Chuyên mục
Thêm những bé 'con nuôi' ở chùa Bồ Đề được giải cứu
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Thêm những bé 'con nuôi' ở chùa Bồ Đề được giải cứu

Thứ tư 06/08/2014 21:19 GMT + 7
Ở thời điểm bị bắt, Nguyệt đang sở hữu bốn đứa “con nuôi” từ sáu tháng đến hai tuổi, trong đó có bé Cù Nguyên Công mà Nguyệt khai là đã chết vì bệnh phổi.

Liên quan đến Phạm Thị Nguyệt, người đã mua bé Cù Nguyên Công với giá 35 triệu đồng từ Nguyễn Thị Thanh Trang (người quản lý khu nuôi trẻ của chùa Bồ Đề), cơ quan điều tra đã tìm thấy nhiều giấy khai sinh, chứng sinh, giấy cho-nhận con nuôi được cất giữ tại nhà Nguyệt.

Nguồn gốc bất minh của những đứa “con nuôi”

Tại một con ngõ nhỏ nằm trên phố Giáp Nhị, P.Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội, Phạm Thị Nguyệt thuê nhà sống cùng chồng là Phạm Văn Hữu, quê ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.


Căn nhà mà Nguyệt nuôi những đứa “con nuôi”

Anh Hữu làm nghề lái xe taxi, thu nhập trung bình, nên căn nhà thuê chỉ đủ để kê một chiếc giường đôi, một khoảng trống nhỏ để vừa chiếc võng xếp. Tất cả các bé đều được cho, nhận bằng giấy viết tay, như cách mà Nguyệt và Trang đã yêu cầu Trần Thị Thu H. viết khi bán bé Cù Nguyên Công.

Khi bị bắt, Nguyệt đã lợi dụng hai “con nuôi” là Phạm Đức Anh, Phạm Gia Hân để kêu khóc, ăn vạ. Nguyệt còn thản nhiên yêu cầu các trinh sát: “Các anh phải đợi để em còn cho con em bú đã rồi đi đâu thì đi”.

Tuy nhiên, khi các trinh sát đưa ra các tài liệu khẳng định Nguyệt không thể mang thai, những đứa “con nuôi” mà Nguyệt đang sở hữu đều không đúng thủ tục pháp lý, Nguyệt mới cúi đầu nhận tội.

Giải thích về việc phải đi thuê nhà trọ, thu nhập thấp, nhưng lại nuôi tới bốn đứa trẻ ở tầm tuổi còn quá nhỏ, Nguyệt nói: “Vì thương các cháu và muốn nuôi các cháu, coi các cháu như con mình. Riêng bé Cù Nguyên Công, em tốn kém hàng trăm triệu chữa bệnh cho cháu và đưa sang tận Thái Lan chữa bệnh”. Thế nhưng, khi giải thích về nguồn tiền để mua bé Công, Nguyệt lại nói: “Em phải đi vay lãi để đưa cho H. và Trang, coi như đó là chút tiền bồi dưỡng vì họ đã có công sinh ra con em”.

Nguyệt còn cho biết, đầu năm 2012 đã từng gặp Nguyễn Thị Thanh Trang và gửi một em bé bị bỏ rơi nhiễm HIV vào chùa. Đứa bé này do Nguyệt nhặt được, hiện vẫn đang sống trong chùa Bồ Đề.

Sinh nở chỉ cách quãng… vài ngày

Chiều 4/8, chúng tôi tìm về Trình Viên, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội để xác minh thông tin về ngôi mộ của bé Cù Nguyên Công mà Nguyệt khai đã chôn ở quê chồng vào tháng 6/2014.

Tại đây, bà Đinh Thị Tươi (mẹ chồng Nguyệt) kể: “Tháng 3/2014, Nguyệt đưa về ba đứa trẻ là Phạm Đức Anh, Phạm Gia Bảo (tên do Nguyệt đặt cho bé Cù Nguyên Công), Phạm Gia Hân về nhà chơi. Cả Hữu và Nguyệt đều nói đó là con đẻ của chúng. Nguyệt nói dối rằng Gia Hân - Gia Bảo là một cặp sinh đôi, còn bé Đức Anh do Nguyệt sinh trước đó hơn một năm.

