Chuyên mục
Kịch bản giá dầu 40USD: Nga có thể dựa vào Trung Quốc?
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Kịch bản giá dầu 40USD: Nga có thể dựa vào Trung Quốc?

Thứ hai 17/08/2015 13:01 GMT + 7
Trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, khả năng Nga phải mua động cơ của Trung Quốc đã được đặt ra.

Không được lợi nhiều trong quan hệ với Trung Quốc

Hơn 1 năm qua, giá dầu giảm cùng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga đã khiến kinh tế Nga vô cùng khó khăn và đẩy Moscow xích lại gần Trung Quốc.

Theo Ths Phan Anh Dũng, Phòng Nghiên cứu Nga và SNG, Viện Nghiên cứu châu Âu, tình trạng thế giới đang tiếp tục thừa dầu khiến nguy cơ giá dầu rớt mạnh hoàn toàn có thể xảy ra và Nga bán hàng khó khăn hơn.


Trong bối cảnh chính trị quốc tế hiện nay, mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh phản ánh nguyên tắc không liên kết

"Hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD giữa Nga và Trung Quốc gọi là hợp đồng lịch sử nhưng thực chất nó mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là kinh tế đối với cả hai bên. Đối với Nga, hợp đồng này không ăn thua gì bởi giá xây đường ống của Nga quá đắt. Muốn xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc, Gazprom phải đầu tư đường ống dẫn dầu “Sức mạnh Siberia” trị giá khoảng 55 tỷ USD, trong khi giá dầu Nga bán cho Trung Quốc chỉ khoảng 350 USD/1.000m3 khiến Nga không có lãi.

Nhưng với hợp đồng này, Nga muốn chứng minh với phương Tây rằng dù cấm vận nước này vẫn có đồng minh. Còn Trung Quốc, cuộc đối đầu Trung Quốc và Mỹ trong việc tiếp cận nguồn năng lượng, cùng với một sự thay đổi trong ưu tiên địa chính trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, sẽ dẫn đến gia tăng cạnh tranh và đối đầu của hai cường quốc này, lãnh đạo Trung Quốc sẽ buộc phải tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và thay thế các đối tác không đáng tin cậy bằng các đối tác ổn định, nhằm đảm bảo nguồn nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên không bị gián đoạn, điều đó dẫn đến sự tăng cường phát triển quan hệ với Nga. Với hợp đồng thế kỷ này Trung Quốc có thể đảm bảo nguồn cung cấp dầu nếu xảy ra xung đột ở Biển Đông.

Trung Quốc thực ra không thiếu nguồn cung dầu. Hiện nay, cơ cấu nhập khẩu dầu của Trung Quốc như sau: 56% - Trung Cận Đông (nhà cung cấp lớn - Saudi Arabia), 27% - châu Phi, 13,5% - châu Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, 3,5% - Mỹ Latinh. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận Iran làm giá dầu tiếp tục lao dốc. Tuy nhiên, đây chỉ là do yếu tố tâm lý, đường ống của Iran hiện đã cũ nên bắt buộc phải sửa chữa và xây dựng mới các nhà máy khí hóa lỏng. Chỉ đến năm 2018 Iran mới có thể tăng sản lượng cung cấp ra thế giới. Năm 2018 có thể là năm giá dầu cũng như tình hình chính trị thế giới dần đi vào ổn định hơn. Tuy nhiên giá dầu có thể vẫn dao động ở mức giá hiện nay. Nhưng nếu theo kịch bản xấu, giá dầu tiếp tục giảm mạnh Nga sẽ vô cùng khó khăn", ông Dũng phân tích.

Cũng theo ông Dũng, mặc dù quyết tâm chính trị của lãnh đạo Nga và Trung Quốc nâng cao hơn nữa thương mại giữa hai nước, nhưng thực tế trong 5 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Nga và Trung Quốc chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá dầu giảm mạnh và nhu cầu nội địa của cả Nga và Trung Quốc đều giảm mạnh (Trung Quốc cung cấp cho Nga hàng tiêu dùng còn Nga chủ yếu cung cấp nguyên nhiên liệu cho Trung Quốc).

