Chuyên mục
8 năm Việt Nam gia nhập WTO: Nhiều cán bộ vẫn còn lơ mơ về hội nhập
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

8 năm Việt Nam gia nhập WTO: Nhiều cán bộ vẫn còn lơ mơ về hội nhập

Chủ nhật 20/09/2015 02:38 GMT + 7
Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Uông Chu Lưu tại phiên họp của Ủy ban thường vụ QH cho ý kiến vào Báo cáo của đoàn giám sát về kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới - WTO.

Tạo việc làm cho gần 13 triệu lao động

Báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày nêu rõ: Từ ngày 11.1.2007, việc trở thành thành viên WTO đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong giai đoạn 2007 - 2014 đạt 5,94%. “Nếu như năm 2007, xuất khẩu hàng hóa xếp thứ 50 thì năm 2014 xếp thứ 34; nhập khẩu hàng hóa năm 2007 xếp thứ 41 thì năm 2014 xếp thứ 32. Xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ năm 2007 xếp thứ 59 thì năm 2013 xếp thứ 54” - ông Giàu nói. Theo ông Giàu, đến nay Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 230 nước, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, ông Giàu cũng lưu ý, khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, chịu sức ép phải tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ… của các đối tác. Đây vừa là cơ hội để tự nâng cao năng lực, vừa là thách thức vì đa số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu công nghệ, vốn và kinh nghiệm, quản trị và quy trình sản xuất chưa hiện đại.

Ông Giàu cũng cho rằng, việc gia nhập WTO đã khiến thị trường lao động Việt Nam ngày càng phát triển, trong giai đoạn 2007 - 2014, cả nước tạo việc làm cho 12,613 triệu lao động. Thị trường lao động làm việc nước ngoài được củng cố, phát triển, từ năm 2007 đến nay, cả nước có trên 694.000 lao động làm việc ở nước ngoài, góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp, đóng góp tích cực vào gia tăng dự trữ ngoại hối qua con đường kiều hối.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng báo cáo chưa nêu được thành quả sau 8 năm gia nhập WTO đã thực sự tương xứng với mục tiêu, kỳ vọng ban đầu chưa? Báo cáo phải chỉ rõ: Người Việt Nam hưởng lợi gì và đứng trước áp lực gì của quá trình tham gia vào WTO? “Theo tôi cần có đánh giá đến vấn đề cung - cầu lao động, giá trị trên thị trường lao động và sự cạnh tranh trong lĩnh vực này như thế nào. Bên cạnh đó, phải có đề xuất cụ thể giải pháp để tăng năng suất lao động. Vừa qua, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng LĐLĐVN tranh luận rất gay gắt về tăng lương và năng suất lao động. Nếu không có biện pháp giải quyết sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh, năng suất không tăng sẽ không đảm bảo tiền lương bền vững” - bà Mai nói.

Cán bộ còn lơ mơ về chủ trương hội nhập

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, từ khi gia nhập, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài, năm 2014 thu hút 21 tỉ USD. Tuy nhiên, mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước chưa phát huy tác dụng. DN trong nước ban đầu chịu lép vế hơn song chính sách lại ưu ái cho DN nước ngoài. Về quản trị, từ khi có đầu tư nước ngoài vào có nhiều đổi mới, bài học tiếp thu được. Có chuyên gia nói có nghịch lý hiện nay cần trả lời. Đó là càng hội nhập, quy mô doanh nghiệp Việt Nam càng nhỏ đi, số lượng lao động trong doanh nghiệp đó rất ít, chỉ mấy chục người do phải cạnh tranh ngày càng khó. “Khi hội nhập thì có chuyển biến từ cấp uỷ, chính quyền các bộ, ngành thế nào. Có chuyên gia nói nhiều cán bộ lơ mơ về chủ trương hội nhập, nên tổ chức chỉ đạo thiếu nhất quán, là nguyên nhân ảnh hưởng đến cạnh tranh, nên khi nói chuyển dịch mô hình kinh tế, tái cơ cấu đầu tư này khác bị ảnh hưởng rất lớn” - Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, cuộc giám sát là cơ hôi để nhìn lại tiến trình kể từ khi hội nhập WTO đến nay, rút ra bài học kinh nghiệm để chuẩn bị cho việc hội nhâp Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương - TPP. Đây là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức lớn, phải vượt qua, biến thách thức thành cơ hội nhằm đạt các chỉ tiêu và mục tiêu chung toàn bộ kinh tế mở cửa thị trường. Hội nhập sâu rộng về kinh tế cũng tạo cơ hội hội nhập cả về chính trị, quốc phòng, đối ngoại, tạo vị thế đất nước. “Báo cáo đã nêu tăng trưởng kinh tế duy trì được tốc độ khá hơn nhưng chất lượng bên trong thế nào? Báo cáo đã nêu được số liệu tăng được bao nhiêu phần trăm nhưng nói thế vẫn là nói cái vỏ” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Nguồn: laodong.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.