Đối tượng Nguyệt

Trong lòng tôi không tin lắm, vì nếu nó sinh thì ít nhất tôi phải biết nó mang bầu vào lúc nào chứ! Trong khoảng thời gian cách đây vài năm, hầu như tháng nào Nguyệt cũng theo chồng về nhà rồi lại đi. Chúng tôi ngỡ ngàng lắm, nhưng vì Hữu khăng khăng nhận là con nó thì chúng tôi không còn cách nào khác là phải tin. Từ khi có con, không bao giờ Nguyệt về nhà chồng nữa”.

Ngày 21/6, bà Tươi nhận được điện thoại của anh Hữu thông báo bé Gia Bảo ốm nặng khó qua khỏi, đang ở bệnh viện nên vội vàng thu xếp đến bệnh viện, nhưng chiều hôm sau 27/6, cháu Gia Bảo đã qua đời vì bệnh sởi biến chứng.

Trong đêm, gia đình bà Tươi đã đưa xác cháu bé về chôn cất tại nghĩa trang của thôn. Sau khi cúng ba ngày cho cháu bé, Nguyệt nhờ bà Tươi hàng ngày thắp hương, cúng cơm cho bé Gia Bảo rồi ra Hà Nội.

Kể từ đó, cô ta không một lời hỏi han đến việc cúng kiến cho cháu bé. Cách đây ít ngày, Nguyệt và Hữu về xã làm thủ tục đăng ký kết hôn. Gần một tuần sau thì Nguyệt bị cơ quan công an bắt giữ về hành vi “mua bán trẻ em”.

Tại thời điểm bị phát hiện đang sở hữu hai “con nuôi” trái phép, Nguyệt cũng lưu giữ nhiều giấy chứng sinh giả mạo mang tên Nguyệt là mẹ đẻ. Trong đó thể hiện, khoảng cách các lần sinh nở chỉ cách nhau... vài ngày.

Bên cạnh đó, một số giấy khai sinh đứng tên Nguyệt là mẹ đẻ, có tên các cháu khác nhau, nhưng phần tên của người bố để trống. Ngay khi hay tin được mời về trụ sở công an làm việc liên quan đến sự mất tích của cháu Cù Nguyên Công, Nguyệt đã liên tục có hành vi chống đối, khi biết không thể chối cãi được mới mặc cả “nương tay giúp em, hết bao nhiêu để em lo liệu”.

Hiện Công an Hà Nội đã lập biên bản, niêm phong ngôi mộ được cho là mộ bé Cù Nguyên Công để tiến hành khai quật, giám định ADN, nhằm xác thực cái chết của bé.

Để phục vụ quá trình điều tra, hai cháu bé là “con nuôi” của Nguyệt, tạm thời được gửi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 (Hà Nội).

Nhóm PV/Báo Phụ Nữ TPHCM 
(*) Tiêu đề đã được Zing.vn đặt lại

Theo tin tức đã đưa, ngày 4/8, Công an TP.Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, là người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề) cùng Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, ngụ tỉnh Ninh Bình) để điều tra về hành vi mua bán trẻ em.

Sau khi cơ quan điều tra công khai việc khởi tố vụ án, sáng 6/8, UBND quận Long Biên đã thành lập đoàn thành tra để than, kiểm tra hoạt động nhận, nuôi trẻ em của Chùa Bồ Đề. Ngay trong sáng qua, đoàn đã hoàn tất các thủ tục, bắt đầu thanh kiểm tra trực tiếp tại chùa.

Trước đó, UBND quận Long Biên đã quyết định thành lập 2 đoàn thanh tra, trong đó có Hội Phụ nữ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Hà Nội được mời cùng tham gia.

Khoảng 7h30 sáng nay, lực lượng thanh tra liên ngành đã có mặt để làm việc với chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội).

Đoàn thanh tra chia thành 5 tổ công tác để triển khai các nội dung liên quan đến các vấn đề như: thủ tục pháp lý, điều kiện cơ sở vật chất, kiểm tra các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Dự kiến việc thanh tra sẽ kéo dài trong 1 tuần.

Sau khi có kết quả điều tra, hai đoàn sẽ có những phương án, kiến nghị về đối sách với những cháu nhỏ mồ côi, lang thang cơ nhỡ tại chùa Bồ Đề hoặc giao cho các cơ quan chức năng quản lý.

