên đã thành lập Đoàn đàm phán ở cấp Bộ trưởng. Tháng 4/2013, tại Hà Nội đã diễn ra Vòng đàm phán thứ nhất về vấn đề này.

Đây sẽ là Hiệp định FTA sâu rộng, toàn diện với 8 nhóm vấn đề thuộc nội dung đàm phán, từ thương mại, đầu tư đến chuyển dịch lực lượng lao động, sở hữu trí tuệ. Khối lượng công việc rất nhiều, nhưng các nhà đàm phán đã đề ra mục tiêu phấn đấu để hoàn tất và có thể ký Hiệp định này vào cuối năm 2014.

Có thể khẳng định rằng đây là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự mở đầu cho việc hình thành mối liên kết kinh tế chặt chẽ đối với cả 2 phía. Hiệp định FTA giữa Việt Nam và LMTQ sẽ là một hành lang pháp lý quan trọng, tạo xung lực mới dẫn đến những thay đổi về chất trong hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học kỹ thuật giữa các bên và được thể hiện cụ thể trên một số mặt như sau:

Một là, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ các hoạt động thương mại và thâm nhập thị trường LMTQ, khi hầu hết các dòng thuế hàng hoá đều giảm tối đa, theo lộ trình và mức giảm nhanh hơn so với cam kết WTO. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tiếp cận một thị trường mới với diện tích trên 20 triệu km2, dân số khoảng 170 triệu người. Đây là thị trường tiềm năng với tổng GDP năm 2012 đạt gần 2.732 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người 16.137 USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2012 đạt xấp xỉ 940 tỷ USD, trong đó nhập khẩu khoảng 340 tỷ USD và xuất khẩu đạt mức 600 tỷ USD. Ngoài ra, cơ cấu hàng hoá giữa Việt Nam và LMTQ không cạnh tranh, trùng lắp mà có tính bổ trợ cho nhau. Thực tế hàng hoá của Việt Nam đã và đang được người tiêu dùng tại thị trường các nước LMTQ ưa chuộng.

Hai là, môi trường hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và LMTQ được cải thiện đáng kể. Điều này mở ra cho Việt Nam triển vọng  thúc đẩy hợp tác đầu tư nhiều dự án trong các lĩnh vực năng lượng, thăm dò và khai thác dầu khí, khai khoáng, chế biến khoáng sản, công nghiệp nhẹ…

Ba là, Việt Nam sẽ tiếp cận được những thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật hiện đại từ các nước LMTQ có cơ sở hạ tầng khoa học phát triển và công nghệ kỹ thuật cao, có khả năng cạnh tranh với nhiều nước tiên tiến khác. Đây là cơ sở thuận lợi để Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.
 
Bốn là, việc ký kết FTA sẽ giúp giải quyết đáng kể vấn đề công ăn việc làm cho lao động Việt Nam và phát triển dịch vụ du lịch, khi các quy định về đi lại được đơn giản hoá.  Về phần mình, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động bổ sung, kể cả lao động có tay nghề cao, cho các nước LMTQ. 

Đối với các nước thành viên LMTQ, ngoài những lợi ích trực tiếp trong hợp tác sâu rộng với VN, về lâu dài, các nước này sẽ có cơ hội và điều kiện thâm nhập sâu hơn vào thị trường khu vực Đông Nam Á rộng lớn, giầu tiềm năng và triển vọng, trước hết là thị trường các nước thành viên ASEAN, thông qua việc xúc tiến đàm phán về FTA giữa ASEAN và LMTQ.
Như vậy, việc VN gia nhập Liên minh Thuế quan sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên, trong đó có  Việt Nam.

Câu 4: VN ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Nga. Ngài có thể cho biết nguyên nhân tại sao? 

