Chuyên mục
Người Việt ở Ukraina:
BÌNH LUẬN
Mắc bẩy của Obama hết. Trong khủng khoảng chính trị tại ukraina Mỹ cứ xúi giục EU đánh nhau với Nga rồi Nga thiệt hại...

Người Việt ở Ukraina: "Kịch bản xấu nhất cho Ukraina là nguy cơ ly khai"

Thứ hai 03/03/2014 12:00 GMT + 7
Kịch bản xấu nhất cho Ukraina là nguy cơ ly khai và tiếc thay, đây lại là kịch bản hiện thực nhất trong thời điểm này - Tham tán, Phó Đại sứ Việt Nam tại Ukraina Nguyễn Phan Hồng Hải nhận định. Ông cho rằng, nguy cơ “đại chiến giữa Nga và phương Tây” tại Ukraina sẽ không xảy ra. Ông Hồng Hải trả lời phỏng vấn của Lao Động xung quanh sự kiện nóng bỏng này.

- Phó Đại sứ có thể cập nhật diễn biến mới nhất về căng thẳng hiện nay?

- Diễn biến căng thẳng tại Ukraina đang hết sức phức tạp. Ngay cả những chuyên gia sở tại có uy tín cũng như trên thế giới đều có chung nhận định: “Không thể dự đoán trước điều gì, mà phải theo dõi từng giây, từng phút”.

Hôm 1.3, tôi có trao đổi với Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Ukraina - Việt Nam tại Kiev. Ông tỏ ra hết sức lo lắng và hy vọng “ngày mai trời lại sáng, để mọi chuyện diễn biến tốt đẹp lên”. Song quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược của chính phủ Ukraina - trong một đối thoại với tôi - có nói rằng: “Kịch bản buồn nhất, xấu nhất của Ukraina là ly khai. Tiếc thay, đây lại là kịch bản hiện thực nhất trong thời điểm này”.

- Ukraina cảnh báo nguy cơ chiến tranh với Nga, sau khi Nga điều quân đến bán đảo Crimea. Mỹ cũng đe dọa “sẽ trừng phạt” nếu Nga đưa quân vào Ukraina. Có bi quan khi nhận định Ukraina đang như “thùng thuốc súng” chờ nổ?

- Như tôi đã nói ở trên, diễn biến thực sự khó lường. Vì, Ukraina không thể tự quyết định được vận mệnh của mình trong lúc này. Chính sách của Ukraina trong vòng 21 năm qua, qua 4 đời tổng thống và các lực lượng chính trị thay nhau lên nắm quyền, bề ngoài đều nhấn mạnh đến chính sách cân bằng giữa Đông và Tây; tức là họ tích cực đẩy mạnh quan hệ với láng giềng Nga - nơi có những mối quan hệ có thể nói là máu thịt về văn hóa, lịch sử. Nga cũng có lượng kiều dân đông đảo ở Ukraina.

Song Ukraina cũng đồng thời triển khai chính sách hướng tây, tức tăng cường quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU) nhằm tiến tới ký hiệp định liên kết theo mô hình dân chủ của phương Tây. Ukraina đang chờ đợi phương Tây thực hiện những lời hứa - mà từ góc độ cá nhân tôi đánh giá - chỉ là hão huyền.

Phương Tây cam kết sẽ rót tiền để thực hiện kế hoạch “Marshall” tại Ukraina (như chương trình viện trợ của Mỹ cho Châu Âu sau Đại chiến thế giới II); song tôi cho rằng đây chỉ là "bánh vẽ", chủ yếu mang tính trục lợi là nhiều hơn.

- Thế giới đang dồn sự chú ý vào Ukraina, với những cảnh báo "nóng" về “nguy cơ đại chiến Nga - EU” có thể nổ ra tại đây. Từ góc độ phân tích của ông, liệu kịch bản này có diễn ra?

- Có thể thấy rất rõ sự tranh chấp giữa Đông và Tây đang diễn ra mạnh mẽ ở Ukraina. Ukraina là địa bàn địa chính trị quan trọng nhất đối với an ninh của Nga, nên chính quyền Nga tất nhiên không thể bỏ qua những diễn biến vừa qua. Đêm qua, tôi có thức suốt đêm để đọc tất cả các luồng, các ý kiến trái chiều để đoán định liệu có xảy ra cuộc chiến Đông-Tây tại Ukraina không? Với những diễn biến cho đến thời điểm này, tôi cho rằng câu trả lời sẽ là: Không.

- Vì sao, thưa ông?

- Các nước lớn sẽ phải ngồi vào với nhau và đi đến một thỏa hiệp trên lưng Ukraina. Không ai muốn có chiến tranh cả. Nga không muốn và Mỹ cũng không. Tất cả các hành động của Nga - cho đến thời điểm hiện tại - mới chỉ là biểu dương lực lượng. Sức mạnh quân sự của Nga hiện đang tăng, dù có khó khăn về phát triển kinh tế.

Sức mạnh mềm của Nga với Ukraina là cực kỳ lớn. Có câu: “Nước xa không cứu được lửa gần”. Nga ngay sát cạnh Ukraina, sự gắn bó máu thịt trong quan hệ với Ukraina là chắc chắn. Trong lúc Mỹ không chỉ ở xa, mà còn đang phải vật lộn với những khó khăn kinh tế và sự sa lầy quân sự ở nhiều điểm "nóng" thế giới.