Trong khi đó, tại thời điểm kiểm tra vào tháng 5, tại chùa Bồ Đề có 146 người (trong đó có 106 trẻ). Sở LĐTBXH Hà Nội đã có một số văn bản gửi UBND quận Long Biên đề nghị phối hợp với chính quyền địa phương, nhà chùa để lập danh sách phân loại trẻ để đưa vào các Trung tâm bảo trợ. Các Trung tâm bảo trợ xã hội của TP Hà Nội hoàn toàn có đủ khả năng tiếp nhận các trẻ đó.

Vào cuối năm 2013, ngôi chùa này cũng đã được các cơ quan chức năng thanh tra, vào thời điểm đó đoàn kiểm tra cũng từng đề xuất việc giao các trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề cho một đơn vị bảo trợ quản lý vì nhà chùa không đủ điều kiện nuôi giữ trẻ.

Gia Huy (tổng hợp)


 9 đứa trẻ mất tích tại chùa Bồ Đề đang ở đâu?

Những đứa trẻ kháu khỉnh như Tùng Anh, Duy Anh, Mai Anh, Vi Anh, Huy Anh, Việt Anh… đã biến mất khỏi chùa Bồ Đề trong khi sư thầy Đàm Lan khẳng định không hề cho nhận con nuôi.

Vài ngày sau khi bắt giữ 2 người liên quan đến vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề (Hà Nội), chiều 5/8, đại diện Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội cũng xác nhận, cơ quan điều tra đã tiếp nhận gần chục lá đơn phản ánh việc còn 9 cháu bé khác từng được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề nhưng nay đã "biến mất". Cơ quan này đang tiếp tục mở rộng vụ án, làm rõ các nội dung tố giác.

Từng làm thiện nguyện thời gian dài tại chùa Bồ Đề, khi thấy sự vắng mặt không lý do của nhiều trẻ mồ côi được nuôi ở đây, ngày 24/7, các anh, chị Nguyễn Bích Ngọc, Nguyễn Việt Linh, Nguyễn Thị Phương, Lý Thúy Quỳnh, Nguyễn Thị Mai Phương, Bùi Vân Khánh Linh đã làm đơn gửi báo Phụ nữ TP.HCM đề nghị điều tra vụ việc.

“Các cháu lớn rồi phải bay đi chứ!”

"Nhiều đứa trẻ xinh xắn, đẹp đẽ mà chúng tôi bế ẵm trong lòng từ khi còn nhỏ, sau một thời gian bỗng dưng 'biến mất' một cách khó hiểu", chị Ngọc chia sẻ.

Theo nhóm thiện nguyện, bé Tùng Anh (hay còn gọi là Khoai) chính là bé sơ sinh chưa rụng dây rốn được nhà chùa nhận nuôi cuối tháng 8/2007, đến đầu năm 2008 bỗng dưng "mất tích". Các cô chăm nuôi và sư cô cho biết, cháu được mẹ ruột đón về.

"Nếu là mẹ ruột đến đón thì khi giao cháu, có sự chứng kiến hay báo cáo cấp chính quyền, công an sở tại?", nhóm này thắc mắc và cho hay, tháng 8/2007 bé Việt Anh vào chùa cùng thời điểm Tùng Anh và Hùng Anh nhưng đến tháng 5/2010 bé này bỗng dưng không còn ở chùa.

“Khi tôi và các anh chị em khác hỏi thì được biết, Việt Anh được một gia đình ở gần chùa nhận nuôi. Trong khi đó, trả lời báo giới, sư bà khẳng định từ trước tới nay chỉ cho nhận nuôi duy nhất một trường hợp ở Ngô Thì Nhậm. Vậy cháu Việt Anh đã được cho ai nhận nuôi?”, chị Ngọc băn khoăn.

Bé Minh Anh vào chùa năm 2007 khi em gần một tuổi nhưng năm 2012 cậu bé không còn ở đây. "Nghe thông tin, Minh Anh được cô Cúc (người trực tiếp chăm sóc bé Minh Anh ở chùa) đưa về quê nuôi. Nhưng ngày 19/7/2014, sau nhiều bài báo nghi vấn viết về chùa, nhóm quyết tâm dò hỏi thì nhận được thông tin mẹ đẻ cháu đến đón cháu, đưa đi về tận Kiên Giang", nhóm này chia sẻ thêm.

Những em bé khác bị "biến mất", theo liệt kê của nhóm thiện nguyện gồm: bé Duy Anh, Bảo Anh, Mai Anh, Vi Anh, Huy Anh được nuôi dưỡng từ năm 2009. 