Như các bạn đã rõ, đất nước của chúng tôi có lịch sử lâu đời với nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với số lượng lớn những lễ hội hay và thú vị. Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới, quanh năm khí hậu ấm áp (nhiệt độ trung bình mùa đông từ 15-20 độ dương, còn mùa hè là từ 30-35 độ). Chiều dài bờ biển là 3260 km. với nhiều cảnh đẹp cùng thảm động, thực vật phong phú, nhiều điểm nghỉ ngơi lý tưởng.  Nhiều địa danh của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa của nhân loại như Vịnh Hạ Long, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, cố đô Huế và nhiều điểm khác. Tóm lại, Việt Nam cùng với những truyền thống lịch sử, văn hóa và điều kiện thiên nhiên tốt, là một trong những địa chỉ thú vị và thu hút của du lịch ở Đông Nam Á. Ở Việt Nam hiện nay đang và sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm phục vụ khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới với các điều kiện tốt nhất để nghỉ dưỡng và thăm quan. Chính phủ Việt Nam thường xuyên đầu tư những khoản tiền lớn cho phát triển du lịch và tạo những điều kiện thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều hơn đầu tư nước ngoài vào ngành này. Hiện nay, để tiếp tục phát triển hạ tầng du lịch, khắp nơi xây dựng các khách sạn hiện đại và thành lập  những khu nghỉ dưỡng mới.

Tôi muốn lưu ý rằng số lượng khách du lịch từ Nga sang Việt Nam trong những năm gần đây ngày một tăng (trong năm 2012 có gần 200 ngàn người). Các công ty du lịch lữ hành Việt Nam có kế hoạch tiếp nhận khách du lịch từ Nga trong năm nay vào khoảng 300 ngàn người. Từ đầu năm, chỉ tính riêng các điểm du lịch Nha Trang và Mũi Né, nằm ở các tỉnh nam miền Trung Việt Nam, đã tiếp nhận nhiều ngàn khách du lịch từ Nga. Hiện nay, do tình hình ở Trung Đông và Bắc Phi bất ổn định, chúng tôi dự đoán dòng khách du lịch từ Nga sang Việt Nam sẽ tăng lên nhiều. Hàng tuần giữa Việt Nam và LB Nga có hàng chục chuyến bay trực tiếp hoặc theo chế độ thường xuyên, hoặc theo thời vụ. Mới đây, đã mở đường bay trực tiếp giữa Mát-xco-va và Nha Trang - một trong những khu nghỉ dưỡng biển tốt nhất của Việt Nam. 

Tôi muốn bổ sung thêm rằng, người Việt Nam có tình cảm đặc biệt với người Nga. Nhân dân chúng tôi chào đón người Nga với những nụ cười chân thành, ấm áp, với tình cảm hữu nghị anh em và tình đoàn kết. Điều này phản ánh không chỉ chính sách của Lãnh đạo Việt Nam, nhằm củng cố và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nước Nga, mà còn là sự thể hiện tình cảm tự nhiên của lòng biết ơn, sự tôn trọng và tình cảm chân thành của người Việt đối với người Nga như những người bạn truyền thống của Việt Nam.  

Nhân dịp này tôi muốn khẳng định rằng, ĐSQ VN tại LB Nga sẽ làm tất cả những gì có thể để phát triển ngành du lịch nằm trong tổng thể của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước chúng ta. Trong đó, ĐSQ VN tại LB Nga sẽ cung cấp mọi thông tin và sự hỗ trợ có thể cho tất cả những người Nga muốn sang thăm VN với tư cách là khách du lịch.

Câu 5:  Mục đích chuyến thăm Mát-xcơ-va của Thủ tướng Việt Nam sắp tới là gì? 

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ LB Nga Đ. Mét-vê-đép, Thủ tướng Chính phủ nước CH XHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sẽ đi thăm chính thức LB Nga từ ngày 12 – 15/5/2013. Chuyến thăm này không nằm ngoài mục đích là thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam-LB Nga, đưa mối quan hệ này ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn với nhiều nội hàm phong phú hơn.  

Tháng 7/2012, trong chuyến thăm chính thức LB Nga của Chủ tịch nước CH XHCN Việt Nam Trương Tấn Sang, hai bên đã ký kết một loạt văn kiện, thoả thuận và chương trình hợp tác, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc phát triển quan hệ Việt-Nga. Chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần hiện thực hóa các thỏa thuận đã đạt được giữa Nguyên thủ quốc gia của hai nước.

