Chuyên mục
Ukraine và NATO cần gì ở nhau?

Ukraine và NATO cần gì ở nhau?

Thứ ba 30/04/2024 18:24 GMT + 7

Vũ khí tiên tiến cùng với sự rõ ràng về yêu cầu để đạt được tư cách thành viên là những gì Kiev muốn có câu trả lời dứt khoát từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

 

Tổng thống Ukraine Zelensky cùng lãnh đạo các nước NATO tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Vilnius, Lithuania, tháng 7/2023. Kết thúc Hội nghị, Ukraina không nhận được lời mời gia nhập liên minh. (Nguồn: Anadolu Agency)


Nếu không có sự hỗ trợ quân sự mới từ Mỹ, lực lượng trên bộ của Ukraine sẽ không thể giữ vững phòng tuyến trước sức mạnh của quân đội Nga. Trong bối cảnh đó, Hạ viện Mỹ phải bỏ phiếu càng sớm càng tốt để thông qua gói chi tiêu khẩn cấp mà Thượng viện đã thông qua với tỷ lệ áp đảo vào tháng 2 vừa qua. Ưu tiên cấp bách nhất là cung cấp kinh phí để tiếp tế đạn pháo, tên lửa phòng không, tên lửa tấn công và các nhu yếu phẩm quân sự quan trọng khác cho Kiev.

Ukraine cần gì ở NATO


Nhưng ngay cả khi Ukraine nhận được những hỗ trợ cần thiết này từ các đồng minh, câu hỏi cơ bản vẫn là: Làm thế nào để giúp Ukraine đảm bảo tương lai cho chính họ? Đó là câu hỏi mà các nhà lãnh đạo NATO cần phải trả lời khi họ gặp nhau vào tháng 7 tới tại Washington nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh.

Đối với NATO, xung đột giữa Nga với Ukraine không đơn thuần chỉ vì lãnh thổ. Nó còn liên quan đến tương lai chính trị của Ukraine. Đại đa số người dân Ukraine muốn đất nước họ trở thành thành viên của NATO và Liên minh châu Âu (EU).

 

Từ năm 2023, EU đã mở các cuộc đàm phán về việc kết nạp với Ukraine. Nhưng quá trình này sẽ mất nhiều năm để hoàn thành. Trong khi đó, Ukraine đang tìm kiếm lời mời gia nhập càng sớm càng tốt từ NATO. Thế nhưng, các nước NATO dường như lại đang bị chia rẽ về việc khi nào Kiev nên tham gia.

Một số thành viên, dẫn đầu là các nước vùng Baltic, Ba Lan và Pháp, muốn liên minh đưa ra lời mời chính thức tại Hội nghị thượng đỉnh Washington vào tháng 7 năm nay. Họ tin rằng việc các khoảng trống an ninh ở châu Âu tồn tại quá lâu khiến Nga có cơ hội lấp đầy những vùng xám đó như đã làm với Ukraine, Gruzia và Moldova.

Trong khi đó, các thành viên khác, bao gồm cả Mỹ và Đức, lại không sẵn sàng tiến nhanh như vậy trong việc kết nạp Ukraine vào NATO. Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm Mark Rutte, người có thể sẽ trở thành Tổng thư ký tiếp theo của NATO, đã tóm gọn quan điểm này tại Hội nghị an ninh Munich hồi tháng 2 vừa qua rằng: “Chừng nào xung đột còn tiếp diễn, Ukraine không thể trở thành thành viên NATO”.

Các cựu quan chức cũng đã đề xuất nhiều ý tưởng khác nhau để thu hẹp khác biệt về quan điểm này. Một là đưa ra lời mời tới Ukraine nhưng không thực hiện cho đến một thời điểm không xác định nào đó. Đây sẽ là hành động tượng trưng cho có, bởi không có điều khoản nào trong Hiệp ước được áp dụng cho đến khi tất cả 32 thành viên phê chuẩn việc Ukraine gia nhập. Một ý tưởng khác là mời Ukraine bắt đầu đàm phán gia nhập, mượn mô hình từ quá trình mở rộng của EU. Tuy nhiên, các ứng cử viên EU muốn đi theo con đường quen thuộc, áp dụng và thực thi bộ luật của EU trong nhiều năm.

