Chuyên mục
Tản mạn Mạc Tư Khoa ...
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Tản mạn Mạc Tư Khoa ...

Thứ bảy 15/07/2017 11:20 GMT + 7
Tôi đến Mạc Tư Khoa vào một buổi chiều tháng sáu. Đã hơn 7giờ tối (23 giờ Việt Nam) nhưng ngoài đường vẫn sáng, thứ ánh sáng của mặt trời bị tạm che khuất chứ không phải ánh sáng của cuối ngày chập choạng. Đường từ sân bay về trung tâm thủ đô vẫn sáng rõ những hàng bạch dương thẳng tắp, đứng hiên ngang đã ngàn đời và trở thành biểu tượng của xứ sở Nga La Tư này. Tôi bắt đầu hiểu được thế nào là "đêm trắng", dù thời điểm này chỉ mới là "đêm sáng" chứ chưa trắng hoàn toàn. Trước giờ, tôi vẫn nghĩ "đêm trắng" là vào đêm nhưng trời sáng trắng, kiểu như khi nhật thực toàn phần vậy. Kỳ thực, những ngày ở Nga, tôi thường xuyên được sống trong cảnh mặt trời lặn lúc 9 - 10 giờ đêm và mới 3 - 4 giờ sáng thì đã nắng chói chang. Tức là, ngày rất dài và đêm rất ngắn.

Tòa nhà Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, một trong 7 "tòa nhà Stalin" ở thủ đô Moscow.      Ảnh: MINH HẢI

Những ấn tượng đầu tiên về Mạc Tư Khoa và nước Nga ngoài "đêm sáng" ấy còn rất nhiều. Những con đường rộng, những khu dân cư giông giống nhau, những khu nhà nghỉ ở ngoại ô nhiều cây xanh, những khu công viên cây cối rậm rạp, rất nhiều tòa nhà như những lâu đài... Mạc Tư Khoa ít có nhà chọc trời nhưng có rất nhiều lâu đài cổ kính, bởi thành phố được xây dựng từ thế kỷ XII, khi đó chỉ là một thị trấn, dù bị chiến tranh phá hủy nhiều lần nhưng cũng được nhiều lần xây dựng mới và được bảo vệ rất tốt. Mạc Tư Khoa là thành phố đông đúc nhưng xanh, sạch, đẹp. Đường phố có khá nhiều hoa và cây xanh. Ngoài bạch dương, còn có lá phong, cây lipa, sồi..., hoa thì tử đinh hương khá phổ biến, màu tím, trắng và hồng. Còn ở các công viên, các thảm cỏ thì bồ công anh vàng rợp cùng các cụm tulip rực rỡ. Trên những con phố lát đá hay trải nhựa, gần như không thấy rác, dù có rất ít thùng rác. Hoàn toàn không thấy có bất kỳ khẩu hiệu nào trên đường, nhưng ý thức bảo vệ môi trường của người Nga thật tuyệt vời! Nét xanh, sạch cộng với sự hài hòa của kiến trúc, của đường phố đã làm nên một Mạc Tư Khoa rất đẹp và thanh bình...

Những ngày ở Mạc Tư Khoa, tôi có dịp trải nghiệm nhiều điều thú vị tại thành phố đông dân bậc nhất thế giới này (Moscow chỉ rộng chưa đầy 900 km2 nhưng có đến 12 triệu dân). Vì đông dân, nên rất nhiều đường phố thường xuyên gặp cảnh kẹt xe với hàng dài ô-tô nối đuôi nhau, dẫu nhiều đường phố thủ đô có 6 đến 8 làn xe. Nhưng nói theo ngôn ngữ Việt Nam, đó chỉ là cảnh "đông xe" hay "ùn ứ" chứ không phải "kẹt xe" đến độ không nhúc nhích được, bởi dòng xe vẫn chậm chạp di chuyển trong trật tự. Ở Nga giờ bắt đầu làm việc và giờ kết thúc thường muộn hơn ở Việt Nam khoảng 2 tiếng nên giờ cao điểm thường rơi vào khoảng 8 - 9 giờ sáng và 18 - 19 giờ chiều. Riêng các ngày cuối tuần, chiều thứ sáu thì dòng xe đổ ra ngoại ô và các tỉnh lân cận Moscow nhiều hơn hẳn, đến chiều chủ nhật thì ngược lại...

Ô-tô ở Mạc Tư Khoa khá phong phú với đủ các hãng xe của Nhật (nhiều nhất là Nissan), Hàn Quốc (chủ yếu là Kia), Đức (có cả BMW, Volkswagen và Mercedes), Mỹ (cả Chevrolet và Ford)..., dĩ nhiên không thể thiếu xe Lada thần thánh, với nhiều chiếc cũ kỹ nhưng vẫn chạy bon bon... "Siêu xe" có rất nhiều và nhiều chiếc vốn được coi là xe hạng sang ở Việt Nam thì lại làm taxi trên phố... Lâu lâu lại thấy một chiếc Porsche vừa hết đèn đỏ rú ga vọt lên cũng là một điểm nhấn trên phố... Dù xe đông, nhưng việc chấp hành luật đi đường rất nghiêm túc. Tuy không có nhiều đèn giao thông (người Nga xây dựng nhiều hầm chui hoặc đường trên cao để hạn chế đường giao nhau) nhưng hễ có đèn thì lái xe luôn chấp hành đầy đủ, nên không có cảnh xe nằm giữa ngã tư chắn ngang làn đường chiều được lưu thông... Đặc biệt, người Nga rất tôn trọng người qua đường ở vạch dành cho người đi bộ. Thấy có người chuẩn bị băng ngang thì xe luôn chủ động dừng trước đó vài mét, người đi bộ cứ thoải mái đi, chứ không cần phải đưa tay "xin đường" như ở Việt Nam. Dĩ nhiên, người vi phạm luật thì bị phạt không hề nhẹ: một người bạn của tôi đi bộ băng qua đường chỗ không có vạch (lẽ ra phải đi dưới hầm chui dành riêng cho khách bộ hành) liền bị cảnh sát phạt 700 rup (khoảng 280.000 đồng VN)!