Trong chuyến thăm này, hai Thủ tướng sẽ thảo luận và ký kết một số thỏa thuận mới nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực chính trị-xã hội, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại, khoa học, giáo dục… đặc biệt là trong một số lĩnh vực như năng lượng và kỹ thuật quân sự mang tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai nước. Cụ thể, hai bên sẽ thoả thuận các biện pháp nhằm tăng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020; thúc đẩy sớm ký kết Hiệp định FTA trong vòng hai năm tới; phát triển quan hệ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân; tiếp tục thăm dò và khai thác dầu khí của các doanh nghiệp Nga trên thềm lục địa Việt Nam phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; thành lập các liên doanh sản xuất, bảo dưỡng và nâng cấp vũ khí và khí tài; thống nhất thành lập Trường Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Hà Nội; khuyến khích hợp tác giữa các địa phương của hai nước, trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm v.v… 

Câu 6 :  Hiện nay phần lớn thanh niên Việt Nam sang các nước châu Âu và Mỹ để du học, số ít học ở Nga. Điều này lý giải thế nào? 

Từ đầu thập kỷ 50 đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Chính phủ Việt Nam đã cử số lượng lớn lưu học sinh sang học tập tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của Liên Xô, nay là LB Nga, đã có khoảng hơn 50 nghìn cán bộ khoa học với nhiều ngành nghề khác nhau được đào tạo và trở về làm việc  tại Việt Nam trong các cơ quan nhà nước, các công ty, trường học, bệnh viện v.v…Nhiều người trong số họ đã giữ những cương vị chủ chốt trong bộ máy quản lý nhà nước và nền kinh tế quốc dân Việt Nam. Không ít người đã trở thành các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Nhân dân Việt Nam rất biết ơn Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Liên Xô trước đây, nước Nga hiện nay về sự giúp đỡ vô giá này.

Tuy nhiên, do những thay đổi to lớn diễn ra ở Liên Xô đầu những năm 90, nước Nga và các nước SNG - chỗ dựa truyền thống của Việt Nam lâm vào khủng hoảng nặng nề, kéo theo Việt Nam cũng gặp phải những khó khăn chồng chất. Các mối quan hệ, đặc biệt về kinh tế- thương mại giữa hai nước cũng bị ngưng trệ. Trong bối cảnh đó, đương nhiên số lượng lưu học sinh từ VN sang Nga học tập cũng giảm đi. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, nhờ tình hình các mặt ở nước Nga đi vào ổn định, phát triển; mức độ quan hệ song phương Nga-Việt được tăng cường; thêm vào đó, việc Nga tăng số lượng học bổng dành cho Việt Nam (năm nay lên tới 400 suất), số lượng lưu học sinh Việt Nam sang Nga học tập sẽ ngày một tăng (hiện nay ở LB Nga có khoảng 6.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập).

Mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam chủ trương tiến hành chính sách đối ngoại “muốn làm bạn với tất cả các nước”, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục - đào tạo nhằm thực hiện nhiệm vụ chiến lược là công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều thanh niên Việt Nam lựa chọn ngành học và nơi học ở các nước tư bản phát triển, trong đó có Mỹ và  các nước Phương Tây khác.

Tôi tin tưởng rằng cùng với sự phát triển tốt đẹp quan hệ giữa hai nước chúng ta, số lượng lưu học sinh Việt Nam sang du học tại Nga sẽ ngày càng nhiều hơn. Đồng thời, trong tương lai không xa, Tiếng Nga và nền văn hóa Nga phong phú sẽ lấy lại vị trí xứng đáng của mình không những ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới.

Câu 7: Cộng đồng người Việt ở Nga và cộng đồng Nga ở Việt Nam có bao nhiêu người? Những người này có đóng góp gì cho nền kinh tế hai nước?      

