Chuyên mục
COVID-19 tới 6h sáng 6/12: Thêm 3.800 ca tử vong; Anh-Pháp-Đức dẫn đầu ca nhiễm mới

COVID-19 tới 6h sáng 6/12: Thêm 3.800 ca tử vong; Anh-Pháp-Đức dẫn đầu ca nhiễm mới

Thứ hai 06/12/2021 05:07 GMT + 7

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 400.000 ca nhiễm và 3.815 ca tử vong. Ba nước Anh, Pháp, Đức lần lượt dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới trong bối cảnh biến thể Omicron đang gây lo ngại.

 

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Pointe-a-Pitre, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 6/12 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 266.098.048 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.270.351 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 407.528 và 3.815 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 239.678.676 người, 21.149.021 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 86.773 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Anh dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 43.992 ca; Pháp đứng thứ hai với 42.252 ca; tiếp theo là Đức (35.983 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.205 người chết trong ngày; tiếp theo là Ukraine (278 ca) và Mexico (251 ca tử vong).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 49.959.112 người, trong đó có 808.748 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.641.406 ca nhiễm, bao gồm 473.326 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.143.091 ca bệnh và 615.636 ca tử vong.

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 82,54 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với trên 75,57 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận gần 59,7 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 39,08 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 8,82 triệu ca và châu Đại Dương trên 382.000 ca nhiễm.

 


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một chợ ở Bangalore, Ấn Độ, ngày 2/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

 

Ấn Độ phát hiện thêm nhiều ca Omicron

Ngày 5/12, Ấn Độ phát hiện thêm ít nhất 9 ca nhiễm biến thể Omicron tại Rajasthan, nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới này lên 21.

Thống kê của Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 5/12 cho thấy số ca tử vong của nước trong 24 giờ qua là 372 ca, giảm so với mức 417 ca một ngày trước đó.

Cũng trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Á ghi nhận thêm 8.895 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca bệnh tại nước này lên 34.633.255. Hiện Ấn Độ vẫn còn 99.155 bệnh nhân đang phải điều trị.

Cựu Nữ hoàng Hà Lan, Ngoại trưởng Phần Lan mắc COVID-19

Cơ quan thông tin Hoàng gia Hà Lan (RVD) thông báo cựu Nữ hoàng nước này Beatrix, 83 tuổi, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Cựu Nữ hoàng đã làm xét nghiệm sau khi xuất hiện các triệu chứng cúm nhẹ. Hiện bà đang cách ly tại nhà và tuân thủ các hướng dẫn y tế đối với người mắc COVID-19.

Hà Lan đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm COVID-19, đe dọa làm sụp đổ hệ thống y tế của nước này.


Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết Ngoại trưởng nước này Pekka Haavisto đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngoại trưởng Haavisto, 63 tuổi, không biểu hiện triệu chứng và đang làm việc tại nhà. Chính phủ và Quốc hội Phần Lan đã nhận được thông tin ông Haavisto mắc COVID-19. Đầu tuần này, Ngoại trưởng Phần Lan đã tham dự hội nghị ngoại trưởng của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) diễn ra ở Stockholm (Thụy Điển). Trước đó, ông đã đến Riga, Latvia tham dự hội nghị ngoại trưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Pháp, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao

Trong 24 giờ qua, Pháp cũng ghi nhận hơn 50.000 người mắc mới COVID-19, cho dù hàng triệu người dân nước này đã tiêm mũi tăng cường vaccine. Theo giới chức y tế Pháp, nước này đã có thêm 51.624 ca mắc, trong đó có 694 ca phải nhập viện, 119 ca trong tình trạng nguy kịch và 113 ca tử vong.

 


Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Biarritz, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Số ca mắc mới tại Pháp đang ngày một gia tăng khi nước này bước vào mùa Đông. Trung bình số ca mắc mới trong một tuần của tuần trước vào khoảng 41.000 ca, cao gần gấp rưỡi so với con số chưa đầy 28.000 ca của 1 tuần trước đó.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đã bác khả năng phong tỏa đất nước vào thời điểm này, song hối thúc tất cả người trưởng thành đăng ký tiêm mũi thứ 3 vaccine ngừa COVID-19 trước giữa tháng 1. Sau ngày 15/1, người dân trong độ tuổi từ 18-64 sẽ phải trình chứng nhận tiêm mũi tăng cường không quá 7 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2 nhằm duy trì hiệu lực của chứng nhận COVID-19 - vốn là điều kiện bắt buộc để vào nhà hàng, quán bar, các cơ sở thể dục thể thao và một số địa điểm công cộng khác. Tính đến nay, Pháp đã có 119.457 người không qua khỏi do mắc COVID-19.

