Chuyên mục
Thảm sát 6 người tại Bình Phước: Cần phải ‘làm ầm ĩ’ chứ!
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Thảm sát 6 người tại Bình Phước: Cần phải ‘làm ầm ĩ’ chứ!

Thứ sáu 10/07/2015 15:07 GMT + 7
Kinh hoàng, hoang mang, bất an… Đó là những cảm giác đầu tiên có lẽ của bất cứ người nào khi hay tin vụ thảm sát sáu người trong một gia đình ở Bình Phước bằng cùng một phương thức tàn độc là cắt cổ. Thật đáng ngạc nhiên khi lại có ý kiến cho rằng đó là “chuyện không có gì ầm ĩ”.


Vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày gần đây - Ảnh: Hữu Thành

Sao không đáng ầm ĩ?

Thật vậy, với một vụ án mà đích thân Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trực tiếp chỉ đạo truy bắt hung thủ thì chắc chắn phải là một câu chuyện ầm ĩ rồi. Ở đây, vấn đề không phải là số lượng người chết mà phương thức gây án quá tàn bạo, hầu như chưa hề có tiền lệ trong suốt lịch sử các vụ trọng án ở nước ta. Chính vì sự bất an trong xã hội nên ngành công an mới huy động tới cả cấp cao nhất và cả lực lượng tinh nhuệ nhất để truy bắt các hung thủ.

Báo chí đương nhiên phải vào cuộc đưa tin như một sự tất yếu trong nghề nghiệp của mình. Tất nhiên là tùy góc cạnh khai thác, nhưng cũng không thể quy chụp rằng đa số là “tát nước theo mưa” hay “giật gân câu khách”. Có người sẽ mỉa mai là sự kiện này sẽ là một “mùa vụ” của báo chí, rằng các con “kền kền” truyền thông sẽ có thêm một “nguồn dinh dưỡng” từ sáu xác chết đáng thương này. Nhưng sao lại không nhìn thấy ở đó sự phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu của người dân? Bởi vì họ muốn biết rằng vụ án này là do ai gây ra, nguyên nhân vì sao và cách hạn chế nó như thế nào.

Không hẳn đó sẽ hoàn toàn là việc thỏa mãn óc tò mò thô thiển. Đó chính là nhu cầu tìm biết để trấn an nỗi hoang mang trong lòng. Bởi vì cũng như vụ án của kẻ thủ ác Lê Văn Luyện trước đây, người ta có tâm lý lo sợ rằng những tại họa ấy biết đâu một ngày nào đó có thể ập xuống đầu mình và gia đình khi trong xã hội đã bắt đầu lởn vởn xuất hiện nhiều con quỷ đội lốt người.

Sự vô hình của tội ác?

Theo Báo Thanh Niên, một điều tra viên của Bộ Công an nhận định rằng đây là một phương thức phạm tội mới mẻ, tàn độc, có khả năng xảy ra do các kẻ thủ ác bị ảnh hưởng của các bộ phim bạo lực hay các thủ đoạn của tổ chức IS gần đây.

Nhận định này hẳn cũng có cơ sở của nó. Lấy điển hình như vụ án giết người chặt đầu của tử tội Nguyễn Đức Nghĩa trước đây, kẻ thủ ác cũng khai rằng mình bị ảnh hưởng của các bộ phim kinh dị. Và còn rất nhiều vụ án hiếp dâm hay bạo hành tàn độc, các hung thủ thường “đổ thừa” cho phim ảnh, có lẽ là để nhẹ tội, nhưng phần nào đó là sự thật.

Cần biết rằng những “hạt giống” của cái thiện cũng như cái ác có thể gieo ở khắp nơi, và chỉ cần gặp được “mảnh đất” và những điều kiện thích hợp là nó có thể nảy mầm và phát triển. Nó có thể nằm ở đâu đó trong vô thức con người, đến khi có điều kiện, như các nhà tội phạm học đã phân tích, thì nó sẽ được chuyển từ ý thức sang hành động.

Chính vì vậy, triết gia người Pháp Jean Baudrillard đã từng viết về “sự vô hình của cái ác, như các bộ phim kinh dị, giờ đây bị quy giản bằng không, được cán mỏng và sao chép vào hàng triệu hình ảnh thờ ơ”. Không phải là không có lý khi người ta đã phê phán đạo diễn Oliver Stone với bộ phim Sinh ra để giết, hay gần đây trong nước, bộ phim chém giết vô nghĩa Bụi đời Chợ Lớn bị cấm phát hành.

Không dính gì đến xã hội?

Cần phải biết rằng các nhà xã hội học và tội phạm học khi lý giải về tội phạm đã chia ra làm hai trường phái, một là theo “thuyết định mệnh xã hội”, một theo thuyết “quyết định cá nhân”. Với các nhà triết học xã hội lớn như Karl Marx hoặc Durkheim, thì tình trạng phạm tội có liên quan đến các khía cạnh kinh tế, xã hội.

Đừng tưởng xã hội càng văn minh thì tội phạm lại giảm bớt đi mà ngược lại. Theo thống kê về tỉ lệ phạm tội tính trên đầu người thì những quốc gia càng phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật càng lớn, tính ra gấp nhiều lần so với những quốc gia chưa phát triển như nước ta. Và nếu tính về các phương thức phạm tội thì chắc chắn là có nhiều cách “tân kỳ”, tàn độc, “y như phim” (có vậy các đạo diễn mới có “cảm hứng” làm phim).

Đó là mặt trái của văn minh, như những thứ bệnh hoạn mà nhiều nhà xã hội học đã nêu ra và nhiều người ở các xứ sở phát triển phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Xã hội của chúng ta bắt đầu tiếp cận vào nền văn hóa, văn minh toàn cầu, cho nên bên cạnh sự du nhập, tiếp thu những điều tốt đẹp, tiến bộ, chắc chắn phải đi kèm với những điều tiêu cực, xấu ác của nền văn minh này như mộtđiều không tránh khỏi.

Điều cần thiết có lẽ là nên “làm ầm ĩ” để báo động, cảnh giác, để tìm ra nhân quả, để triệt tiêu hay hạn chế loại tội ác tàn độc vượt mức tưởng tượng này…

Đoàn Đạt
Nguồn: thanhnien.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.