Khoa học kỹ thuật quân sự vốn là thế mạnh của Nga, nhưng theo ông Dũng, dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, khoa học công nghệ thực tế không được đầu tư nhiều như tuyên bố của chính phủ. Vừa qua Nga đã phải ký với một tập đoàn điện tử Trung Quốc, để cung cấp thiết bị điện tử cho các nhà máy quân sự Nga. Thậm chí, cách đây một vài tháng, một chuyên gia kỹ thuật quân sự của Nga đề xuất, nước này có thể phải mua động cơ tua bin cỡ lớn của Trung Quốc để lắp vào tàu quân sự của nước này bởi thiếu nguồn cung từ Ukraine. (Chúng ta nên biết rằng cách đây không lâu, công nghệ động cơ của Trung Quốc luôn xếp sau Nga và Ukraine).

Nga đã mất ưu thế không chỉ về số lượng, mà cả về chất lượng trang thiết bị quân sự.  Tình hình thực tế hiện nay cho thấy hầu hết các chủng loại vũ khí thông thường của Trung Quốc đã vượt trội về chất lượng vũ khí Nga trước đây. Trong một số chủng loại, hiện nay Trung Quốc thậm chí đã bỏ qua Nga - ví dụ, việc phát triển và sản xuất các phương tiện bay không người lái và vũ khí nhỏ. 

"Hiện Nga và Trung Quốc đang hợp tác trong một số lĩnh vực quân sự kể cả hàng không vũ trụ, nhưng bản thân Nga cũng cần Trung Quốc chứ không chỉ Trung Quốc cần Nga về công nghệ", ông Phan Anh Dũng nói.

Vẫn là một cường quốc nhưng...

Dù quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ngày càng khăng khít nhưng Ths Phan Anh Dũng nhấn mạnh, điều đó không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ chỉ "chơi" với Nga mà không "chơi" với Mỹ.

Trung Quốc coi Mỹ là một nước cung cấp các cơ hội lớn nhất cho sự tăng trưởng của Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại, khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, Mỹ cũng chính là mối đe dọa lớn nhất đối với các mục tiêu phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc coi Mỹ là quốc gia duy nhất có thể đặt ra một mối đe dọa quân sự cho Trung Quốc và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế có hiệu quả chống Trung Quốc. Hiện nay, Bắc Kinh đang tìm kiếm các cơ chế để đảm bảo rằng các mối quan hệ song phương với Washington vẫn không dẫn đến sự đối đầu. 

Về lý thuyết, một số chuyên gia Trung Quốc và Nga thừa nhận khả năng của việc hình thành liên minh Nga-Trung Quốc, nhưng trong bối cảnh chính trị quốc tế hiện nay, mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh phản ánh nguyên tắc không liên kết. Nói cách khác, Nga và Trung Quốc phải tuân theo nguyên tắc này. Tạo một liên minh quân sự-chính trị là không thực tế bởi vì nó có thể được đi kèm với chi phí và rủi ro cao.

"Hiện nay nhiều chuyên gia cho rằng, nước Nga hoàn toàn có thể xây dựng nền kinh tế tự chủ, điều đó là đúng nhưng dĩ nhiên là trong điều kiện kém phát triển hơn. Giống như các nước bị cấm vận lâu năm như Iran, Triều Tiên... họ vẫn tự chủ nhưng đời sống người dân kém đi, không đủ nguồn lực để phát triển", ông Phan Anh Dũng nhấn mạnh.

Nhận định về tình hình trước mắt, vị chuyên gia này cho rằng, Nga có thể bị yếu thế trong một số vấn đề nhưng Tổng thống Vladimir Putin sẽ không để vị thế nước Nga bị thấp đi. Nga vẫn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có chân trong nhiều tổ chức quốc tế và là một cường quốc quân sự với thế mạnh về vũ khí hạt nhân.

"Mỹ, phương Tây và Nga có thể nhượng bộ nhau để đóng băng vấn đề Ukraine, trao quyền tự quản cho miền Đông Ukraine. Sự nhượng bộ của các bên có thể giúp Ukraine có thời gian cải cách lại bộ máy nhà nước, bởi chính quyền hiện tại của Kiev còn quá non trẻ, các đảng phái không đoàn kết, tình trạng tham nhũng ăn sâu trong nhận thức.

Mỹ hiểu rằng, nếu Mỹ tiếp tục đi quá xa trong vấn đề Ukraine và mở rộng NATO, thì Nga có thể thực hiện các bước hướng tới một liên minh chính thức với Trung Quốc, mặc dù, có lẽ không phải theo cách mà nước này muốn.

Bản thân Mỹ không muốn Nga yếu đi vì như thế chỉ có lợi cho Trung Quốc. Theo tôi, trong tương lai không xa, Nga và Mỹ sẽ đi đến nhượng bộ để giảm căng thẳng", ông Phan Anh Dũng nói.

Thành Luân
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.