Quy trình tương tự tại NATO là Kế hoạch Hành động thành viên (MAP), nhưng tại thượng đỉnh Vilnius vào năm 2023, các thành viên NATO đã nhất trí Kiev đã đáp ứng “quá đủ điều kiện” cho quy trình này. Trừ khi xác định rõ ràng mục tiêu và thời gian diễn ra của các cuộc đàm phán, việc mời Ukraine bắt đầu các cuộc đàm phán sẽ khiến nước này rơi vào “thế chấp chới” mà họ đang mắc kẹt từ năm 2008, khi NATO chấp thuận Ukraine “sẽ trở thành” thành viên của liên minh.

Hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tháng 7 tới có thể sẽ tạo cơ hội thu hẹp khoảng cách này và xây dựng đồng thuận trong liên minh về Ukraine. Bước đầu tiên là làm rõ những cải cách Ukraine cần hoàn thành và những điều kiện nước này cần đạt được trước khi có thể gia nhập liên minh.

Thứ hai, NATO cần đảm nhận việc điều phối hỗ trợ quân sự được cung cấp bởi liên minh hơn 50 quốc gia, giúp Ukraine xây dựng một quân đội hiện đại, có khả năng phối hợp tác chiến. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo NATO cần tăng cường hỗ trợ khả năng phòng thủ của Ukraine bằng cách cung cấp các loại vũ khí tiên tiến, chẳng hạn như tên lửa tầm xa, loại vũ khí mà một số thành viên NATO không sẵn lòng cung cấp.

Tương lai NATO của Ukraine


Tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius ở Lithuania tháng 7/2023, thay vì nhất trí đưa ra lời mời mà Ukraine mong muốn, các nhà lãnh đạo NATO đã trì hoãn xử lý vấn đề này, hứa hẹn rằng “tương lai của Ukraine là ở NATO”, đồng thời lưu ý rằng họ sẽ chỉ đưa ra lời mời “khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”.

Mặc dù Ukraine có thể sẽ không được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh tại Washington, nhưng ý tưởng từ Hội nghị Vilnius lại gợi ý cho hướng đi phía trước: NATO phải làm rõ những điều kiện nào Ukraine phải đáp ứng, sau đó mời Kiev tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp tại Hội đồng NATO-Ukraine về thời điểm và cách thức thực hiện những điều kiện này.

Để đạt được đồng thuận giữa các đồng minh, các nhà lãnh đạo NATO sẽ phải thống nhất 2 điều kiện trước khi chính thức mời Ukraine gia nhập liên minh. Đầu tiên, Ukraine phải hoàn tất cải cách dân chủ, chống tham nhũng và an ninh được nêu trong Chương trình thường niên quốc gia của Ukraine - cấu trúc chính thức chuẩn bị cho Kiev trở thành thành viên NATO.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Washington, các nhà lãnh đạo NATO có thể sẽ cam kết trợ giúp Kiev hoàn tất những cải cách này trong vòng một năm. Thứ hai, cuộc xung đột ở Ukraine phải chấm dứt. Chừng nào xung đột quân sự còn diễn ra ở Ukraine, tư cách thành viên của nước này trong liên minh vẫn có thể dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa NATO với Nga - canh bạc mà hầu hết các thành viên NATO không sẵn sàng đánh cược.

Trước khi điều kiện thứ hai có thể được đáp ứng, NATO phải xác định như thế nào mới được coi là kết thúc thỏa đáng cho cuộc chiến Nga-Ukraine. Cuộc chiến này không thể coi là kết thúc chỉ bởi nó yêu cầu một thỏa thuận hòa bình - điều rất khó để đạt được trong thời gian sớm. Niềm tin phổ biến rằng tất cả cuộc chiến đều kết thúc thông qua đàm phán là sai lầm.

Hầu hết các cuộc xung đột đều kết thúc bằng việc cả 2 bên đều kiệt sức hoặc một bên giành chiến thắng mà hầu như không cuộc chiến nào kết thúc được bằng thương lượng hoà bình. Trong tương lai, kết quả tốt nhất có thể hy vọng là cuộc chiến sẽ rơi vào trạng thái “đóng băng” - sự thù địch dừng lại khi chưa có được giải pháp chính trị mà các bên đều hài lòng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Washington tới đây, các nhà lãnh đạo NATO có thể sẽ đồng thuận mời Ukraine gia nhập một khi cuộc xung đột tại Ukraine đã kết thúc một cách thỏa đáng: Hoặc Ukraine giành chiến thắng, điều rất khó xảy ra, hoặc thông qua một lệnh ngừng bắn hay đình chiến lâu dài. Sau khi Ukraine gia nhập NATO, cam kết phòng thủ tập thể của liên minh theo Điều 5 sẽ chỉ áp dụng cho các vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Kiev. Điều kiện này là rất khó chấp nhận đối với Kiev, bởi họ lo sợ đất nước sẽ bị chia cắt lâu dài. Tuy nhiên, viễn cảnh cuộc xung đột đóng băng có thể khiến Kiev quyết định củng cố lãnh thổ mà nước này kiểm soát và đảm bảo tư cách thành viên NATO. Các nhà lãnh đạo liên minh có thể sẽ cần làm rõ rằng nếu giao tranh tái diễn do các hành động quân sự của Ukraine thì Điều 5 sẽ không được áp dụng.