Hàn Quốc cũng đang ghi nhận số ca mắc mới tăng cao. Trong 24 giờ qua, nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 5.000 ca trong ngày thứ 2 liên tiếp. Trước đó 1 ngày, nước này ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này ghi nhận thêm 5.128 ca mắc mới, trong đó có 5.104 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc lên 473.034 ca. Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận 12 ca nhiễm biến thể Omicron. Số ca đang trong tình trạng nặng hiện là 744 ca, giảm 752 ca so với 1 ngày trước đó.

 


Hành khách tại sân bay Heathrow, London, Anh, ngày 30/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, kể từ tuần tới các cuộc tập trung riêng tư từ 7 người trở lên sẽ bị cấm tại thủ đô Seoul và các vùng đô thị lân cận - vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến thể Delta và các khoa hồi sức tích cực đang rơi vào tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng yêu cầu toàn bộ những người nhập cảnh nước này trong 2 tuần tới phải cách ly ít nhất 10 ngày, không phân biệt quốc tịch hoặc tình trạng tiêm chủng. Hàn Quốc cũng tạm thời cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài đến từ 9 nước châu Phi.

Đan Mạch: Số ca nhiễm biến thể Omicron tăng gấp 3 trong 2 ngày

Ngày 5/12, giới chức y tế Đan Mạch cho biết quốc gia Bắc Âu này đang chứng kiến sự tăng vọt "đáng lo ngại" với 183 ca được xác nhận nhiễm biến thể Omicron. Như vậy, số ca nhiễm biến thể Omicron đã tăng gấp ba trong 48 giờ qua. Ngày 3/12, Đan Mạch mới chỉ ghi nhận 18 ca và 42 ca nghi ngờ nhiễm biến thể này. Giới chức y tế nhận định có những chuỗi lây nhiễm mà biến thể được tìm thấy ở những người không có lịch sử du lịch nước ngoài hay tiếp xúc với những người đi du lịch nước ngoài.

Trước đó, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) thống kê mới chỉ có 182 ca nhiễm Omicron trong Liên minh châu Âu (EU) cộng thêm Na Uy và Iceland. Ngày 5/12, ECDC cho biết biến thể Omicron đã xuất hiện tại 17 quốc gia trong khu vực. Đa số ca mắc có lịch sử đi lại tới châu Phi, một số bay nối chuyến ở những địa điểm giữa châu Phi và châu Âu. Tuy nhiên, một số nước như Bỉ, Đức, Tây Ban Nha phát hiện những ca nhiễm Omicron không có mối liên hệ dịch tễ với các khu vực được ghi nhận có biến thể này. Điều này có nghĩa rằng đang có sự lây nhiễm trong cộng đồng mà chưa được phát hiện ở những nước trên.

 


Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 bằng máy bay của quân đội, tại sân bay Memmingen, Bavaria, miền Nam Đức ngày 26/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 5/12, giới chức y tế Anh cho biết nước này có thêm 86 ca mới nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số các ca này lên 246 ca. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Anh đã áp dụng trở lại quy định yêu cầu người nhập cảnh nước này phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 ngay tại điểm đến.

Chuyên gia Nhật Bản: Biến thể Omicron dường như gây các triệu chứng nhẹ

Theo Japan Times ngày 5/12, những người mắc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 dường như có xu hướng bị nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, có thể tốc độ lây nhiễm của biến thể này cao hơn so với biến thể Delta.

 


Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Sapporo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN


Liệu biến thể Omicron có khiến người mắc COVID-19 bị nặng hơn hay không là câu hỏi đang được đặt ra cho giới khoa học. Một số dữ liệu ban đầu cho thấy xu hướng bệnh nhân nhiễm biến thể này chỉ có những triệu chứng nhẹ. Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Âu, tính đến ngày 4/12, tất cả 109 ca nhiễm Omicron được phát hiện ở 16 nước khu vực này đều chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng và không có ca tử vong nào. Còn theo Bộ Y tế Nhật Bản, 2 người dương tính với Omicron khi xét nghiệm tại sân bay Narita nước này cũng chỉ có triệu chứng nhẹ, dù có bị sốt.