Hiện nay đang có đánh giá không chính thức, theo đó số lượng người Việt ở LB Nga dao động từ 80 đến 100 nghìn người. Nhìn chung, đa phần người Việt Nam ở Nga làm ăn buôn bán, sản xuất thực phầm và công nhiệp nhẹ. Họ là những người tôn trọng luật pháp, không vi phạm pháp luật mang tính hình sự. Họ làm việc tự nguyện, kiếm tiền để nuôi sống bản thân và gửi về giúp gia đình, sống hòa thuận với người Nga và mong muốn trở thành cầu nối của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và LB Nga. 

Tại VN cũng có hàng trăm công dân Nga đang làm việc trong các tập đoàn, công ty liên doanh, văn phòng đại diện, các viện nghiên cứu và các trường đại học. Đối với VN, họ là những người bạn tin cậy và là các sứ giả của nước Nga anh em.

Câu 8: Thái độ của người Việt Nam đối với Mỹ bây giờ thế nào? Nhất là sau cuộc chiến khốc liệt mà Mỹ đã gây ra cho Việt Nam? 

Cuộc chiến tranh mà Mỹ gây ra tại Việt Nam đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với nhân dân Việt Nam. Đến nay, sau gần 40 năm chiến tranh kết thúc, song hậu quả của cuộc chiến vẫn còn hiện hữu ở nhiều gia đình Việt Nam. Theo Hội chữ thập đỏ Việt Nam, hiện có tới 3 triệu người, trong đó có 150 nghìn trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh do chịu ảnh hưởng của chất độc mầu da cam mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. 

Mặc dù người Việt Nam sẽ không bao giờ quên được những đau thương, mất mát mà quân đội Mỹ đã gây ra cho họ, nhưng Việt Nam là một dân tộc đầy lòng vị tha, khoan dung và độ lượng với các cựu thù. Với Mỹ, Việt Nam chủ trương “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, mong muốn vượt qua những trở ngại do cuộc chiến tranh để cùng  mở ra một trang mới trong quan hệ Việt-Mỹ mà trọng tâm là phát triển kinh tế-thương mại và các lĩnh vực khác mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của đường lối đối ngoại chung của Việt Nam là thực hiện “đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ với tất cả các nước”, trong đó có cả Mỹ. 

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến nay, quan hệ Việt – Mỹ đã có nhiều phát triển tích cực trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cùng có lợi và phù hợp với các nguyên tắc phổ biến của luật pháp quốc tế. Hai bên đều cố gắng hợp tác giúp đỡ nhau để giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại như xử lý bom mìn, tẩy độc, xúc tiến việc hợp tác nghiên cứu tác hại của chất độc màu da cam đối với con người và môi trường...Đáng chú ý, quan hệ kinh tế thương mại có bước phát triển mạnh mẽ ( năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 24 tỷ USD).

Tuy còn một số tồn tại do bất đồng về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, nhưng các mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác như khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, y tế, lao động, văn hóa v.v… đã có những bước tiến tích cực, mang lại lợi ích cho dân nhân hai nước. 

Câu 9. Căn cứ quân sự cũ của Liên Xô trước đây ở Cam Ranh, giờ thế nào? 

Từ năm 1978 Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp định có thời hạn 25 năm cho phép Liên Xô có mặt tại căn cứ quân sự Cam Ranh trong bối cảnh Việt Nam lúc đó phải đối phó với những mối đe dọa từ một số cường quốc có chính sách thù địch với Việt Nam. Tháng 7 năm 2002, khi Hiệp định sắp hết hiệu lực, Nga đã tuyên bố rút khỏi quân cảng Cam Ranh và trả lại cho Việt Nam. 