Trong lịch sử, từng có trường hợp mở rộng đảm bảo an ninh cho một quốc gia đối với vùng biên giới tranh chấp. Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung giữa Mỹ và Nhật Bản, được ký năm 1960, cam kết Mỹ chỉ bảo vệ “lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản”, chứ không bao gồm các vùng lãnh thổ phía Bắc bị Liên Xô chiếm giữ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Tương tự, khi Cộng hòa Liên bang Đức gia nhập NATO vào năm 1955, Điều 5 cũng chỉ áp dụng cho Tây Đức, còn Đông Đức, bao gồm cả vùng đất dân chủ ở Tây Berlin, đã bị loại trừ cho đến khi nước Đức thống nhất vào năm 1990. Trước khi được cấp tư cách thành viên, Tây Đức phải đồng ý “không bao giờ sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu thống nhất nước Đức hoặc sửa đổi ranh giới hiện tại của Cộng hòa Liên bang Đức”.

Cũng dễ hiểu khi tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius năm 2023, các quan chức Ukraine lo ngại rằng các điều kiện là “mật mã” cho các mục tiêu không cố định. Chừng nào NATO không xác định các điều kiện, tổ chức này luôn có thể tạo thêm rào cản để Ukraine giải quyết. Ukraine xứng đáng nhận được câu trả lời rõ ràng, và NATO cần xác định thuật ngữ cho sự thống nhất và gắn kết nội bộ của chính tổ chức này. Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, tất cả 32 thành viên sẽ phải thống nhất xung quanh sự hiểu biết chung về con đường trở thành thành viên NATO của Ukraine.

 


Tổng thống Ukraine tại Thượng đỉnh NATO ở Lithuania, tháng 7/2023. (Nguồn: Sputnik)

 

Điều kiện tiên quyết cho Kiev


Có thể, việc phải chấm dứt xung đột vũ trang là điều kiện tiên quyết để Ukraine gia nhập NATO sẽ là một trong những lý do để Moscow kéo dài cuộc xung đột. Chừng nào chiến dịch đặc biệt của Nga còn tiếp tục, thì NATO sẽ không chấp nhận Ukraine là thành viên mới. Đó là lý do Kiev và đồng minh phải thể hiện sự quyết tâm của họ. Họ phải thuyết phục được Moscow rằng Nga đang tiến hành một cuộc chiến không thể thắng. Và để làm được điều đó, các nhà lãnh đạo NATO cần nhất trí về 3 biện pháp bổ sung, tất cả đều nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine và giúp nước này xây dựng quân đội hiện đại.

Đầu tiên, NATO phải thay thế Mỹ lãnh đạo Nhóm Liên kết Phòng thủ Ukraine (UDCG) - liên minh gồm khoảng 50 quốc gia hội kiến thường xuyên để thảo luận về nhu cầu quân sự của Ukraine và quyết định quốc gia nào sẽ cung cấp thiết bị cần thiết. Việc mở rộng vai trò của NATO sẽ thể chế hóa hỗ trợ của liên minh dành cho Ukraine, đảm bảo tính liên tục khi cam kết của Mỹ đối với Ukraine đang bị nghi ngờ.

Thứ hai, NATO phải hợp tác với Ukraine để đưa ra tầm nhìn dài hạn cho quân đội nước này. Hiện tại, nhiều liên minh đang tập trung vào các yếu tố khác nhau: Rà phá bom mìn, năng lực của máy bay F-16, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xe thiết giáp và pháo binh, cũng như khả năng tấn công tầm xa. NATO có thể và nên phối hợp với những nỗ lực này để giúp quân đội Ukraine phát triển thành một lực lượng thống nhất và có đầy đủ khả năng phối hợp tác chiến.