Ông Takaji Wakita, người đứng đầu Viện quốc gia Nhật Bản về các bệnh truyền nhiễm (NIID), cảnh báo rằng không nên đưa ra phán đoán vội vàng về nguy cơ những người nhiễm biến thể Omicron sẽ có những triệu chứng nghiêm trọng. Một chuyên gia Nhật Bản khác cho rằng nếu nguy cơ nhiễm Omicron dẫn tới bệnh nặng cũng giống như nhiễm biến thể Delta hay các biến thể khác thì mọi người không cần thiết phải thực hiện những biện pháp đối phó bổ sung ngoài các biện pháp phòng ngừa thường xuyên là đeo khẩu trang, tránh các tiếp xúc gần, nơi đông người, không gian kín, ngay cả khi xuất hiện tình trạng lây nhiễm gia tăng trong cộng đồng do biến thể mới.

 


Thuốc PAXLOVID điều trị COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer được sản xuất tại Freiburg, Đức ngày 16/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Brazil hủy lễ mừng Năm mới ở Rio de Janeiro

Chính quyền thành phố Rio de Janeiro của Brazil ngày 4/12 đã hủy lễ hội đón mừng Năm mới 2022 do quan ngại ngày một tăng về sự lây lan của biến thể mới Omicron. Quyết định này cũng làm gia tăng sự không chắc chắn về việc tổ chức Lễ hội Carnival mang tính biểu tượng của thành phố vào tháng 2/2022 tới.

Trong một tuyên bố, Thị trưởng Rio de Janeiro Eduardo Paes nhấn mạnh chính quyền phải đưa ra quyết định trên trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng nhanh chóng. Tính đến nay, nước này ghi nhận 6 ca nhiễm Omicron. Ông Paes nhấn mạnh sự cần thiết của việc tôn trọng khoa học và tiến hành các bước đi thận trọng.

Hơn 20 thành phố khác của Brazil, trong đó có thành phố đông dân Sao Paulo, cũng đã hủy các lễ hội cuối năm.

 


Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Frankfurt am Main, Đức, ngày 30/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 2/12, Thị trưởng Rio de Janeiro đã yêu cầu người dân trình chứng nhận COVID-19 khi vào các thẩm mỹ viện, nhà hàng, quán bar và khách sạn. Trước đó, Brazil chỉ yêu cầu trình chứng nhận COVID-19 khi vào rạp chiếu phim, nhà hát, các cơ sở thể dục thể thao, bảo tàng và sân vận động.


Thông thường hằng năm, các lễ hội đón chào Năm mới của Rio de Janeiro, với những màn khiêu vũ sôi động và bắn pháo hoa rực rỡ, thu hút khoảng 3 triệu người đổ về bãi biển Copacabana nổi tiếng. Tuy nhiên, theo ông Paes, ngay cả khi không có pháo hoa, Rio de Janeiro vẫn sẽ nồng nhiệt chào đón du khách đã tiêm chủng. Ông cũng bày tỏ lạc quan về khả năng tổ chức lễ hội Carnival do còn 3 tháng nữa mới diễn ra lễ hội này.

Thống kê cho thấy COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 615.000 người ở Brazil và nước này hiện có số người tử vong cao thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ.

Campuchia dỡ bỏ lệnh cấm du khách tới từ các nước châu Phi

Ngày 5/12, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng thông báo nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm du khách tới từ 10 quốc gia châu Phi sau gần một tuần ban hành do sự xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Theo Bộ trưởng Mam Bunheng, được sự thông qua của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Bộ Y tế đã quyết định dỡ bỏ lập tức lệnh cấm đối với du khách tới từ các nước Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia. Tuy nhiên, du khách tới từ 10 quốc gia trên cũng như những người từng tới các nước này trong vòng 2 tuần vừa qua cần phải được xét nghiệm nhanh COVID-19 ngay khi tới Campuchia. Ông Mam Bunheng nêu rõ: "Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, họ cần phải cách ly 7 ngày và làm xét nghiệm PCR vào ngày cách ly thứ 6".