Trong khi đó, Châu Âu chưa thoát khỏi "bóng ma" nợ công. Họ cũng rất oải và không đủ điều kiện, không đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến ở Ukraina. EU sẽ không vì cái gọi là “cách mạng dân chủ ở Ukraina” để đối đầu với Nga vào lúc này.

Đổi lại, Nga mặc dù vẫn có thể căng hơn nữa, dấn thêm nữa vào tình hình căng thẳng ở Ukraina, song chắc chắn cũng phải tính tới điểm dừng; vì Nga cần bán khí đốt sang Châu Âu, trong bối cảnh kinh tế có những khó khăn nhất định. Nga cũng cần phải có quan hệ quốc tế để không rơi vào tình trạng cô lập như thời kỳ Chiến tranh lạnh. Song, tôi có thể nói ưu thế đang thuộc về Nga, chứ không phải phương Tây.

- Thưa ông, trước đây Ukraina đã đối mặt với căng thẳng ly khai này chưa?

- Thực sự, đây là hậu quả của lịch sử để lại. Ly khai ở Crimea có lịch sử hết sức lâu đời từ thời Sa hoàng ở Nga. Cuộc chiến ở Crimea đã kéo dài mấy trăm năm dưới thời Sa hoàng, với những hậu quả rất lớn cho nước Nga trong lịch sử. Đây là mảnh đất đầy rẫy phức tạp và biến động. Yếu tố ly khai ở Crimea tiếp tục xuất hiện dưới thời Xôviết, khi bán đảo này được trao cho Ukraina và chính quyết định này là mầm mống tạo ra những diễn biến bất ổn hiện nay.

- Như vậy, với nhận định của ông, nguy cơ ly khai là nhãn tiền, song “đại chiến Đông-Tây” sẽ không nổ ra tại Ukraina?

- Phong trào ly khai chắc chắn sẽ ngày càng lan rộng và chính quyền sở tại sẽ không thể kiềm chế được. Đây là công việc nội bộ của người Ukraina, là sự đối đầu giữa lực lượng thân phương Tây và thân Nga. Nguy cơ ly khai không chặn được, song sự đối đầu quân sự giữa Đông-Tây tại Ukraina sẽ không diễn ra.

- Xin cảm ơn Phó Đại sứ!

(Tô Phương Thuỷ thực hiện)

Ông Nguyễn Phan Hồng Hải: Đại sứ quán sẵn sàng di dời kiều bào trong trường hợp có chiến sự. Ukraina là quốc gia có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp nhiều năm nay. Tôi nghĩ rằng, mỗi người Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài đều rất quan tâm dõi theo tình hình này, vì nó không chỉ ảnh hưởng nhất định đến quan hệ giữa Việt Nam với chính quyền sở tại của Ukraina, mà đồng thời còn ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng hơn chục nghìn người Việt Nam ở Ukraina. Các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina trong thời gian qua - không kể ngày đêm - luôn quan tâm sát sao diễn biến tình hình để kịp thời bảo vệ lợi ích cộng đồng. Đại sứ quán cũng đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, bao gồm di dời người dân trong trường hợp xảy ra chiến sự.


 

Người Việt tại Kharkov: sinh sống bình thường

Một đại diện của cộng đồng người Việt ở Kharkov xin giấu tên nói với Tuổi Trẻ: “Cuộc sống thực tế căng thẳng chủ yếu là về mặt tâm lý chứ cuộc sống hằng ngày vẫn bình thường. Bà con đi chợ vì tâm lý người ta mua sắm có ít đi chứ mọi thứ vẫn hòa bình”.

“Tạm thời có vụ xung đột hôm 1-3 sau khi những người thân Nga đẩy lui những người ủng hộ Maidan (ủng hộ chính quyền mới ở Kiev) ra khỏi tòa nhà chính quyền địa phương. Có một người kéo cờ Nga ở tòa nhà chính quyền nhưng sau đó đã hạ cờ xuống. Tỉnh trưởng Kharkov hôm qua có tuyên bố sẽ đảm bảo tình hình để không xảy ra bạo lực, ông không có tuyên bố là theo bên nào cả. Tình hình ở Kharkov vẫn yên ả nhưng ở một số tỉnh miền đông và đông nam như Donestk tình hình đáng ngại hơn, nguy cơ ly khai cao hơn” - ông nói.

Vị đại diện này cũng nói người Việt giờ có “lo lắng nhưng vẫn đang xem diễn biến thế nào trước khi quyết định hành động”. Một số người Việt cũng hỏi và bàn bạc về chuyện về nước vì báo chí ở đây rất nhiều phe, thông tin hỗn loạn và khác nhau.

Đoàn Mạnh Cường, 24 tuổi và đang học thạc sĩ về răng hàm mặt, cũng thừa nhận “tình hình khá là gay” sau những diễn biến mới. “Người Việt phần lớn biết tiếng Nga chứ tiếng Ukraine thì biết ít nên thông tin rất hỗn loạn và có nhiều lời đồn đoán - Cường nói - Một số người lo sợ nếu chiến tranh xảy ra thì không chạy về được. Ít nhất ba người tôi quen đã nói đang chuẩn bị để về nước lánh tạm chờ cho tình hình ổn định trở lại”. Riêng Cường nói đang chờ học nốt đến tháng 10 này xong thì sẽ về nước.

“Hiện nhiều người buôn bán cũng kêu khó khăn vì đồng hryvnia đã mất giá, từ 8 hryvnia ăn 1 USD lên 11 hryvnia ăn 1 USD” - Cường nói.

Theo báo Tuổi trẻ
Nguồn: nld.com.vn, tuoitre.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.