Thứ ba, NATO nên thành lập một phái bộ huấn luyện cho Ukraine, đảm nhận việc phối hợp huấn luyện các lực lượng Ukraine từ Mỹ, Vương quốc Anh và các quốc gia khác. Huấn luyện có ý nghĩa quan trọng đối với binh sĩ Ukraine đang ở trên chiến trường cũng như khả năng phối hợp tác chiến của lực lượng Ukraine trong tương lai.

Mục đích của 3 biện pháp trên không phải giảm sự tham gia của từng quốc gia mà là nâng cao hiệu quả của những nỗ lực hỗ trợ Ukraine hiện nay bằng cách đưa chúng vào phạm vi quản lý của NATO. Việc thể chế hóa những chức năng này trong NATO sẽ gửi tín hiệu đến Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng sự hỗ trợ mạnh mẽ của phương Tây dành cho Ukraine sẽ khiến Moscow gặp khó khăn.

 


Mỹ và nhiều nước phương Tây đã cam kết cung cấp vũ khí cho Ukraine. (Nguồn: Reuters)


NATO có an toàn hơn nếu kết nạp Ukraine?


Tuy nhiên, không có nỗ lực dài hạn nào có ý nghĩa nếu Ukraine thất bại trong cuộc xung đột đang diễn ra. Đó là lý do tại sao NATO phải tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine và xem xét viện trợ cho Kiev những loại vũ khí hiện đang không được cung cấp, chẳng hạn như tên lửa ATACMS của Mỹ và tên lửa tầm xa Taurus của Đức.

Khi xung đột mới nổ ra, các thành viên NATO đã tìm cách cân bằng giữa hỗ trợ dành cho Ukraine với nhu cầu tránh đối đầu trực tiếp với Nga. Các nước NATO đã hạn chế các loại vũ khí mà họ sẽ gửi và hạn chế cách thức mà lực lượng Ukraine được phép sử dụng chúng, chẳng hạn như cam kết không được tấn công vào lãnh thổ của Nga.

Sự do dự ban đầu của phương Tây là điều dễ hiểu. Nhưng một số quốc gia đã quá thận trọng trong thời gian dài. Một số thành viên NATO, như Đức và Mỹ, đã bày tỏ lo ngại khi gửi đi mọi thứ, từ xe tăng đến máy bay chiến đấu F-16. Nhưng tình hình đã thay đổi. Cuối cùng cũng nhận được sự chấp thuận từ Mỹ vào năm 2023, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy sẽ sớm gửi F-16 tới Kiev. Anh và Pháp là những quốc gia đầu tiên gửi tên lửa tầm xa vào năm 2023, giúp Ukraine có thể tấn công các mục tiêu ở Crimea…

Có ranh giới rõ ràng giữa việc đối đầu trực tiếp với lực lượng Nga và việc cung cấp cho Ukraine các phương tiện để tự vệ. Việc sử dụng lực lượng chiến đấu của NATO sẽ là sai lầm. Nhưng việc cung cấp cho Ukraine các khóa đào tạo, tình báo, giám sát, gây nhiễu và thiết bị quân sự lại là đúng đắn. Các thành viên NATO đã phải vật lộn trong việc tìm ra sự cân bằng thích hợp giữa nỗi sợ leo thang và niềm tin vào khả năng răn đe. Mặc dù NATO nên tiếp tục cảnh giác để tránh leo thang, nhưng họ có thể làm nhiều hơn để đảm bảo rằng Nga không giành chiến thắng.

Bên cạnh đó, NATO vẫn tiếp tục mở rộng về phía Đông, vốn cũng là một trong những lý do khiến Moscow tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine để ngăn chặn quá trình này. Nhưng hành động đó của Moscow lại khiến khả năng Ukraine trở thành thành viên NATO gia tăng thay vì giảm đi. Và khi Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4/2023 với chất xúc tác được cho là do Moscow tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, biên giới đất liền của NATO với Nga đã tăng hơn gấp đôi.

Việc Thụy Điển gia nhập hồi đầu tháng 3/2024 đã biến biển Baltic thành “cái hồ” của riêng NATO. Và nếu Ukraine sớm trở thành thành viên NATO, thì cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng có thể được cho là một lý do giúp đẩy nhanh quá trình ra nhập NATO của Kiev với lập luận như vậy thì chính Ukraine cũng như toàn bộ châu Âu sẽ trở nên an toàn hơn.

 

NHẤT PHONG

Nguồn: baoquocte.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.