 


Học sinh đến trường ở Phnom Penh, Cambodia ngày 1/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN


Bộ trưởng Y tế Campuchia cũng cho biết các du khách đã tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng COVID-19 cần trình giấy chứng nhận y tế xác nhận họ đã xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi tới Campuchia, trong khi những người chưa tiêm vaccine sẽ phải cách ly đủ 14 ngày.

Lào tiếp tục cấm cá nhân ra vào khu vực có lây nhiễm

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, Chính phủ Lào tiếp tục cấm cá nhân ra vào khu vực có lây nhiễm (vùng đỏ) theo quy định của Ủy ban chuyên trách, ngoại trừ người được chính quyền địa phương cấp phép và xe chở hàng hóa.

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Chính phủ Lào đồng thời giao các bộ, cơ quan tương đương, doanh nghiệp tại thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh có dịch lây nhiễm trong cộng đồng cho phép cán bộ và công chức luân phiên trực ban hoặc làm việc tại nhà qua hệ thống điện tử. Riêng đối với người có nguy cơ và phụ nữ có thai không thể tiêm vaccine thì cho làm việc ở nhà.

Bộ Y tế Lào ngày 5/12 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.364 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 6 ca tử vong do COVID-19, trong đó có 5 ca là người nhập cảnh. Sau 1 ngày có chiều hướng giảm, số ca mắc COVID-19 tại Lào đã tăng cao trở lại (tăng 395 ca so với ngày 4/12). Đáng chú ý, thủ đô Viêng Chăn ghi nhận số ca cộng đồng gia tăng với 658 ca trong một ngày tại 194 bản thuộc 9 quận, tăng 208 ca so với ngày 4/12, tiếp tục đứng đầu cả nước. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 79.833 ca, trong đó có 207 ca tử vong.

Liên quan tới nỗ lực chống dịch COVID-19, Lào vừa tiếp nhận 500.000 liều vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) do Chính phủ Hoàng gia Campuchia viện trợ.

 


Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Singapore: Các vaccine hiện nay vẫn bảo vệ được trước biến thể Omicron

Trong cập nhật về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 ngày 5/12, Bộ Y tế Singapore (MOH) cho rằng còn quá sớm để kết luận về mức độ nặng của bệnh COVID-19 mà biến thể này có thể gây ra. Trong khi đó, các nhà khoa học đang chia sẻ quan điểm rằng các vaccine phòng COVID-19 hiện nay vẫn có hiệu quả trước Omicron

Theo MOH, các thông tin kỹ lưỡng hơn về biến thể mới này dự kiến sẽ có trong vài tuần tới, khi mà các nghiên cứu về hiệu quả của vaccine cũng như khả năng Omicron gây bệnh nặng hơn hay nhẹ hơn các biến thể trước đây đang được tiến hành. Cập nhật trên của MOH được đưa ra sau khi bộ này xem xét các thông tin từ Nam Phi và những nước khác về các ca mắc COVID-19 do nhiễm biến thể Omicron.

 


Khách hàng dùng bữa tại một nhà hàng trong trung tâm thương mại ở Singapore, ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Về mức độ lây nhiễm, MOH cho rằng theo những đánh giá ban đầu từ Nam Phi nói riêng và toàn cầu nói chung, biến thể Omicron có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, so sánh với các biến thể Delta và Beta, dường như Omicron cũng làm tăng nguy cơ tái nhiễm ở những người đã bình phục sau khi mắc COVID-19.

Về xét nghiệm, MOH nhấn mạnh các nghiên cứu cho thấy ngoài xét nghiệm PCR, xét nghiệm nhanh ART cũng hiệu quả trong phát hiện các ca nhiễm Omicron. Chính vì thế, xét nghiệm vẫn là một công cụ chủ chốt để phát hiện và khống chế sớm sự lây nhiễm.

Theo MOH, các ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện trên thế giới chủ yếu có triệu chứng nhẹ và chưa có ca tử vong nào. Các triệu chứng thường gặp bao gồm đau họng, mệt mỏ
i và ho.

 

Thu Hằng

Nguồn: baotintuc.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.