Trong hơn 10 năm qua, do tình hình quốc tế đã có nhiều thay đổi và do thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ, cuối tháng 10, đầu tháng 11/2010, nhân sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Hà Nội, Việt Nam đã tuyên bố quyết định mở cửa cảng Cam Ranh cho tàu hải quân nước ngoài ghé đậu và xây dựng cơ sở này thành Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp. Trong cuộc họp báo chiều 30/10/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố: “Việt Nam sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các quốc gia, kể cả tàu ngầm, tại cảng Cam Ranh khi có yêu cầu”. Về các đối tượng phục vụ, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã xác định: «Các nước đều có thể vào cảng nhưng với điều kiện phải xin phép Việt Nam và làm hợp đồng kinh tế với Việt Nam. Những nước có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, vẫn có thể được xem xét cho tàu vào». Ông giải thích rõ: “Đây là căn cứ làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới, với tinh thần bình đẳng… Đồng thời nó không phải là một căn cứ quân sự nước ngoài”. Đáng chú ý, trong chuyến thăm chính thức LB Nga tháng 7/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã khẳng định rằng Cam Ranh là hải cảng của Việt Nam và “Việt Nam sẽ không cho bất cứ nước nào thuê đất để xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của Việt Nam”.

Về phía Nga, Bộ trưởng Ngoại giao S. Lavrov cũng đã tuyên bố rõ ràng “Nga không có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài”.

Tuy nhiên, do LB Nga là đối tác truyền thống và chiến lược của Việt Nam, nên Việt Nam chủ trương dành ưu tiên cho Nga trong việc đơn giản hóa thủ tục ra vào cảng, cung ứng hậu cần-kỹ thuật cho các tầu bè của Nga, sẵn sàng hợp tác, liên doanh với Nga trong những lĩnh vực hai bên có tiềm năng. Đây là biểu hiện của sự tin cậy cao trong quan hệ giữa hai nước. 

Câu 10. Tình hình hiện nay xung quanh các quần đảo tranh chấp Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông như thế nào? 

Trong những năm gần đây, tình hình an ninh trong khu vực Biển Đông ngày càng trở nên căng thẳng do những yêu sách về chủ quyền vô căn cứ của TQ đối với những vùng biển rộng lớn, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Điều này gây cản trở cho hoạt động hợp pháp của các nước khác thăm dò dầu khí trên thềm lục địa của họ ở Biển Đông (cuối năm 2012 tầu Hải giám của Trung Quốc hai lần cắt dây cáp của tầu nghiên cứu khoa học của Việt Nam); nhiều lần bắt giữ trái phép tàu cá của ngư dân Việt Nam, thậm chí đầu năm nay tầu Trung Quốc còn ngang nhiên bắn cháy tầu đánh cá của Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trên vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam). Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa nhiều tầu hải giám và tầu cá đến khu vực bãi cạn Scarborough của Phi-lip-pin đe dọa chủ quyền của nước này. Trung Quốc còn công bố bản đồ với đường “Lưỡi bò” trên Biển Đông, theo đó, phần lớn vùng nước của Biển này, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Tất cả những hành động nói trên đã làm cho quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng của Trung Quốc trở nên căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định ở Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. 

Đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh rằng hai quần đảo này là thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông rất rõ ràng: các bên liên quan phải giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật biển năm 1982; ủng hộ việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông của ASEAN và sớm tiến đến xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC).
         
Câu 11: Quan điểm của Việt Nam đối với tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và sự đe dọa chiến tranh ở Đông Bắc Á như thế nào? 

Việt Nam hết sức quan tâm về những diễn biến gần đây trên Bán đảo Triều Tiên và kêu gọi các bên liên quan tuân thủ nghiêm túc các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, thúc đẩy đối thoại và có hành động thiết thực nhằm thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.    

Chúng tôi hài lòng nhận thấy rằng, Việt Nam và LB Nga có quan điểm gần gũi hoặc tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, trên tinh thần tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Đối với vấn đề căng thẳng trên Bán đảo Triều tiên, cũng như LB Nga, Việt Nam mong muốn các bên liên quan tự kiềm chế, tránh gây căng thẳng hơn nữa, nối lại đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa  Bán đảo Triều Tiên, nhằm đảm bảo một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực Đông Bắc Á nói chung./.

Nguồn tham khảo: http://inforos.ru/ru/?module=news&action=view&id=34375
Nguồn: ĐSQ
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.