Giữa tháng 7 vừa qua, nhóm thiện nguyện quay lại chùa Bồ Đề gặp bà Nguyễn Thanh Hải (người chăm sóc trẻ từ năm 2007 tới nay) hỏi về sự mất tích này nhưng bà Hải chỉ trả lời qua loa và cho biết “chúng nó như chim, đã lớn rồi thì phải bay đi chứ”. Khi bị truy hỏi tiếp: “Ai đang nuôi dưỡng cháu hay mẹ ruột đến đón?”, người này ậm ừ: "Thì các cháu đi các nơi khác".

Cũng theo nhóm này, còn một số bé cũng "mất tích", dù họ không nhớ tên nhưng giữ được ảnh, có nhân chứng chứng minh được sự tồn tại của các cháu tại chùa Bồ Đề.

Gần đây, trước sức ép của dư luận sau khi một bảo mẫu tại chùa bị bắt vì liên quan đến vụ mua bán trẻ em, sư thầy Thích Đàm Lan khẳng định: “Chùa không hề cho - nhận con nuôi bất cứ trường hợp nào”. Trong khi đó, lãnh đạo phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) lại nói rằng: “Từ trước đến nay, chùa Bồ Đề chỉ cho con nuôi vài trường hợp...”.

Biến trẻ có mẹ thành trẻ bị bỏ rơi

Trước sự "biến mất" đáng ngờ của bé Cù Việt Anh, chị Ánh (quê Tam Nông, Phú Thọ) tự nhận là mẹ cháu bé đã gửi đơn về báo Phụ nữ TP HCM. Chị Ánh cho biết, sinh bé Việt Anh tại Bệnh viện E (Hà Nội) ngày 1/10/2007. Một mình nuôi con được khoảng 3 tháng, chị đành phải gửi cháu vào chùa một thời gian.

Sư Đàm Lan nhận con chị và giữ luôn giấy chứng sinh của cháu. Sau đó, trụ trì chùa tự đi khai sinh và lấy tên cháu là Việt Anh mà chị không biết. “Tôi hoàn toàn không biết con mình bị khai là trẻ bị bỏ rơi. Lúc nào tôi cũng hy vọng có thể sớm đón con về”, chị Ánh đau khổ nói.

Trả lời về trường hợp này, ni sư Đàm Lan cho biết đã cho bé Việt Anh làm con nuôi một gia đình giàu có ở Hà Nội. Gia đình này có hai con trai, họ bế bé Việt Anh về nuôi từ tháng 2/2009 nhưng tháng 9/2010 mới gửi đơn “xin nhận con nuôi” đến phường Bồ Đề. Hồ sơ cho - nhận con nuôi có bút tích của ni sư Đàm Lan tại nhiều văn bản như: giấy khai sinh, giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi...

Không chỉ thắc mắc về sự mất tích của nhiều trẻ, những người thường xuyên đến chùa làm thiện nguyện còn nêu nghi vấn khi hầu hết các cháu đều được đặt tên là "Anh", chỉ khác họ đệm. Hiện, trong chùa vẫn có Tùng Anh, Việt Anh nhưng không phải là những bé trước đây. Với cách đặt tên này, nếu ai không sang chùa thường xuyên, hoặc không chăm sóc các bé từ thời gian đầu (năm 2007, 2008) thì sẽ không thể phát hiện được sự biến mất này.

Số lượng chính xác trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại chùa cũng là vấn đề nhiều người thắc mắc. Theo báo cáo của UBND quận Long Biên, tháng 5/2013 có 121 trẻ được nuôi tại chùa (trong đó có 25 trẻ sơ sinh). Tổng số người được bảo trợ ở tại chùa từ ngày 6/5/2013 là 200 - kể cả người già.

Tuy nhiên, vài ngày sau khi con số này được công khai, chùa Bồ Đề cho hay chỉ nuôi dưỡng 192 người và không giải thích được lý do vắng mặt của 8 người. Mới đây nhất, tại biên bản cuộc họp ngày 17/7 với các ban, ngành chức năng địa phương, sư thầy Đàm Lan cho biết, số lượng hiện tại đang ở chùa là 106 trẻ, trong đó có 18 trẻ sơ sinh.

Nguyên Vũ (tổng hợp)

Nguồn: news.zing.vn, nguoiduatin.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.