Ở Nga, phương tiện giao thông chủ yếu là tàu điện (có cả tàu bánh sắt và bánh hơi), tàu điện ngầm (metro), xe buýt, taxi, ô-tô con, xe đạp. Xe điện và xe buýt chạy rất nhiều, các chuyến nối nhau liên tục, dù có khi rất thưa khách. Có rất ít mô-tô nên không có làn đường riêng mà chạy xen trong các làn ô-tô. Còn lại, với những quãng ngắn, người ta đều đi bộ. Sáng sáng, tôi hay đi qua một chiếc cầu bắc qua sông Moscow, dành cho người đi bộ, mới thấy Nga quan tâm việc đi bộ thế nào. Họ làm một cái nhà lồng lớn bằng kính trùm trên cả cây cầu để người đi trên cầu ở giữa sông mà không thấy lạnh; bên cạnh đó, có hai lối đi nhỏ hơn nằm ở sát thành cầu, nằm ngoài lồng kính đó, để khách bộ hành có thể tận hưởng khí trời và đón luồng gió thổi từ dưới sông lên. Cách một đoạn lại có một ô cửa lớn để không khí trong nhà lồng được trao đổi. Trên cầu có một số ghế tựa, để người đi đường mỏi chân có thể nghỉ, giải khát qua vài quầy bán nước giải khát tự động... Người đi tuần luôn dõi mắt theo từng khách, hễ ai bước cheo meo ra thành cầu đều được nhắc nhở...

Một góc thủ đô Moscow yên bình với những đàn bồ câu dạn dĩ.

Đến Moscow, tôi được nhiều người giới thiệu về các tòa nhà giống nhau như chị em song sinh, đều được khởi công vào ngày 7-9-1947. Đó là 7 trong 8 tòa nhà được nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin cho ý tưởng xây dựng và đích thân chỉ định vị trí và theo dõi tiến độ xây dựng một cách nghiêm ngặt. Nhưng trong kế hoạch xây dựng 8 tòa nhà này, chỉ có 7 tòa được hoàn tất. Các "tòa nhà Stalin" hay theo cách gọi của nhiều người dân Moscow là "bảy tòa nhà chị em" được coi là một thành tố quan trọng trong kiến trúc thủ đô Nga. Đó là các tòa nhà Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (trước đây là Đại học Quốc gia Moscow), Bộ Ngoại giao Nga, khách sạn Hilton Leningradskaya, khách sạn Radisson Royal, hai tòa chung cư (trước đây, các chung cư này dành cho cán bộ cao cấp của Liên Xô), một tòa nhà hành chính-dân cư. Trong đó, Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov nằm trên một ngọn đồi (xưa gọi là đồi Lênin) nhìn xuống dòng sông Moscow thực sự là một công trình kiến trúc độc đáo, xứng tầm với một trong những trường đại học danh tiếng nhất của Nga. Đến Moscow, không thể không tham quan Quảng trường Đỏ, nơi có Lăng Lênin, cùng với Điện Kremlin tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo.

Nhạc sĩ Trần Hoàn từng viết bài hát nổi tiếng "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh" với niềm xúc động khôn nguôi khi ở xứ lạ quê người lại nghe một làn điệu dân ca của dân tộc mình. Nhưng điều đó cũng cho thấy ở nước Nga xa xôi có không ít người Việt Nam làm việc, sinh sống. Những ngày ở Moscow, chúng tôi được ăn nhiều bữa ăn Việt tại các nhà hàng Việt, với thực phẩm được nhập từ Việt Nam sang, từ chai nước mắm đến hạt tiêu, từ con tôm đến miếng thịt gà... Phở, bún thịt nướng, bánh cuốn, lòng heo luộc, gà kho gừng, tôm rim thịt... đều đậm đà hương vị Việt, dù có bữa được phục vụ bởi những chàng trai cô gái Nga. Có bữa, trong nhà hàng còn nghe réo rắt tiếng nhạc, tiếng hát với những bài dân ca ba miền, những ca khúc trữ tình của Thu Hiền, Cẩm Ly... và cả bài nhạc trẻ của Sơn Tùng! Dù bên ngoài, biển hiệu nhà hàng được viết bằng tiếng Nga, chỉ có một biểu tượng mang đặc trưng Việt Nam là nhìn thấy rõ... Các con số thống kê không chính thức cho thấy có trên dưới 100.000 người Việt đang sinh sống tại Nga, mà chủ yếu là ở Moscow.

Đến Moscow, trái tim của nước Nga và Liên Xô trước đây, quê hương của Cách mạng tháng Mười, từng là trung tâm của một thành trì thế giới, tôi có điều kiện cảm nhận nhiều điều thú vị về con người và đất nước Nga xinh đẹp. Đâu đó ở Mạc Tư Khoa, tôi vẫn thấy "nụ cười Liên Xô" một thuở, những nụ cười hiên ngang, bất khuất và tràn đầy lạc quan, tin tưởng và cũng rất hiếu khách, thân thiện.

NGUYỄN MINH HẢI
Nguồn: cadn.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.